Quy định văn hóa công sở, quy chế văn hóa công sở mới nhất
Nguyên tắc thực hiện văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước. Trang phục của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính nhà nước. Trong giao tiếp và ứng xử, cán bộ công chức viên chức phải có thái độ như thế nào? Bài trí công sở đối với cơ quan hành chính nhà nước.
Văn hóa Việt Nam là tổng thể những giá trị vật chất cũng như tinh thần do cộng đồng các dân tộc Việt Nam sáng tạo ra và trở thành nền tảng sức mạnh của dân tộc trong suốt quá tình xây dựng và phát triển đất nước. Chính vì thế Nhà nước ta luôn coi trọng văn hóa, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội và chính là mục tiêu, động lực cho sự phát triển. Văn hóa cần phải xây dựng ở mọi nơi, trong mỗi cơ quan, đơn vị, văn hóa công sở được coi là hệ thống các giá trị và các giá trị này được hình thành trong suốt quá trình hoạt động của mỗi cơ quan, đơn vị đó. Ngày 02 tháng 08 năm 2007 thủ tưởng chính phủ đã ban hành quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ban hành quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính, từ quyết định này ta thấy được sự quan tâm của Nhà nước về văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Căn cứ pháp lý: Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg quyết định ban hành quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước
1. Nguyên tắc thực hiện văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước:
Văn hóa công sở có vai trò rất quan trọng, quyết định chất lượng cũng như hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước góp phần xây dựng lên một nền hành chính chuyên nghiệp, văn minh và hiện đại.
Văn hóa công sở phải được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:
+ Văn hóa công sở phải phù hợp với truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc và điều kiện kinh tế – xã hội
+ Bên cạnh đó văn hóa công sở phải phù hợp với định hướng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, hiện đại
+ Ngoài ra văn hóa công sở cũng phải phù hợp với các quy định của pháp luật và mục đích, yêu cầu cải cách hành chính, chủ trương hiện đại hoá nền hành chính nhà nước.
Đồng thời trong văn hóa công sở quy định tại các cơ quan hành chính nhà nước có các hành vi sau đây sẽ bị cấm căn cứ theo Điều 4 Quy chế văn hoá công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước ban hành kèm theo Quyết định 129/2007/QĐ-TTg như sau:
+ Nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức Hút thuốc lá trong phòng làm việc
+ Sử dụng những loại đồ uống có cồn tại công sở, trừ trường hợp được sự đồng ý của lãnh đạo cơ quan vào các dịp liên hoan, lễ tết, tiếp khách ngoại giao;
+ Cán bộ, công chức, viên chức không được quảng cáo thương mại tại công sở.
2. Trang phục của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính nhà nước:
Cán bộ, công chức, viên chức là những người đại diện cho nhà nước thường xuyên tiếp xúc với người dân do đó trang phục của cán bộ, công chức, viên chức phải theo đúng quy chuẩn, đúng tác phong và đặc thù của từng công việc và từng Ngành.
Tại Mục 1 Chương II quy định về trang phục, giao tiếp ứng xử của cán bộ công chức viên chức ban hành tại Quyết định 129/2007/QĐ-TTg có quy định về trang phục của cán bộ, công chức, viên chức như sau:
– Khi cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ phải ăn mặc gọn gàng, lịch sự
– Đối với những cán bộ, công chức, viên chức có trang phục riêng quy định tạo ngành nghề mình đang làm thì phải thực hiện theo quy định của từng ngành đó
Ví dụ: Đối với công chức khi làm nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở tiếp công dân thì đối với nam phải mặc áo sơ mi trắng, quần xanh đen, đi giày da màu đen hoặc dép quai hậu. Đối với nữ phải mặc sơ mi trắng, váy Juýp dáng ôm, đi giày da màu đen,… được quy định tại thông tư 03/2016/TT-TTCP
– Về lễ phục của cán bộ, công chức, viên chức được quy định là những trang phục được sử dụng trong các buổi lễ, cuộc họp trọng thể cũng như các cuộc tiếp khách có yếu tố nước ngoài như sau:
+ Lễ phục của nam cán bộ, công chức, viên chức là bộ comple, áo sơ mi, cravat.
+ Lễ phục của nữ cán bộ, công chức, viên chức: áo dài truyền thống, bộ comple nữ.
+ Ngoài ra đối với cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số thì trang phục ngày hội dân tộc cũng được coi là lễ phục.
– Cán bộ, công chức, viên chức phải đeo thẻ khi thực hiện nhiệm vụ.
