S0 SÁNH TRUYỆN KIỀU VỚI KIM VÂN KIỀU TRUYỆN | Nguyễn Du

Đến nay đã có nhiều công trình khảo sát, khảo luận, đối chiếu, so sánh quan hệ nhiều mặt giữa kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du với nguyên tác tiểu thuyết chương hồi Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Đương nhiên đây là mối quan hệ đơn nhất, một chiều, đi từ Kim Vân Kiều truyện tới Truyện Kiều; hay nói cách khác là thi hào Nguyễn Du đã tái tạo, sáng tạo kiệt tác Truyện Kiều từ chính việc tiếp nhận cốt truyện tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện. Vấn đề chúng tôi đặt ra ở đây là Nguyễn Du đã tiếp nhận và xử lý cốt truyện Kim Vân Kiều truyện theo cung cách nào? Ông đã chủ ý lược giản cốt truyện, nhân vật, sự kiện, tình tiết, chương đoạn nào  và theo chiều hướng ngược lại, chú trọng khai thác, mở rộng, gia tăng, nhấn mạnh những phương diện nội dung và nghệ thuật trữ tình nào? Điều quan trọng hơn, những phương diện đó đã tạo nên tính qui luật như thế nào trong quá trình sáng tạo, chuyển đổi từ loại hình văn xuôi tự sự tới tự sự – trữ tình, từ thể loại tiểu thuyết chương hồi tới truyện thơ Nôm, từ Kim Vân Kiều truyện tới Truyện Kiều?…

I- Từ công trình nghiên cứu so sánh của Đào Duy Anh, Phạm Đan Quế và những người khác

Ngoại trừ những lời bình điểm khái quát của các nhà nho trước đây, trên thực tế có thể xác định học giả Đào Duy Anh là người đầu tiên đặt vấn đề nghiên cứu so sánh Truyện Kiều với Kim Vân Kiều truyện một cách tương đối hệ thống, khách quan, theo xu thế khoa học hiện đại qua công trình Khảo luận về Kim Vân Kiều Trong công trình này, Đào Duy Anh tập trung triển khai nội dung so sánh qua hai chương cơ bản gồm: Chương thứ nhất – Lai lịch sách Đoạn trường tân thanh: Chương thứ hai – Từ Kim Vân Kiều truyện đến Đoạn trường tân thanh… Đào Duy Anh xác định: “Ta đã thấy rằng Nguyễn Du đem sách Kim Vân Kiều truyện phiên dịch ra Quốc văn thành sách Đoạn trường tân thanh. Trước khi xét đến bút pháp tài tình của Nguyễn Du, ta hãy xem nội dung của hai sách ấy thế nào” (tr.51). Từ đây ông tóm tắt cốt truyện và nội dung chi tiết từng hồi của thiên tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện, tổng cộng gồm 20 hồi. Đến Truyện Kiều, ông nhận xét: “Sách Đoạn trường tân thanh thì tác giả không chia ra chương hồi nhưng ta có thể xét theo mạch lạc mà chia ra làm ba phần, gồm 13 chương như sau này” (tr.56). Việc chia tác phẩm thành ba phần là tuân theo lối kết cấu Hội ngộ – Lưu lạc – Đoàn viên vốn rất phổ biến trong loại truyện thơ Nôm có nguồn gốc cốt truyện Trung Quốc. Tuy nhiên, khác với việc phân tích kết cấu tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện gồm 20 hồi, tới Truyện Kiều lại được chia thành ba phần, mỗi phần có số chương khác nhau (Phần thứ nhất 3 chương, Phần thứ hai 6 chương, Phần thứ ba 4 chương) và trong mỗi chương này lại chia thành từ 2 đến 5 mục nhỏ.

Phù hợp với cách so sánh Truyện Kiều với Kim Vân Kiều truyện trong thế đối sánh về kết cấu, Đào Duy Anh nêu lên những nhận xét hữu lý:

“So sánh hai bản cương yếu trên, ta thấy Nguyễn Du giữ nguyên sự tích của tiểu thuyết Tàu, hầu như không thêm bớt chút gì.

Song nguyên văn thì tự thuật rườm rà, tỉ mỉ, kết cấu theo một trật tự dễ dàng đơn giản, mà Nguyễn Du thì châm chước và sắp đặt lại thành một tổ chức có giàn giá chặt chịa, có mạch lạc khít khao.

Nhưng nếu ta muốn thấy rõ phần sáng tác của Nguyễn Du để hiểu rằng ông không phải là một nhà phiên dịch tầm thường thì phải đem xét nội dung của Đoạn trường tân thanh và tùy tiện so sánh với nguyên văn của Thanh Tâm Tài Nhân” (tr.60)…

Một công trình nghiên cứu so sánh bề thế khác nữa là Truyện Kiều đối chiếu của Phạm Đan Quế. Chỉ xin lưu ý rằng quan điểm nghiên cứu được ông dẫn giải khá ngắn gọn trong Lời nói đầu, mục B- So sánh đối chiếu giữa hai tác phẩm chỉ gồm vài ba trang và cũng chỉ tập trung ở một đoạn: “Nhìn chung, chúng ta có thể nói: Về cốt truyện, hệ thống nhân vật, thứ tự trình bày các sự kiện, những vấn đề luân lý, triết lý và đôi khi cả các chi tiết, Nguyễn Du đã dựa rất nhiều vào bản gốc của Thanh Tâm Tài Tử. Tuy nhiên, ông đã chỉ chọn những sự việc chính, lược bỏ nhiều những đoạn rườm rà và có khi tóm tắt trong một số ít câu cả một đoạn dài trong truyện. Và sự khác nhau cơ bản là ở chỗ: Các sự kiện trong Kim Vân Kiều truyện là sự kiện chắp nối còn trong Truyện Kiều là sự kiện hữu cơ. Nguyễn Du đã đổi mới Kim Vân Kiều truyện bằng cách thay đổi các quan hệ số lượng giữa các bộ phận (…) và nhất là khi đi vào từng chi tiết, từng đoạn văn cụ thể”. Tiếp đó là thao tác so sánh có tính thủ công/ kế toán qua việc chia đoạn Truyện Kiều ứng với từng hổ Kim Vân Kiều truyện. Nhà nghiên cứu xác định việc phân chia Truyện Kiều theo từng hồi cũng như lập bảng so sánh giữa hai cuốn theo từng hồi để đối chiếu là hoàn toàn có tính tương đối” và đi đến nhận xét khái quát: “Qua bảng so sánh trên ta thấy Nguyễn Du gần như giữ nguyên trình tự các sự kiện. Tuy nhiên, ông đã bỏ hẳn hồi 5 và hồi 6, chỉ thu lại trong 20 câu xen vào giữa hồi trước. Riêng hồi 20 -Tái hồi Kim Trọng – ông đã diễn tả bằng 526 câu, tức gần 1/6 tác phẩm. Và nếu tính cả hai hồi trước đó thì ba hồi cuối chiếm tới 1024/3254 câu, gần bằng 1/3 tác phẩm”(tr. 16-18)…

