Review ý nghĩa phim The Platform: con người trần trụi

Chưa bao giờ tôi xem một phim mà bản chất con người bị châm biếm một cách trần trụi và thô bỉ như trong The Platform (Hố Sâu Đói Khát – 2019). Phim không quá khó hiểu vì bằng những diễn biến, nó đã chỉ cho chúng ta thấy những gì đang diễn ra trong xã hội này. Nhưng để có được một ý tưởng như của phim này thì quả là rất hiếm hoi và táo bạo trong sự sáng tạo nội dung. Tôi thường rất thích những phim giả tưởng, vì trong sự giả tưởng đó, con người bị đặt trong một hoàn cảnh khác hẳn với đời thường, để rồi trong cách mà con người chọn lựa, bản chất thật hoàn toàn lộ ra, nó không bị che lắp bằng vẻ bên ngoài hào nhoáng, không mờ nhạt bởi sự quen thuộc của đời sống, hoặc không bị thói đạo đức giả lừa dối. IMDb 7.1

Phim kể về một người đàn ông tự nguyện vào tù trong 6 tháng để có “chứng chỉ”, để cai thuốc và có thời gian đọc cuốn Don Quijote. Nhà tù này chủ trương thực hiện phương pháp “tự quản thẳng đứng” bằng cách xếp các tù nhân vào những phòng từ cao xuống thấp, thức ăn sẽ đi từ trên xuống dưới, sau mỗi tháng sẽ đổi phòng một lần theo tính ngẫu nhiên. Ban quản lý bảo rằng họ làm vậy để “thúc đẩy tính đoàn kết tự phát”, nghĩa là thức ăn có đủ cho tất cả tù nhân, nếu mọi người đều tự ý thức và ăn vừa đủ thì không ai bị đói. Các bạn nghĩ điều này có thực hiện được không? Những người ở các tầng trên sẽ chỉ ăn vừa đủ và chừa phần cho người phía dưới?

Về thông điệp của phim thì hết sức rõ ràng, các tầng của nhà tù chính là cách mà xã hội chúng ta phân chia ra các tầng lớp khác nhau từ trên xuống dưới, còn thức ăn là biểu tượng cho bất cứ thứ gì đang tồn tại từ vật chất cho đến tinh thần. Con cái kẻ giàu thì học trường sang để sau này ra làm chủ, con kẻ nghèo thì học trường làng để sau này làm công nhân. Cua biển, tôm hùm được xuất khẩu sang các nước giàu, còn những gì kém chất lượng thì để lại cho dân bản địa. Thế giới chúng ta là vậy, hiển nhiên rồi!

Nhưng như thế là không công bằng! Vâng đúng rồi, thế nếu chúng ta là những kẻ đang ở tầng 1 – nơi cao nhất trong nhà tù, được ăn những thứ ngon nhất thì chúng ta có muốn chia sẻ sự sung sướng đó cho những người phía dưới không? Thay vì được ăn nhung sâm tổ yến, giờ chỉ ăn 1 cái đùi gà thôi, ai sẽ chấp nhận sự thiệt thòi đó? Công bằng chỉ là tiếng kêu gào của những người ở tầng thấp với tầng cao, chả có ai đang ở tầng cao mà cúi xuống phía dưới và gào lên “bất công quá!”. Tôi nói có đúng hay không?

Nếu có người nghĩ đúng thì thôi xong rồi! Vì đó chính là cái mục đích mà người ta đã tạo ra cái nhà tù ấy. Vậy cái mục đích mà ban quản lý rêu rao thì sao? Làm gì có chuyện “thúc đẩy tính đoàn kết tự phát” đối với con người, phim đã chỉ cho chúng ta thấy rất rõ ràng, giảng giải cho họ hiểu? Họ không quan tâm đâu, nhưng nhân vật chính (NVC) đã có cách bắt những con người phía dưới anh làm theo, bằng cách dọa là sẽ trộn phân vào thức ăn, vậy là họ phải nghe vì sợ, nhưng anh ta bất lực với những tầng phía trên, thế nên cô gái mới nói theo cách châm biếm là tính đoàn kết tự phát đã bị “phủ đầy phân”. Cái chủ trương của quản lý nhà tù chỉ là một cái bẫy, một cách để mị hoặc con người, làm gì có cái gọi là “tính đoàn kết tự phát”, nhà tù đó chỉ càng khiến cho các tù nhân chia rẽ và giẫm đạp lên nhau, vì nếu họ đoàn kết lại, họ sẽ đủ sức chống lại những kẻ tạo ra luật. Ai tin vào việc con người có thể “tự ý thức” thì chỉ là vì họ còn quá ngây thơ.

