Quy định pháp luật về Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Quy định pháp luật về Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi như thế nào? Quyền hạn và trách nhiệm của các bên tham gia kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi là gì? Luật Minh Khuê xin giải đáp vấn đề này trong bài viết dưới đây.
Luật sư tư vấn:
Mục lục bài viết
1. Quy định Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là việc sử dụng xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (bao gồm cả người lái xe) để vận chuyển hành khách theo lịch trình và hành trình do hành khách yêu cầu; có sử dụng đồng hồ tính tiền để tính cước chuyến đi hoặc sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi và kết nối trực tiếp với hành khách thông qua phương tiện điện tử.
– Xe taxi phải đáp ứng các quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 6 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.
1. Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi
a) Phải có phù hiệu “XE TAXI” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe;
b) Phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE TAXI” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe với kích thước tối thiểu của cụm từ “XE TAXI” là 06 x 20 cm.
Được quyền lựa chọn gắn hộp đèn với chữ “TAXI” cố định trên nóc xe với kích thước tối thiểu là 12 x 30 cm. Trường hợp lựa chọn gắn hộp đèn với chữ “TAXI” cố định trên nóc xe thì không phải niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE TAXI” trên kính phía trước và kính phía sau xe;
c) Trường hợp xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có trên 70% tổng thời gian hoạt động trong một tháng tại địa phương nào thì phải thực hiện cấp phù hiệu địa phương đó; việc xác định tổng thời gian hoạt động được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe.
2. Xe taxi sử dụng đồng hồ tính tiền
a) Trên xe phải gắn đồng hồ tính tiền được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì, phải có thiết bị in hoá đơn hoặc phiếu thu tiền kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe; đồng hồ tính tiền và thiết bị in phải được gắn cố định tại vị trí hành khách dễ quan sát; lái xe phải in hóa đơn hoặc phiếu thu tiền và trả cho hành khách khi kết thúc hành trình;
b) Phiếu thu tiền phải có các thông tin tối thiểu, gồm: Tên đơn vị kinh doanh vận tải, biển kiểm soát xe, cự ly chuyến đi (km) và tổng số tiền hành khách phải trả.
3. Xe taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, huỷ chuyến, tính cước chuyến đi (sau đây gọi là phần mềm tính tiền)
a) Trên xe phải có thiết bị kết nối trực tiếp với hành khách để đặt xe, hủy chuyến;
b) Tiền cước chuyến đi được tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số;
c) Phần mềm tính tiền phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử; giao diện dành cho hành khách phải có tên hoặc biểu trưng (logo) của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải và phải cung cấp cho hành khách trước khi thực hiện vận chuyển các nội dung tối thiểu gồm: Tên đơn vị kinh doanh vận tải, họ và tên lái xe, biển kiểm soát xe, hành trình, cự ly chuyến đi (km), tổng số tiền hành khách phải trả và số điện thoại giải quyết phản ánh của hành khách.
– Phải được niêm yết thông tin như sau:
a) Hai bên cánh cửa xe: tên, số điện thoại và biểu trưng (logo) của doanh nghiệp, hợp tác xã với kích thước tối thiểu: chiều dài là 20 cm, chiều rộng là 20 cm; bảng giá cước đã kê khai theo mẫu quy định tại Phụ lục 22 ban hành kèm theo Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT;
b) Trong xe: bảng giá cước tính tiền theo kilômét (km), giá cước tính tiền cho thời gian xe phải chờ đợi theo yêu cầu của hành khách và các chi phí khác (nếu có) mà hành khách phải trả; bảng giá cước đã kê khai theo mẫu quy định tại Phụ lục 22 ban hành kèm theo Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT;
c) Trường hợp xe taxi sử dụng phần mềm tính tiền còn phải hiển thị trên giao diện dành cho hành khách bảng giá cước đã kê khai theo mẫu quy định tại Phụ lục 22 ban hành kèm theo Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT.
– Trên xe có trang bị bình chữa cháy còn sử dụng được và còn hạn theo quy định.
– Phù hiệu của xe taxi
a) Phù hiệu “XE TAXI” theo mẫu quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT;
b) Phù hiệu xe taxi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định riêng đối với các đơn vị thuộc địa phương quản lý hoặc theo mẫu quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT.
Phù hiệu riêng phải có mã code QR và kích thước thống nhất theo mẫu quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT. Trường hợp địa phương tự in ấn, phát hành phải thông báo mẫu phù hiệu riêng về Tổng cục Đường bộ Việt Nam trước khi thực hiện;
c) Phù hiệu được dán cố định tại góc trên bên phải ngay sát phía dưới vị trí của Tem kiểm định, mặt trong kính chắn gió phía trước của xe.
– Cụm từ “XE TAXI” làm bằng vật liệu phản quang niêm yết (dán cố định) trên kính phía trước và kính phía sau xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT (trừ trường hợp xe có gắn hộp đèn).
– Trong xe phải có Bảng hướng dẫn về an toàn giao thông và thoát hiểm cho hành khách, các nội dung chính gồm: hướng dẫn cài dây an toàn (nếu có); bảng cấm hút thuốc lá trên xe; hướng dẫn đóng, mở cửa xe đảm bảo an toàn.
