Rào cản văn hóa trong thương mại quốc tế
VNHN
VNHN-Rào cản thương mại là tất cả các hoạt động của một Chính phủ nhằm hạn chế, ngăn cấm sự tự do của hàng hóa ra vào lãnh thổ của nước đó.
VNHN-Rào cản thương mại là tất cả các hoạt động của một Chính phủ nhằm hạn chế, ngăn cấm sự tự do của hàng hóa ra vào lãnh thổ của nước đó. Hoạt động thương mại quốc tế là hoạt động thương mại có sự tham gia của các quốc gia khác nhau với nhiều khác biệt về văn hóa, chính trị, pháp luật, trình độ phát triển, điều kiện tự nhiên, xã hội… Những sự khác biệt này nhiều khi trở thành rào cản đối với hoạt động thương mại quốc tế.
Ảnh minh họa – Internet
Bên cạnh những rào cản tồn tại khách quan do sự khác biệt giữa các quốc gia, rào cản tồn tại còn là do nhu cầu bảo hộ của từng quốc gia. Mặc dù hiện nay các nước trên thế giới đều có chủ trương tự do hóa thương mại, mở cửa nền kinh tế để thông thương nhưng điều này không có nghĩa là tự do hóa, mở cửa tràn lan. Ngoài chủ trương hạn chế một số hoạt động như buôn bán vũ khí đạn dược, hạn chế nhập khẩu để bảo vệ môi trường… nhiều nước còn hạn chế hoạt động các mặt hàng được phép nhập khẩu để bảo vệ nền sản xuất trong nước trước những đối thủ nước ngoài. Bên cạnh đó, còn có biện pháp hạn chế nhập khẩu đối với những nước bạn hàng không thực sự thân thiết. Vì những lý do trên mà thương mại quốc tế đã hình thành nên những rào cản cho các doanh nghiệp khi tham gia, một trong những rào cản chủ yếu của quá trình này là rào cản về văn hóa.
Theo định nghĩa của UNESCO thì văn hóa được coi là “tổng thể những nét tinh thần và vật chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính cách của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội, từ đó chi phối suy nghĩ và hành động của con người trong xã hội đó”. Vì vậy, văn hóa mang nét đặc sắc của từng cộng đồng, từng dân tộc.
Các yếu tố của văn hóa bao gồm: Ngôn ngữ, tôn giáo, các giá trị và thái độ, phong tục tập quán và chuẩn mực đạo đức, đời sống vật chất, thẩm mĩ, giáo dục… Thương mại quốc tế là hoạt động mà một doanh nghiệp sẽ tiến hành xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ cho người tiêu dùng ở một quốc gia khác hay nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ của nước ngoài vào nước mình. Hàng hóa dịch vụ của một quốc gia chính là sản phẩm của nền văn hóa đó. Vì vậy, dưới góc độ văn hóa thì thương mại quốc tế chính là sự chuyển giao sản phẩm và dịch vụ được sản xuất từ nền văn hóa này cho những người ở nền văn hóa khác sử dụng.
Những rào cản văn hóa trong thương mại quốc tế được thể hiện dưới các khía cạnh chủ yếu sau:
Rào cản do sự khác biệt trong suy nghĩ
Cách suy nghĩ có ảnh hưởng rất lớn đến quyết định của các nhà kinh doanh xuất nhập khẩu, sản xuất và người tiêu dùng. Một trong những rào cản tư duy lớn nhất là sự khác biệt về tư duy kinh tế giữa các nước tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Các nước tư bản chủ nghĩa đặc biệt coi trọng yếu tố cá nhân, coi trọng thành công cá nhân, do đó khi doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại quốc tế thì lợi ích cá nhân được đặt trên lợi ích xã hội, khi làm việc với các doanh nghiệp này thì đối tác ít phải làm việc với các cơ quan nhà nước mà chủ yếu là do quyết định của chính doanh nghiệp đó. Ngược lại, ở các nước xã hội chủ nghĩa thì lợi ích công, lợi ích tập thể luôn được đặt lên hàng đầu, doanh nghiệp muốn xuất khẩu hay nhập khẩu còn tùy thuộc vào rất nhiều cơ quan quản lý cấp trên nên cũng gây không ít rắc rối, phiền hà cho các doanh nghiệp, tuy nhiên cách quản lý này cũng có những ưu điểm của nó, đó chính là tính ổn định, an toàn do có sự quản lý sát sao của Chính phủ và các Bộ, ngành.