Quyển sách và con dao, thứ gì có thể giúp chúng ta?

Thông điệp tuy rõ ràng, nhưng nếu muốn đào sâu hơn thì chúng ta phải trả lời một số câu hỏi quan trọng khác.

Tại sao là cuốn Don Quijote? Dù có thể vài người chưa đọc hết tác phẩm này, nhưng cũng sẽ biết tác phẩm nói về một nhà quý tộc muốn làm anh hùng và đánh nhau với cối xay gió. Nhiều người bảo ông ấy bị điên, thật ra thì ông ấy không điên, mà phần lớn con người đều điên, vì cũng giống như cách NVC lúc ban đầu và cô gái sau đó tìm cách thuyết phục người khác, chúng ta thấy họ chẳng khác nào đang nói với một thứ gì đó vô tri tựa như những cối xay gió, hoặc các tổ chức và tập đoàn trong xã hội cũng y như thế, ai nói mặc nói, “nó” vẫn cứ hoạt động theo ý của “nó”. Đó chính là sự bất lực khi tác giả của tác phẩm nhìn vào xã hội.

Điều gì khiến con người trở thành tù nhân của cái nhà tù đó? Ông già đã kể câu chuyện cho NVC nghe, người ta quảng cáo về cái máy mài giúp những con dao cùn được sắc bén lại, ông ấy mua nó, sau đó người ta lại bán con dao không bao giờ cùn (cười). Thế là ông già ném cái TV ra cửa sổ gây chết người. Câu chuyện này hàm ý gì? Con người lừa dối nhau, trục lợi từ người khác, tất cả những điều đó tạo ra sự ấm ức và nó bộc phát, nó khiến con người phạm tội. Câu chuyện đó chỉ là một trong vô vàn những câu chuyện như thế đang tồn tại trong thế giới chúng ta. Tôi nhớ có lần đi mua Laptop, mua máy xong họ mới nói là để máy hoạt động thì cần mua thêm gói cho hệ điều hành và các ứng dụng văn bản thì mới có thể sữ dụng bình thường, sao họ không nói điều đó trước khi tôi mua máy để tôi cân nhắc thêm trong lựa chọn? Chính cái cách chúng ta đối xữ với nhau đã đưa tất cả chúng ta sống trong “nhà tù” chứ không phải thiên đường.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Có cách nào thoát khỏi nhà tù không? Có! không chỉ một cách mà là hai hoặc nhiều hơn. Cách thứ nhất là của anh chàng da đen, nhờ người phía trên kéo anh ta lên, có vài người đã giúp anh ấy, nhưng càng lên cao thì càng khó, vì người phía trên sợ người phía dưới giành những đặc quyền của họ, mà họ thì chỉ muốn hưởng thụ một mình. Cách thứ 2 là đi xuống phía dưới tận cùng của hố sâu và chờ thang máy đi lên, nhưng hiển nhiên là chẳng ai muốn đi xuống cả, vì họ sợ và họ cũng không nghĩ xa đến vậy, họ chỉ nhìn thấy cái trước mắt, chỉ có đi lên mới được ăn ngon, còn đi xuống thì không có thức ăn, và vì họ không biết có gì phía dưới, thành ra họ cứ ở mãi đó và để cho người khác sắp đặt họ sẽ phải ở tầng nào, họ giao số phận họ cho sự may rủi. Trong tất cả các tù nhân, chỉ có 4 người quyết định được số phận bản thân, NVC, anh da đen, 2 cô gái. Vì mỗi người đều có mục đích của riêng họ, người mẹ tìm con, cô gái hối hận, anh da đen muốn tìm tự do, NVC muốn sự thay đổi.

