Quần thể Đền Quan, đền Cấm
Đền Cấm nằm ở khu vực phía Bắc thành phố Lào Cai, có truyền thuyết gắn liền với công cuộc 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông, dưới sự chỉ huy của vua tôi nhà Trần và vai trò đặc biệt của Tướng quốc Trần Quốc Tuấn…Ngôi đền được xây dựng và tồn tại cách đây gần 200 năm nay gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam nói chung và đồng bào các dân tộc Lào Cai nói riêng. Ngôi đền có truyền thuyết gắn liền với công cuộc 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông dưới sự chỉ huy của vua tôi nhà Trần đó là vị tướng quốc Trần Quốc Tuấn – người được phong hiệu “Vạn cổ anh linh Thượng đẳng phúc thần”. Tương truyền rằng, năm 1257 Trần Quốc Tuấn hành quân lên biên giới chỉ huy quân phòng thủ chống quân xâm lược Mông Cổ (Thế kỷ XIII) có rất nhiều tướng lĩnh đã ngã xuống vùng đất nơi biên cương này. Đền Cấm được xây dựng để tưởng nhớ 5 binh sĩ nhà Trần (không rõ tên tuổi). Hồi đó khu vực ga (Phố Mới ngày nay) là một cánh rừng nguyên sinh rậm rạp, trong một lần thị sát và chỉ huy phòng thủ biên giới (khoảng năm 1257), tướng Trần Quốc Tuấn đã chọn địa điểm ngôi Đền Cấm bây giờ làm trạm quân y tuyến 2 trong phòng thủ biên giới. Sau đó trong các trận chiến đấu, thương binh được đưa về chữa trị dưới cánh rừng này, người dân bản địa lúc đó là người Việt, người Tày và người Giáy cũng đưa người ốm đau vào nhờ quân y chăm sóc giúp. Rồi có chuyện ly kỳ xảy ra đó là: đêm đêm có một thiếu nữ mặc váy áo màu xanh đến chữa thuốc cho mọi người, thiếu nữ chữa rất giỏi, ai được dùng thuốc đều khỏe mạnh, nhưng thầy thuốc thần kỳ chỉ xuất hiện vào ban đêm còn ban ngày không thấy xuất hiện. Tìm hiểu bản xứ, người dân cho biết không có con cái nhà ai như vậy, sau đó người dân và quan binh đều tin rằng đó là hiển linh của Thánh Mẫu thượng ngàn giúp quan quân và nhân dân giữ nước. Ngay dưới Phương Đình bên cây mít cổ thụ này là 5 ngôi mộ của những quan binh đã xả thân vì nghĩa lớn.