Quy định về quản lý tuyến kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định

Quy định về quản lý tuyến kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định như thế nào? Việc tổ chức, quản lý và tiêu chí điểm dừng đón, trả khách tuyến cố định được hướng dẫn như thế nào?

Luật sư tư vấn:

Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định là kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô có xác định bến xe khách nơi đi, bến xe khách nơi đến với lịch trình, hành trình nhất định.

 

1. Quy định về quản lý tuyến vận tải hành khách theo tuyến cố định

– Doanh nghiệp, hợp tác xã có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó có loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định thì được đăng ký khai thác tuyến theo quy định tại Điều 20 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.

– Tuyến cố định phải xuất phát và kết thúc tại bến xe khách từ loại 1 đến loại 6. Đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn mà chưa có bến xe khách từ loại 1 đến loại 6 thì cho phép tuyến vận tải hành khách cố định được xuất phát và kết thúc tại bến xe dưới loại 6.

Nội dung quản lý tuyến

a) Xây dựng, điều chỉnh, bổ sung và công bố danh mục mạng lưới tuyến;

b) Thông báo biểu đồ chạy xe theo tuyến và cập nhật vào danh mục mạng lưới tuyến các nội dung gồm: Tổng số chuyến xe tối đa được khai thác trên tuyến, giãn cách thời gian tối thiểu giữa các chuyến xe liền kề, giờ xuất bến của các chuyến xe đã có đơn vị tham gia khai thác; danh sách đơn vị đang khai thác tuyến; xây dựng và thông báo điểm dừng đón, trả khách trên các tuyến;

c) Theo dõi, tổng hợp kết quả hoạt động vận tải của các doanh nghiệp, hợp tác xã, bến xe trên tuyến; thống kê sản lượng hành khách.

 

2. Tiêu chí thiết lập tuyến như thế nào?

– Có hệ thống đường bộ được công bố khai thác trên toàn bộ hành trình.

– Có bến xe nơi đi, bến xe nơi đến đã được cơ quan có thẩm quyền công bố đưa vào khai thác.

– Mã số tuyến vận tải hành khách cố định

a) Tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh có mã số tuyến được xác định bởi mã số tỉnh, thành phố đi, nơi đến; mã số bến xe khách nơi đi, nơi đến. Mã số tuyến được đánh theo thứ tự: tỉnh, thành phố có mã số nhỏ đứng trước tỉnh, thành phố có mã số lớn; bến xe khách của tỉnh, thành phố có mã số nhỏ đứng trước bến xe khách của tỉnh, thành phố có mã số lớn. Trường hợp tuyến có nhiều hành trình khác nhau thì bổ sung thêm ký tự trong bảng chữ cái Tiếng Việt (A, B, C) vào cuối của dãy số;

b) Tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh có mã số tuyến được xác định bởi mã số tỉnh, thành phố; mã số bến xe khách nơi đi, nơi đến. Mã số tuyến được đánh theo thứ tự: mã số tỉnh, thành phố; bến xe khách có mã số nhỏ; bến xe khách có mã số lớn. Trường hợp tuyến có nhiều hành trình khác nhau thì bổ sung thêm ký tự trong bảng chữ cái Tiếng Việt (A, B, C) vào cuối của dãy số.

 

3. Hướng dẫn về tổ chức, quản lý và tiêu chí điểm dừng đón, trả khách tuyến cố định

3.1. Tiêu chí của điểm dừng đón, trả khách

a) Điểm dừng đón, trả khách chỉ được bố trí tại các vị trí đảm bảo an toàn giao thông, thuận tiện cho hành khách lên, xuống xe;

b) Có đủ diện tích để xe dừng đón, trả khách bảo đảm không ảnh hưởng đến các phương tiện lưu thông trên đường;

c) Điểm dừng đón, trả khách sử dụng bằng Biển chỉ dẫn (Biển số I.434a) áp dụng cho tuyến cố định theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ số QCVN 41:2019/BGTVT ban hành kèm theo Thông tư số 54/2019/TT-BGTVT ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

d) Khoảng cách tối thiểu giữa 02 điểm dừng đón, trả khách liền kề hoặc giữa điểm dừng đón, trả khách với trạm dừng nghỉ hoặc với bến xe hai đầu tuyến do Sở Giao thông vận tải căn cứ tình hình thực tế và việc tổ chức giao thông của địa phương mình để xác định.

 

3.2. Tổ chức, quản lý điểm dừng đón, trả khách

a) Điểm dừng đón, trả khách chỉ phục vụ các xe ô tô vận tải hành khách tuyến cố định đón, trả khách; không sử dụng cho hoạt động khác;

b) Tại điểm dừng đón, trả khách chỉ cho phép mỗi xe ô tô vận tải hành khách tuyến cố định được dừng tối đa không quá 03 phút;

c) Sở Giao thông vận tải địa phương xác định vị trí điểm dừng đón, trả khách tuyến cố định (đối với các tuyến quốc lộ phải thống nhất với cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền; đối với các tuyến đường do Ủy ban nhân dân cấp huyện (thành phố) quản lý phải thống nhất với Ủy ban nhân dân cấp huyện (thành phố)) trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;

d) Sở Giao thông vận tải tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức, quản lý, đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường tại khu vực điểm dừng đón, trả khách trên địa bàn địa phương;

đ) Điểm dừng đón, trả khách được đầu tư, xây dựng theo nguyên tắc sau: đối với các tuyến đường bộ xây dựng mới hoặc nâng cấp, mở rộng, chủ đầu tư có trách nhiệm đưa vào thành một hạng mục trong dự án đầu tư xây dựng; đối với các tuyến đường bộ hiện đang khai thác, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng theo hình thức xã hội hóa hoặc từ nguồn ngân sách nhà nước;

e) Sở Giao thông vận tải ra văn bản thông báo về việc đưa vào khai thác hoặc ngừng khai thác điểm dừng đón, trả khách trên tuyến cố định.