Tại sao những người ở phía trên thường nhảy xuống tự sát? Ông già đã trả lời giúp chúng ta, vì họ không có gì phải chờ đợi nên họ suy nghĩ nhiều điều. Vậy họ nghĩ gì? Họ sẽ nhớ lại những gì họ đã làm trong các tháng khi ở trên cao và ở dưới thấp, khi ở trên cao, họ đã phun phí thức ăn vô tội vạ, họ khiến những người bên dưới phải chết đói, và khi ở dưới, họ phải giết đồng bạn rồi ăn thịt anh ta. Giết người thì vẫn là giết người, giết theo cách văn minh hay tàn nhẫn thì cũng như nhau cả. Ừ thì họ có thể đổ lỗi cho người ở trên khi ăn thịt đồng bạn, nhưng khi họ ở trên, lúc phun phí thức ăn thì họ đổ lỗi cho ai? Đổ lỗi cho hệ thống? Nhưng hệ thống đã để cho họ tự do lựa chọn mà. Thế đó, khi con người suy ngẫm, lương tâm họ thức tỉnh, và nếu đó là kẻ yếu đuối thì họ tự sát. Chính vì vậy mà ông già sợ NVC tự sát nếu ở trên.

Tại sao chỉ có NVC và anh da đen muốn thay đổi nhà tù? Còn có cô gái nhưng cô ấy không thể sống vì bệnh tật. Anh da đen tin Chúa (tôi cũng tin), tin vào sự công bằng và sự sống, điều đó khiến anh ấy tìm mọi cách thoát khỏi nhà tù. Còn NVC thì là một người thích đọc sách (tôi cũng thích đọc sách – cười), những người thích đọc sách thì thường sống trong mộng mơ, thích làm anh hùng hoặc “Chúa cứu thế”, người ta có thể bảo họ điên và mĩa mai họ, nhưng thế giới này tốt đẹp hơn là nhờ những người như vậy, NVC không khác chi Don Quijote. NVC và anh da đen là 2 kẻ điên trong một nhà tù của những kẻ không điên. Lẽ ra NVC không phải vào nơi này, nhưng khi cô gái biết anh ấy muốn mang sách vào nhà tù – điều mà không ai làm, cô ấy nghĩ anh ấy sẽ làm được điều gì đó cho nơi này, và quả thật anh ấy đã làm được. Nếu là một người bình thường, NVC đã chờ thêm một tháng nữa thôi là có thể tự do, nhưng … khi NVC chứng kiến tất cả những gì xẩy ra trong tù, anh ta không thể bỏ đi, đó có thể gọi là sự khốn khổ của những kẻ thích đọc sách.

Tại sao là đứa trẻ? Vì chỉ có đứa trẻ là xứng đáng để lên trên và thoát ra khỏi nhà tù, xét theo lẽ nào đó thì tất cả tù nhân ở trong nhà tù đều có lý do, họ tuy ở tù nhưng họ có sự tự do lựa chọn để có thể thoát ra, chỉ cần họ thay đổi cái bản chất bên trong, nhưng họ đã không chọn lựa điều đó. Không phải là không có người chỉ họ cách thoát ra, nhưng họ không tin, không những thế họ còn mĩa mai và cười cợt, bảo người đang muốn giúp họ là kẻ điên. Chỉ có đứa trẻ – một linh hồn thuần khiết mới chọn lựa tin tưởng vào “kẻ điên” và thoát được ra ngoài. Phim này thể hiện rất nhiều câu mà đức Jesus đã nói, nhưng tôi sẽ không viết ra, thay vào đó, có một câu mà đức Phật đã nói “Ta không vào địa ngục thì ai vào!”

“Hiển nhiên” là tất cả những gì tôi viết trong bài này đều mang tính “hiển nhiên” mà tất cả chúng ta đều biết, và “hiển nhiên” là dù biết nhưng chúng ta ít khi chọn lựa hành động làm sao cho đúng, vì chúng ta phải lo chuyện “hiển nhiên” trước mắt. Thành ra chúng ta vẫn còn “ở đây” cũng là sự “hiển nhiên”.

Ps: Tựa phim The Platform nghĩa là “nền tảng”, ám chỉ cái thang máy, người ta chỉ chú ý đến thức ăn trên thang máy trong khi quên cái thang máy – thứ có thể đưa họ rời khỏi đó. Đói khát khiến họ đi xuống (khi thang máy mang thức ăn xuống), nhưng nếu có thể vượt qua sự đói khát, đi đến tầng cuối cùng thì thang máy có thể đưa họ đi lên. Tầng cuối cùng đủ rộng để chứa tất cả mọi người, nếu tất cả đều xuống đó thì không ai phải chết đói và tất cả có thể đều thoát. Nhưng vì tham cái trước mắt, họ để sự sống của họ quyết định bởi sự may rủi.

