Quảng Ngãi: Đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh


Tỉnh Quảng Ngãi đón nhận Bằng di tích đặc biệt cấp quốc gia Văn hóa Sa Huỳnh. Ảnh: Văn Tánh

Năm 1909, nhà khảo cổ học người Pháp M.Vinet phát hiện các hiện vật của Văn hóa Sa Huỳnh từ khu mộ chum ở vùng đất Sa Huỳnh thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Qua các đợt khai quật, các nhà khảo cổ đã liên tục phát hiện dấu vết của một nền văn hóa thời tiền sử và tìm thấy khoảng 500 mộ chum có chứa nhiều loại đồ tùy táng phân bố dọc các tỉnh duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Trong đó, Quảng Ngãi được xem là cái nôi của Văn hóa Sa Huỳnh với 26 di tích được khai quật trong số hơn 80 địa điểm được phát hiện và nghiên cứu.

Trong hơn một thế kỷ qua, các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam cùng tỉnh Quảng Ngãi đã không ngừng nỗ lực trong phát hiện, khai quật, phục dựng, nghiên cứu và được Thủ tướng Chính phủ ký công nhận xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh. Di tích có 6 địa điểm gồm: Gò Ma Vương, Phú Khương, Thạnh Đức, Quần thể di tích Champa, Đầm An Khê và Lạch An Khê, sông Cửa Lỗ.


Mộ chum, bộ sưu tập quan tài gốm Văn hóa Sa Huỳnh. Ảnh: Văn Tánh


Đầm An Khê, một bộ phận hữu cơ của hệ sinh thái Sa Huỳnh. Ảnh: Văn Tánh

Di tích Văn hóa Sa Huỳnh được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt là niềm vinh dự lớn và cũng là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ngãi trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị đặc biệt của di tích, nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về những giá trị của di tích, thu hút khách tham quan du lịch, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Tỉnh Quảng Ngãi cũng kêu gọi, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ngãi chung sức, đồng lòng gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích Văn hóa Sa Huỳnh để di tích này mãi mãi là niềm tự hào, là tài nguyên quý báu của nhân dân tỉnh Quảng Ngãi.

Văn Tánh