[Review Game] The Last of Us Part II: Cái vòng luẩn quẩn của yêu thương và thù hận
Mình rất thích chế độ Photo Mode của game này, khi vừa chỉnh được khung hình, góc nhìn, tiêu cự, mà còn ẩn được cả các nhân vật khác để tạo ra những tấm hình phong cảnh tuyệt đẹp, mô tả chất lượng đồ họa của game.
Từng hạt mưa đập vào lá cây, làm ướt quần áo trang bị nhân vật, hệ thống thoát nước đổ nát của Seattle làm việc, kết hợp với mật độ mô hình trong thế giới ảo ở mức rất cao, tạo ra một TLOU II đầy quyến rũ, dù rằng thế giới ấy gần như bị phá hủy hoàn toàn sau khi nhân loại trở thành những bộ lạc co cụm, sống qua ngày đoạn tháng và luôn bị zombie rình rập. Nếu có một giải thưởng nào đó đặt tên những game đồ họa đẹp nhất trên PS4 tính đến giờ, mình mạnh dạn dự đoán 5 cái tên không thể thoát khỏi danh sách: God of War, Horizon Zero Dawn, Death Stranding, Marvel’s Spider-Man và The Last of Us Part II.
Để có được bộ cánh đồ họa đáng nể như vậy, mình cũng để ý vài chiêu mà Naughty Dog áp dụng để đảm bảo tốc độ khung hình và chất lượng đồ họa. Hai trong số đó là temporal anti aliassing để khử răng cưa khi nâng độ phân giải lên 4K checkerboard và film grain, dùng lớp nhiễu để che đi những khiếm khuyết trong các mô hình vật thể, kết hợp với tốc độ hình ảnh 30 FPS để tạo ra cảm giác điện ảnh cho trò chơi.
Hình đẹp là vậy, âm thanh cũng hấp dẫn không kém. Những màn đối mặt nghẹt thở với quân địch hay với zombie được mô tả qua từng tiếng động, từng âm thanh đầy chi tiết. Nó có thể là tiếng rên rỉ của một con zombie, là âm thanh ném viên gạch đánh lạc hướng, là tiếng khẩu súng ngắn lắp giảm thanh tự chế khai hỏa, và thậm chí là cả âm thanh những người “phía bên kia” khi đang ở giây phút cuối cuộc đời. Bản thân cả hình ảnh lẫn âm thanh đều được tận dụng tới mức tối đa để phô bày sự bạo lực, man rợ mà con người có thể làm khi bị thù hận gây mù quáng. Những vệt sẹo, vết thương, vết bầm của các nhân vật sau mỗi màn chơi sẽ không mất đi, mà ở đó đến tận cuối game. Và vì lý do đó, cả cốt truyện lẫn hình âm đều tạo ra một tác phẩm giải trí không hẳn phù hợp với tất cả mọi người, và đương nhiên là không dành cho các bạn trẻ dưới 17 tuổi.
Mục lục bài viết
Game kinh dị hay game sinh tồn?
Cả hai, mỗi thứ một nửa. Game không đáng sợ như Outlast, như Resident Evil. TLOU II không khiến anh em sợ vì những con quái vật khổng lồ kỳ dị quá đông và hung hãn. Chỉ cần khôn ngoan một chút, hiểu rõ từng bước đi của cả người lẫn zombie, biết cách tối ưu hiệu quả từng món trang bị bản thân đang có, thì không có trận đấu nào là quá khó khăn, thậm chí có khi còn chẳng mất máu. Những âm thanh ghê rợn mà những con zombie tạo ra chẳng phải thứ gây sợ hãi như trong những trò chơi khác. Thay vào đó, Naughty Dog khiến anh em sợ bằng chính cơ chế sinh tồn mà Ellie phải làm để hoàn thành mục tiêu đặt ra.
Súng thì yếu, bắn hai ba phát mới gục địch nếu anh em không ngắm vào đầu, số lượng đạn tối đa thì ít, chỉ cỡ dưới 2 chục viên cho mỗi loại, tài nguyên được mang theo người cũng có giới hạn, không trữ được nhiều mà phải xài luôn để đỡ tốn diện tích ba lô, TLOU II tạo ra cảm giác khiến anh em muốn né việc chiến đấu càng nhiều càng tốt, và chỉ trong tình thế bắt buộc mới phải nổ súng.