Ngoài hai công trình tiêu biểu của Đào Duy Anh và Phạm Đan Quế còn có khá nhiều chuyên luận, tiểu luận cùng bàn đến vấn đề so sánh Truyện Kiều với Kim Vân Kiều truyện”‘… Nhân đây, chúng tôi xin lưu ý rằng những sự kiện, chi tiết được coi là “rườm rà” thực chất lại là đặc điểm và thế mạnh riêng của Kim Vân Kiều  truyện. Những sự kiện, chi tiết đó chính là thuộc tính, yêu cầu và sức mạnh của lối văn xuôi tự sự vốn thiên về tả thực, được trình bày theo tuyến tính biên niên sử của  tiểu thuyết chương hồi. Thử hỏi nếu bản thân Kim Vân Kiều truyện lại lược bỏ đi  những sự kiện, chi tiết cụ thể thì thiên tiểu thuyêt này còn lại những gì? Dẫn giải như thế để thấy rõ hơn tính hợp lý của những chi tiết, sự kiện được thể hiện trong Kim  Vân Kiều truyện và nó chỉ được coi là “rườm rà”, “dài dòng” khi đặt trong tương  quan với Truyện Kiều và nhìn từ đặc trưng nghệ thuật Truyện Kiều. Trẽn thực tế, nếu sự so sánh chỉ coi trọng tư duy văn xuôi tự sự, coi trọng tuyến cốt truyện, sự  kiện, nhân vật, chi tiết và “Nguyễn Du đã in dấu ý thức chủ quan của mình cho một  số nhân vật, làm tổn hại sự hoàn chỉnh và thống nhất về tính cách của những nhân  vật ấy ở mức độ nhất định” thì tất yếu sẽ dẫn đến cách nhìn đơn giản hoá Truyện  Kiều như nhà nghiên cứu Đổng Văn Thành (Trung Quốc); còn nếu bình điểm, qui  chiếu Truyện Kiều bằng thước đo nội dung trữ tình và từ đặc trưng nghệ thuật thể loại truyện thơ thì lại thật khó xác định đúng mức giá trị tự thân của tiểu thuyết Kim  Vân Kiều truyện.

II- Xu thế lược giản cốt truyện, nhân vật, sự kiện, tình tiết

Khi chuyển đổi từ tác phẩm văn xuôi tự sự tới truyện thơ in đậm sắc thái trữ tình, Nguyễn Du đã thực hiện việc lưa chon các nhân vật, sự kiện, tình tiết sao cho vẫn đảm bảo được nội dung cốt truyện và lại phải đảm bảo được mạch thơ, chất thơ âm điệu, vần luật của thể thơ lục bát dân tộc. Có thể nhận ra một qui luật là Nguyền Du thường lược giản hoặc tóm tắt những chương đoạn thiên về tả thực, kể sự, miêu tả sự kiện; những nhân vật phụ, những đoạn đối thoại dài dòng, những bài thơ xướng họa, đề vinh, cảm khái…

Mở đầu Truyện Kiều, Nguyễn Du đã chuyển hoá phần lời bình được coi là của Kim Thánh Thán thành những khái quát trữ tình có ý nghĩa đúc kết trải nghiệm cá nhân trong cuộc đời, về những quan niệm triết lý “Tài mệnh tương đố”, “Bỉ sắc tư phong”, “Tạo vât đố hồng nhan”, “Hồng nhan bạc mệnh”. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du lược bỏ đi hầu hết các bài từ, các bài thơ tứ tuyệt, ngũ ngôn luật, ngũ ngôn trường thiên, thất ngôn; những bài thơ trong tập Đoạn trường, thơ đề tặng Kim Trọng, thơ bày tỏ nỗi lòng khi quyết định bán mình chuộc cha, thơ bày tỏ nỗi niềm thương nhớ gia hương khi ở nhà Tú Bà, thơ xướng hoạ với Thúc Sinh, thơ Thúc Sinh ghi cảnh Thúy Kiều tắm, thơ Thúy Kiều mong nhớ Thúc Sinh; những khúc ca Bạc mệnh oán, Nguyệt nhi cao nói về thân phận người đẹp, Khốc hoàng thiên thương cảm cuộc đời người kỹ nữ, lời ca thảm sầu khi phải hầu rượu Hoạn Thư; bài kệ viết trên cánh cửa gác Quan Âm nhà Hoạn Thư; những bài thơ Thuý Kiều đề vịnh Chiêu Ân Am nơi ở sư thầy Giác Duyên, thơ Lục tuyệt trước khi trẫm mình trên sông Tiền Đường; rồi bài ca trường thiên Chiêu hồn của Tống Ngọc được Kim Trọng đọc thay bài văn tế khóc viếng Thúy Kiều; rồi mười bài thơ của Thúy Kiều trong cuộc đại đoàn viên… chính là nhằm tạo cho cấu trúc truyện thơ trở nên chặt chẽ, liền mạch hơn. Thực tế cho thấy các tác phẩm văn xuôi truyền thống (Nam Ông mộng lục, Truyền kỳ mạn lục, ThánhTông di thảo, Vân Cát thần nữ cổ lục, Truyền kỳ tân phả, Thượng kinh ký sự, Hoa viên kỳ ngộ, Hoan Châu ký, Nam triều công nghiệp diễn chí, Hoàng Lê nhất thống chí…) thường có đan xen rất nhiều những bài thơ của chính nhân vật trong truyện hoặc như những lời đề từ, đề vinh, phẩm bình dài ngắn khác nhau. Đặc điểm này có thể thích hợp với cách tiếp nhận của người trung đại nhưng lại khiến cho mạch tự sự bị gián đoạn. Việc Nguyễn Du triệt để lược bỏ những bài thơ này giúp cho truyện thơ gắn bó liền mạch, phù hợp hơn với tiếng nói thơ ca.