Ps2: Tôi còn quên vài điều, này nhé, thức ăn là miễn phí, mỗi người có thể mang 1 món đồ vào nơi đó, cộng thêm việc có thể tự do ra ngoài nếu ở tầng cuối. Tổng hợp lại, 333 tầng nghĩa là có 666 món đồ có thể mang vào, vậy người ta có thể biến cái tầng chót đó thành một cái hội chợ hoặc khu nghỉ dưỡng miễn phí hẳn hoi ấy chứ. Bộ phim thật thú vị, càng suy ngẫm càng phát hiện nhiều điều độc đáo hơn.

Ps3: Tiếp tục suy ngẫm, ta giả sử tầng 0 – nơi các nhân viên làm việc là có số lượng nhất định, người phụ nữ bị bệnh từ tầng 0 đi xuống, và cô ấy chính là người truyền đạt chính thức “thông điệp” của ban quản lý về “tính đoàn kết tự phát”. Khi cô ấy xuống, tầng 0 thiếu 1 nhân viên, sau đó bé gái “thuần khiết” được gửi lên như một “thông điệp” và bù vào sự thiếu hụt. Vậy thức ăn nhiều hay ít còn phụ thuộc vào việc người bên dưới có thể gửi những đứa bé lên hay không. Nếu nhân viên tầng 0 xuống mà bên dưới không có “thông điệp” gửi lên thì thức ăn sẽ ít hơn vì thiếu nhân viên. Nếu gửi lên nhiều hơn thì sẽ có nhiều thức ăn, muốn thế thì con người bên dưới phải biết yêu thương nhau và không “ăn” những đứa trẻ mới chào đời. Cái bánh “thông điệp” chính là cái bánh có sợi tóc rơi vào ở tầng 0, có lẽ của cô gái bị ung thư.

Ps4: Tiếp tục, cơ chế tòa nhà thường là 1 tầng cao rồi 1 tầng thấp, nhưng chúng ta luôn thấy “người mẹ” đi xuống liên tục, vậy điều gì giúp cô ấy sống sót khi luôn đi xuống? Bí mật chính là đứa trẻ ở tầng 333. Khi cô ấy ở tầng cao, chỉ cần tích trữ thức ăn đầy ba lô dùng vừa đủ cho 1 người lớn và 1 đứa trẻ trong 1 tháng, sau đó xuống tầng 333 thì sẽ sống qua tháng đó, tòa nhà không trừng phạt khi để dành thức ăn cho trẻ nhỏ. Vì cô ấy xuống tầng 333 nên tháng sau sẽ lại được đẩy lên các tầng cao và cứ thế.

Nguy hiểm ở đây là phải còn sống để có thể xuống tới tầng 333. Từ đó có thể suy ra, việc cô ấy có con hay không thì không biết, nhưng cô ấy tìm “con” thì là sự thật, chính là cô bé tầng 333, và 2 người họ chưa bao giờ cần phải ăn thịt người. Điều còn vướng mắc là sao cô ấy lại biết được bí mật đó? Có thể có 1 khả năng, đó là có một “người mẹ” sau khi hết thời gian ở tù và được phóng thích, đã tìm được một “người mẹ” tự nguyện vào tù để nuôi nấng đứa trẻ, tức là luôn có nhiều “người mẹ” thay thế nhau liên tiếp.

Ps5: lại tiếp tục, các bạn có nhớ con dao của ông già? đặc tính của nó là “càng sữ dụng thì càng sắc bén”, vì vậy nó có thể trở thành công cụ giúp con người thoát thân. Có thể dùng dao khoét tường thành những bậc thang và khoét lỗ thông các tầng và thông lên cả tầng 0, nhưng con người làm gì với con dao? Họ dùng nó giết người và cắt thịt người. Con dao là biểu tượng của khoa học kỹ thuật, nó có thể giúp chúng ta cải thiện thế giới, nhưng chúng ta thích dùng nó tàn phá thế giới và giết nhau hơn. Chuyện đó “hiển nhiên” rồi, vì đó là bản chất của con người.

Ps6: Trong phimmoi có bạn comment đùa rằng ” Tầng cuối cùng để giữ xe ô tô với xe máy của cả tháp nên rộng. Bật đèn lên là thấy “, điều này cũng có thể là sự thật. Chúng ta đều biết có nhiều người nhảy vào cái hố để tự sát, nghĩa là tầng chót phải có vài cái xác hoặc bộ xương, nhưng khi NVC đi xuống lại không thấy gì cả, vậy là có người dọn dẹp. Từ đó có thể đưa ra giả thuyết là tầng chót chính là lối thoát, nhưng phải còn sống để xuống đó chứ không phải là xác chết (cười), vậy có khi NVC đã sống sót rời khỏi nhà tù. Nhưng có ai đủ can đảm đi xuống tầng cuối cùng này?