Trong thế giới ảo của mỗi màn chơi, sẽ có rất nhiều những khu vực anh em không nhất thiết phải vào để qua màn, nhưng chúng là nơi có rất nhiều tài nguyên quý giá còn sót lại, từ cồn, giẻ lau để làm băng gạc hồi máu, cho đến chai lọ và chất nổ để làm bom lửa hoặc giảm thanh tự chế. Có thể thấy Naughty Dog “không sửa cái gì không hỏng”, khi cơ chế craft đồ không khác biệt quá nhiều so với phần 1, chỉ được tối ưu để phù hợp hơn với nhân vật mà thôi.
“Liều thì ăn nhiều”, việc chịu khó bỏ thời gian đi tìm những khu vực tưởng chừng không quan trọng như thế sẽ giúp chuyến hành trình của anh em trở nên dễ dàng hơn, khi đạn dược trang bị đầy đủ, thậm chí tìm được cả phụ kiện nâng cấp súng hay những cuốn tạp chí hé mở những kỹ năng bị khóa. Vài câu đố khác liên quan tới những chiếc két sẽ thưởng cho anh em rất nhiều đồ đạc nếu chịu khó đi tìm mật mã. Để khắc họa một thành phố Seattle rộng lớn, những màn chơi được thiết kế cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, những tòa nhà chọc trời, những khu phố từng sầm uất, hay những khu chung cư còn lảng vảng bóng dáng vài con zombie điên dại.
Đáng lý ra, TLOU II đã có thể sở hữu lối chơi hoàn hảo hơn, nếu không có những đoạn bắt người chơi phải đi tiếp, không được quay lại những khu vực trước đó để tìm kiếm những bí mật còn đang bị bỏ sót. Cái này làm game gọi là gating, và nếu muốn tìm đủ những món đồ rải rác trong mỗi màn chơi, anh em sẽ phải chơi lại chương đó.
Bản thân TLOU II được như thế này, có lẽ nhờ vào kinh nghiệm mà Naughty Dog có được khi phát triển hậu bản Uncharted The Lost Legacy. Trong game đó, có một chương thế giới mở để tự do khám phá, giải đố và tìm kiếm những món cổ vật nằm rải rác trong màn chơi. Nhờ vào những kinh nghiệm ấy, TLOU II được mở rộng hơn nhiều về mặt không gian so với phần 1, tạo điều kiện cho những anh em thích khám phá tìm tòi để tìm được hết những món sưu tập mà nhà thiết kế đặt rải rác trong mỗi màn.
Cái hay nhất của phần 2 chính là sự tự do trong cách chơi. Dù tập trung mạnh vào sự bạo lực của con người, nhưng những lần giáp mặt đối thủ, anh em sẽ luôn luôn có ba lựa chọn. Một là chiến nhau tay bo, hai là lẩn lút hạ gục từng tên địch, và ba là tìm đường tẩu thoát bằng những bụi cây, những hòn gạch chai thủy tinh đánh lạc hướng và khả năng quan sát xung quanh. Mỗi lần đối mặt địch, game luôn ném anh em vào một môi trường không hẹp một chút nào, thừa cơ hội và không gian để thoát khỏi những lần bị địch bao vây. Ngoại trừ vài màn đối mặt zombie, hay những trận đấu trùm theo cốt truyện, gần như anh em luôn có cơ hội không phải nổ súng.
Kỹ năng này ở những độ khó cao sẽ rất quan trọng, khi địch vừa thông minh hơn, tài nguyên nhặt nhạnh trong bản đồ cũng khan hiếm hơn. Cách thứ 3 đôi khi không dễ, vì game có những chú cún rất thính mũi, tự động theo sát vị trí của anh em, thay vì những địch thủ AI con người tập trung đi về phía âm thanh phát ra. Vả lại, “địch có làm gì mình đâu, chỉ đang làm nhiệm vụ thôi, vì sao mình phải giết họ?” Cái âm thanh khi những người bị Ellie hạ gục tạo ra nghe không thoải mái một chút nào, mình khẳng định với anh em.
Thậm chí trong game, cũng có vài cảnh cho anh em thỏa sức sáng tạo, lùa zombie để đuổi địch, vừa an toàn vừa không tốn đạn. Nhưng những cảnh này triển khai không dễ chút nào về mặt gameplay, nên tần suất cũng không cao. Tổng kết lại, cách chơi của TLOU II có nhịp độ chặt chẽ, có lúc gay cấn, nhưng cũng có lúc yên ả để anh em thoải mái khám phá những bí mật của thế giới game, cho dù đó là những món collectibles, hay những bức thư của những người ngã xuống gửi cho người mà họ yêu thương.