Trước đây chúng tôi đã có dịp giải thích việc Nguyễn Du không mô tả chi tiết sự kiện Tú Bà truyền dạy “bảy chữ tám nghề” cho nàng Kiều không chỉ bởi thi hào đã lược bỏ đi một cách đơn giản những đoạn miêu tả có tính chất tự nhiên chủ nghĩa và có hại đối với mỹ cảm của người đọc. So sánh thì thấy đoạn này được Kim Vân Kiều truyện thể hiện trong vài bốn trang với cả chiều sâu nghệ thuật sex, nghệ thuật tâm lý gắn liền với căn rễ cơ sở văn hóa đô thị và đời sống xã hội thị dân phát triển. Đến Truyện Kiều , Nguyễn Du giản lược chỉ còn những câu:

Này con học lấy làm lòng,
Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề

Lời thơ thanh nhã, tóm lược đại ý, không còn đâu nội dung, chi tiết cụ thể. Trong Từ điển Truyện Kiều, Đào Duy Anh chú: “Bảy chữ. Theo nguyên truyện thì tiếp khách ở lầu xanh có bảy chữ, tức là bảy cách: 1. Khóc với khách; 2. cắt tóc cho khách làm tin; 3. Thích tên khách vào cánh tay; 4. Đốt hương để thề nguyền; 5. Giả ước nguyện lấy nhau làm vợ chồng; 6. Rủ khách đi trốn; 7. Giả chết cho khách quyến luyến… Tám nghề: Theo nguyên truyện thì tám nghề là tám mánh gái thanh lâu dùng để giữ khách lại, nhưng đều là thô bỉ nên không dẫn vào. Nhưng giải thích như thế thì người đọc cũng chưa rõ đâu vào đâu. Từ đây có hai vấn đề được đặt ra. Thứ nhất, nếu coi đây là sự thể hiện phẩm chất mỹ cảm cao của Nguyễn Du thì thực chất lại chính là bước lùi trên phương diện tư duy nghệ thuật. Bởi lẽ tấm màng lọc mỹ học phong kiến luôn có xu hướng hạn chế khả năng tạo hiện thực, phản ánh đời sống trần tục và sắc màu sex. Với những cố gắng mang tính thời đại, điều này đã thấy xuất hiện trong Kim Vân Kiều truyện nhưng phải chăng lại hoá thành quan phương, chuẩn mực, ước lệ hơn trong Truyện Kiều? Tôi nhớ nhà thơ – đạo diễn điện ảnh Đỗ Minh Tuấn từng cận cảnh bàn đến vấn đề Thúy Kiều và khát vọng “giải sex” và nhà nghiên cứu Trần Ngọc Vương từng phát biểu đại ý, một nền văn học trưởng thành không thể thiếu bảng màu sex. Nguyễn Du là đại biểu một nền văn học lớn mà lại thiếu sex, lại trở nên “Nho hoá” hơn cả Thanh Tâm Tài Nhân? Thứ hai, bên cạnh hứng thú nghệ thuật thì chính sự chuyển đổi từ những trang văn xuôi vốn có điều kiện miêu tả chi tiết, cụ thể tới thể loại truyện thơ đã qui định sự giản lược của Nguyễn Du khi viết về “bảy chữ tám nghề”. |Nếu xét trong cả hồi 10 với nội dung “Tú Bà dạy nghề” thì Nguyền Du giản lược chỉ còn 70 câu thơ (câu 1149-1218).

 Qua sự cắt nghĩa việc lược giản nội dung “bảy chữ tám nghề” cho phép liên hệ và giải thích nhiều hiện tượng chuyển đổi tương đồng ở nhiều chương đoạn từ Kim Vân Kiều truyện tới Truyện Kiều. Chẳng hạn:

Tại hồi 5 và hồi 6 miêu tả rất nhiều sự kiện như Thúy Kiều quyết định bán  mình chuộc cha; những hành động, biện luận và đối thoại giữa Vương ông -Vương bà – Thúy Kiều – Thúy Vân – mụ mối họ Hàm – viên công sai Chung Sự – kẻ mua  người họ Mã; việc viết thư gửi Kim Trọng, viết giấy nhận tiền, viết hôn thư và ký xác nhận… được miêu tả chi tiết với nhiều kịch tính, thể hiện trong nhiều tính cách với nhiều trạng thái tâm lý khác nhau đã được Nguyễn Du thu gọn lại chỉ trong 20 câu thơ (câu 665-684). Đây cũng là phần Nguyễn Du giản lược triệt để nhất trong toàn bộ Truyện Kiều.

Tại hồi 18, sự kiện giết Bạc Hạnh, Bạc Bà, Hoạn Ưng, Hoạn Khuyển, Tú bà, Mã Bất Tiến (Giám Sinh), Sở Khanh được miêu tả đan xen giữa việc tra vấn, đánh đòn Hoạn Thư đã được Nguyễn Du thu gọn lại và lược giản nhân vật phụ như mẹ Hoạn Thư là Kế thị, kiện tướng Sử Chiêu. Đồng thời những đoạn diễn tả chi tiết việc hành hạ, trừng phạt ghê rợn bọn Mã Giám Sinh, Sở Khanh đều được Nguyễn Du phối hợp, kết nối, điểm danh cùng những tên tội đồ khác và chuyển hoá trong lời thơ ngắn gọn :

Trước là Bạc Hạnh, Bạc Bà,
Bên là Ưng, Khuyển, bên là Sở Khanh.
Tú Bà với Mã Giám Sinh,
Các tên tội ấy đáng tình, còn sao ?
Lệnh quân truyền xuống nội đao,
Thề sao, thì lại cứ sao giã hình,
Máu rơi thịt nát tan tành,
Ai ai trông thấy hồn kinh phách rời…

Tại nửa sau hồi 18 và quá nửa phần đầu hồi 19 là những trang miêu tả hết sức cụ thể chi tiết sức mạnh đạo quân Từ Minh Sơn (Từ Hải) khi đánh tan bọn Tham tướng Bốc Tế và Du kích quân Cừu Nhiêu; quá trình chuyển biến trong tâm lý Thúy Kiều từ lúc sáng suốt cố vấn nghệ thuật đánh trận cho Từ Hải đến nỗi lòng nhớ cố hương và lúc bị chinh phục bởi lễ vật và lời nói ngọt; những mưu thuật của Đốc phủ Hồ Tôn Hiến cùng các lớp biến cố, các tình huống và đối sách chiêu hàng; lớp lớp các nhân vật đi dụ hàng như ông già Hoa Nhân, La trung quân, thị nữ nội gián Tuyên Nghĩa và Dụ Ân, viên mạc lân Lợi Sinh, Thông phán Quyền Nghi, Du kích quân Nữu Hiệp; đặc biệt là cuộc hoà nghị giả trá và cuộc đánh úp với sự tham chiến của những Tổng binh Âm Mưu, Du kích Trương Năng, Tham tướng Lý Thiên… đều được giản lược đến tối đa.

