Quần thể di sản thế giới Tràng An, Khu du lịch quốc gia Tam Chúc: Phát triển bền vững với các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo

Thứ Hai 13/02/2023 | 11:05 GMT+7

VHO- Với những điều kiện sẵn có, Quần thể di sản thế giới Tràng An và Khu du lịch quốc gia Tam Chúc đang phát triển chuyên nghiệp, hiện đại, bền vững, hội nhập quốc tế và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng với các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, có thương hiệu, sức cạnh tranh cao gắn với phát huy giá trị của nền văn minh Sông Hồng. Đây là định hướng phát triển đúng đắn, bám sát Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23.11.2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Danh thắng Tràng An, Ninh Bình là điểm đến được du khách trong và ngoài nước yêu thích lựa chọn

Tại Ninh Bình: Danh thắng Tràng An là khu du lịch sinh thái nằm trong Quần thể di sản thế giới Tràng An, là một điểm du lịch nổi bật không những ở Việt Nam mà còn ở khu vực Đông Nam Á và thế giới. Nơi đây đã được Chính phủ Việt Nam xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng và UNESCO công nhận là di sản thế giới kép từ năm 2014. Nằm cách thủ đô Hà Nội gần 100 km về phía Nam và cách trung tâm thành phố Ninh Bình 7km theo hướng tây dọc đại lộ Tràng An. Quần thể danh thắng Tràng An trải rộng hơn 2.000 ha, bao gồm khu du lịch sinh thái Tràng An ở vị trí trung tâm, khu du lịch Tam Cốc – Bích Động ở vị trí phía bắc cách 8km, cố đô Hoa Lư ở vị trí phía nam cách 3km..Liên kết giữa các khu du lịch này là khu rừng đặc dụng và những thung lũng, sông ngòi uốn lượn, hòa quyện vào nhau. Khác biệt với sự nhộn nhịp của chốn thị thành hay sự đông vui nơi miền biển, Tràng An nép mình lại trong vẻ đẹp nhẹ nhàng cùng núi non xanh biếc. Vẻ đẹp thiên nhiên tĩnh lặng, trầm mặc cùng thời gian đã khiến nhiều người đến Tràng An, một lần đến sẽ muốn đến thêm một lần.

Trung tâm Hội nghị Quốc tế Bái Đính, Ninh Bình nơi tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước 1972)

Tại Quyết định số 63/QĐ-TTg ngày 8.2.2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040 nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch, phát triển đô thị Ninh Bình thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái văn hóa cấp vùng đồng bằng sông Hồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị danh thắng Tràng An. Trong đó nhấn mạnh điều chỉnh định hướng quy hoạch Quần thể danh thắng Tràng An theo hướng ưu tiên bảo tồn, phát huy giá trị vùng lõi di sản đồng thời thực hiện song song các mục tiêu phát triển du lịch và ổn định an sinh xã hội khu vực; khai thác phát triển khu vực vùng đệm, khu vực nông thôn xung quanh vùng lõi Quần thể danh thắng Tràng An để phát triển dịch vụ du lịch, công viên chuyên đề, nông nghiệp công nghệ cao.

“Lễ hội rước nước” điểm nhấn của hội Xuân Tam Chúc năm Quý Mão 2023 là nghi thức truyền thống thể hiện lòng thành kính, ước muốn mong cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu của cư dân nông nghiệp, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống, gắn kết cộng đồng, thu hút du lịch

Tại Hà Nam: Khu du lịch quốc gia Tam Chúc nằm tại thị trấn Ba Sao và 3 thôn của xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, Khu Du lịch (KDL) quốc gia Tam Chúc với tổng diện tích 5.000ha có cảnh quan và địa thế độc đáo, ẩn mình trong quần thể núi đá vôi, với phong cảnh nước non hữu tình, nơi đây được ví như chốn bồng lai tiên cảnh. Với vị trí thuận lợi trong việc kết nối các khu, điểm du lịch nổi tiếng chùa Hương (Hà Nội), Tam Cốc Bích Động, Tràng An, Bái Đính, Cúc Phương (Ninh Bình), Khu du lịch chùa Tiên (Hòa Bình), tạo thành một quần thể các khu du lịch sinh thái vùng ngập nước và góp phần hình thành nên tuyến du lịch tâm linh lớn nhất Việt Nam.