Nói vậy không có nghĩa game hoàn hảo ở mọi khía cạnh. Cá nhân mình gặp phải hai lỗi, một khá khôi hài, một khá bực mình. Nhân vật máy đi cùng anh em đôi khi không thông minh cho lắm, thay vì né để anh em di chuyển mượt mà nhất có thể từ chỗ nấp này sang chỗ nấp khác, thì họ lại chắn đường rất ngớ ngẩn. Lỗi nữa mình gặp phải là khi nâng cấp súng, tự nhiên có chiếc giảm thanh dùng vô hạn thay vì bắn 3 viên là hỏng như game thiết kế. Chắc lỗi này sẽ được sửa trong bản vá sau khi game ra mắt.
Trải nghiệm không hề dễ chịu, nhưng khiến chúng ta suy ngẫm
Khó có tác phẩm nào có thời điểm ra mắt hoàn hảo như The Last of Us Part II. Giữa lúc ở Mỹ đang biểu tình rầm rộ để phản đối kỳ thị chủng tộc, thì chúng ta lại có một tác phẩm đánh sâu vào cảm xúc của người chơi về chính sự thù hận. Ở thời điểm này, mình cũng không dám chắc những gì đang xảy ra ngoài đời thực sẽ ảnh hưởng ra sao tới cách mọi người nhìn nhận câu chuyện của TLOU II, hay ảnh hưởng thế nào tới doanh số của một game chưa ra mắt mà đã gây rất nhiều tranh cãi…
Chỉ dám chắc chắn một điều, những thông điệp mà Neil Druckmann cùng những biên kịch làm việc ở Naughty Dog truyền tải qua tác phẩm sẽ không chỉ đọng lại sau khi anh em thưởng thức game, mà sẽ còn là chủ đề bàn luận trong một thời gian rất dài sau này, sánh ngang hàng với những bộ phim hay các tác phẩm văn học kinh điển: Phim thì có American History X, A Clockwork Orange, hay các tác phẩm văn học như Fahrenheit 451, The Book Thief…
Cảm giác thưởng thức TLOU II, dù là một game cuốn hút, nhưng không dễ chịu và thư giãn, hệt như lúc anh em theo dõi những tác phẩm mình liệt kê trên đây. Nếu Uncharted là cuộc du hành đầy dí dỏm của thợ săn kho báu Nathan Drake, thì câu chuyện của Ellie và Joel trong hai phần The Last of Us, đặc biệt là phần 2, khai thác sâu hơn rất nhiều bản ngã con người, nhất là sau một thảm họa khiến con người gần như không còn biết cách quan tâm và thấu hiểu lẫn nhau. Mọi thứ diễn ra trong game đều chứng tỏ tinh thần nghiêm túc trong sáng tạo của Naughty Dog để truyền tải những thông điệp họ muốn.
Câu danh ngôn nổi tiếng nhất của Mahatma Gandhi, “ăn miếng trả miếng chỉ khiến thế giới mù lòa” được mô tả một cách chân phương, trần trụi và nghẹt thở qua từng màn chơi, từng đoạn cắt cảnh, từng hành động của các nhân vật trong game, tổng hòa để tạo ra một tựa game ở tầm kinh điển. Chỉ đến khi nhận ra nếu cứ bám đuổi lòng thù hận, con người ta sẽ mãi rơi vào một vòng luẩn quẩn, một mê cung không có cửa ra. Những gì xảy đến với các nhân vật trong trò chơi, cũng như chính hành động của họ trở thành tiền đề khắc họa những thông điệp đáng suy ngẫm, không chỉ trong phạm vi trò chơi, mà còn cả ngoài đời thực nữa.
Quên cách ghét bỏ, học cách yêu thương luôn là cánh cửa giải thoát con người. Còn chìa khóa để đạt được điều này đối với Ellie ra sao, mời anh em tự trải nghiệm tác phẩm vào ngày 19/6.
Bù lại, từ những cánh đồng bất tận xứ Wyoming, những tòa nhà đổ nát khi thiên nhiên giành lại những gì con người xây dựng nên ở Seattle, từng hạt mưa, từng bụi cây ngọn cỏ đều khiến mình băn khoăn một câu hỏi đơn giản, một con chip xử lý cỡ như AMD Jaguar trên PS4 đã như thế này, thì đến cuối năm nay AMD Zen 2 trên PS5 sẽ còn khủng khiếp đến cỡ nào, nhất là về mật độ và mức độ chi tiết vật thể trong game? Cũng không thể bỏ qua thực tế rằng, Naughty Dog là lão làng trong việc thiết kế một tác phẩm choáng ngợp về mặt hình ảnh trên những cỗ máy console của Sony, khi hiếm có đối thủ nào trên thị trường (hay đồng nghiệp ở các studio khác) sánh được với họ.