Những dẫn chứng trên cho thấy chiều hướng vận động chung là những chương đoạn nào càng giàu chất tự sự, thực, càng thiên về miêu tả cụ thể, chi tiết; càng nghiêng về kịch tính, đối thoại lớp lang hệ thống và nhiều nhân vật thì càng có xu thế được lược giản nhiều hơn. Điều này phù hợp với đặc trưng tư duy thơ ca cần phải lựa chọn các biến cố, sự kiện, nhân vật, chi tiết sao cho phải thật ngắn gọn, tinh lọc, giàu hình ảnh. Đối với tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện cũng như các tác phẩm xuôi tự sự nói chung, cách thức miêu tả nói trên vốn là ưu thế trong việc phản ánh đầy đủ, xác thực không khí xã hội, sự kiện và tính cách nhân vật thì đó lại không phải là thế mạnh của thơ ca. Rõ ràng việc lược giản cốt truyện, lược giản chất văn xuôi tự sự chính là một đặc điểm nằm trong tính qui luật của quá trình sáng tạo, chuyển đổi từ tiểu thuyết chương hồi Kim Vân Kiều truyện tới Truyện Kiều.

III-Xu thế gia tăng chất trữ tình , khai thác tâm trạng nhân vật và diễn tả phong cảnh thiên nhiên

Đồng thời với xu thế lược giản cốt truyện, nhân vật, sự kiện, tình tiết, thiên tài nghệ thuật Nguyễn Du còn thể hiện ở việc nâng cấp, gia tăng chất trữ tình, khai thác tâm trạng nhân vật và diễn tả phong cảnh thiên nhiên. Xu thế gia tăng này không chỉ được đo đếm bằng số lượng câu chữ mà bao gồm cả cách thức sáng tạo, nhấn mạnh,  cô đúc, tinh lọc, tinh luyện những câu văn xuôi thành lời thơ sâu lắng, gợi cảm, đi sâu vào lòng người.

Ngay từ mấy câu thơ mở đầu kiệt tác Truyện Kiều, Nguyễn Du đã bày tỏ được  quan niệm sáng tác của mình cũng như khái quát được một phương diện quan trọng nhất trong nội dung trữ tình Truyện Kiều:

Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Nếu như ở tiểu thuyết chương hồi Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài  Nhân, đối tượng được phản ánh là sự đan dệt của hiện thực chữ tình – đại kinh với  một bên  là chữ khổ – đại vĩ và tấn bi kịch phổ quát về những số phận con người “giai nhân mệnh bạc, hồng phấn thời thừa”, thì đến Truyện Kiều, triết thuyết “tài mệnh tương đố” – Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau – đã được chuyển hóa trong cảm  hứng trữ tình, bằng tiếng nói trữ tình ngoại đề và nỗi “đau đón lòng” của chính tiếng  lòng Nguyễn Du.

Từ trước đến nay, bạn đọc và giới nghiên cứu ngày càng thâu nhận sâu sắc vai  trò của tiếng nói trữ tình trong Truyện Kiều. Phạm Quỳnh cảm nhận Thúy Kiều là”một kẻ sầu nhân” và Truyện Kiều là “một thiên lịch sử thống thiết của tác giả”. Hoài Thanh xác nhận Truyện Kiều như một “tiếng kêu thương”. Lê Đình Kỵ khai thác vấn đề “tình nghĩa từ Truyện Kiều”, “tình thương bao la” và khái quát thành “văn hóa nghĩa tình Việt Nam”. Trần Đình Sử từ điểm nhìn lý luận đã mã hóa sắc thái giọng điệu cảm thương”, “giọng điệu nghệ thuật cảm thương”, “môi trường tình thương”, “nhân vật thể hiện tình thương”, “thương người xót thân” và một “chủ nghĩa cảm thương” tạo nên giọng điệu chủ lưu có sức rung cảm sâu xa trong lòng người đọc. Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh “cái tôi trữ tình của Nguyễn Du”, “cảm hứng đau đời, thương người” … Nối tiếp những ý kiến trên, chúng tôi tập trung khảo sát các cách thức biểu hiện lời cảm thán – hiểu như một phương diện tiếng nói trữ tình ngoại đề của Nguyễn Du cũng như khả năng tác giả đồng cảm, chuyển hóa, nhập thân vào thế giới tâm trạng nhân vật.

Trong Truyện Kiều quả đã xuất hiện đậm đặc một số lượng từ cảm thán và bao quát nhiều cung bậc tình cảm, trạng thái tâm lý khác nhau như Ôi, Hỡi, Hỡi ôi, Chàng ôi, Than ôi, Thương ôi… Đây là những sắc thái cảm thương đỉnh cao, hiển hiện trực tiếp, sâu sắc và rõ nét trong Truyện Kiều. Việc phân tích, so sánh những lời cảm thán – câu cảm thán – đoạn văn có lời cảm thán trong Truyện Kiều với nguyên tác Kim Vân Kiều truyện sẽ cho thấy rõ hơn định hướng cảm hứng nghệ thuật cũng như khả năng sáng tạo bậc thầy của nhà nghệ sĩ ngôn từ Nguyễn Du.

Trong Truyện Kiều, có một lần Nguyễn Du sử dụng liền hai từ cảm thán trong một câu:

Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!