 

4. Niêm yết thông tin 

– Niêm yết trên Trang thông tin điện tử của Sở Giao thông vận tải các thông tin sau: danh mục các tuyến trên địa bàn địa phương (sau khi cơ quan có thẩm quyền công bố); danh sách tuyến đang khai thác; tổng số chuyến xe tối đa được phép hoạt động vận chuyển trên từng tuyến trong một đơn vị thời gian và tổng số chuyến xe đã đăng ký hoạt động; danh sách các đơn vị vận tải hiện đang hoạt động vận chuyển trên tuyến; biểu đồ chạy xe theo tuyến; số điện thoại di động đường dây nóng của Sở Giao thông vận tải.

– Niêm yết tại bến xe các thông tin sau: danh sách các tuyến, lịch xe xuất bến của các chuyến xe đang hoạt động tại bến; danh sách các đơn vị vận tải kinh doanh khai thác trên từng tuyến; số điện thoại di động đường dây nóng của đơn vị kinh doanh vận tải, Sở Giao thông vận tải địa phương.

– Niêm yết tại quầy bán vé các thông tin sau: tên đơn vị kinh doanh vận tải, tên tuyến, giá vé (giá cước) đã kê khai theo mẫu quy định tại Phụ lục 22 ban hành kèm theo Thông tư 02/2021/TT-BGTVT, lịch xe xuất bến của từng chuyến xe, dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình, khối lượng hành lý miễn cước.

– Niêm yết trên xe

a) Niêm yết ở phía trên kính trước: tên bến xe nơi đi, tên bến xe nơi đến; chiều cao chữ tối thiểu 06 cm.

b) Niêm yết ở mặt ngoài hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe: tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải với kích thước tối thiểu: chiều dài là 20 cm, chiều rộng là 20 cm; giá vé (giá cước) đã kê khai theo mẫu quy định tại Phụ lục 22 ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Niêm yết ở trong xe: biển số đăng ký xe (biển kiểm soát xe), giá vé (giá cước) đã kê khai theo mẫu quy định tại Phụ lục 22 ban hành kèm theo Thông tư này, hành trình chạy xe, dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình, khối lượng hành lý miễn cước, số điện thoại di động đường dây nóng của đơn vị kinh doanh vận tải, của Sở Giao thông vận tải nơi cấp phù hiệu, biển hiệu.

– Trách nhiệm niêm yết và cung cấp thông tin niêm yết:

a) Sở Giao thông vận tải thực hiện niêm yết theo quy định;

b) Bến xe thực hiện niêm yết tại bến xe và niêm yết tại quầy bán vé của tuyến do bến xe nhận ủy thác bán vé theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này;

c) Đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện niêm yết trên xe và niêm yết tại quầy bán vé do đơn vị tự bán vé theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này;

d) Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định phải cung cấp cho bến xe liên quan các thông tin quy định phải niêm yết tại bến xe.

 

5. Mâu thông tin niêm yết giá vé

MẪU THÔNG TIN NIÊM YẾT GIÁ VÉ (GIÁ CƯỚC)
(Ban hành kèm theo Thông tư số 02/2021/TT-BGTVT ngày 04 tháng 02 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; tương ứng với Phụ lục 22 ban hành kèm theo Thông tư số: 12/2020/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

 

5.1. Mẫu Bảng niêm yết giá vé (giá cước) đối với tuyến cố định:

 

GIÁ VÉ

Tên tuyến: …………………………………………

Bến đi…………………………., Bến đến: …………………

 

 

Giá vé 1 lượt:                      ………………đồng/ HK

 

 

Giá vé chặng (nếu có): từ….đến….: đồng/HK.

 

 

Giá vé đã bao gồm thuế GTGT và Bảo hiểm hành khách.

 

5.2. Mẫu Bảng niêm yết giá vé (giá cước) đối với xe buýt:

 

GIÁ VÉ

Số hiệu tuyến:………………………………………….

 

 

Giá vé 1 lượt:                      ………………đồng/ HK

 

 

Giá vé tháng (nếu có):        ………………đồng/ HK

 

 

Ghi chú: giá vé trên bao gồm thuế GTGT và Bảo hiểm hành khách.

 

5.3. Mẫu Bảng niêm yết giá cước xe taxi:

 

Giá cước – Taxi Fare

(Giá cước đã bao gồm thuế GTGT)

 

 

………………..(đồng)/…

(Đơn vị tính)

 

 

………………..(đồng)/…

(Đơn vị tính)

 

 

………………..(đồng)/…giờ chờ đợi (nếu có).

 

 

Ghi chú: giá cước trên bao gồm thuế GTGT và Bảo hiểm hành khách.

 

Ghi chú:

– Bảng niêm yết giá cước vận tải hành khách bằng xe taxi ở mặt ngoài cánh cửa xe có diện tích tối thiểu là 400 cm2.

– Bảng niêm yết giá vé vận tải hành khách bằng xe tuyến cố định và xe buýt ở mặt ngoài thành xe có kích thước tối thiểu là 250 cm2

– Ngoài những thông tin nêu trên, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải được bổ sung các thông tin khác theo yêu cầu quản lý của đơn vị./.

Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê đã sưu tầm và biên soạn. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật giao thông trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác!