Rộn ràng ngày di sản văn hóa Việt Nam

(PLVN) – Nhân Ngày di sản Văn hóa Việt Nam, nhiều nơi tổ chức hoạt động phong phú, trong đó có Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản Văn hóa Việt Nam” sẽ diễn ra các hoạt động giới thiệu phong tục tập quán cộng đồng các dân tộc Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ với các lễ hội truyền thống và triển lãm trưng bày nội dung “Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam – Nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên”.

Tái hiện lễ hội truyền thống

Từ ngày 18 đến 23/11/2022, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng với Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2022 nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đây là các hoạt động thiết thực chào mừng Ngày truyền thống – Ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11) và Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11). Thông qua đó tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Chương trình nghệ thuật khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2022 và “Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ I, năm 2022” là hoạt động mang tính điểm nhấn mở đầu cho chuỗi các hoạt động trong khuôn khổ Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản Văn hóa Việt Nam”. Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ I, năm 2022, là dịp để thực hiện có hiệu quả Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”.

Trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần “ Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2022, Ban Tổ chức sẽ tổ chức Hội nghị “Gặp mặt nghệ nhân và những người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc” và Hội thảo “Giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” nhằm đánh giá thực trạng công tác bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tại các địa phương; đề xuất định hướng, giải pháp khai thác, liên kết, xây dựng sản phẩm phát triển du lịch.

Đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc sẽ có hoạt động Triển lãm trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc; trưng bày, giới thiệu sản phẩm văn hóa đặc trưng và Trình diễn thêu, dệt thủ công trang phục truyền thống; Tổ chức tái hiện không gian Chợ phiên khu vực miền núi phía Bắc…

Trong Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2022 còn diễn ra các hoạt động giới thiệu phong tục tập quán cộng đồng các dân tộc Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ với các lễ hội truyền thống như: Tái hiện Lễ kết nghĩa mẹ con của dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk; Giới thiệu sắc màu văn hoá của đồng bào Chăm tỉnh An Giang với hoạt động Tái hiện nghi thức đặt tên của dân tộc Chăm; Giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Chăm theo đạo Hồi tỉnh An Giang; Tái hiện Lễ hội cầu ngư ở tỉnh Phú Yên; Giới thiệu Nghệ thuật Bài chòi – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tỉnh Phú Yên; Tái hiện nghi lễ mừng lúa mới của dân tộc Gia Rai…

Bên cạnh đó là Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Nam bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc và Tái hiện cuộc sống hàng ngày của các dân tộc cùng với hoạt động giới thiệu 2 chiếc khèn Mông và hoa cải vàng của đồng bào dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng; Giới thiệu văn hóa cà phê truyền thống Tây Nguyên; nghề thuốc dân tộc Dao; Giới thiệu nhạc cụ dân gian truyền thống từ tre nứa của dân tộc Bahnar; Giới thiệu về “giấc mơ Chapi” của dân tộc Raglai… cùng các trò chơi dân gian: Nhảy sạp, đi cà kheo, ném còn, đánh đu, đi cầu Kiều, đánh yến, tó má lẹ…

Đặc biệt, năm nay, Giải vô địch Anh tài Vật dân tộc quốc gia năm 2022 được tổ chức nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Giải vô địch Anh tài Vật dân tộc quốc gia năm 2022 được tổ chức với đối tượng là các vận động viên chuyên nghiệp được tuyển chọn từ các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Tại giải, các vận động viên thi đấu nội dung vật dân tộc ở các hạng cân. Đây là giải có chất lượng chuyên môn cao nhất toàn quốc, quy tụ được những vận động viên hàng đầu quốc gia. Giải diễn ra không chỉ là cơ hội cho các vận động viên có điều kiện cọ xát, rèn luyện mà còn góp phần tích cực trong khuyến khích, cổ vũ, phát triển bộ môn vật dân tộc ở các địa phương trong cả nước.

Nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên

Triển lãm trưng bày nội dung “Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam – Nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên” sẽ diễn ra tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam từ ngày 21 – 25/11/2022.

Triển lãm nằm trong thời gian diễn ra Tuần Văn hóa du lịch Di sản xanh, giới thiệu tới công chúng trong nước và quốc tế một bức tranh tổng quát về di sản thiên nhiên của Việt Nam, bao gồm các di sản thiên nhiên, những nét đẹp thiên nhiên, giá trị đa dạng sinh học, nét đẹp văn hóa, danh lam thắng cảnh, sinh hoạt đời sống con người hằng ngày gắn với môi trường thiên nhiên tại các di sản thiên nhiên thế giới, khu dự trữ sinh quyển, vườn ASEAN, di sản văn hóa và thiên nhiên được UNESCO công nhận. Đó là Không gian di sản thiên nhiên các tỉnh: Hà Giang, Điện Biên, thành phố Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Nam, Gia Lai và TP Hồ Chí Minh.

Rộn ràng ngày di sản văn hóa Việt Nam ảnh 1

Bên cạnh đó, Ban Tổ chức cũng giới thiệu tới người xem “Không gian nghệ thuật Sen thư pháp” với các hoạt động trưng bày tranh thư pháp về sen cùng các tác phẩm “gốm và sen”; trưng bày diều, sáo diều truyền thống trong chủ đề “Cánh diều di sản”.

Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa du lịch Di sản xanh, Ban Tổ chức cũng giới thiệu tới người xem chủ đề “Di sản Văn hóa du lịch nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam” trưng bày sản phẩm 10 ngành nghề tiêu biểu trong 24 làng nghề và nghệ nhân làng nghề (gồm: Gốm Bát Tràng, Chu Đậu; gỗ sơn son thếp vàng Sơn Đồng, gỗ mỹ nghệ Vân Hà; khảm trai, sơn mài Chuôn Ngọ, Hạ Thái; thêu Quất Động; mây tre đan Phú Vinh, Quảng Bình; đồng mỹ nghệ Đồng Xâm, Đại Bái; điêu khắc đá Thọ An, Thụy Ứng, lụa Vạn Phúc, Nha Xá; tranh dân gian Đông Hồ; đèn lồng Hội An; nghệ thuật tranh kính…) và triển lãm ảnh “Làng nghề Việt Nam – Điểm hẹn bốn phương” do Hiệp hội Làng nghề Việt Nam thực hiện.

Khu vực triển lãm ngoài trời với các không gian trưng bày như: Không gian nghệ thuật ẩm thực Trà Việt – giới thiệu “Không gian trà Việt”; Không gian “Giao lưu Di sản Văn hóa Du lịch Ẩm thực làng nghề, phố nghề” (với các hoạt động giao lưu Văn hóa Du lịch Ẩm thực làng nghề, phố nghề; Trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật; Tranh kính nghệ thuật của Nghệ nhân Phạm Hồng Vinh, Nghệ nhân làng nghề Việt Nam và Đèn lồng Hội An (Quảng Nam).

Cùng với các hoạt động triển lãm là các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật diễn ra trong suốt thời gian Tuần Văn hóa du lịch Di sản xanh (Giao lưu bản sắc văn hóa vùng miền, giao lưu nghệ thuật xòe Thái, múa xoang Tây Nguyên; giao lưu Tiếng hát sinh viên với chủ đề “Tuổi trẻ – Khát vọng xanh”…).

Đây là hoạt động chào mừng Ngày di sản văn hoá Việt Nam nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các giá trị di sản thiên nhiên của Việt Nam, đặc biệt các Di sản thiên nhiên đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới với đồng bào cả nước và bè bạn quốc tế. Triển lãm cũng đề cao trách nhiệm, tinh thần yêu nước, niềm tự hào của người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ với di sản thiên nhiên của đất nước; tăng cường nhận thức và vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường tự nhiên, bảo vệ, hạn chế tác động xấu của biến đổi khí hậu.

Đồng thời, thông qua triển lãm, Ban Tổ chức muốn giới thiệu, quảng bá tiềm năng văn hóa, thương mại và sức hấp dẫn của du lịch tại các di sản thiên nhiên thế giới, khu dự trữ sinh quyển, vườn di sản ASEAN, vườn quốc gia các tỉnh/thành phố…

Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2022 là hoạt động được tổ chức thường niên nhằm góp phần tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; yêu cầu đại đoàn kết trong thời kỳ mới; khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái giữa đồng bào các dân tộc anh em trong cộng đồng 54 dân tộc.