Quan niệm sai lầm về hái lộc đầu năm không phải ai cũng biết

Thùy Dương

  –  

Thứ hai, 31/01/2022 08:17 (GMT+7)

Những năm gần đây, nhận thức của nhiều người về tục hái lộc đầu xuân đã sai lệch, biến tập tục này trở thành hủ tục. Theo các chuyên gia, việc hái lộc đầu năm không nhất thiết phải là bẻ cây tại các đền chùa.

Hái lộc đầu năm là một trong những việc làm quen thuộc của nhiều người dân dịp đầu năm. Ảnh: STHái lộc đầu năm là một trong những việc làm quen thuộc của nhiều người dân dịp đầu năm. Ảnh: ST

Với nhiều người, hái lộc đầu năm là việc hái cành lá sau đó mang về nhà để cầu mong cho những điều may mắn, tốt đẹp sẽ đến, xua đi những điều không may mắn trong năm cũ.

Những cây được chọn để hái lộc đầu năm thường là những loại cây quanh năm tươi tốt với ý nghĩa tượng trưng là mang chồi lộc, mang sự sinh sôi nảy nở về nhà. Lộc ở đây không chỉ là tài lộc, còn là may mắn bình an, của sinh trưởng dồi dào, tượng trưng cho những gì tươi mới được hình thành.

Không ít người cho rằng, nếu thành tâm xin một cành lộc nhỏ ở đền, chùa sẽ được thần Phật phù hộ, ban cho tài lộc và may mắn trong suốt cả năm. Chính vì vậy trong đêm giao thừa hoặc buổi sáng mùng 1, nhiều người thường đến chùa, nhà thờ, công viên, hoặc sân vườn nhà mình để hái chút cành lá về cắm trong nhà.

Những năm gần đây, hoạt động hái lộc đêm giao thừa hoặc vào những ngày đầu năm vẫn được đông đảo mọi người chờ đón. Tuy nhiên, vì số lượng người xin lộc quá đông dẫn đến tình trạng cây cối tại cái đền, chùa bị tàn phá nặng nề.

Một số người thậm chí có xu hướng bẻ, nhổ, chặt những cành cây từ to đến nhỏ ở các nơi thờ cúng, đền chùa linh thiêng với hy vọng đem được lộc về nhà. 

Những hành động tiêu cực này dẫn đến tình trạng các địa điểm hái lộc đầu năm trở nên “ngổn ngang”, cây cối trơ trọi, cành cây bị bẻ vứt khắp nơi, mất mỹ quan và phần nào làm phong tục hái lộc trở nên tiêu cực, biến tướng trong mắt mọi người.

Trao đổi với PV Lao Động về vấn đề này, TS Lê Xuân Phương – chuyên gia phong thuỷ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu doanh nhân và doanh nghiệp Đông Nam Á, cho rằng nhiều người nhìn nhận việc hái lộc đầu năm chưa đầy đủ:

“Lộc đầu xuân không nhất thiết phải đi hái lộc, mà là xin lộc của trời đất làm một vật thiêng cho một năm. Đến chùa người ta gọi là quân tử cầu hiền. Chẳng hạn như người Hà Nội đến chùa Bồ Đề. Bồ Đề là đất Phật. Người dân vào chùa cầu khấn, khi ra khỏi chùa thì xin trời đất.

Ví dụ như con trai thì đi 7 bước, khấn 5 lần “Nam mô A Di Đà Phật” cho con xin một vật thiêng để con làm vật thiêng cho cả năm. Sau đó họ cúi xuống nhặt bất kỳ một cái vật gì đất, đá, gạch, hay là lá cây hay là giấy tờ… rồi mang về làm vật may mắn.

Ví dụ nhặt được giấy tờ thì là được bổ nhiệm chức hay là được lên chức, nhặt được kim loại có thể sẽ mua được ôtô, tivi, tủ lạnh…

Tóm lại, những cái ấy thì người ta gọi là nhặt được vật thiêng, chứ không cần phải đi hái lộc. Đây là lộc trời cho, cho được cái gì thì mình đón được cái đấy. Tuy nhiên, đây là quan niệm dân gian, không thể khẳng định sẽ ứng nghiệm 100%”.

Còn theo TS Trần Hữu Sơn – Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, người Việt quan niệm vào thời khắc giao thừa, hoặc mùng 1 Tết, mọi người sẽ đi lễ cầu may cho năm mới và ai cũng muốn có lộc để đem về. Nhất là các chồi xanh tượng trưng cho sức sống, sự sinh sôi, tài lộc.

Tuy nhiên, sau mỗi đêm giao thừa, nhiều người lại đau xót chứng kiến cảnh cây cối tại các di tích tan hoang vì bị bẻ cành.

TS Trần Hữu Sơn cho rằng cần phải tuyên truyền và giáo dục cho lớp trẻ không bẻ lộc nữa, để gìn giữ phong tục truyền thống, vừa không làm ảnh hưởng đến cảnh quan.

Việc hái lộc có thể hiểu là người dân lên chùa thắp một nén hương xin lộc để cầu mong công danh, sự nghiệp hay sức khỏe cho năm mới. Hoặc các nhà chùa, ban quản lý khu di tích có thể chuẩn bị sẵn cành lộc để phát cho người dân đến lễ vào đầu ngày đầu năm mới. Việc này sẽ hạn chế tình trạng cây cối bị tàn phá vào đêm giao thừa.