Rừng ‘về’, văn hóa Tây Nguyên sẽ ‘về’

  • “Văn hóa Tây Nguyên chủ yếu là gắn bó với rừng, nếu không có rừng thì văn hóa Tây Nguyên sẽ mai một”
    Nằm trong khu vực 3S (ba dòng sông Sesan, Sêkông  và  Srê Pôk) Tây Nguyên được gọi là ‘mái nhà Đông Dương’, dốc cả về hướng Đông và Tây.  Đây chính là điểm giao thoa cả về địa hình, địa lý và văn minh văn hóa khu vực Đông Dương. Tây Nguyên cũng chính là cái nôi văn hóa đóng góp “Không gian văn hóa cồng chiêng”,  di sản phi vật thể nhân loại của VN được UNESCO công nhận.


    Lễ cúng mừng về làng mới

    Lễ cúng mừng về làng mới


    “Người Tây Nguyên sống dựa vào rừng núi sông ngòi. Văn hóa – văn minh Tây Nguyên đều từ rừng. Người Tây Nguyên dựa vào rừng để phát triển, ví dụ âm nhạc cũng nghe từ âm thanh của thác nước, tiếng chim hót, tiếng lá xào xạc… mà người dân tạo ra những âm nhạc, nhạc cụ cho riêng mình. Thời xa xưa chưa có kim loại như bây giờ. Muốn chế tác một nhạc cụ, đạo cụ cũng từ cây rừng. Rừng cũng cho chúng tôi nước, thức ăn, các loại lá chữa bệnh. Rừng với chúng tôi thiêng liêng lắm”, ông A Thút – chuyên gia nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên, Chủ tịch MTTQVN xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, Tỉnh Kon Tum nói.
    Theo một nghiên cứu của Trung tâm tư vấn quản lý Bền vững Tài nguyên và Phát triển Văn hóa Cộng đồng Đông Nam Á (CIRUM), các dân tộc thiểu số (DTTS) VN có hình thức quản lý rừng theo cộng đồng từ lâu đời. Mục đích quản lý là vì lợi ích chung của cộng đồng bao gồm thực hành tín ngưỡng, bảo vệ môi trường sống (nguồn nước, bảo vệ thôn bản) và hỗ trợ sinh kế. Do đó, đời sống – văn hóa Tây Nguyên cũng từ rừng mà ra, và gắn chặt với rừng.
    Trong quá trình phát triển, nhiều dự án chuyển đổi cây trồng, dự án thủy điện và các khu kinh tế được xây dựng đã khiến nhiều khu rừng tự nhiên biến dạng hoặc mất; nhiều cộng đồng dân cư bị tác động, di dời tách ra khỏi rừng. Mới đây, Tây Nguyên từng được coi là quy hoạch là trung tâm thủy điện lớn nhất cả nước. Trên các hệ thống sông chính của 5 tỉnh trong khu vực đã có 11 nhà máy thủy điện lớn đang vận hành, 360 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đã được quy hoạch và xây dựng. Nhưng do những tác động lớn đến môi trường và kinh tế xã hội bản địa, nhiều dự án đã bị đình chỉ.
    Mỗi dự án được triển khai, đồng nghĩa với việc một cộng đồng dân cư lớn và môi trường tại chỗ bị xáo trộn. Một trong những vấn đề khiến địa phương, người dân và các chủ đầu tư đau đầu là trong khi quỹ đất có hạn, và sự chồng chéo về quản lý – sở hữu, thì việc di dời người dân đến các khu tái định cư đã nảy sinh rất nhiều vấn đề khác nhau. Trong năm 2015, tỉnh Kontum đã có cuộc điều tra khảo sát sau khi nhiều khu tái định cư dành cho người DTTS bị bỏ hoang. Người dân từ chối ở trong các căn nhà betong tái định cư chủ yếu vì hai lý do: nhà ở khu tái định cư quá xa nương rẫy và nơi canh tác; và lý do khác là những khu nhà này quá xa lạ với đời sống văn hóa và tập quán sinh hoạt của họ.
    “Trước khi triển khai các dự án, công tác tham vấn cộng đồng đều được làm, nhưng làm chưa tốt. Chưa hề nghiên cứu kỹ về các đặc điểm văn hóa, tín ngưỡng, sinh hoạt và đời sống của người dân. Ví dụ đồng bào cần có một nhà rông làm nơi sinh hoạt văn hóa, để họp làng. Nhà rông phải được xây trên diện tích đủ rộng và có bối cảnh xung quanh là núi rừng, không thể đơn thuần là làm một căn nhà bằng bê tông không phù hợp với đặc điểm sinh hoạt của họ. Điều này dẫn đến việc nhiều người từ chối đến ở những khu tái định cư. Nhiều khu nhà tái định cư bị bỏ hoang rất lãng phí. Công tác tham vấn là có, nhưng không đi sâu vào đời sống thực sự của người dân, để biết họ cần gì”. Ông Nguyễn Thanh Cao, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết.
     


