Quảng bá tinh hoa văn hóa Việt Nam qua điệu múa Nhật Bản Yosakoi
VHO- Với mong muốn quảng bá đến bạn bè thế giới những tinh hoa văn hóa Việt Nam qua điệu múa Yosakoi, đến với sự kiện Vietnam Yosakoi Festival 2023, đội Núi Trúc Sakura Yosakoi mang đến tiết mục trình diễn “Renri Hyakka”, tựa Việt “Liên Lý Bách Hoa”, lấy cảm hứng từ chuyện cổ tích Tấm Cám đã gắn liền với thời thơ ấu của bao thế hệ người Việt. Tựa đề “Liên Lý Bách Hoa” với ý nghĩa tình yêu trường tồn qua trăm năm, mãi rực rỡ như những đóa hoa không phai tàn.
Núi Trúc Sakura Yosakoi là đội múa Yosakoi đầu tiên tại Việt Nam. Qua hơn 15 năm hoạt động, đến nay, đội đã mang đến nhiều tiết mục trình diễn Yosakoi đa dạng về phong cách và có đóng góp không nhỏ trên chặng đường đưa điệu múa Yosakoi nói riêng và văn hóa Nhật Bản nói chung đến gần hơn với khán giả Việt Nam. Năm 2017, đội được tặng danh hiệu “Đại sứ Yosakoi”. Dấu mốc này góp phần tạo nên bước chuyển lớn của Núi Trúc Sakura Yosakoi trong những năm gần đây. Đội múa đã nỗ lực sáng tạo nên những bài diễn mang phong cách Việt Nam mới mẻ, khéo léo lồng ghép những yếu tố bản sắc dân tộc đôc đáo.
Ý tưởng của màn trình diễn “Liên Lý Bách Hoa” được khơi nguồn từ cuộc gặp gỡ định mệnh của Tấm với Nhà Vua, mở ra câu chuyện tình đẹp nhưng trắc trở. Vượt qua biết bao khổ đau, nguy nan, bằng ý chí mạnh mẽ vượt lên nghịch cảnh, đến phút cuối cùng, những mưu mô thâm độc của phe ác cũng không thể chia cắt đươc mối nhân duyên sâu đậm.
Màn trình diễn được chia ra thành năm phân đoạn chính: Hội Ngộ – Hẹn Ứớc – Sóng Gió – Chia Ly – Tương Phùng, dẫn dắt khán giả bước vào không gian cổ tích huyền ảo, trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Với mong muốn đưa vào điệu múa Nhật những chi tiết đặc sắc mang đậm dấu ấn Việt Nam trong một điệu múa xuất phát từ Nhât Bản, những yếu tố như phục trang, âm nhạc, đạo cụ biểu diễn và cốt truyện,… đã được đội trau chuốt và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa vào bài nhảy nhằm đem đến khán giả một trải nghiệm nghệ thuật tuyệt vời nhất.
Trang phục chủ đạo của bài diễn được lấy cảm hứng từ áo tấc, vốn được coi là loại trang phục kín đáo, có tính nhân văn, thường được sử dụng trong những sự kiện trang trọng, nay được kết hợp thêm khăn xếp, mấn đội đầu và ngọc bội tạo điểm nhấn lại càng tôn lên nét cổ kính, trang nghiêm của bậc Hoàng tộc trong Cung đình Huế xưa. Đạo cụ biểu diễn là quạt được sử dụng cho những vũ công nam đóng vai trò lớn trong việc thể hiện hình tượng Nhà Vua với khí chất oai phong, lẫm liệt, văn võ song toàn. Bên cạnh đó, trang phục của vũ công nữ lại được thiết kế rất tỉ mỉ với hai lớp bao gồm áo tấc và áo tứ thân để tạo điểm nhấn cao trào của phần trình diễn.