Rào cản do sự khác biệt trong giao tiếp
Trong giao tiếp thì ngôn ngữ là vấn đề đề cập đến hàng đầu. Với tổng số hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ thì ước tính trên thế giới, số ngôn ngữ được sử dụng cũng xấp xỉ chừng đó. Chính sự đa dạng về ngôn ngữ đã khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi đưa sản phẩm của mình thâm nhập thị trường nước ngoài. Biết bao nhiêu doanh nghiệp đã phải đổ mồ hôi, công sức và rót không ít tiền của để tìm cho mình những tên gọi, khẩu hiệu đầy ý nghĩa và ấn tượng nhưng đôi khi chính những tên gọi, những khẩu hiệu này lại làm cho kế hoạch thâm nhập thị trường của các doanh nghiệp bị phá sản.
Hãng Pepsi khi thâm nhập thị trường Đài Loan được tôn vinh với khẩu hiệu tiếng Anh “Tiến tới kỷ nguyên của Pepsi “ Thế nhưng ý nghĩa bóng bẩy của câu nói này đã bị người dân ở đây đọc một cách vụng về là “Pepsi mang tổ tiên của bạn trở về từ cõi chết”.
Tương tự như vậy, lời quảng cáo cho món gà rán đầy hấp dẫn của Kentucky, với mục đích là mang tới hương vị thơm ngon từ mười đầu ngón tay khi thưởng thức đã bị hiểu thành “Hãy ăn những ngón tay của bạn”.
Ngoài câu chuyện về khẩu hiệu của các doanh nghiêp thì trong thương mại quốc tế, sự bất đồng về ngôn ngữ là một trở ngại rất lớn khi các đối tác thương thảo với nhau. Thực tế cho thấy số lượng doanh nhân Việt Nam có thể sử dụng lưu loát tiếng Anh trong giao tiếp rất hạn chế nên sử dụng phiên dịch là một giải pháp tối ưu cho vấn đề này. Tuy nhiên, khi sử dụng phiên dịch, doanh nghiệp không chủ động, độc lập trong đàm phán, không giữ được bí mật nghề nghiệp, không tạo sự nể trọng từ phía đối tác… và thường xuyên mắc các lỗi trong nội dung hợp đồng do không am hiểu ngoại ngữ. Chính vì vậy, thông điệp được chuyển tải từ phía đối tác sẽ không chứa đựng hết hàm ý của ngôn ngữ gốc và mất nhiều thời gian, trong khi đối tác nước ngoài dành cho chúng ta quá ít thời gian đàm phán.
Ngoài những bất lợi trong đàm phán kinh doanh, bất đồng về ngôn ngữ cũng làm cho sức tiêu thụ của sản phẩm trên thị trường nước sở tại bị hạn chế, đặc biệt là trong giai đoạn ngành thương mại điện tử phát triển như hiện nay. Theo một nghiên cứu mới thực hiện tại Mỹ, 52% người tiêu dùng sẽ mua một mặt hàng nào đó trên một trang Web sử dụng ngôn ngữ của họ, 64% cho biết họ sẽ trả giá cao hơn cho một sản phẩm nào đó nếu họ có thể đọc được thông tin về sản phẩm đó. Hay nói khác hơn, niềm tin người tiêu dùng đối với sản phẩm cũng bị chi phối bởi yếu tố ngôn ngữ.
