Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc
Ngày 01/01/2021, Bộ Luật Lao Động 2019 (“BLLĐ 2019”) có hiệu lực với nhiều quy định mới so với Bộ Luật Lao Động 2012 nhằm bảo vệ tốt hơn cho quyền lợi của người lao động. Một trong những điểm mới đáng chú ý của BLLĐ 2019 là việc quy định về Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc tại điểm a khoản 1 Điều 36. Theo đó, với BLLĐ 2019 việc xác định người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc để làm căn cứ thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động phải dựa trên các tiêu chí trong quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người sử dụng lao động. Vậy quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc là gì? Và vì sao mọi doanh nghiệp đều cần có quy định cụ thể về quy chế này?
Hai vấn đề trên sẽ được giải đáp tại bài viết này.
1. Hiểu về quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc là gì?
Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc là văn bản nội bộ do người sử dụng lao động ban hành và có giá trị áp dụng đối với toàn bộ người lao động làm việc tại doanh nghiệp đó. Đây được xem là công cụ đo lường được thể hiện thông qua các tiêu chí cụ thể do người sử dụng lao động đề ra để đánh giá hiệu quả và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Khi ban hành quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc, người sử dụng lao động cần phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở nếu doanh nghiệp có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (điểm a khoản 1 Điều 36 BLLĐ 2019).
2. Vai trò của Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc
BLLĐ 2019 với xu thế thiên về bảo vệ quyền lợi của người lao động, điều này đòi hỏi người sử lao động cần nghiêm túc và minh bạch hơn trong quá trình sử dụng lao động, đặc biệt là trong việc sử dụng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Theo đó, để đảm bảo việc thực thi quyền của người sử dụng lao động cũng như đảm bảo việc đánh giá đúng và chính xác khả năng làm việc của mỗi người lao động thì Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc được xem là công cụ không thể thiếu của mỗi doanh nghiệp. Một trong những vai trò nổi bật của việc ban hành Quy chế này là:
-
Tạo được sự minh bạch, rõ ràng và công bằng trong việc đánh giá năng lực của mỗi người lao động để từ đó có chế độ thưởng, phạt thích hợp;
-
Giúp người sử dụng lao động đo lường được hiệu suất công việc của mỗi cá nhân, bộ phận để từ đó đánh giá được hiệu suất của cả doanh nghiệp;
-
Giúp người lao động nắm rõ về mục tiêu và yêu cầu đối với vị trí công việc của mình;
-
Giúp người sử dụng lao động định hình và phát triển chiến lược của doanh nghiệp;
-
Đảm bảo người lao động thực hiện đúng trách nhiệm của mình được nêu trong bảng mô tả công việc;
-
Nâng cao hiệu quả công việc.
Khuyến cáo: Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý nào. Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Lao động. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email [email protected].