Đây là dòng thư nằm ở cặp câu lục bát cuối cùng trong một đoạn 38 câu thơ diễn tả lời Thúy Kiều nói với Thúy Vân về mối tình riêng, về đức hiếu sinh với mẹ cha, về việc cậy nhờ em gái thay mình đền đáp lại tấm tình chàng Kim. Giáo sư Nguyễn Lộc đã nhấn mạnh khả năng khai thác nội tâm nhân vật Thúy Kiều của Nguyễn Du qua đoạn thơ này: “Lúc đầu Kiều nói với Thúy Vân, về sau thì hình như Kiều tự nói với mình, đến lúc đau đớn quá Kiều quay ra nói với bóng hình của Kim Trọng, và cuối cùng đau đớn lên đến cực độ, Thúy Kiều đã chết ngất đi trong cái bao trùm của bóng hình Kim Trọng: Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!- Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!Xét nguyên tác Kim Vân Kiều truyện, hồi 7, lời cảm thán này không nằm trong đoạn Thúy Kiều nói với Thúy Vân mà là lời Thúy Kiều tự nhủ, tự bày tỏ nỗi lòng trước khi thành thân cùng Mã Giám Sinh. Trong nguyên tác sắc thái cảm thán cũng rất rõ nét: “Kim sinh! Kim sinh! Nhĩ thê tử kim nhật dữ nhĩ ly liễu…” (Chàng Kim!Chàng Kim ! Bữa nay vợ chàng chia ly cùng chàng…).Khi chuyển sang Truyện Kiều , Nguyễn Du đã cảm lại , sắp xếp lại các tình tiết và chuyển hóa chúng trong hình thức nghệ thuật thi ca hết sức cô đọng sâu lắng. Sắc thái cảm thán cũng được chuyển hóa phù hợp với tư duy thơ ca, phù hợp với tâm lý tiếp nhận của người Việt. Các chữ Ôi và Hỡi được đặt ở đầu hai vế vừa là tiểu đối vừa là sự tiếp nối, trùng điệp, nhấn mạnh. Lời cảm thán Ôi Kim lang / được nhắc lại, nhân đôi số lượng câu chữ nhưng sắc thái cảm xúc thì tăng gấp bội.Thêm nữa, khi nhắc lại lời cảm thán, chữ Ôi được thay bằng Hỡi, rõ ràng âm hưởng  hô ứng, đăng đối tự nó đã khơi gợi cảm xúc về một lời than, một lời viếng tế, tiếng khóc bi ai. Câu thơ tiếp nối Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây! đồng thời  là câu kết cho cả một đoạn thơ dài 38 câu bày tỏ nỗi lòng Thúy Kiều với hai từ Thôi thôi (biểu cảm sự thảng thốt, dồn nén tâm trạng bất lực, vô vọng) và ba chữ cuối cùng đều là thanh bằng (tạo âm hưởng hụt hơi, bế tắc, cùng cực)… Vậy là cảm thán đã phát huy tác dụng. Đó cũng chính là ưu thế của tiếng nói thi ca và chất trữ tình đã được Nguyễn Du chuyển hóa, nâng cấp về chất so với hình thức tự sự  của nguyên tác. Có thể xác định chiều hướng chung, mỗi khi giọng điệu trữ tình và lời cảm thán gia tăng thì có nghĩa phần cốt truyện, sự kiện ở đó được lược giản, tóm tắt, chuyển hoá, thay thế; đồng thời mỗi khi có cơ xuất hiện những tấn bi kịch, những bước ngoặt trong cuộc đời nhân vật, những tâm trạng khắc khoải buồn vui hay những đúc kết triết lý về số phận con người thì thường được Nguyễn Du chú trọng khai thác, gia tăng, lời cảm thán và giọng điệu trữ tình.

Gần với trường hợp trên là lời cảm thán Hỡi ôi! trong câu thơ:

Hỡi ôi! Nói hết sự duyên,
Tơ rình đứt ruột, lửa phiền cháy gan.

Đặt trong văn cảnh cụ thể, câu thơ trên thuộc phần mô tả, kể chuyện, tái hiện sự kiện, hoàn cảnh. Lời cảm thán ở đây trước hết biểu cảm sự bàng hoàng thảng thốt của nhân vật Thúc Sinh và đồng thời là khả năng tác giả bộc lộ cảm xúc trước một hiên trường nửa thực nửa giả. Tương ứng trong Kim Vân Kiều truyện, đoạn văn này tường tả lời kể lể , cầu khấn đầy xót thương của Thúc Sinh trước bàn thờ Thúy Kiều.Do đặc trưng thể loại Nguyễn Du không nhằm tường tả lại câu chuyện , không thuật lại lời nói và tình cảm Thúc Chính( người cha) và nỗi đau thương chân thật của Thúc Sinh với Thúy Kiều mà thay bằng lời cảm thán in đậm tiếng nói trữ tình tác giả.

Trong một lần duy nhất , sắc thái chữ Ôi được cá thể hóa gắn liền với đối tượng vì nêu đích danh chủ thể:

Khóc than kể hết niềm tây:
“Chàng ôi! Biết nước nỗi này cho chưa?”

Đây là đoạn kể chuyện Vương ông, Vương bà nói cho Kim Trọng biết việc Thúy Kiều bán mình chuộc cha. Ở Kim Vân Kiều truyện, hồi 20, đoạn này được thể hiện: “Vươn viên ngoại, vương phu nhân đạo: “Kim gia ca, ngã nữ nhi mệnh bạc…” (Vương viên ngoại, Vương bà đều nói: “Cậu Kim ơi! Con gái chúng tôi mệnh bạc…”). Với văn xuôi, cách gọi Kim gia ca (Cậu Kim ơi!) mới chỉ là lối nói thông thường, chủ yếu có ý nghĩa mời gọi, thông báo, báo hiệu, xác định đối tượng. Đến Truyện Kiều, bản thân cách gọi Chàng ôi! đã bao hàm sắc thái xót xa, cảm thông, thương cảm giữa ông bà họ Vương với đối tượng được nghe – chàng Kim Trọng. Điều đó cũng biểu hiện tài năng Nguyễn Du và ưu thế biểu cảm nghệ thuật của tiếng nói thi ca.

Một trường hợp khác khá đặc biệt là lời cảm thán Than ôi! lại được gán cho Sở Khanh:

”Than ôi! sắc nước hương trời,
Tiếc cho đâu bỗng lạc loài đến đây?”.

