Quảng Ngãi: Để giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS mãi được lưu truyền

Các nghệ nhân người Hrê huyện Trà Bồng biểu diễn tiết mục đấu chiêngCác nghệ nhân người Hrê huyện Trà Bồng biểu diễn tiết mục đấu chiêng

Nhiều năm nay, các sự kiện, lễ hội, liên hoan văn nghệ, dân ca, dân nhạc, dân vũ, cồng chiêng; các lớp truyền dạy cồng chiêng và dân ca truyền thống dân tộc Co cũng như các hoạt động hỗ trợ trang phục, cườm, chiêng… cho các xã trên địa bàn huyện Trà Bồng được tổ chức, duy trì thường xuyên, nhằm góp phần bảo tồn, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đặc biệt, Huyện ủy Trà Bồng đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 02 về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa các DTTS huyện Trà Bồng giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục ý thức tự giác của người dân trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa gắn với quảng bá văn hóa của dân tộc mình.

Nhờ đó, hiện nay, trên địa bàn huyện Trà Bồng còn lưu giữ hàng nghìn bộ cồng chiêng và nhiều loại nhạc cụ truyền thống. Mỗi xã, thị trấn đều xây dựng một đội văn nghệ, trong đó các nghệ nhân giữ vai trò nòng cốt. Để xây dựng lực lượng kế tục nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đồng bào Co trong tương lai, huyện Trà Bồng luôn chú trọng tổ chức các lớp truyền dạy nghề và sử dụng nhạc cụ truyền thống.

Các nghệ nhân biểu diễn nhạc cụ truyền thốngCác nghệ nhân biểu diễn nhạc cụ truyền thống

Cụ thể, hằng năm, huyện mời những nghệ nhân có kinh nghiệm truyền dạy lại cho con cháu những kỹ năng, kỹ thuật đánh chiêng, chế tác và chơi các nhạc cụ truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ…

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hồ Văn Thịnh, Huyện rất quan tâm đến việc phát huy vai trò các già làng, nghệ nhân trong việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Họ được xem là “báu vật sống” trực tiếp tham gia sáng tạo, lưu giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể từ thế hệ này sang thế hệ khác…

Tại huyện miền núi Sơn Tây, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào Ca Dong (một nhánh dân tộc Xơ Đăng) luôn được chú trọng. Huyện đã chọn một số làng để bảo tồn mô hình điểm nhà sàn truyền thống; đồng thời sưu tầm, lưu giữ, truyền dạy cho lớp trẻ các làn điệu dân ca của đồng bào Ca Dong như Xà ru, Ka lêu, Ta choi, A giới, Ra nghế, kể Hmon… Đây là các làn điệu tiêu biểu, luôn được thực hành trong cộng đồng vào dịp Tết, lễ hội và dàn dựng, biểu diễn trong các sự kiện văn hóa văn nghệ.

Ngoài ra, huyện Sơn Tây còn chú trọng bảo tồn các nhạc cụ truyền thống như đàn Brook, Brau, Brook Tru, Ra ngói, cồng chiêng. Đến nay, huyện có hơn 120 bộ chiêng Kần, 166 bộ chiêng Lênh, 40 đàn Brook, Brau, Brook tru, đàn Ra ngói… được bảo tồn tại các hộ gia đình.

Đồng bào dân tộc Hrê ở huyện Sơn Hà cũng đang sở hữu rất nhiều loại nhạc cụ mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống như: Cồng chiêng 3, ra ngói, đàn ba rót, đàn ka rầu, chinh ka vong, tà vỗ, chinh ka la… Đa số các loại nhạc cụ này đều được chính người dân tự chế tạo ra từ cây tre, một loại vật liệu đặc trưng gắn liền với đời sống của người Hrê. 

Riêng nhạc cụ tà vỗ, được nhào nặn từ đất dẻo rồi phơi khô, sau đó đục một lỗ tròn nhỏ ở giữa nhạc cụ để khi thổi tạo ra âm thanh, nhạc điệu. Nhận thấy nét độc đáo trên, nhiều người mê đồ cổ từ các nơi khác đã tìm đến hỏi mua, nhưng người dân vẫn quyết tâm gìn giữ để truyền dạy lại cho thế hệ sau.

Thổ cẩm luôn là niềm tự hào của đồng bào DTTS, nên được gìn giữ và truyền dạy qua nhiều thế hệ Thổ cẩm luôn là niềm tự hào của đồng bào DTTS, nên được gìn giữ và truyền dạy qua nhiều thế hệ

Tuy nhiên, hiện nay công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn một số mặt hạn chế như: Việc duy trì, bảo tồn nghề truyền thống hiện đang gặp nhiều khó khăn, sản phẩm đơn điệu, chưa có định hướng giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển nghề truyền thống; một số nghề truyền thống không tìm được nguyên liệu để phục hồi và không còn phù hợp với cơ chế thị trường như, nghề rèn luyện sắt, dệt vải của người Ca Dong, nghề đan chiếu cói, nón đi mưa của dân tộc Co. Các địa phương chưa thực hiện việc hỗ trợ đối với nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân ưu tú có hoàn cảnh khó khăn…

Hy vọng rằng, với những nội dung, nhiệm vụ cụ thể được đề cập tại Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, sẽ giải quyết được những vấn đề tồn tại, hạn chế, để giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS mãi được lưu truyền.