Quảng Ngãi: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa
25/11/2020 | 10:58
Di sản văn hóa (DSVH) là những giá trị cốt lõi được tạo dựng, lưu giữ và trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác; là nguồn lực, sản nghiệp văn hóa của mỗi dân tộc. Ở Quảng Ngãi, trong những năm qua, hoạt động bảo tồn, phát huy DSVH được các cấp, ngành quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực.
Các nghệ nhân biểu diễn nghệ thuật bài chòi.
Đa dạng và độc đáo
Quảng Ngãi là tỉnh có bề dày về lịch sử văn hóa và truyền thống cách mạng. Đất và người Quảng Ngãi gắn liền với sông, suối, núi rừng và biển cả bao la. Với tiềm năng ấy, tỉnh ta có những giá trị DSVH đa dạng và độc đáo mà không phải địa phương nào ở dải đất miền Trung này cũng có được. Toàn tỉnh hiện có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 31 di tích cấp quốc gia, 108 di tích cấp tỉnh và nhiều di tích được công nhận có giá trị cấp tỉnh có quyết định bảo vệ.
Quảng Ngãi là vùng đất có nền văn hoá lâu đời như: Văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa. Trên địa bàn tỉnh còn có nhiều di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh và nhiều bãi biển đẹp. Vùng biển, đảo của tỉnh được ví là “mảnh đất vàng” về di sản. Riêng tại đảo Lý Sơn, với diện tích chưa đầy 10km2, nhưng có đến 50 di tích lịch sử, văn hóa độc đáo, nhiều thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp.
Hiện nay, tại các làng quê còn lưu giữ nhiều loại hình lễ hội cổ truyền, tiêu biểu như Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa; Lễ hội Điện Trường Bà, lễ tế đình, lễ tế cá Ông và hát bả trạo, lễ cầu ngư hát sắc bùa… Ở các huyện miền núi, các dân tộc Cor, CaDong, Hrê vẫn còn giữ được lễ ngã rạ, lễ mừng lúa mới, múa chiêng, hát kalêu, kachoi, ra nghế, xà ru, a giới… Tỉnh ta hiện có 5 DSVH phi vật thể quốc gia: Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa; Lễ hội Điện Trường Bà; nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Hrê (Ba Tơ); nghệ thuật cồng chiêng của dân tộc Cor huyện Trà Bồng, Lễ hội đua thuyền tứ Linh Lý Sơn. Ngoài ra, Quảng Ngãi có 2 bảo vật quốc gia là Tượng Chămpa Phú Hưng (thế kỷ 9 – 10) và bộ sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh (văn hóa Sa Huỳnh) đang được trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
“Quảng Ngãi là vùng đất với nền văn hoá lâu đời. Đây cũng là vùng đất giàu di sản văn hóa Chămpa, có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng, nhiều lễ hội cổ truyền đặc trưng… Tỉnh đã thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, tuy vậy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đối với các giá trị di sản liên quan đến biển, đảo Lý Sơn, văn hóa Sa Huỳnh, công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh cần có giải pháp bảo tồn và phát huy tốt hơn trong thời gian tới” – Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, GS.TS LƯU TRẦN TIÊU.
Bảo tồn và phát huy giá trị
Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Ngãi Nguyễn Minh Trí cho biết: Thời gian qua, tỉnh ta đã tập trung thực hiện nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi và nghị quyết phát triển dịch vụ – du lịch. Nhờ đó, các giá trị DSVH được giữ gìn và phát huy. Nhiều DSVH vật thể, phi vật thể, di sản tự nhiên còn nguyên giá trị, được các nhà nghiên cứu văn hóa trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Nhiều năm qua, Sở VHTTDL đã nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật bài chòi. Toàn tỉnh hiện có 5 câu lạc bộ, đội nhóm tuyên truyền, tổ chức các lớp truyền dạy, giới thiệu, quảng bá bài chòi. Nghệ nhân ưu tú Võ Duy Khánh, ở xã Phổ Cường (TX.Ðức Phổ) chia sẻ: “Để nghệ thuật dân ca bài chòi không bị lãng quên, mai một, chúng tôi đã nỗ lực cùng chính quyền địa phương xây dựng câu lạc bộ, tổ chức truyền dạy để thế hệ trẻ yêu thích và nâng cao ý thức giữ gìn loại hình bộ môn nghệ thuật độc đáo mà cha ông để lại”.
Trung tâm Phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng tại TP.Quảng Ngãi cũng đã đi vào hoạt động, trưng bày nhiều hiện vật có giá trị liên quan đến các tàu cổ đắm.
Theo ông Nguyễn Minh Trí, trong thời gian tới, ngành triển khai thực hiện công tác bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH gắn với phát triển du lịch, nhằm góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tập trung phát triển du lịch sinh thái biển, đảo; thực hiện đề án bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số, bảo tồn và phát huy di sản bài chòi…
Trùng tu, tôn tạo, xây dựng bia, bảng nhiều di tích
Từ năm 2019 đến nay, UBND tỉnh đã bố trí kinh phí để trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp một số di tích như: Di tích Thảm sát Khánh Giang – Trường Lệ, Chiến thắng Ba Gia, Âm Linh Tự (Lý Sơn), Mộ và Nhà thờ Phan Long Bằng, Đền Văn Thánh… Riêng UBND các huyện, thị xã, thành phố đã đầu tư hơn 17 tỷ đồng để tôn tạo, bảo vệ các di tích tại địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã có 88/108 di tích cấp tỉnh được ngành văn hóa xây dựng bia, bảng và có 50 di tích có bảng nội quy bảo vệ.