Quốc gia thứ sáu có năng lực sản xuất thiết bị mạng cho 5G
Mục lục bài viết
Công nghệ 5G của Việt Nam ở đâu trên bản đồ viễn thông Thế Giới
Dù đến đầu năm 2020, cả 3 nhà mạng lớn tại Việt Nam là Viettel, Mobifone và Vinaphone đều được cấp giấy phép sử dụng 5G và công bố đã thử nghiệm thành công 5G. Nhưng có thể nói Viettel chính là lá cờ đầu của công nghệ viễn thông 5G tại Việt Nam.
Việc Viettel cho thử nghiệm thành công mạng 5G với phạm vi phòng thí nghiệm năm 2019 đã đưa Việt Nam vào top 6 quốc gia thử nghiệm thành công 5G. Tiếp đó với việc sản xuất thành công thiết bị đầu cuối 5G thành công tiếp tục đưa Viettel vào top 6 công ty viễn thông cung cấp được thiết bị 5G trên thế giới bên cạnh Ericsson, Samsung, Huawei,… Và đặc biệt hơn chính là việc Viettel là nhà mạng viễn thông duy nhất trong 6 công ty trên. Việc Việt Nam thử nghiệm thành công mạng 5G trên chiếc điện thoại 5G thuần Việt đã khiến công đồng thế giới xôn xao về năng lực và tiềm lực công nghệ của nước ta.
Cuối năm 2020, Viettel chính thức khai trương hai khu vực trải nghiệm mạng 5G tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hiện nay, Viettel đã có giấy phép triển khai 5G tại 16 tỉnh, thành phố trên toàn quốc với công nghệ mạng 5G hiện đại nhất. Theo ông Ngô Quyết Tiến, Trung tâm Chiến lược mạng lưới và Đổi mới công nghệ (Tổng công ty Mạng lưới Viettel), tốc độ tối đa được thử nghiệm là 1.8Gb/giây, trên thực tế mạng đo kiểm của Viettel là 1.3-1.4Gb/giây. “Trong tháng 9-2021, Viettel đã thử nghiệm công nghệ 5G với tốc độ lên tới 4.7Gb/giây. Tốc độ này cao gấp 40 lần tốc độ 4G và gấp hơn 2 lần tốc độ 5G hiện có, giúp Viettel trở thành một trong những mạng viễn thông có tốc độ 5G nhanh nhất châu Á. Công nghệ này mang đến những trải nghiệm vượt trội tại các khu vực có lưu lượng mạng cao như trường đại học, khu công nghiệp, nơi có nhu cầu dung lượng lớn”, ông Ngô Quyết Tiến chia sẻ.
Đạt được thành công bước đầu nhưng 5G vẫn sẽ nhiều thử thách tại thị trường Việt Nam
Bên cạnh những niềm vui và phấn khích thì việc thương mại hóa mạng 5G hay việc đưa nó vào đời sống người dân sẽ là các vấn đề khiến các nhà mạng đau đầu trong tương lai gần.
Đầu tiên, sẽ nói đến việc triển khai rộng rãi các trạm thu phát. Tuy Viettel đã mở lời rằng hãng đã mở rộng mạng lưới trạm phát 5G trên phạm vi toàn quốc, nhưng điều này vẫn sẽ tốn kha khá thời gian vì cơ sở hạ tầng viễn thông tại nước ta không đồng đều giữa các khu vực địa lý.
Tiếp theo đó chính là việc chi phí triển khai và vận hành hệ thống hạ tầng mạng mới này, nhất là khi nó còn quá mới mẻ, không chỉ với nước ta mà còn với thế giới. Nhà mạng AIS của Thailand, quốc gia Đông Nam Á đầu tiên triển khai 5G rộng rãi, đã tiêu đến 1,2 tỷ USD với mục đích mở rộng và đưa 5G tiếp cận đến chỉ 13% dân số.
Và một thử thách lớn đến từ người dùng, chúng ta chỉ nói đến đối tượng người dùng cá nhân cơ bản. Với việc dùng 4G đang rất tốt, đáp ứng hầu hết nhu cầu mạng internet của họ thì liệu sẽ có được bao nhiêu phần trăm người dùng đồng ý bỏ ra khoản tiền lớn đầu tư cho các thiết bị 5G vốn đắt hơn và trả chi phí data 5G mới (có thể sẽ đắt hơn nhiều chuẩn 4G). Các nhà mạng cần nhiều thời gian để thuyết phục người dùng chuyển qua mạng 5G với những ưu việt rõ rệt.
Hiện chưa biết có bao nhiêu thiết bị 5G tại Việt Nam nhưng với giá bán cao và chưa phổ biến thì e rằng con số này sẽ khá khiêm tốn. Do đó, dù việc thử nghiệm thành công, thương mại hóa, triển khai rộng khắp những vẫn sẽ còn một đoạn đường dài để các nhà mạng có thể đưa 5G vào đời sống người dân. Ít nhất là đến khi các thiết bị 5G bắt đầu phổ biến, trở thành một chuẩn chung chứ không phải là một tính năng đắt đỏ như hiện tại.
Chúng ta có quyền tự hào những thành tựu của Việt Nam trong cuộc đua 5G này và chờ đợi một tương lai thương mại hoá để người người nhà nhà đều có thể sử dụng được công nghệ mới. Bạn có đồng ý với quan điểm của bài viết không? Hãy bình luận bên dưới để cùng nhau thảo luận về công nghệ sẽ là tương lai của đất nước này nhé!
(Tổng hợp Internet)