Quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh

Theo đó, Quyết định này quy định trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị đối với di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và chưa được xếp hạng (gọi chung là di tích), di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; việc thành lập tổ chức quản lý, bảo vệ di tích và kinh phí quản lý, bảo vệ di tích trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Quy định này áp dụng đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tháck50.jpg

Thác 50 (huyện Kbang). Ảnh: Phương Vi

UBND tỉnh yêu cầu  Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tổ chức kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, công bố danh mục kiểm kê di tích; rà soát, đánh giá và trình bổ sung danh mục kiểm kê. Đồng thời, hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích, thẩm định và trình cấp có thẩm quyền xem xét, xếp hạng. Phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Chỉ đạo đơn vị chức năng liên quan lập hồ sơ khoa học di tích, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo quy định. Tiếp nhận và báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc chuyển quyền sở hữu bảo vật quốc gia của tổ chức, cá nhân (nếu có). Quản lý, hướng dẫn các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng gắn với di tích. Tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật theo thẩm quyền đối với việc quản lý, bảo vệ di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh. UBND cấp huyện có trách nhiệm quản lý, bảo vệ di tích trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý; phối hợp với Ban Quản lý Di tích quốc gia đặc biệt trong quản lý, bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn theo Quy chế hoạt động và nhiệm vụ được Ban Quản lý Di tích quốc gia đặc biệt của tỉnh giao; xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện khai thác giá trị di tích gắn với phát triển du lịch tại địa phương. Hằng năm, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục kiểm kê di tích theo giai đoạn; có biện pháp phù hợp để bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Xây dựng kế hoạch, tổ chức lập hồ sơ khoa học di tích đề nghị xếp hạng đối với các di tích cấp tỉnh trên địa bàn; tổ chức lễ đón bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh tại địa phương. Chỉ đạo giải quyết các vấn đề: Trùng tu, tôn tạo di tích; quản lý đất đai, tài sản; an ninh trật tự; phòng, chống cháy, nổ; giữ gìn vệ sinh môi trường, sắp xếp hợp lý các hoạt động dịch vụ tại di tích; gắn bia, biển, bảng giới thiệu về di tích, xây dựng nội quy của di tích, nhất là các di tích đã được xếp hạng. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật về bảo vệ, phát huy giá trị di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia tại địa phương; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp, tài trợ cho hoạt động này. UBND cấp xã có trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích tại địa bàn. Phối hợp khoanh vùng bảo vệ di tích khi tiến hành lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích. Trường hợp phát hiện hoặc được thông báo có phát hiện về di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, phải tiến hành khoanh vùng khu vực cần bảo vệ, tổ chức lực lượng bảo vệ, kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm hại, báo cáo UBND cấp huyện và cơ quan chức năng giải quyết. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn báo chí hoạt động trên địa bàn tỉnh và hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền những quy định về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Gia Lai. UBND tỉnh cũng đề nghị các sở, ngành và các tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị của di tích. Song song với đó thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời những hành vi xâm hại di tích. Thông báo kịp thời cho chủ sở hữu hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi gần nhất khi phát hiện di tích bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị hủy hoại. Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.