    Làng tái định cư được xây dựng hoàn toàn bằng bê tông, nhiều gia đình không sử dụng
     

    Làng tái định cư được xây dựng hoàn toàn bằng bê tông, nhiều gia đình không sử dụng

    Ông nói, bên cạnh những tác động môi trườ

    ng và xã hội đã nhìn thấy rõ, và được nhiều nhà chuyên môn nghiên cứu. Chính những dự án phát triển cũng là một trong những nguyên nhân khiến những giá trị văn hóa Tây Nguyên bị mai một. “Điều đó vô cùng đáng tiếc, vì trong đó có rất nhiều giá trị văn hóa vô cùng quý giá đã được công nhận, mất đi là không thể lấy lại được”.

    Trong bài tham luận mới đây tại hội thảo ở Tây Nguyên, nhà văn Nguyên Ngọc từng dùng hình ảnh “làng không có chân” để nói về những buôn làng Tây Nguyên khi bị tách ra khỏi rừng, đứng chơ vơ không sinh kế, không nơi thực hành văn hóa.
    Nhận ra những vấn đề quan trọng đó, nhiều Bộ luật và Nghị định đã được sửa đổi/ban hành để đưa người về với rừng, và rừng về với người. Luật đất đai 2003 (sửa đổi bổ sung năm 2013) công nhận cộng đồng dân cư là người sử dụng đất (chủ đất). Bộ NN&PTNT triển khai chương trình thí điểm giao rừng khoán rừng cho hộ gia đình và cộng đồng buôn làng DTTS tại chỗ tại Tây Nguyên..vv… Gần đây nhất, dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2016 cũng đưa vấn đề giao rừng cho cộng đồng thôn bản tại chỗ vào trọng tâm bảo vệ rừng. Theo đó, những cộng đồng có đời sống/văn hóa gắn bó mật thiết với rừng chính là người bảo vệ rừng tốt nhất.


    Rừng tự nhiên của thôn bản được giao cho cộng đồng, du gần đường quốc lộ nhưng vẫn được bảo vệ tốt
     

    Rừng tự nhiên của thôn bản được giao cho cộng đồng, du gần đường quốc lộ nhưng vẫn được bảo vệ tốt

    Ông A Thút khẳng định: “Giao rừng cho thôn bản là hoàn toàn đúng đắn. Do áp lực di dân, dân số tăng cao và nhiều lý do khác nhau, giờ rừng đã cạn kiệt, nhưng nhiều nét văn hóa chúng tôi vẫn còn giữ, ví dụ Lễ hội nước dọt. Hàng năm chúng tôi thực hành văn hóa truyền thống của mình là Lễ hội nước dọt, người dân tập trung bảo vệ rừng đầu nguồn. Từ những phần rừng chúng tôi còn giữ, cây rừng sẽ hồi sinh, chúng tôi giữ được nguồn nước – nguồn sống của chúng tôi. Cùng với việc phục hồi rừng, văn hóa cũng sẽ phục hồi. Chúng tôi sẽ nhớ lại và thực hành những truyền thống văn hóa từ trước đến nay và từ nay về sau”
    “Văn hóa Tây Nguyên chủ yếu là gắn bó với rừng, nếu không có rừng thì văn hóa Tây Nguyên sẽ mai một”, A Thút khẳng định chắc nịch.
    BOX: Lưu vực sông 3S là lưu vực của ba con sông Sê Kông, Sê San, Srê-pôk với diện tích 78.650 km2, trong đó 33% thuộc lãnh thổ Căm-pu-chia, 29% thuộc lãnh thổ Lào và 38% thuộc lãnh thổ Việt Nam. 3S là lưu vực xuyên biên giới lớn nhất của con sông mẹ Mekong. Hiện có khoảng 4 triệu người sinh sống trong lưu vực 3S, phần lớn ở phần diện tích Việt Nam (hơn 3 triệu người). Bên cạnh mức độ đa dạng sinh học cao, khu vực này cũng có nhiều nét đặc sắc văn hóa riêng với nhiều tộc người ở cả 3 quốc gia.