[Review] Cyberpunk 2077: Đã không còn là một cuộc cách mạng.
Cyberpunk 2077 là một sự tranh cãi, giống như bao nhiêu cuộc tranh cãi mà cộng đồng bị cuốn vào suốt khoảng thời gian gần đây. Sau một khoảng thời gian chơi, trải nghiệm và thưởng thức đến chết tựa game này, nó để lại trong tôi rất nhiều thứ để nói tới. Khen có, chê cũng có. Nên tôi xin được mang tới cho tất cả mọi người những đánh giá công tâm và chi tiết nhất về Cyberpunk 2077. Tôi sẽ hết sức tránh né việc nói hay spoil quá nhiều về cốt truyện do game vừa được ra mắt và có rất nhiều người chưa được trải nghiệm tựa game này. Nên anh em hãy cứ thoải mái mà đọc hết bài viết này nhé.
Quay lại một chút về hồi đầu tôi chơi “The Witcher 3: Wild Hunt” cách đây đâu đó tầm 4 năm, chưa có một tựa Game nào cuốn hút tôi ăn ngủ vì nó nhiều như thế. Một ngày có 24 tiếng thì phải 18 tiếng tôi là Geralt of Rivia. Tại làm sao thì tôi sẽ không nói lại nữa vì tất cả mọi người đều đã tung hô TW3 cách đây 4-5 năm hết cả rồi. Từ khi ấy, tôi đã trở nên khó tính hơn rất nhiều khi chơi game. Rất hiếm game tôi chơi trong khoảng thời gian vừa qua khiến tôi bị cuốn tới mức như thế. “God of War” và “Persona 5” là những cái tên hiếm hoi và ít ỏi mà tôi có thể kể được ra.
Khi được chạm tay vào Cyberpunk 2077, tôi mong CD Projekt Red sẽ mang những cảm xúc đó quay trở lại với tôi thêm một lần nữa. Và họ đã làm được thật. Làm được một cách rất chi là vụng về. “Cyberpunk 2077” được phát triển trong khoảng 9 năm, trong khi “The Witcher 3: Wild Hunt” được phát triển trong vòng 3.5 năm. Vậy tính ra cả 2 tựa game này cùng bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển trong một khoảng thời gian rất cận kề nhau. Khi TW3 ra mắt, CDR chẳng ngần ngại mà rót hết tất cả những gì làm nên thành công của nó vào trong Cyberpunk 2077 để tiếp tục phát triển. Nhưng kèm theo đó là cả những điểm trừ nữa.
[QUẢNG CÁO] Clip từ HIỆP SĨ BÃO TÁP
Mục lục bài viết
Vẫn là một bậc thầy trong việc kể chuyện và xây dựng thế giới
Trước tiên vẫn là một công thức cũ. Công thức tạo nên thành công trong việc xây dựng thế giới, bối cảnh và nhân vật trong các tựa game của CD Projekt Red. Tất cả mọi thứ đều được phát triển thông qua các loại quest khác nhau. Với mỗi một quest là một tương tác giữa người chơi với các nhân vật, các hoạt động xung quanh Night City. Điều này giúp thành phố cũng như thế giới của Cyberpunk 2077 đến với gamer một cách tự nhiên nhất. Khiến cho người chơi chìm đắm và cảm thấy mình là một phần của thành phố náo nhiệt này.
Chúng ta có nhiều loại quest, nhưng tôi sẽ chia thành 2 loại chính. Các quest chính tuyến và bổ trợ cho chính tuyến. Các quest này là để kể cốt truyện chính của game. Các quest phụ bổ trợ là các quest sau khi hoàn thành sẽ giúp người chơi có thêm nhiều lựa chọn để phát triển cốt truyện chính hơn. Các quest này chỉ đếm trên đầu ngón tay, thời lượng cũng không thực sự lớn khi chỉ cần 20-25h là có thể hoàn thành. Cơ mà ngắn gọn xúc tích, các nhân vật đều đáng nhớ theo cách riêng của họ. Câu chuyện mà game mang lại cũng như những cái kết liên quan tới nó thực sự đánh vào cảm xúc của tôi khi nó đả động rất nhiều về những vấn đề rất nhân văn mà tôi không tiện trình bày chi tiết để tránh spoil.