Tam Chúc là vùng đất địa linh bởi địa thế lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra hồ. Hồ có diện tích mặt nước rộng 600ha là một trong những hồ nước tự nhiên rộng nhất cả nước và là nơi trú ngụ của hàng chục loài động vật hoang dã. Cảnh quan thiên nhiên hoang sơ kỳ vĩ, ba mặt được bao bọc bằng dãy núi đá hình tay ngai, dưới mặt hồ có sáu ngọn núi đá vôi nổi lên mặt nước. Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý phê duyệt cho tỉnh Hà Nam và Doanh nghiệp Xuân Trường đầu tư phục dựng ngôi chùa Tam Chúc (chùa Ba Sao). Chùa được xây trên trục thần đạo gồm chùa Ngọc, điện Quan Âm, điện Pháp Chủ, điện Tam Thế, cổng Tam Quan, Trung tâm hội nghị quốc tế.

Hàng năm, vào ngày 12 tháng Giêng, Lễ hội chùa Tam Chúc được tổ chức để cầu nguyện quốc thái dân an. Lễ hội tổ chức với các nghi lễ niệm Phật cầu gia hộ, nghi lễ thỉnh chuông, đánh trống khai hội, lễ dâng hương cầu quốc thái dân an, lễ rước nước ở hồ Tam Chúc, rước chuông bình an, rước nước lên chùa Ngọc và tổ chức tiệc chay.

Khu du lịch Tam Chúc cũng là nơi tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2019 với sự tham gia của 1.500 chức sắc và lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật giáo, các nhà nghiên cứu… đến từ hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới cùng khoảng 10.000 phật tử, người dân Việt Nam.

 Hàng nghìn phật tử, người dân và du khách về tham dự Hội Xuân Tam Chúc 2023 

Ngày 12.2, tại Quảng Ninh, Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW nhằm góp phần quan trọng tạo sự thống nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị và đổi mới tư duy của các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng Đồng bằng Sông Hồng, từ đó tạo sự thống nhất trong hành động, thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết số 30-NQ/TW.

Theo đó, vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương( Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình) chiếm 6,42% diện tích cả nước với khoảng 21.278 km. Đây là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo; là cửa ngõ phía bắc của đất nước và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc – thị trường rộng lớn nhất thế giới; là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế.

Đồng bằng sông Hồng là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc với nền Văn hóa sông Hồng, văn minh lúa nước; có 3 Di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới, 5 Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, 52 Di tích quốc gia đặc biệt, 77 Bảo vật quốc gia, gần 2.000 Di tích quốc gia…Vùng có nguồn nhân lực dồi dào với dân số 23,22 triệu người (chiếm 23,65% dân số cả nước); là Trung tâm hàng đầu cả nước về y tế, giáo dục – đào tạo; đội ngũ trí thức giỏi và lực lượng lao động có chất lượng cao…

Chương trình hành động đã thể hiện rõ định hướng chỉ đạo của Chính phủ theo tinh thần đồng hành cùng các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng Sông Hồng; xác định rõ vai trò, nhiệm vụ chủ yếu để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trong vùng đảm bảo xây dựng và phát triển hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Đồng thời, đưa ra nhiều điểm mới, có tính đột phá trong phát triển của vùng nhất là về định hướng phát triển, mục tiêu cụ thể, giải pháp rõ ràng, nhiệm vụ cụ thể; gắn với một số chủ trương lớn về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, văn hóa, khoa học công nghệ, chuyển đổi số gắn với đổi mới sáng tạo và xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng, đây cũng là cơ hội cho vùng Đồng bằng Sông Hồng phát triển trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045…

Khu du lịch quốc gia Tam Chúc là nơi để Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức các sự kiện Phật giáo mang tầm quốc tế như Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 với sự tham gia của 1.500 chức sắc và lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật giáo, các nhà nghiên cứu… 

Với những điều kiện sẵn có, Quần thể di sản thế giới Tràng An và Khu du lịch quốc gia Tam Chúc đang phát triển chuyên nghiệp, hiện đại, bền vững, hội nhập quốc tế và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng với các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, có thương hiệu, sức cạnh tranh cao gắn với phát huy giá trị của nền văn minh Sông Hồng. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch; gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, không gian kiến trúc văn hóa truyền thống tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Là địa điểm để Giáo hội Phật giáo VN tổ chức các sự kiện tầm quốc tế.  Đây là định hướng phát triển đúng đắn, bám sát Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23.11.2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

TRẦN HUẤN