Ps7: Mỗi người chỉ được mang 1 món vào, lẽ ra họ nên mang thứ họ cần nhất, nhưng hầu hết chỉ mang thứ họ thích. Chỉ có vài người mang thứ họ cần, ví dụ dây thừng, con dao, ba lô (người mẹ). Nhưng thứ họ cần lại thể hiện mục đích khác nhau trong chọn lựa, anh da đen muốn tự do, ông già muốn tự vệ, người mẹ thì biết lo xa và tích trữ những gì cần thiết. Tuy nhiên trọng tâm là cuốn sách và con dao, cả 2 thứ đó tạo ra kết quả trái ngược nhau.

Ps8: Tôi đã tìm được thông điệp chính của phim. Câu hỏi đặt ra là, tại sao đứa trẻ xuất hiện ở tầng 333? Qui tắc của nhà tù là không có trẻ em dưới 16 tuổi, vì có một đứa trẻ nên có thể suy ra, từng có 2 người yêu nhau nên người phụ nữ có thai, muốn sinh đứa bé thì cần 10 tháng, suy ra có 3 trường hợp diễn ra để cái bào thai không bị hư, thứ nhất là là có 4 người đàn ông tốt, thứ 2 là người mẹ có khả năng giết 4 người đàn ông khi đổi phòng với người mới, thứ 3 là có vài người đàn ông tốt và nếu đàn ông xấu thì bị bà mẹ giết. Sau khi đứa trẻ được sinh ra thì cách duy nhất để người mẹ (hoặc cha nếu còn sống) gặp được và chăm sóc nó là phải giấu nó ở tầng 333, vì chỉ có thể đi xuống chứ không đi lên.

Sự xuất hiện của đứa trẻ đã phá vỡ quy tắc của căn phòng. Câu hỏi tiếp theo là làm cách nào gửi đứa trẻ – “thông điệp” lên tầng 0? Phải hội tụ 4 yếu tố, người mang thông điệp từ tầng 0 xuống – có thể xem là nhà thần học, người đọc sách – nhà triết học hoặc xã hội học, người có đức tin tôn giáo, và người mẹ yêu thương con. Khi đứa trẻ được gửi lên, ban quản lý sẽ nhận ra quy tắc của nhà tù không còn phù hợp nữa và cần phải thay đổi.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

………………………..

Like Chí Blog (Facebook) để dễ dàng theo dõi những bài viết mới.

Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog

Lễ Hội Đẫm Máu – Midsommar (2019): bóng tối giữa bông hoa
Di Truyền – Hereditary (2018): chúng ta là vật chứa
Sự Im Lặng Của Bầy Cừu – The Silence of the Lambs (1991): người, cừu, và nhộng
Kẻ Đâm Lén – Knives Out (2019): có những cách hợp pháp để làm điều đó!

12 Con Khỉ – 12 Monkeys (1995): Mon(day) – keys giải mã Enddate
Kẻ Đánh Cắp Giấc Mơ – Inception (2010): giải mã lại, from the beginning
Giải Mã Bí Ẩn Ngân Hà – Ad Astra (2019): chúng ta tìm gì bên ngoài?
Hố Đen Tử Thần – Interstellar (2014): nơi nào có tình yêu thì có sự sống

Tam GIác Quỷ – Triangle (2009): làm tổn thương chính mình
Mê Cung Lập Phương – Cube (1997): cửa thiên đường khó vào
Cuộc Chiến Luân Hồi – Edge of Tomorrow (2014): hòa bình cho ngày mai
Vùng Hủy Diệt – Annihilation (2018): ung thư hay tiến hóa?

Đảo Kinh Hoàng – Shutter Island (2010): 3 cấp độ hiểu

Chuyện Tào Lao – Pulp Fiction (1994): chuyện tào lao không tào lao
Không Chốn Dung Thân – No Country for Old Men (2007): số phận hay luật lệ ? Không gì cả!
Kẻ Mất Trí Nhớ – Memento (2000): vật lưu niệm của tử thần

Xổ số miền Bắc