Quảng Trị: Độc đáo những cổ vật ngàn năm tuổi “có một không hai”
Quảng Trị là mảnh đất giàu bản sắc văn hóa, nơi đây còn lưu giữ rất nhiều di vật, cổ vật, báu vật, phong phú cả về số lượng, đa dạng về loại hình, chất liệu cổ về mặt niên đại. Trong số hơn 2.200 di vật, cổ vật Bảo tàng tỉnh Quảng Trị đang lưu giữ, có một số cổ vật tiêu biểu mang giá trị độc bản quý hiếm.
Những nét chạm khắc tinh xảo trên mặt trống đồng An Khê và Trà Lộc
Theo ông Lê Đình Hào, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Trị: “Trong số hàng ngàn hiện vật đang được lưu giữ tại bảo tàng để giới thiệu cho khách tham quan cũng như lưu giữ cho thế hệ mai sau, có hàng trăm di vật, hiện vật quý giá. Đặc biệt, có 10 di vật, hiện vật đang đề nghị Bộ VH-TT&DL công nhận đó là bảo vật Quốc gia”.
Tiêu biểu cho các hiện vật quý hiếm nói trên là trống đồng An Khê, có chiều cao 0,26 m, đường kính mặt trống 0,30 m, đường kính chân 0,36m. Ở trên mặt trống có hình ngôi sao 8 cánh và có 6 vành hoa văn được trang trí các họa tiết như vòng tròn đồng tâm, chim mỏ dài, đuôi dài đang bay ngược chiều kim đồng hồ, hoa văn răng cưa…
Hai hiện vật trống đồng được giới nghiên cứu đánh giá có từ cách đây 2.500 năm
Trống đồng Trà Lộc có hình dạng thân thon, đế choãi, tang phình, mặt trống được trang trí hình sao 10 cánh, xen giữa cánh sao là hình chữ V, có 7 vành hoa văn với các hoạ tiết như vòng tròn tiếp tuyến có chấm giữa, chim mỏ dài có mào, đuôi dài đang bay ngược chiều kim đồng hồ. Vòng chủ đạo mặt trống có 4 hình thuyền, chân trống choải có 5 vành hoa văn được trang trí hình bò u nổi, hình chấm dãi.
Theo đánh giá của các nhà khảo cổ, hai hiện vật trống đồng nói trên có niên đại cách đây khoảng 2.500 năm.
Cụm vò bán sứ đường Dương Lệ, được đánh giá có từ thời Đường (thế kỷ VII-VIII)
Tượng Uma Dương Lệ là một pho tượng mang đậm phong cách văn hóa Chăm
Ngoài ra, rất nhiều hiện vật thuộc nền văn hóa Chăm pa cũng được giới khảo cổ tìm kiếm và khai quật tại các địa phương. Qua đánh giá, các nhà nghiên cứu cho rằng các hiện vật này được hình thành từ khoảng cuối thế kỷ IX, đầu thế kỷ X.
Tượng bò thần Nadin Kim Đâu
Một số cổ vật khác cũng khá độc đáo như: Tượng bò thần Nadin Kim Đâu, được phát hiện tại tháp Chăm Kim Đâu (xã Cam An, huyện Cam Lộ) hiện đã được lưu giữ tại bảo tàng trong trạng thái nguyên vẹn. Tượng bò thần Nadin Quảng Điền cũng được phát hiện tại một tháp Chăm đổ nát tại làng Quảng Điền, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong.
Tượng bò thần Nadin Quảng Điền
Dựa trên đường nét chạm và hình dáng các tượng, giới khảo cổ đánh giá Tượng bò thần Nadin Kim Đâu mang phong cách Mỹ Sơn (thế kỷ X), còn tượng bò thần Nadin Quảng Điền mang phong cách nghệ thuật Trà Kiệu (cuối thế kỷ IX, đầu thế kỷ X).
Mặc dù, các hiện vật nói trên mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử của các thời kỳ nhưng do nhiều lý do khác nhau khiến một số cổ vật quý hiếm đang bị phong hóa, xuống cấp nghiêm trọng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp các hiện vật, trong đó, quan trọng là do công tác bảo quản chưa hợp lý.
Hai bức phù điêu Lá Nhĩ (tympan) Trà Liên 1 và Trà Liên 2 mang đậm giá trị văn hóa Chăm do trưng bày ngoài trời và không được che chắn nên bị phong hóa, xuống cấp
Theo ghi nhận, hai bức phù điêu lá nhĩ Trà Liên I, Trà Liên II được đánh giá là độc bản, rất quý, được tìm thấy tại di tích tháp Chăm Trà Liên. Tuy nhiên, sau 10 năm được trưng bày ngoài trời, hiện bức phù điêu bị hoen úa và đang có dấu hiệu bị phong hóa do gặp phải khí hậu khắc nghiệt của nắng nóng và mưa nhiều và không được che chắn, bảo vệ đúng cách,…
Giám đốc Bảo tàng Lê Đình Hào, cho hay: “Do thiếu kinh phí để dựng nhà trưng bày nên qua thời gian dài để ở ngoài trời, các bảo vật nói trên đã có phần bị phong hóa, xuống cấp. Mặt khác, do chất liệu các hiện vật làm bằng đá sa thạch, lại gặp khí hậu khắc nghiệt nên đã không tránh khỏi việc giảm tuổi thọ cổ vật. Chúng tôi kiến nghị cấp trên quan tâm để đưa vào kế hoạch trung hạn nhằm tôn tạo, nâng cấp hệ thống di tích, nhà trưng bày của bảo tàng để bảo vệ lâu dài”.
Ông Hào trăn trở: “10 cổ vật tiêu biểu, độc đáo tại bảo tàng đều mang giá trị văn hóa, lịch sử đặc trưng của từng thời kỳ, cần được lưu giữ và phát huy. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là việc lập hồ sơ cho từng hiện vật để đề nghị Bộ VH-TT&DL công nhận đó là bảo vật Quốc gia, bởi kinh phí thực hiện rất lớn”.
Đăng Đức