Ngoài sự khác biệt về ngôn ngữ thì sự khác biệt về tập quán, thói quen cũng ảnh hưởng rất nhiều tới quá trình tham gia thương mại của các doanh nghiệp.
Khác với Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, người Mỹ tiếp xúc bên ngoài thì rất “mở” nhưng bên trong lại rất “kín”. Trong khi người Việt Nam thường rụt rè và chuẩn bị thận trọng trong các cuộc giao tiếp quan trọng thì người Mỹ lại rất thoải mái, họ không quá quan trọng hóa vấn đề ngôn ngữ, họ có thói quen dùng tiếng lóng mọi lúc mọi nơi, họ ăn mặc rất tự do, thoải mái. Do không hiểu được những thói quen của họ nên có nhiều đối tác Việt Nam đã vội vàng kết luận là các đối tác thiếu tôn trọng, không có thiện chí hợp tác. Người Mỹ lại rất đúng giờ và người Việt Nam lại hay trì hoãn, đến muộn trong các cuộc gặp, vì vậy người Mỹ rất hay có những ác cảm, và nhiều khi ảnh hưởng tới kết quả đàm phán.
Ngoài ra, trong các giao dịch thương nhân Mỹ rất cẩn thận khi soạn thảo hợp đồng nên họ thường dùng các hợp đồng mẫu và tôn trọng ý kiến luật sư, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam xem xét các hợp đồng rất sơ lược. Vì vậy, khi thực hiện hợp đồng, phía Mỹ luôn đòi hỏi các đối tác phải thực hiện đúng từng chi tiết của cam kết đó và nếu có sai sót trong quá trình thực hiện hợp đồng thì phía doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp bất lợi.
Hiện nay trên thế giới, tiếng Anh được dùng rất phổ biến song không có nghĩa tất cả đều dùng tiếng Anh, đặc biệt là người Nhật Bản và Trung Quốc vẫn giữ tư tưởng khá cực đoan về tiếng mẹ đẻ. Do đó, rào cản ngôn ngữ vẫn đang và sẽ là một rào cản lớn phải tính đến trong hoạt động thương mại quốc tế.
Rào cản do sự khác biệt về thói quen tiêu dùng
Các yếu tố văn hóa vật chất và tinh thần khác nhau tạo nên sự khác biệt trong tiêu dùng, chưa kể sự khác biệt về tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục tập quán…
Ví dụ như thị trường Mỹ là một thị trường không quá khó tính như các thị trường Nhật Bản, Tây Âu nhưng do có thu nhập cao và sống trong một xã hội hiện đại nên người Mỹ luôn đòi hỏi hàng hóa phải có chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh công nghiệp. Trong thực tế thì nhiều sản phẩm của các công ty Việt Nam thâm nhập vào thị trường Mỹ không đáp ứng được yêu cầu trên và nhanh chóng bị mất thị trường.
Ở Việt Nam do đời sống và mức thu nhập còn thấp nên người dân có xu hướng ham của rẻ, không quan tâm nhiều đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Nắm được thị hiếu này của người dân Việt Nam các doanh nghiệp Trung Quốc ra sức xuất khẩu những mặt hàng đẹp, đa đạng về mẫu mã và đặc biệt là rất rẻ. Vì nắm đúng xu hướng tiêu dùng nên hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc được sử dụng rất phổ biến ở Việt Nam.
Trong xu hướng phát triển mới, để tham gia tốt hơn vào thị trường thế giới và bảo vệ hiệu quả nền sản xuất trong nước, Chính phủ, các Bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần phải quan tâm sâu sắc tới các rào cản thương mại, đặc biệt là rào cản văn hóa trong thương mại quốc tế. Đây là một vũ khí sắc bén mà ta bắt buộc phải học cách sử dụng để giữ được lợi thế sân nhà và tìm cơ hội trên sân khách.