Quảng Trị: Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Lễ hội “Mừng lúa mới” của đồng bào dân tộc Vân Kiều tại thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng được phục dựng thu hút sự tham gia của du khách gần xa - Ảnh: T.TLễ hội “Mừng lúa mới” của đồng bào dân tộc Vân Kiều tại thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng được phục dựng thu hút sự tham gia của du khách gần xa – Ảnh: T.T

Nhiều năm nay, khách du lịch gần xa thường xuyên tìm đến thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa như một địa điểm vui chơi đầy lý thú, tận hưởng bầu không khí trong lành, được hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ và tìm hiểu truyền thống văn hóa đặc sắc của người bản địa.

Tại đây, truyền thống văn hóa đặc sắc của đồng bào Bru Vân Kiều được lưu giữ và phát huy, đáng chú ý là hệ thống nhà sàn, văn hóa ẩm thực, nghề truyền thống cùng các lễ hội, phong tục đặc sắc như cồng chiêng, hát dân ca, thưởng thức các làn điệu dân ca như Oát, Tà Oải, Cha Chấp, Ka Lơi, A Dên… và các nghề truyền thống như đan lát, chế tác nhạc cụ truyền thống.

Tháng 4/2022, UBND huyện Hướng Hóa cũng đã phối hợp với Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam (MCNV) tại Quảng Trị khai trương tour du lịch sinh thái khám phá rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh. Đây là tour kết hợp tìm hiểu đời sống người dân tộc thiểu số Bru Vân Kiều bản địa, qua đó vừa phát huy được bản sắc văn hóa của các dân tộc vừa kết hợp phát triển du lịch.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số Bru Vân Kiều, Pa Kô làm điều kiện cốt lõi để xây dựng môi trường du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, góp phần thúc đẩy ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là mục tiêu của huyện Hướng Hóa trong những năm gần đây.

Du khách tham quan gian hàng nông sản của bà con Bru Vân Kiều tại điểm du lịch Chênh Vênh (huyện Hướng Hóa). Đây là một trong những tour du lịch mới đưa vào khai thác từ tháng 4. Ảnh: Hoàng TáoDu khách tham quan gian hàng nông sản của bà con Bru Vân Kiều tại điểm du lịch Chênh Vênh (huyện Hướng Hóa). Đây là một trong những tour du lịch mới đưa vào khai thác từ tháng 4. Ảnh: Hoàng Táo

Theo đó, địa phương đã tổ chức thành công việc phục dựng lễ hội “Mừng lúa mới” của đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều tại thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, tổ chức 4 lớp truyền dạy di sản (múa cồng chiêng, sử dụng các nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số) với 291 học viên đại diện 97 thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và thôn đặc biệt khó khăn của huyện.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Phạm Trọng Hổ cho biết: “Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Bru Vân Kiều, Pa Kô gắn với việc ngăn chặn, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, đồng thời phát triển văn hóa, xây dựng con người mới, nếp sống mới, góp phần tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện Hướng Hóa.

Từ đó góp phần phát triển du lịch, thúc đẩy quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân”.

Tại huyện Đakrông, địa phương đã nỗ lực bảo tồn một số mô hình thôn, bản truyền thống như: nhà dài truyền thống của đồng bào dân tộc Pa Kô ở xã A Ngo, xã Tà Rụt, bảo tồn 16 nhà ở dân gian theo kiến trúc truyền thống của đồng bào Bru Vân Kiều tại thôn Klu, xã Đakrông.

Hỗ trợ xây dựng và quảng bá thương hiệu một số sản phẩm ẩm thực đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số Bru Vân Kiều, Pa Kô như: cơm lam, cơm nếp cẩm, cháo đoác, thịt dê, cá mát ở suối tự nhiên, gà bản…

Khu danh thắng Đakrông là điểm đến hấp dẫn du khách ở Quảng TrịKhu danh thắng Đakrông là điểm đến hấp dẫn du khách ở Quảng Trị

Xây dựng thương hiệu một số sản phẩm ngành nghề thủ công truyền thống như nghề dệt thổ cẩm ở thôn Klu-xã Đakrông, thôn A Ròng Dưới-xã A Ngo, thôn Cu Tài-xã A Bung, nghề đan lát đồ gia dụng và đồ dùng bằng các nguyên liệu bản địa ở xã Tà Long, nghề làm chổi đót ở thôn Cu Pua-xã Đakrông để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Thường xuyên duy trì hoạt động đội văn nghệ quần chúng, đội cồng chiêng các xã A Ngo, xã Tà Rụt, xã Đakrông.

Để thúc đẩy du lịch gắn với bảo tồn và phát triển bền vững văn hóa truyền thống tại địa phương, trong thời gian tới cần có sự đầu tư hơn nữa về nguồn lực để bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Kêu gọi đầu tư, thúc đẩy phát triển du lịch. Xây dựng các chính sách cụ thể, thiết thực để hỗ trợ nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát triển bền vững văn hóa truyền thống.

Có các phương án, chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nhằm giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của mỗi địa phương, thúc đẩy du lịch phát triển bền vững./.