Quy tắc ứng xử của Bộ Nội vụ: Trang phục công sở thể hiện được nét văn hóa chuẩn mực
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký Quyết định số 758/QĐ-BNV ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (gọi tắt là cán bộ) của Bộ Nội vụ.
Quy chế nêu rõ, khi làm việc tại công sở và trong thời gian thực thi nhiệm vụ, cán bộ Bộ Nội vụ phải mặc trang phục công sở lịch sự, đầu tóc gọn gàng, đi giày hoặc dép có quai hậu. Trang phục phải phù hợp với tính chất công việc, đặc thù của ngành và thuần phong, mỹ tục của dân tộc: Quần, áo kín đáo, váy dài quá đầu gối, không xẻ tà quá cao, không được mặc quần bò, áo phông không có ve cổ. Bộ Nội vụ khuyến khích nữ cán bộ mặc trang phục dân tộc vào các ngày lễ, tết hoặc các dịp đặc biệt của Bộ.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ yêu cầu cán bộ trong ngành phải có tư thế, tác phong, cử chỉ nghiêm túc; thái độ niềm nở, hòa nhã, khiêm tốn, lễ phép, tôn trọng người giao tiếp; sử dụng ngôn ngữ chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc… Trong quá trình thực thi công vụ mà tiếp xúc trực tiếp hoặc bằng văn bản hành chính, qua các phương tiện thông tin (điện thoại, thư tín, qua mạng internet…) với tổ chức, công dân thì phải bảo đảm thông tin trao đổi đúng nội dung công việc. Thực hiện “4 xin, 4 luôn”: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ.
Xung quanh về vấn đề trang phục của cán bộ, có rất nhiều ý kiến tranh cãi cho rằng Quyết định không phù hợp. Về vấn đề này PGS – TS Đỗ Thị Vân Anh – chuyên gia xã hội học có trao đổi để làm rõ hơn.
PV: Thưa PGS-TS Đỗ Thị Vân Anh, quy tắc ứng xử, của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Nội vụ yêu cầu rằng, phải mặc quần, áo kín đáo, váy dài không quá đầu gối, không xẻ tà quá cao. Chị nghĩ sao về điều này?.
PGS.TS Đỗ Thị Vân Anh: Trước tiên chúng ta phải xác định được đích đến cũng như giá trị, ý nghĩa, tại sao Bộ Nội vụ lại ban hành quy tắc yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện theo Quyết định 758.
Nếu xét trên góc độ đích đến, quyết định này giúp chúng ta thực hiện nét văn hóa chuẩn mực và những trang phục lịch sự cần thiết trong những cơ quan công quyền, nơi đại diện nhà nước thực hiện nhiệm vụ xã hội.
Đích thứ 2, theo tôi khi thực hiện công việc gì, chúng ta cần phải có những trang phục phù hợp với chức năng, nhiệm vụ phù hợp của công việc đó.
PV: Trong những quy định đó còn có yêu cầu không được mặc quần bò nơi công sở, và quy định này nhận được rất nhiều những ý kiến trái chiều, thưa bà?
PGS.TS Đỗ Thị Vân Anh: Theo tôi, có hai góc độ. Về góc độ khoa học, với chất vải rất cứng, dầy của quần bò, liệu mặc vào có tốt cho sức khỏe? Tôi thấy, rất nhiều quần bò mặc vào rất chật, khi chúng ta thường xuyên mặc những chiếc quần bò đó sẽ gây tắc mạch máu, hoặc lỗ chân lông không được thông suốt cũng gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Trên góc độ văn hóa, câu chuyện quần bò đã được nhiều quốc gia nhắc tới. Ví dụ như Mỹ, Ấn Độ, Singapore,… họ yêu cầu không được mặc quần bò đến nơi công sở, hoặc các trường học.
Bởi, quần bò xuất phát điểm đầu tiên, họ được những người ở Đức may lại từ vải lều, bạt của người đi đào vàng. Cho nên, quần bò chỉ phù hợp với những người làm công việc nặng nhọc, những nơi bụi bặm. Đến nơi công sở, chúng ta làm sao mặc những chất liệu nhẹ nhàng, thoải mái để linh hoạt hơn trong công việc cũng như thể hiện sự hòa đồng.
PV: Nhiều người cho rằng, xã hội hiện đại ngày nay, chúng ta ăn mặc làm sao cho thoải mái, kín đáo và không mất đi thuần phong, mỹ tục, không cần phải có những quy định gò bó như vậy. Bà có suy nghĩ gì về vấn đề này?