Đây là câu mở đầu Sở Khanh đánh tiếng với Thúy Kiều, chuẩn bị cho một mưu đồ đã được suy tính từ trước. Trong Kim Vân Kiều truyện, hồi 9, câu này được thể hiện: “Na Sở Khanh nhân đối trước lầu điệt túc tự ngữ đạo: “Như thử quốc sắc thiên tư nữ tử, chẩm ma lạc tại xương gia…” (Sở Khanh dậm chân nói một mình: “Cô gái sắc nước hương trời như thế mà sao lạc lõng chốn bình khang…”). Như vậy là Nguyễn Du đã cải biến-một câu thuần túy độc thoại mang màu sắc tán dương của Sở Khanh thành câu cảm thán in đậm sắc thái tụng ca, nịnh khéo, vờ vịt tôn vinh nhan sắc Thúy Kiều. Giáo sư Trần Đình Sử nhận xét tinh tế: “Sở Khanh tuy giả vờ thương, nhưng chỉ có giả vờ như vậy hắn mới trà trộn vào môi trường tình thương của tác phẩm được'”. Xem xét kỹ thì thấy trong khi những câu cảm thán khác thường gắn với đối tượng con người cụ thể, tính danh cụ thể, hoàn cảnh và sự việc cụ thể thì lời than ở đây mang tính phiếm chỉ, bâng quơ, chiếu lệ, chỉ quan tâm đến vỏ hình thức bề ngoài “sắc nước hương trời” mà ngay trong cách thương cảm cũng đã bộc lộ thái độ kể cả, khinh thị: Tiếc cho đâu bỗng lạc loài đến đây! Như vậy là Nguyễn Du đã cụ thể hóa được sắc thái một lời cảm thán, khiến lời cảm thán trở nên đặc biệt phù hợp với cá tính nhân vật Sở Khanh – chủ thể phát ngôn.

Trên thực tế, lời cảm thán gắn với chữ Ôi được sử dụng nhiều và đa dạng nhất trong Truyện Kiều chính là hai chữ “Thương ôi!”.

Lần một:

Thương ôi ! Tài sắc bực này,
Một dao oan nghiệt đứt dây phong trần.

Đây là câu mô tả  kể sự đồng thời cũng là lời cảm thán của Nguyễn Du trước việc Thúy Kiều tự tận. Trong Kim Vân Kiều truyện, hồi 8, đoạn này diễn tả: “Thúy Kiều đại khiếu nhất thanh: “Khổ mệnh Thúy Kiều, bất yêu mệnh liễu”, vọng hầu nhất thế đao, phốc thân đảo địa…” (Thúy Kiều kêu lớn một tiếng: “Khổ đời Thúy Kiều. Tôi không cần gì thân mạng nữa đâu!”, rồi cầm con dao đâm mạnh vào cổ, tức thì ngã vật xuống đất). Như vậy, khi chuyển sang Truyện Kiều, Nguyễn Du không nói rõ các chi tiết mà chủ yếu gia tăng sắc thái trữ tình, đưa thêm lời cảm thán để nhấn mạnh nỗi oan khổ của Thúy Kiều, nhấn mạnh sự đối lập giữa tài sắc với số phận trong cuộc đời thường.

Lần hai:

Sinh đà phách lạc hồn xiêu,
Thương ôi! Chẳng phải nàng Kiều ở đây?
Nhân làm sao đến thế này?
Thôi thôi, ta đã mắc tay ai rồi !

Đây là đoạn diễn tả trạng thái tình cảm Thúc Sinh khi vừa gặp lại Thúy Kiều ngay ở nhà Hoạn Thư. Trong Kim Vân Kiều truyện, hồi 15, đoạn văn này giàu kịch tính, vừa có miêu tả sự kiện vừa có diễn giải tâm trạng, vừa có đối thoại vừa có độc thoại, vừa có hồi tưởng vừa có quá trình vận động tâm lý. Khi chuyển hóa thành thơ ca, Nguyễn Du đã lược bỏ các chi tiết và nhấn mạnh tiếng nói độc thoại, tự vấn, tự suy xét của Thúc Sinh. Ở đây có sự phân thân, chàng Thúc có lo cho Thúy Kiều nhưng trước hết là lo cho mình. Chàng luôn nghi hoặc, giật mình, tự phản tỉnh và đề ra câu hỏi: “… Chẳng phải nàng Kiều ở đây?’\ “Nhân làm sao đến thế này?’\ Thêm nữa, tiếng nói độc thoại được gia tăng bởi lời cảm thán Thương ôi! giúp cho sắc thái trữ tình càng được tô đậm, biểu lộ mối tình “đá vàng” Thúc Sinh dành cho Thúy Kiều cũng như tính bi hài của mối tình Thúc – Thúy trước ngọn “lửa nồng” Hoạn Thư mới vào khúc dạo đầu.

Lần ba :

Giác Duyên nghe nói rụng rời:
“Một đời nàng nhẽ. Thương ôi ! Còn gì!”.

Đây là lời sư thầy Giác Duyên cảm thán sau khi nghe đạo cô Tam Hợp tiết lộ thiên cơ về quãng đời mười lăm năm lưu lạc của Thúy Kiều. Trong Kim Vân Kiều truyện, hồi 19, đoạn này được thể hiện: “Giác Duyên thính liễu đại kinh đạo: “Nhược như thử thuyết tắc vương phu nhân chung thân dĩ hỹ tai!'” (Giác Duyên cả kinh nói: “Nếu như vậy thì cuộc đời Thúy Kiểu còn gì nữa!”). Như vậy Nguyễn Du trong khi theo sát nguyên tác lại đã nhấn mạnh sắc thái biểu cảm ở câu nói của Giác Duyên. Lời cảm thán đặt giữa dòng thơ tạo dấu gạch nối như một tiếng nấc dứt đoạn giữa chừng: Một đời nàng nhẽ/… / Còn gì! Cần chú ý thêm rằng, theo Đào Duy Anh trong Từ điển Truyện Kiều thì chữ “nhẽ” là trợ từ có nghĩa như “hỡi”. Vậy thì ngữ nghĩa cũng như sắc thái trữ tình của câu thơ cần được đọc và hiểu như một lời cảm thán trùng điệp: Một đời nàng hỡi! Thương ôi! Còn gì! Điều này cũng có nghĩa là vai trò của lời cảm thán cũng như cách ngắt nhịp, âm luật, vần điệu đã phối hợp tạo nên tiếng nói trữ tình cảm thương sâu sắc ở tác phẩm truyện thơ và đưa lại hiệu quả nghệ thuật với một bước tiến rõ rệt so với nguyên tác tiểu thuyết chương hồi Kim Vân Kiều truyện.

Lần bốn:

Thương ôi! Không hợp mà tan,
Một nhà vinh hiển, riêng oan một nàng!