Loại còn lại là các loại quest phụ. Phụ theo đúng nghĩa đen. Bao gồm các side job không bổ trợ cho cốt truyện chính tuyến, các phi vụ làm ăn, các hoạt động dọn dẹp trật tự cho thành phố và các job liên quan đến việc mua bán xe cộ. Các side job này cũng sẽ có những câu chuyện lôi cuốn của riêng mình để dẫn dắt người chơi, và phần thưởng cho các job này cũng rất xứng đáng để người chơi dành thời gian để thực hiện. Những câu chuyện phụ có thể đưa người chơi từ cảm xúc này sang cảm xúc khác. Nó có thể sẽ hài hước, thú vị và nó có thể sẽ rất cảm động. Nó góp phần xây dựng sự đa dạng cho Night City, trong thành phố mà có hàng ngàn mảnh đời với hàng ngàn hoàn cảnh khác nhau cần được biết tới và khám phá.
Các hoạt động bên ngoài cũng sẽ giúp người chơi kiếm một chút tiền để nâng cấp cho nhân vật và trang bị, cũng như điểm kinh nghiệm để người chơi nâng skill mà họ muốn. Chúng ta có thể tham gia vào những trận đấu tay bo ngoài phố để tìm ra kẻ tay to nhất cái thành phố này. Hay có thể tham gia vào những buổi đua xe ngầm vì tiền tài và danh vọng. Người chơi không bị bắt buộc phải tham gia tất cả hoạt động, nhưng chúng ở đó và chúng cho ta có quyền lựa chọn được làm hay không.
Bản chất của “tự do tuyệt đối” trong việc nhập vai vào nhân vật
Tôi luôn thích những game cho phép player có thể thỏa sức chọn lối chơi phù hợp với mình, đấy là một cách mà nhà phát triển muốn tất cả những người chạm tay vào sản phẩm của họ có được những trải nghiệm tốt nhất theo cách của riêng mỗi người. V được tạo ra với mong muốn mang lại sự tự do đó dành cho người chơi. Chúng ta có thể thiết kế V theo đúng hướng mà chúng ta muốn, từ tính cách, lối chơi cho tới cốt truyện. Người chơi có thể cho V một cái backstory để anh ta (hay là cô ta) khởi đầu cuộc hành trình của mình ở Night City, lái câu chuyện theo hướng mà người chơi muốn. Game tạo ra cho người chơi rất nhiều các lựa chọn khác nhau ở trong hành động và ở trong những dòng dialog.
Từng đó yếu tố đã đủ để khiến người chơi được hoàn toàn biến mình thành một nhân vật V ở trong game với đúng tính cách của người chơi đó ngoài đời thực hay chưa? Câu trả lời là chưa. Người chơi vẫn có quyền tự do lựa chọn, nhưng mức độ ảnh hưởng của những lựa chọn đó không thực sự ảnh hưởng quá nhiều đến kết quả của trò chơi. Người chơi dù có chọn như thế nào đi nữa cũng không thể tác động vào tính cách của V theo như những gì CDR luôn quảng bá. Thông qua tất cả các đoạn hội thoại xảy ra trong game, tôi nhận thấy V là một nhân vật được chính nhà phát triển xây dựng tính cách từ đầu. Người chơi chỉ là người ở ghế sau và đèo lái các lựa chọn dựa theo tính cách của V mà thôi.
Yếu tố này đạt được hiệu quả rất lớn ở trong TW3 vì Geralt là một nhân vật nguyên mẫu đã có sẵn từ trước. Còn đối với CP77, người chơi sẽ muốn V là một bản thể của chính họ ở trong thế giới ảo, chứ không chấp nhận việc V là một nhân vật đã được xây dựng tính cách từ đầu. Bởi vậy mà ấn tượng về V sẽ bị lu mờ đi rất nhiều, cũng như khiến những lựa chọn trong game không còn sức nặng mà nó cần phải có nữa. Còn về phía người chơi, bạn sẽ là người đưa V đến với mục đích của anh ta theo ý bạn muốn.
Nhưng nếu xét về mặt gameplay thì người chơi lại hoàn toàn được tự do trong việc lựa chọn cách mà họ muốn thông qua việc xây dựng nhân vật. CP77 là một sân chơi và người chơi có đầy đủ các loại đồ chơi để thỏa sức vùng vẫy ở trong cái sân chơi đó. Là một game bắn súng góc nhìn thứ nhất lấy bối cảnh tương lai nên có hàng tá cách để người chơi đối đầu với kẻ địch, nhưng chúng ta có thể gói gọn nó vào 2 loại, stealth và run-and-gun. Sâu hơn trong đó còn có thể chia nhỏ hơn thành những cách thức khác nhau và đa dạng hơn nữa. Đối với stealth, bạn muốn là một Sniper chính hiệu, bạn có thể tập trung nhiều điểm vào những kĩ năng tăng khả năng chí mạng và sát thương chí mạng. Bạn muốn để kĩ năng hacking làm hết chứ không cần phải động tay động chân, cộng nhiều điểm vào việc hacking và nâng cấp các công nghệ cyberware cho bản thân.