2. Điểm dừng đón, trả khách công cộng, điểm đỗ xe taxi
– Điểm dừng đón, trả khách công cộng cho xe taxi phải đảm bảo an toàn giao thông và được báo hiệu bằng biển báo, vạch sơn kẻ đường theo quy định.
– Điểm đỗ xe taxi
a) Điểm đỗ xe taxi gồm 02 loại: điểm đỗ xe taxi do doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức và quản lý; điểm đỗ xe taxi công cộng do cơ quan quản lý nhà nước của địa phương tổ chức và quản lý;
b) Yêu cầu đối với điểm đỗ xe taxi: đảm bảo trật tự, an toàn và không gây ùn tắc giao thông; đáp ứng yêu cầu về phòng, chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.
3. Quyền hạn và trách nhiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
– Xây dựng và thực hiện đúng, đầy đủ quy trình đảm bảo an toàn giao thông theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT; có bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông theo quy định tại Điều 7 của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT.
– Thực hiện các quy định tại Điều 14, Điều 15 và Điều 16 của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT.
– Xây dựng quy định đồng phục và thẻ tên cho người lái xe, thẻ nhận dạng người lái xe; thẻ tên phải có ảnh, ghi rõ họ tên, đơn vị quản lý, thẻ tên có thể kết hợp với thẻ nhận dạng người lái xe.
– Được sử dụng thiết bị điện tử để niêm yết thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 38 của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT.
– Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP và quy định pháp luật khác có liên quan.
4. Quyền hạn, trách nhiệm của người lái xe taxi
– Thực hiện đúng, đầy đủ quy trình đảm bảo an toàn giao thông quy định tại Điều 4 của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT.
– Đeo thẻ tên, mặc đồng phục theo đúng quy định của doanh nghiệp, hợp tác xã.
– Thu tiền cước theo đồng hồ tính tiền hoặc theo thông báo trên phần mềm; in hóa đơn hoặc phiếu thu (hoặc gửi hóa đơn điện tử) cho hành khách khi hành khách đã thanh toán đủ tiền.
– Giữ gìn vệ sinh phương tiện, không được sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác để can thiệp vào quá trình hoạt động, phá (hoặc làm nhiễu) sóng GPS, GSM hoặc làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô.
– Cung cấp thông tin về tuyến đường khi hành khách yêu cầu; hướng dẫn và giúp đỡ hành khách (đặc biệt là người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ có thai và trẻ em) khi lên, xuống xe.
– Có quyền từ chối vận chuyển đối với hành khách có hành vi gây mất an ninh, trật tự, an toàn trên xe hoặc đang bị dịch bệnh nguy hiểm; không được chở hàng cấm, hàng dễ cháy, nổ, động vật sống, hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa là thực phẩm bẩn.
– Có trách nhiệm từ chối điều khiển phương tiện khi phát hiện phương tiện không đảm bảo các điều kiện về an toàn, phương tiện không có thiết bị giám sát hành trình hoặc có lắp thiết bị nhưng không hoạt động.
– Người lái xe điều khiển phương tiện tính tiền thông qua phần mềm, trong quá trình vận chuyển hành khách phải có thiết bị truy cập được giao diện thể hiện các nội dung tối thiểu theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 6 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP và cung cấp cho lực lượng chức năng khi có yêu cầu.
Điều 6. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
…3. Xe taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, huỷ chuyến, tính cước chuyến đi (sau đây gọi là phần mềm tính tiền)
…c) Phần mềm tính tiền phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử; giao diện dành cho hành khách phải có tên hoặc biểu trưng (logo) của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải và phải cung cấp cho hành khách trước khi thực hiện vận chuyển các nội dung tối thiểu gồm: Tên đơn vị kinh doanh vận tải, họ và tên lái xe, biển kiểm soát xe, hành trình, cự ly chuyến đi (km), tổng số tiền hành khách phải trả và số điện thoại giải quyết phản ánh của hành khách.
– Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP và quy định pháp luật khác có liên quan.
5. Quyền hạn, trách nhiệm của hành khách đi xe taxi
– Yêu cầu người lái xe cung cấp thông tin về hành trình chạy xe.
– Trả tiền cước theo đồng hồ tính tiền hoặc theo phần mềm tính tiền và nhận hóa đơn hoặc phiếu thu đúng số tiền thanh toán.
– Chấp hành các quy định khi đi xe và sự hướng dẫn của người lái xe.
– Được khiếu nại, kiến nghị, phản ánh những hành vi vi phạm quy định về quản lý vận tải của đơn vị kinh doanh vận tải, người lái xe và yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có).
-Thực hiện quyền và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
6. Mẫu Bảng niêm yết giá cước xe taxi
Giá cước – Taxi Fare
(Giá cước đã bao gồm thuế GTGT)
………………..(đồng)/…
(Đơn vị tính)
………………..(đồng)/…
(Đơn vị tính)
………………..(đồng)/…giờ chờ đợi (nếu có).
Ghi chú: giá cước trên bao gồm thuế GTGT và Bảo hiểm hành khách.
Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê đã sưu tầm và biên soạn. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng.