Quảng Ngãi đón bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh

Đọc diễn văn tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn nhấn mạnh, Quảng Ngãi luôn tự hào là nơi đầu tiên phát hiện ra Văn hóa Sa Huỳnh, nơi có địa danh mà nền văn hóa mang tên, cũng là trung tâm của Văn hóa Sa Huỳnh, một trong 3 nền văn hóa cổ phát triển rực rỡ trên đất nước Việt Nam trong thế giao thoa, tương tác với Văn hóa Đông Sơn ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và Văn hóa Óc Eo ở vùng Đông Nam Bộ.

Hơn một thế kỷ qua, các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam dành nhiều tâm huyết, sức lực để tìm tòi, nghiên cứu và giải mã một nền văn hóa phát triển rực rỡ, hết sức kỳ bí này.

Từ khi phát hiện đến nay, các cơ quan nghiên cứu của Việt Nam, trong đó có tỉnh Quảng Ngãi không ngừng nỗ lực phát hiện, khai quật, phục dựng, nghiên cứu về Văn hóa Sa Huỳnh, đã phát hiện được hàng trăm di tích Văn hóa Sa Huỳnh từ các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận, Đồng Nai, từ các cồn cát ven biển đến hải đảo Lý Sơn, lên vùng Trường Sơn hiểm trở.

Quảng Ngãi đón bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh ảnh 1

“Có thể nói, Quảng Ngãi là “cái nôi” của Văn hóa Sa Huỳnh với hàng loạt di tích tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh đã được nghiên cứu như: Long Thạnh, Bình Châu, Gò Văng, Núi Sứa, Gò Quách, Gò Quê, Tịnh Thọ, Xuân Phổ, Gò Kim, Xóm Ốc, Suối Chình… Nói đến Văn hóa Sa Huỳnh, người ta nghĩ đến những khu mộ chum rộng lớn với các chum gốm to, nhỏ, cao được dùng để lưu giữ phần xác của con người khi về thế giới bên kia, là nói đến những đồ trang sức bằng thủy tinh, bằng mã não rất độc đáo; những khuyên tai hai đầu thú, hạt cườm, những bình gốm con tiện, bát đồng, chậu, vò. Những đồ gốm này đều được trang trí hoa văn đẹp và tinh xảo”, đồng chí Trần Hoàng Tuấn chia sẻ và cho biết thêm, gắn liền với Văn hóa Sa Huỳnh còn có đầm An Khê và lạch An Khê. Đây là đầm nước ngọt lớn nhất Quảng Ngãi, nằm ở vùng ven biển thuộc xã Phổ Khánh và phường Phổ Thạnh, một di sản thiên nhiên, một đầm nước ngọt đặc biệt có giá trị và là một bộ phận hữu cơ của hệ sinh thái Sa Huỳnh, mang lại những điều kiện cần thiết cho cuộc sống của cư dân bản địa, góp phần hình thành và phát triển nền Văn hóa Sa Huỳnh cổ.

Với những giá trị lịch sử đặc biệt của Văn hóa Sa Huỳnh, ngày 29/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

Quảng Ngãi đón bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh ảnh 2

Di tích gồm 6 địa điểm được khoanh vùng bảo vệ. Đó là: Địa điểm Long Thạnh hay còn gọi là Gò Ma Vương, thôn Long Thạnh 2 (phường Phổ Thạnh); địa điểm Phú Khương, thôn Phú Long (xã Phổ Khánh); địa điểm Thạnh Đức, thôn Thạnh Đức 2 (phường Phổ Thạnh), là nơi M.Vinet phát hiện đầu tiên khu mộ chum vào năm 1909, đánh dấu mốc năm phát hiện đầu tiên Văn hóa Sa Huỳnh trên đất nước ta; quần thể di tích Champa; địa điểm đầm An Khê và lạch An Khê – sông Cửa Lỗ.

Các điểm di tích trên tạo nên một không gian sinh tồn, sinh thái nhân văn của cư dân cổ Sa Huỳnh, tiếp nối là cư dân Chăm-pa và sau này là Đại Việt, đã để lại rất nhiều di vật trên mặt đất trong dưới lòng đất. Đây là một không gian lịch sử, sinh thái, văn hóa nhân văn quý hiếm, rất có giá trị cần được bảo vệ.

Đồng chí Trần Hoàng Tuấn bày tỏ, việc Thủ tướng Chính phủ công nhận di tích Văn hóa Sa Huỳnh là di tích quốc gia đặc biệt, là niềm vinh dự lớn và cũng là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị đặc biệt của di tích.

Quảng Ngãi đón bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh ảnh 3

Để tuyên truyền, quảng bá giá trị của di tích, thu hút khách tham quan du lịch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian tới, đồng chí kêu gọi các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh hãy chung sức, đồng lòng gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích Văn hóa Sa Huỳnh, để di tích này mãi mãi là niềm tự hào, là tài nguyên quý báu của Quảng Ngãi.

Đồng chí đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân thị xã Đức Phổ sớm có kế hoạch, giải pháp huy động các nguồn lực, nhất là sự tham gia đông đảo của người dân trong vùng di tích để phục dựng truyền thống văn hóa tốt đẹp, các làng nghề truyền thống của người Sa Huỳnh; tiếp tục sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, kết hợp với phát triển du lịch và từng bước đạt các tiêu chí để xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh Văn hóa Sa Huỳnh là di sản văn hóa thế giới.