+ Thẻ của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định phải có tên cơ quan, ảnh, họ và tên , chức danh, số hiệu cán bộ, công chức, viên chức.
+ Bộ Nội vụ hướng dẫn thống nhất mẫu thẻ và cách đeo thẻ đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Có thể thấy các quy chuẩn về trang phục đối với cán bộ, công chức, viên chức khá là chặt chẽ. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn công ít cán bộ, công chức, viên chức có trang phục phản cảm, không đeo thẻ tên và không mặc trang phục đúng theo quy định. Do đó các cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về văn hóa công sở cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
3. Trong giao tiếp và ứng xử, cán bộ công chức viên chức phải có thái độ như thế nào?
Trong giao tiếp và ứng xử thì cán bộ, công chức, viên chức phải có thái độ chuẩn mực, điều này được quy định tại mục 2 chương II quy chế văn hóa công sở tại cơ quan hành chính nhà nước ban hành tại Quyết định 129/2007/QĐ-TTg như sau:
– Cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ phải thực hiện các các quy định về những việc được làm và những việc không được làm theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, trong giao tiếp, ứng xử thì cán bộ, công chức, viên chức phải có thái độ lịch sự, tôn trọng. Ngôn ngữ giao tiếp cũng phải rõ ràng, mạch lạc, không nói tục, không quát nạt, không nói tiếng lóng.
– Cán bộ, công chức, viên chức khi giao tiếp và ứng xử với nhân dân thì phải nhã nhặn, chú ý lắng nghe ý kiến, giải thích rõ ràng, cụ thể về các quy định liên quan đến công việc cần giải quyết. Nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên có thái độ hách dịch, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ
– Cán bộ, công chức, viên chức trong giao tiếp ứng xử với đồng nghiệp thì cán bộ, công chức, viên chức phải có thái độ trung thực, thân thiện cũng như hợp tác trong công việc.
– Khi giao tiếp qua điện thoại thì cán bộ, công chức, viên chức phải xưng tên, cơ quan, đơn vị nơi công tác. Trong quá trình trao đổi thì phải trao đổi một cách ngắn gọn, tập trung vào nội dung công việc không tự ý ngắt điện thoại đột ngột.
Thực tế hiện nay cho thấy vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có nhận thức chưa đủ về văn hóa công sở, có những biểu hiện lệch chuẩn trong ứng xử làm ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh “công bộc” của nhân dân. Vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức thiếu niềm nở, chưa nhiệt tình, hạch sách, gây khó dễ cho người dân. Điều này đặt ra việc cần phải có những chế tài xử lý nghiêm hơn nữa về văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính.
4. Bài trí công sở đối với cơ quan hành chính nhà nước:
Tại cơ quan hành chính nhà nước phải treo Quốc huy tại phía trên cổng chính hoặc tòa nhà chính. Kích cỡ của Quốc huy cũng phải phù hợp với không gian treo. Tuyệt đối không treo Quốc huy quá cũ hoặc hư hỏng
Quốc kỳ tại các cơ quan hành chính nhà nước thì phải treo tại nơi trang trọng, tại trước hoặc tại tòa nhà chính. Quốc kỳ phải đúng tiêu chuẩn về kích thước, màu sắc đã được Hiến pháp quy định. Việc treo Quốc kỳ trong các buổi lễ, đón tiếp khách nước ngoài và lễ tang tuân theo quy định về nghi lễ nhà nước và đón tiếp khách nước ngoài, tổ chức lễ tang.
Tại khuôn viên cơ sở cách bài trí cũng phải theo đúng quy chuẩn, quy định tại mục 2 Chương II Quyết định 129/2007/QĐ-TTg như sau:
+ Cơ quan phải có biển tên được đặt tại cổng chính, trên biển tên phải ghi rõ ràng tên gọi đầy đủ bằng tiếng Việt và địa chỉ của cơ quan. Bộ Nội vụ hướng dẫn thống nhất cách thể hiện biển tên cơ quan.
+ Phòng làm việc phải có biển tên ghi rõ ràng tên của đơn vị, họ và tên, chức danh cán bộ, công chức, viên chức. Ngoài ra việc sắp xếp, bài trí phòng làm việc cũng phải bảo đảm gọn gàng, ngăn nắp, khoa học, hợp lý. Không được lập bàn thờ, thắp hương, không đun, nấu trong phòng làm việc.
+ Cơ quan hành chính có trách nhiệm bố trí khu vực để phương tiện giao thông cho cán bộ, công chức, viên chức và của người đến giao dịch, làm việc. Không được thu phí gửi phương tiện giao thông của người đến giao dịch, làm việc.