Ngược lại, nếu bạn không thích lòng vòng thì vẫn có thể xách súng lên và làm cỏ hết đối phương bằng cách tăng các kĩ năng chống chịu, chỉ số tấn công và độ cơ động để xử lí hết đối phương trong khoảng thời gian nhanh và gọn nhất. Hay bạn vẫn thích bắn nhau điên cuồng nhưng bạn lại có phản xạ người già và khả năng ngắm bắn của một thương binh, có ngay các loại súng smart đạn đuổi để khắc phục. Ấy là còn chưa nói tới những người thích làm Cyber Ninja, hay sẵn sàng tay bo đấm nhau với địch. Thậm chí bạn có thể theo ngành kĩ sư chế đồ, lợi dụng hệ thống crafting để lấy trang bị khủng với chỉ số khủng để đè kẻ địch. Bạn hoàn toàn có thể nghĩ ra những cách điên rồ nhất để thưởng thức CP77.
Game có sẵn tài nguyên để chiều lòng bất cứ loại người chơi nào, và nó tượng trưng cho sự tự do mà người chơi được nhà phát hành trao cho khi thưởng thức Game của họ. Việc bạn sử dụng V và chơi game theo cách nào không ảnh hưởng quá nhiều tới cốt truyện, vì chẳng ai trừng phạt bạn cho việc bạn chơi qua game mà giết người quá nhiều cả. Bản thân tôi không phiền với điều đó, nhưng tôi nghĩ với một vài người khác thì đây là một điểm nghiêm trọng cần phải đưa ra khi nói tới việc thiếu nhất quán trong việc định hình tính cách nhân vật thông qua story và gameplay.
CD Projekt Red chưa phải là một Studio hoàn hảo khi nói tới cơ chế chiến đấu
Trong khi CDR đang mải mê chiều lòng tất cả mọi người thì họ sẽ tạo ra những thứ OP có thể làm hỏng trải nghiệm của người chơi. Điều này đã từng xảy ra ở TW3, người chơi có thể xây dựng lối chơi cho Geralt và tình cờ biến anh trở thành một cỗ máy chém quái theo đúng nghĩa đen, khiến độ khó cao nhất Death March cũng chỉ mang lại thử thách như độ khó Normal nếu người chơi thực sự biết họ phải làm gì. CP77 cũng vậy, thậm chí nó còn tệ hơn. Có rất nhiều thứ tệ hại ảnh hưởng tới Combat Mechanic của Game mà CDR lúc nào cũng tỏ rõ sự non nớt của mình khi cân bằng Game. Tôi có thể kể ra một vài điểm mà tôi nhận thấy. Các vũ khí Smart OP vì chúng gây ra lượng sát thương quá lớn trong khi không cần quá nhiều kĩ năng. Các vũ khí Sniper OP vì các bức tường và vật thể của game gần như không có tác dụng, khiến bất cứ ai cũng có thể trở thành một gã chơi bẩn khi bắn xuyên tường trúng đầu ở khoảng cách rất xa mà vẫn gây chết một kẻ thù có sức mạnh ngang ngửa hoặc hơn hẳn nhân vật chính.
Trong khi đó có một vài thứ quá yếu đuối để phục vụ cho mục đích mà chúng được tạo ra. Như là việc sức mạnh của các vũ khí tầm gần không được cao tới thế, khiến việc cầm kiếm lao vào giữa một bầy người có vũ trang đầy đủ trở nên thiếu hiệu quả cho tới khi bạn cộng cho mình những chỉ số cần thiết để có thể làm được việc đó. AI cũng ảnh hưởng rất nhiều tới cơ chế chiến đấu của game. Tôi đánh giá AI của CP77 là tệ, tệ hơn nhiều nếu chúng ta lấy một vài tựa game được ra mắt trong thời điểm này làm tiêu chuẩn, và nó sẽ còn tệ hơn nữa ở trong những phân đoạn chiến đấu kịch tích.
Bạn có thể xách súng Sniper không hề lắp giảm thanh, wallbang triệt hạ toàn bộ kẻ thù trong một cái nhà kho mà không ai biết bạn đang ở đâu. Hay khi bạn trực tiếp ra mặt để bắn nhau với kẻ địch, kẻ địch chọn cover hở hẳn nửa người cho bạn bắn. Nó sẽ làm hỏng trải nghiệm của bạn đi rất nhiều. Tôi không biết có nên thông cảm cho CDR hay không khi một tựa Game bắn súng sẽ yêu cầu AI phức tạp hơn nhiều so với một game chém kiếm như TW3, và thông qua CP77, tôi nhận thấy họ vẫn chưa có đủ kinh nghiệm để làm điều này.