PGS.TS Đỗ Thị Vân Anh: Thời thế thay đổi là theo quy luật, chính vì vậy chuẩn mực về văn hóa cũng theo quy luật để thay đổi. Về cách ăn mặc, ngay xưa phụ nữ miền Bắc mặc áo yếm và váy đụp. Nhưng bây giờ trang phục đó không phù hợp với cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, chúng ta phải thấu chuyện được môi trường, nơi chúng ta mặc trang phục đó.
Những người phụ nữ ngày xưa, họ thường xuyên ở nhà, làm những công việc đồng áng, trang phục đó hoàn toàn phù hợp. Những người phụ nữ làm việc trong triều đình rõ ràng họ phải mặc những trang phục rất dầy, mũ mão phải to.
Còn hiện nay, chúng ta phải đến công sở làm việc. Bộ Nội vụ là cơ quan của nhà nước đại diện của Bộ. Cùng với đó, họ cũng là quản lý về góc độ tôn giáo, văn hóa. Về mặt chính trị, Bộ Nội vụ cũng là nơi để cho chúng ta biết được những quy định gọi là chuẩn mực.
Thế cho nên, tôi thấy cách mặc chúng ta không nên phán xét “tôi mặc có phù hợp hay không?” mà phải hiểu chúng ta đang đến nơi nào.
Ví dụ, khi chúng ta đi đến công sở, chúng ta lại mặc những trang phục hở hang như đi biển, đi dạ hội thì không phù hợp. Vì vậy, với những cơ quan hay tiếp xúc với dân thực sự chúng ta cần những trang phục kín đáo. Đấy cũng là thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam. Bởi với phụ nữ Việt Nam ngày xưa, bao giờ cũng rất phải đoan trang, lịch sự chứ không bao giờ có chuyện ăn mặc hở hang, phơi bày cơ thể.
PV: Thời gian trước đây, cũng có một vài quy định về trang phục công sở, ví như ở Huế, tuy nhiên cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Chúng ta mong rằng khi có những quy định như vậy sẽ thể hiện được nét văn hóa địa phương đó. Bà có suy nghĩ như vậy không?
PGS.TS Đỗ Thị Vân Anh: Tôi nghĩ đó là quy định tuyệt vời, nếu như mỗi địa phương đều thể hiện được nét văn hóa qua những trang phục dân tộc của mình thì điều đó rất tốt.
Tuy nhiên, điều đó cũng rất khó bởi mỗi người có một suy nghĩ và nhu cầu riêng. Trước tiên, chúng ta thống nhất được những trang phục mang tính mô phạm nhất, công sở nhất thì nên từng bước hình thành.
PV: Nhiều người cho rằng, văn hóa nơi công sở không chỉ phụ thuộc vào quần áo, mà còn cách hành xử với nhau. Khi Bộ Nội vụ hình thành quy tắc ứng xử nơi công sở thì ý nghĩa của nó như thế nào trong việc xây dựng môi trường làm việc trong công sở?
PGS.TS Đỗ Thị Vân Anh: Khi nhìn nhận một con người chúng ta không chỉ nhìn về mặt bề ngoài mà còn nhìn vào nội tâm, suy nghĩ, hành động của con người đó. Kết hợp với trang phục bên ngoài, Bộ Nội vụ đã đưa ra quy tắc ứng xử cho mọi người luyện lời nói, luyện phát ngôn, hành động thực sự mang tính đạo đức, chuẩn mực và đó chính là những yếu tố để cho mọi người giảm bớt đi những vấn đề không tốt xuất phát từ việc chưa hành xử chuẩn mực với nhau.
Trên góc độ nhà nghiên cứu khoa học, tôi thấy về nguyên tắc ứng xử, cũng như trang phục còn đạt được mục đích rất lớn, đó là hiện có rất nhiều vấn nạn về quấy rối tình dục nơi công sở. Khi người phụ nữ ăn mặc kín đáo hơn nơi công sở thì sẽ giảm đi si mê của người khác, hoặc khiến họ không nảy sinh ý định xấu. Như khi chúng tôi nghiên cứu tại sao hay xảy ra quấy rối tình dục nơi công sở, hoặc nguyên nhân “cặp bồ” nơi công sở thì một trong lý do được nhận định là vì phụ nữ mặc quá sexy, quá gợi cảm.
PV: Xin chân thành cảm ơn bà./.