Quy hoạch tổng thể du lịch: Sẽ phát triển 7 vùng du lịch

(Toquoc)-Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030″ vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, một trong những mục tiêu quan trọng là sẽ phát triển 7 vùng du lịch với những sản phẩm đặc trưng theo từng vùng.

Quan điểm phát triển của Quy hoạch là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP. Phát triển đồng thời cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế, chú trọng du lịch quốc tế đến và tăng cường quản lý du lịch ra nước ngoài. Bên cạnh đó, phát triển du lịch bền vững gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, đảm bảo hài hòa tương tác giữa khai thác phát triển du lịch với giá trị tài nguyên tự nhiên và nhân văn. Quy hoạch cũng hướng đến mục tiêu xã hội hóa du lịch, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế quốc gia về tự nhiên và văn hóa dân tộc…

Quy hoạch cũng đặt ra mục tiêu tổng quát là đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp với hệ thống cơ sở- kỹ thuật hiện đại, đồng bộ; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu mang đậm bản sắc dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển.

1.931 nghìn tỷ đồng đầu tư phát triển du lịch

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tổng nhu cầu đầu tư và cơ cấu nguồn vốn đầu tư là 1.931 nghìn tỷ đồng (tương đương 94,2 tỷ USD). Trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm 8-10% bao gồm cả vốn ODA, nguồn vốn tư nhân chiếm 90-92% bao gồm cả vốn FDI. Các lĩnh vực ưu tiên đầu tư bao gồm: Hiện đại hóa hệ thống hạ tầng du lịch; phát triển sản phẩm du lịch cạnh tranh và thương hiệu du lịch quốc gia; phát triển nguồn nhân lực du lịch; phát triển tài nguyên, bảo vệ môi trường du lịch, phát triển các khu, điểm du lịch. Trong đó, riêng giai đoạn 2011-2015 sẽ được đầu tư 372 nghìn tỷ đồng; 2016-2020: 482 nghìn tỷ đồng; 2021-2025: 506 nghìn tỷ đồng; 2026-2030: 533 nghìn tỷ đồng.

Ngành du lịch sẽ chú trọng thị trường khách có mục đích du lịch thuần túy, nghỉ dưỡng, lưu trú dài ngày và chi tiêu cao (Ảnh: Ngọc Thành)

Quy hoạch cũng nêu rõ, mục tiêu cụ thể đặt ra trong giai đoạn này là phát triển 7 vùng du lịch (Vùng trung du, miền núi Bắc Bộ; vùng đồng bằng sông Hồng; vùng Bắc Trung Bộ; vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long) với những sản phẩm đặc trưng theo từng vùng. Ngoài ra, sẽ phát triển 46 khu du lịch quốc gia; 41 điểm du lịch quốc gia; 12 đô thị du lịch và một số khu, điểm du lịch quan trọng khác tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch cho các vùng và cả nước.

Chỉ tiêu về lượng khách du lịch đề ra trong năm 2015 là thu hút 7,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 37 triệu lượt khách nội địa; tăng trưởng khách quốc tế 8,4%/năm và nội địa 5,7%/năm.

Năm 2020, ngành du lịch phấn đấu thu hút 10,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 47,5 triệu lượt khách nội địa; tăng trưởng khách quốc tế là 7%/năm, nội địa là 5,1%/năm. Tổng thu từ khách du lịch đạt 372 nghìn tỷ đồng, tương đương 18,5 tỷ USD.

Đến năm 2030, tăng số lượt khách quốc tế lên 18 triệu lượt và 71 triệu lượt khách nội địa; tăng trưởng tương ứng 5,2% và 4,1%/năm. Tổng thu từ khách du lịch đạt 708 nghìn tỷ đồng, tương đương 35,2 tỷ USD.

Về phát triển sản phẩm du lịch, ưu tiên phát triển các dòng sản phẩm chính như: hệ thống sản phẩm du lịch biển có khả năng cạnh tranh trong khu vực về nghỉ dưỡng biển, tham quan thắng cảnh biển, hệ sinh thái biển; các sản phẩm du lịch văn hóa gắn với di sản, lễ hội; phát triển mạnh du lịch ẩm thực; Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, chú trọng khám phá hang động, du lịch núi, du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn; Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng theo vùng để tạo dựng thương hiệu từng vùng; Đa dạng hóa sản phẩm phục vụ các đối tượng khách với những nhu cầu đa dạng như: Du lịch MICE, du lịch đô thị, du lịch giáo dục, du lịch dưỡng bệnh….  

Bên cạnh việc phát triển du lịch, Quy hoạch cũng hướng đến mục tiêu góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, phát triển du lịch “xanh”, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường…

Chuẩn hóa nhân lực du lịch

Giải pháp về nguồn nhân lực là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hiện những mục tiêu đề ra của Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch. Theo đó, sẽ xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực ngành du lịch trên cả nước và ở các địa phương. Xây dựng tiêu chuẩn và thực hiện chuẩn hóa nhân lực du lịch.

Bên cạnh đó, sẽ phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo, bồi dưỡng về du lịch;  xây dựng, công bố và thực hiện chuẩn trường để nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng du lịch, từng bước hội nhập tiêu chuẩn nghề trong khu vực.

Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch cũng sẽ được đầu tư tăng cường năng lực, bộ máy và cơ chế  như: thành lập các trung tâm xúc tiến quảng bá du lịch tại các địa phương trọng điểm du lịch, các thị trường quốc tế trọng điểm, xây dựng hình ảnh và thương hiệu du lịch quốc gia; Đẩy mạnh chuyên nghiệp hóa hoạt động xúc tiến du lịch bằng cách: tận dụng tối đa sức mạnh truyền thông, tập trung quảng bá theo chiến dịch trọng điểm, xây dựng cơ chế hợp tác trong và ngoài ngành…

Ngoài ra, Quy hoạch cũng đề ra các giải pháp khác về cơ chế chính sách, huy động vốn đầu tư, quản lý quy hoạch, ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch…

Trong giai đoạn tới, ngành du lịch sẽ đẩy mạnh phát triển đồng thời du lịch nội địa và du lịch quốc tế, đặc biệt hướng tới phân khúc thị trường khách có mục đích du lịch thuần túy, nghỉ dưỡng, lưu trú dài ngày và chi tiêu cao. Trong đó, du lịch quốc tế sẽ thu hút, phát triển mạnh thị trường gần như Đông Bắc Á (Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông..); các nước khối ASEAN;  Tăng cường khai thác thị trường truyền thống cao cấp từ Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ… Ngoài ra, sẽ chú trọng mở rộng thị trường mới như Trung Đông, Ấn Độ.

Được biết, trong năm 2012, du lịch Việt Nam đã đón và phục vụ được 6,847 triệu lượt khách quốc tế; 32,5 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ du lịch khoảng 160 nghìn tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì triển khai thực hiện Quy hoạch; chỉ đạo Tổng cục Du lịch xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hành động phát triển du lịch cho các giai đoạn 5 năm;

h

ướng dẫn các địa phương xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, quy hoạch các khu, điểm du lịch địa phương

;

xây dựng và thực hiện các quy hoạch vùng du lịch, quy hoạch khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia.

/.

Quang Đăng