Cyberbug 2077 và bài toán tối ưu hóa trò chơi
Sau khi được trải nghiệm khoảng 30h tại phiên bản 1.03, tôi nhận ra cả bản thân mình, cả cộng đồng, và cũng chính cả CDR đã quá vội vàng với Cyberpunk 2077. Những lần delay trước dần dần có ý nghĩa hơn vì tôi thực sự không tưởng tượng sẽ thể nào nếu CP77 ở trong tình trạng còn tệ hơn thế này gấp nhiều lần. Tôi đã gặp phải rất nhiều loại Bug trong suốt quá trình chơi. Từ những Visual Bug hài hước không ảnh hưởng quá nhiều tới Game, cho tới những Bug vòng lặp chết người có thể phá hỏng cả questline và khiến người chơi không thể hoàn thành một quest nhất định nào đó. Tần suất Bug dày đặc khiến tôi cảm thấy thực sự khó chịu vì nó ảnh hưởng rất nhiều tới trải nghiệm chơi game của tôi.
Bạn có thể tưởng tượng được việc vào đoạn s*x scene nhưng bị lặp dialog nó thế nào không, nhân vật mà tôi yêu thích vừa rên vừa “What’s up, V” trong cùng một lúc. Và nó diễn ra như thế 5s mỗi lần cho tới khi hoàn thành quest đó. Hay nặng hơn nữa là NPC không ở đúng với chỗ mà nó cần phải ở để tiến hành một quest mới. Thay vào đó, game chỉ hướng NPC ra một vị trí khác, khi bạn tới vị trí đó, gặp NPC đó thì không hề có tùy chọn hội thoại để bắt đầu quest. Bạn sẽ phải lên Youtube, tìm chính xác quest bạn đang làm, đến đúng điểm mà đáng ra NPC phải xuất hiện thì tôi thấy tùy chọn hội thoại vào quest nhảy ra từ hư không.
Về mặt tối ưu hóa, tôi không nghĩ CDR là một nhà phát hành có kinh nghiệm với việc port những game của mình lên các nền tảng console một cách hoàn hảo nhất. CP77 được lập trình tối ưu nhất cho PC và tôi có thể công nhận điều đó là đúng khi hiệu năng của game trên PC rất tuyệt vời. Tôi đang sử dụng một bộ PC tầm trung, i5-9400f, RX 580 với 16gb RAM và để game trong ổ HDD. Ở low setting tôi có thể đạt 80-90fps, nâng lên một chút ở High Texture thì là 60fps, để mid setting thì 50-60fps và không có tình trạng bị spike hay giật lag nhiều. Tuy vậy, sau khi tìm hiểu tôi nhận ra được một vài điều, CDR đã thiết lập setting mặc định sai đối với PC và khiến GPU của người dùng không hoạt động đúng với công suất cần có của nó. Họ setting limit lượng VRAM sử dụng là 3gb giống với các hệ máy PS4 và Xbox One. Và nó ảnh hưởng rất lớn tới hiệu suất của game như loadtime, rendering time, …
Trong khi VGA của tôi có lượng VRAM là 8gb, những tựa game thuộc Capcom để cho ra hình ảnh đẹp và không ảnh hưởng quá nhiều đến hiệu suất cũng ngốn của tôi tầm 6gb VRAM, trong khi setting ban đầu của nó là chỉ có 3gb. Và đúng là sau khi tôi nâng mức giới hạn lên thì game cho hiệu năng còn tuyệt vời hơn cả lúc trước, và cho ra hình ảnh vẫn rất chi là đẹp. Nhưng đồng nghĩa với đó, tôi nhận ra CP77 là một game current-gen, họ làm ra tựa game này dành cho hệ máy PC tầm trung tới cao, và tối ưu nhất trên PS5, Xbox One X/S cùng với khả năng phần cứng của các hệ máy đó đem lại. Còn hiện tại, hệ máy tốt nhất để trải nghiệm CP77 là PC. Chơi CP77 phiên bản last-gen ở trên các hệ máy last-gen hay thậm chí là thông qua tính năng tương thích ngược của các hệ máy current-gen vẫn sẽ không cho bạn một trải nghiệm đầy đủ nhất.