Đây là lời bình, lời tả và kể chuyện sau khi Kim Trọng rủ Vương Quan đến Hàng Châu tìm Thúy Kiều và được biết nàng đã tự tận trên sông Tiền Đường. Trong Kim Vân Kiều truyện, hồi 20, đoạn này không có lời cảm thán mà chỉ kể sự, tường là sự kiện: “Kim Trọng thính đắc thử ngôn, phóng thanh đại khốc, nhất gia vô bất ai hào. Tức vong thu thập tế lễ, đáo Tiền Đường giang thượng…” (Kim Trọng nghe được tin này buông tiếng khóc lớn, mọi người ai cũng gào khóc thảm thương, bèn sửa soạn lễ vật đến bờ sông Tiền Đường…). Đến Truyện Kiều, Nguyễn Du đã đưa thêm lời tổng kết, khái quát để nhấn mạnh nỗi thương xót của mọi người với Thúy Kiều, đồng thời đưa thêm lời cảm thán trữ tình mở đầu cho câu thơ. Lời cảm thán Than ôi! vừa nằm trong văn mạch diễn tả hoàn cảnh nhưng cũng là tiếng nói trữ tình ngoại đề và là lời cảm thương của Nguyễn Du khiến cho giá trị biểu cảm của ý thơ được nâng cao, từ đó tạo nên sự đồng cảm, hòa đồng, cuốn hút người đọc.

Khách quan mà nói, kỳ thực trong Kim Vân Kiều truyện cũng có rất nhiều câu chữ mang sắc thái cảm thán. Những câu chữ và lời cảm thán đó có khi chỉ tiếng gọi hay sự vọng tưởng về một nhân vật cụ thể: ‘Thư thư!”, “Kim sinh! Kim sinh!” “Ngã lụy nhĩ! Ngã lụy nhĩ!”, “Phu nhân ngộ ngã! Phu nhân ngộ ngã!”…: có khi là tiếng kêu trời, lời thở than vô vọng: ‘Thiên thiên”, “Hà nhân!”, “Khả tích! Khả tích!”, Khả tích nhất đóa kiều hoa, lãng tháp phù nê chi thượng! Thiên thiên!”… Tương ứng như vậy, ngoài những lời cảm thán! gắn với chữ Ôi như đã nêu, trong Truyện Kiều cũng còn rất nhiều những câu chữ in đậm sắc thái cảm thán như kiểu chữ “thay”: Đau đớn thay, Thương thay, Tiếc thay, Xót thay, Hại thay, Khéo thay, Sợ thay, Đoạt trường thay, Sao nói lạ lùng thay, Nghe ra muôn oán nqhìn sầu lắm thay..; chữ ‘ ghê”: Chỉn ghê, Dài ghê…; chữ “bao”: Xiết bao, Bao quản, Quản bao. Thoắt nghe chàngi thoắt rụng rời xiết bao, Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình…; chữ “thôi”: Thôi thôi, Thôi thế thì thôi, Thôi có ra gì, Thôi còn chi nữa, Thôi thế là xong, Thôi con còn nói chi con, Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma, Thôi thôi ta dã mắc tay mi rồi. ! Thân này đã đến thế này thì thôi…; chữ “sao”: Phận sao, Xưa giờ sao. Thản sao nhiều nỗi bất bằng, v.v…

Khi khác là những lời cảm thán được thể hiện bằng nhiều cách thức độc đáo:

Máu ghen đâu có lạ đời là ghen!
Ấy mấy gan, ấy mới tài!
Hại nhân nhân hại, sự nào tại ta!
Kể bao nhiêu, lại đau lòng bấy nhiêu!
“Sự đời đã tắt lửa lòng,
Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi!
Dở dang nào có hay gì,
Đã tu, tu chót, qua thì, thì thôi!”…

Điều hiển nhiên là trong Truyện Kiều không phải chỉ khi nào xuất hiện các chữ  Hỡi, Hỡi ôi. Chàng ôi, Than ôi, Thương ôi thì lúc đó mới xuất hiện lời cảm thán, cảm thương. Như đã nêu trên, việc chúng tôi giới hạn khảo sát câu chữ gắn với từ Ôi nhằm tìm hiểu sắc thái đậm nét nhất, hiển hiện rõ nét nhất và tiêu biểu nhất trong giọng điệu cảm thương. Ngoài những câu chữ thuộc dòng chủ lưu trên đây đương nhiên còn có thể mở rộng tìm hiểu các sắc thái và cách thức biểu đạt lời cảm thán khác nữa vốn được thể hiện hết sức đa dạng và sinh động trong Truyện Kiều.

Trong chiều hướng chung, nhằm phát huy ưu thế tiếng nói trữ tình vốn phù hợp với tư duy thơ ca, Nguyễn Du hầu như không bỏ đi bất kỳ những yếu tố, tình tiết nào liên quan đến thế giới tâm lý, tâm trạng nhân vật, lời độc thoại nội tâm và những trang miêu tả phong cảnh thiên nhiên vốn rất hiếm hoi trong Kim Vân Kiều truyện.

Như đã nói trên, ông còn triệt để khai thác, phát triển, mở rộng, tô đậm mỗi khi có điều kiện và làm nên sắc thái “trữ tình thiên nhiên”, ”thiên nhiên tâm trạng” đạt tới đỉnh cao nghệ thuật trong nền thơ tiếng Việt. Đào Duy Anh trong công trình Kháo luận Truyện Kiều hết sức đề cao nghệ thuật miêu tả ngoại hình, biểu lộ đời sống nội tâm và phản ánh mối tương quan giữa tâm trạng, tính cách nhân vật với đời sống thiên nhiên.

Đây là thiên nhiên mùa xuân thần tiên gắn với ngày hội xuân:

Tiết vừa con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tận chân trời,

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa…
Bước lần theo ngọn tiểu khê,
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.
Nao nao dòng nước uốn quanh,
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang…

Đây là tâm trạng bâng khuâng vô vọng của Thúy Kiều gắn với nỗi cô đơn, một mình đối diện với ngọn đèn, với những chiều hôm, mặt nước, nội cỏ, tiếng gió, tiếng sóng:

… Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.
Buồn trông mặt nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi…