Tái hiện lại khoảnh khắc Tấm bước ra từ quả thị mang đúng tinh thần của tác phẩm dân gian, phân đoạn biến đổi trang phục từ áo tấc sang áo tứ thân được lên ý tưởng kỹ lưỡng, từ việc lựa chọn chất liệu cũng như màu sắc để tạo nên sự hài hòa. Nếu áo tấc đem lại phong thái cao quý khi Tấm trở thành Hoàng hậu được sủng ái nơi Cung Vua thì áo tứ thân lại khắc họa Tấm với một hình ảnh cô thôn nữ tảo tần, gơi nhắc cho Nhà Vua nhớ về những phút giây đầu gặp gỡ khi nhặt được chiếc hài đánh rơi ướm vừa bàn chân của nàng.
Việc thay đổi trang phục của nhân vật Tấm không chỉ tạo hiệu ứng mạnh mẽ về thị giác trên sân khấu mà còn ẩn chứa ý nghĩa về sự hòa hợp. Từ hai gam màu khác biệt là vàng, tím trong trang phục của Tấm và Nhà Vua đến khi hợp thành một sắc vàng ở phân đoạn cuối bài diễn ngầm ngụ ý thể hiện niềm vui đoàn tụ, đất trời chung vui, hai trái tim lại hòa chung một nhịp.
Âm nhạc góp phần quan trọng trong khơi dậy cảm xúc. Bằng sự sáng tạo khi kết hợp giữa âm thanh sôi động và đầy màu sắc của nhạc điện tử EDM và Nhã nhạc Cung đình Huế, nhà sản xuất âm nhạc Javix đã mang tới một bữa tiệc âm nhạc đầy màu sắc bất ngờ. Từ tiếng đàn dây réo rắt, nhịp trống hào hùng đến g âm điệu du dương của sáo trúc khiến cho khung cảnh xuyên suốt bài diễn dần dần biến đổi. Khán giả có thể tưởng tượng ra trước mắt khung cảnh lễ hội mùa xuân náo nhiệt, Hoàng Cung nguy nga tráng lệ hay hiện thực khổ đau với hình ảnh ngôi nhà nhỏ nơi quê nhà, nơi Tấm bị đọa dày bởi mẹ con Cám.
Phân đoạn mở đầu màn trình diễn có sự kết hợp hài hòa bởi các nhạc cụ bộ gõ, bộ dây và bộ khí góp phần mở ra một không gian văn hóa đâm đà bản sắc dân tộc. Tiết tấu bài nhạc cũng có những điểm nhấn riêng biệt tương ứng với diễn biến tâm lý nhân vật trong từng phân đoạn. Cảnh chia ly của Tấm với Nhà Vua mang những gam màu ảm đạm trên nền giai điệu khi thì chậm rãi nhẹ nhàng thể hiện nỗi nhớ thương khôn nguôi, khi lại ngân vang, dồn dập thể hiện dã tâm chia cắt đôi uyên ương của những thế lực tà ác.
Nói đến điệu nhảy Yosakoi, vũ đạo được coi như linh hồn của cả bài diễn. Việc dung hòa giữa nghệ thuật kể chuyện qua ngôn ngữ hình thể và những nét đặc trưng khi sử dụng Naruko trong bài nhảy cũng là một sự kết hợp cần cân nhắc vô cùng kỹ lưỡng. Nếu nhân vật Nhà Vua được thể hiện qua những động tác phóng khoáng và mạnh mẽ kết hơp cùng phụ kiện quạt thì Tấm lại được khắc họa bằng những đường nét mềm mại qua động tác uyển chuyển và linh hoạt.
Núi Trúc Sakura Yosakoi hy vọng rằng có thể truyền tải tới khán giả câu chuyện “Tấm Cám” theo một phong cách vô cùng mới mẻ. Các bạn trẻ hi vọng khán giả có thể cảm nhận được nét đẹp của bản sắc văn hóa Việt thông qua những tích truyện cổ, những bộ trang phục tinh tế và sự quyến rũ đến từ nhạc cụ truyền thống.
VÂN NGUYỄN; ảnh: MINH ĐỨC, VƯƠNG VŨ VIỆT