Nhưng như tôi đã nói, tôi đã quá vội vàng với CP77. Tôi nghĩ là CDR cũng bắt đầu nhận ra điều đó vì họ cũng bị sức ép từ cộng đồng khi đã phải delay đến 3 lần và buộc phải ra mắt game khi nó chưa sẵn sàng, dẫn đến việc CP77 có màn ra mắt không thực sự bùng nổ. Sau khi bản patch chữa cháy 1.04 được ra mắt và tôi dành thêm khoảng 35h chơi nữa vào nó thì tôi không còn gặp những bug quá chết người nữa mà nó chỉ còn là những bug mang giá trị tấu hài là chính. Điều này khiến tôi cảm thấy có hy vọng hơn về tương lai của CP77, vào một ngày mà game sạch bug và chúng ta sẽ có trải nghiệm trọn vẹn nhất.
Cũng không phải lần đầu tiên vì TW3 vào lúc ra mắt cũng bị coi là nồi lẩu sâu bọ thập cẩm, nhưng sau chúng ta đều biết rằng nó đã thành công đến thế nào. Nên hay cho CDR một cơ hội. Họ đã ra thông báo trong tháng này sẽ có 2 bản patch sửa lỗi, sau đó tiếp tục là 2 patch lớn vào tháng 1 và tháng 2 sang năm. Nhưng hiện tại, nó sẽ phải nhận điểm trừ từ tôi.
Tổng kết
Ưu điểm
- Mang lại trải nghiệm Open-world đặc sắc với rất nhiều hoạt động lôi cuốn khác nhau để người chơi tận hưởng.
- Cốt truyện tuyệt vời, tuyến nhân vật chính và hỗ trợ được xây dựng tốt. Nhưng đó là nếu như bạn coi V là một nhân vật độc lập, chứ không coi V là bản thân mình.
- Các nhiệm vụ phụ được thiết kế tỉ mỉ, cho dù chúng có được kết nối trực tiếp với tuyến nhiệm vụ chính hay không.
- Hình ảnh và thiết kế tuyệt đẹp, đưa lên màn hình một thế giới Cyberpunk giả tưởng đa dạng.
- Âm thanh tuyệt vời, bao gồm cả soundtrack lẫn các giọng lồng tiếng.
- Yếu tố RPG được chăm chút và khiến người chơi cảm thấy muốn dành nhiều thời gian vào trong đó để grind lấy điểm kĩ năng và vật phẩm.
- Có nhiều loại xe đẹp, cơ chế lái xe sẽ hơi khó để tiếp cận nhưng khi đã bắt đầu quen thì nó rất tuyệt vời.
- Hệ thống chế tạo Crafting chi tiết.
Khuyết điểm
- Bugs. Lot of Bugs.
- Keanu Reeves. Dù nhân vật của anh được xây dựng tốt, nhưng giọng lồng tiếng của anh vẫn có gì đó rất gượng gạo. (Điểm trừ này khiến tôi cảm thấy tệ vì tôi là fanboy của Keanu).
- Hệ thống chiến đấu của Game không xuất sắc mặc dù nó hoàn toàn có tiềm năng để làm được như thế.
- Khá yếu ở việc tối ưu hóa lên các hệ máy Console.
- UI quen thuộc, kéo theo đó là vẫn còn (quá) nhiều bất tiện.
Rating: 8/10 (Phiên bản 1.04 sau 65h Playtime trên PC)
CD Projekt Red áp dụng thành công của họ một cách máy móc, không phải là nó không có hiệu quả, nhưng nó khiến Cyberpunk 2077 không thể vượt qua được cái bóng của “The Witcher 3: Wild Hunt”. Việc họ không thể adapt cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp video game nói chung cũng như sự non kém trong quá nhiều khâu sản xuất khiến cho CP77 bỏ lỡ cơ hội tỏa sáng của mình. Nhưng tôi không nói CP77 là một game tệ. Nó vẫn là một tựa game hay nếu đem lên bàn cân với rất nhiều cái tên khác, và tôi enjoy nó. Thật quá không công bằng khi vùi dập Cyberpunk 2077 như cộng đồng đang làm bây giờ. Vẫn có những điểm mà game làm thực sự tốt, nếu không muốn nói là hoàn hảo, nhưng nó đã không còn mang tính cách mạng như CDR mong muốn nữa. Tôi hy vọng CDR sẽ nhận ra được điều này và phát triển mình hơn nữa trong những sản phẩm tương lai, cũng như nỗ lực làm việc để biến CP77 trở thành một sản phẩm trọn vẹn nhất.