Rõ ràng ở những đoạn trong nguyên tác xa gần có nói đến thiên nhiên, có diễn giải tâm trạng nhân vật thì đều được Nguyễn Du chăm chút, gia công, khiến cho những đoạn thơ này tràn đầy âm hưởng trữ tình và cũng là những câu thơ hay nhất trong Truyện Kiều. Theo thống kê của Phạm Đan Quế, toàn truyện có tới hai mươi lần chính diễn tả tâm sự Thúy Kiều trước hoặc sau mỗi biến cố của cuộc đời và mười bốn lần nói lên những suy nghĩ riêng tư của các nhân vật khác. Điều đáng là tất cả sự diễn tả tâm sự Thúy Kiều cũng như những suy nghĩ riêng tư của nhân vật đều được triển khai phát huy, nhấn mạnh trên cơ sở cảm hứng trữ tình  với tiếng nói thi ca. Trong chuyên luận Nghệ thuật trữ tình của Nguyễn Du Truyện Kiều. Đỗ Minh Tuấn đã từ tiền đề lý luận “Trữ tình và phương hướng cứu nghệ thuật trữ tình trong truyện thơ” tiến tới khảo sát từng phương diện góp phần quyết định làm nên chất thơ Truyện Kiều như “Cảm hứng nhân đạo nghĩa, cảm hứng đau đời, thương người và cái tôi trữ tình của Nguyễn Du trong Kiều ” “Trữ tình ngoại đề”, “Nhân vật trữ tình”, “Trữ tình thiên nhiên”, ngữ trữ tình của Nguyễn Du” và tập trung nhấn mạnh vai trò tiếng nói trữ tình”cơ sở chung nghĩa là nội dung thống nhất xuyên suốt các hình tượng trữ tình một truyện thơ là cảm hứng nhân đạo về xã hội, về thân phận con người đi đôi cái tôi trữ tình của tác giả. Do đó, nghiên cứu cảm hứng sáng tác trong tác phẩm là nghiên cứu cái tôi trữ tình của tác giả thể hiện trong tác phẩm đó (…). Với chức năng gia tăng thêm nội dung cảm xúc cần thiết cho những nội dung tự sự  nhấn mạnh và với bản chất nhân đạo chủ nghĩa, cái tôi trữ tình của Nguyễn Du trong  Truyện Kiều tồn tại trên ba phương thức: 1/ Nhập thân vào câu chuyện. 2/ Nhập thân vào nhân vật. 3/ Nhập thân vào cảnh vật (…). Trong khi thuật lại truyện, Tâm Tài Nhân thường là không tỏ thái độ mà trái lại có khi còn miêu tả quá lạnh lùng cái thảm khốc bề ngoài của nó… Nguyễn Du không làm như Thanh Tài Nhân mà nhập vào cuộc, chứng kiến và bày tỏ ngay thái độ của mình khi việc vừa xảy ra, máu và nước mắt còn nóng hổi. Nguyễn Du là một chứng nhân sinh động, không phải là người phê bình sự việc hay nhấm nháp nỗi đau. Ở những nào sự việc xảy ra chỉ được Thanh Tâm Tài Nhân tả lại và tả lại với một cái nhìn lạnh lùng những chi tiết rùng rợn thì Nguyễn Du kêu lên những tiêng kêu phản như kêu cứu, như ngăn chặn: Rường cao rút ngược dây oan – Dẫu là đá cũng nát lọ người-Mặc ..dù chưa nhấn mạnh”.Mặc dù chưa nhấn mạnh đặc trưng và tính hợp lý của mỗi kiểu tuy gắn với mỗi kiểu loại sáng tác nhưng Đỗ Minh Tuấn đã xác định đúng vai trò tiếng nói trữ tình trong thể loại truyện thơ và khả năng chuyển đổi, gia tăng chất trữ tình trong Truyện Kiều.

Từ những dẫn chứng và phân tích trên cho thấy Nguyễn Du một mặt cố gắng tỏ tiếng nói trữ tình ngay cả ở những đoạn văn nguyên tác vốn giàu chất tự sự khi có thể được và đồng thời mỗi khi nguyên tác gợi mở một nét dấu hiệu trữ hay một nét đẹp phong cảnh thiên nhiên thì liền được ông đón nhận, phát triển,nhiều cung bậc và hình thức thể hiện sắc thái cảm thán khác nhau, Nguyễn Du chuyển hóa tiểu thuyết chương hồi Kim Vân Kiều truyện vốn thuộc loại hình tự sự thành một truyện thơ Nôm đậm đặc chất trữ tình. Những lời cảm thán đó có khi là tiếng nói trữ tình ngoại đề của Nguyền Du, có khi phát khởi trong mạch truyện, có khi chính là lời một nhân vật cụ thể nào đó. Tất cả những lời cảm thán trong Truyện Kiều góp phần tạo nên chất trữ tình, tiếng nói trữ tình, giọng điệu và âm hướng trữ tình sâu lắng. Một điều căn cốt khác nữa, những lời cảm thán và tiếng nói trữ tình đó lại được thể hiện bằng hình thức thơ ca, bằng lối thơ lục bát sinh động, giàu nhạc điệu, khiến cho Truyện Kiều có được hiệu quả nghệ thuật khác biệt hẳn so với tác phẩm tự sự Kim Vân Kiều truyện và đặc biệt thích hợp với tâm lý tiếp nhận của người Việt Nam.

IV- Lời kết mở

Trong tư cách người thưởng thức, bạn đọc hẳn có thể chỉ đọc Truyện Kiều mà không cần biết đến bất kỳ mối liên hệ nào với nguyên tác Kim Vân Kiều truyện. Trong tư cách người nghiên cứu, mối quan hệ giữa Truyện Kiều với Kim Vân  Kiều truyện lại đặt ra những vấn đề quan trọng về tương quan giữa hai tác phẩm, về đặc điểm sự vay mượn cốt truyện và khả năng sáng tạo của Nguyễn Du. Về xu thế chuyên hoá từ tiểu thuyết văn xuôi tự sự chương hồi tới truyện thơ Nôm đậm đặc chất trữ tình, về hiện tượng Truyện Kiều đặt trong hệ thống hàng loạt truvện thơ Nôm có nguồn gốc cốt truyện Trung Quốc, về qui luật tiếp nhận và quá trình phát triển của mỗi nền văn học dân tộc, về vị trí Nguyễn Du trong tư cách ”người môi giới văn hoá vốn xuất hiện phổ biến dưới thời trung đại ở khu vực Đông Á cũng như với nhiều nước trên thế giới… Theo chúng tôi, việc chỉ ra hai xu thế lược giản cốt truyện, nhân vật, sự kiện, tình tiết và xu thế gia tăng chất trữ tình, khai thác tâm trạng nhân vật và diễn tả phong cảnh thiên nhiên chính là nhằm nhấn mạnh đặc trưng sự chuyển đổi loại hình và thể loại từ nguyên tác Kim Vân Kiều truyện đến Truyện Kiều, nhấn mạnh năng lực sáng tạo bậc thầy của nhà nghệ sĩ ngôn từ – đại thi hào dân tộc Nguyễn Du

                                                                                                                                                           Hà Nội, 1994

                                                                                                                                                              4-10-2005