SO SÁNH KHÁC BIỆT GIỮA ONG RỪNG VÀ ONG NUÔI – HOA BAN FOOD™
Mục lục bài viết
SO SÁNH KHÁC BIỆT GIỮA ONG RỪNG VÀ ONG NUÔI
Mật Ong, hay Ong là thứ vô cùng phức tạp đối với đại đa số các anh chị là người tiêu dùng bình thường! Nhưng khi đã có kinh nghiệm thực tế, tìm hiểu rõ hơn thông tin thì rất dễ nhận biết và hiểu. Đa phần các anh chị khi nói đến Mật Ong Rừng hay hỏi tôi 1 câu “Ong nuôi thả trong rừng à???”. Tôi chỉ trả lời ngắn gọn “Đàn ong, đã có bàn tay con người can thiệp vào việc làm tổ, lấy mật của ong, thì gọi là ong nuôi hết, và mật lúc ấy chỉ được gọi là Mật Ong Nuôi, sao mà gọi là Mật Ong Rừng được. Tôi viết bài này, kèm theo hình ảnh minh họa thực tế cho tôi chụp lại, để các anh chị có thể hình dung, và nhìn nhận rõ ràng nhất về các điểm khác biệt giữa Ong Rừng & Ong Nuôi.
Chú ý: Trong bài viết này, tôi chỉ nói về Ong Rừng của Tây Bắc Việt Nam. Còn các vùng miền khác, tôi không so sánh.
1: CÁCH LÀM TỔ
a. ONG RỪNG: làm tổ ở những cành, cây, thân cây cao, thoáng gió! Tổ lớn có thể bằng 2 sải tay người lớn, tổ trung bình bằng 2 chiếc nón. Ở Tây Bắc chúng tôi cũng có 1 loại ong mật vàng, làm tổ thường trong các bọng, hốc cây mục, nhưng rất ít khi bắt gặp.
b. ONG NUÔI: Ong nuôi được người nuôi ong làm sẵn tổ (trong nghành ong gọi là Thùng Ong), thùng thường được đóng bằng gỗ ván. Kể cả 1 số trường hợp có gia đình nuôi ong làm tổ bằng thân cây tròn, khoét lỗ bên trong để giữ ong ==> Vẫn phải gọi là Ong Nuôi, Mật Ong Nuôi.
Vui vui: Khoa học phát triển, bây giờ nghành nuôi ong trong nước còn sử dụng cả thùng xốp để làm thùng nuôi ong. Chi phí cao hơn thùng gỗ, nhưng nhẹ, dễ di chuyển khi vào mùa hoa.
2: KHÁC BIỆT VỀ LOÀI ONG
a. ONG RỪNG: Ở Tây Bắc chúng tôi, có 3 loài ong rừng chính. Tôi liệt kê ngay sau đây, các anh chị theo dõi nhé.
- ONG KHOÁI: Có tên khoa học là Apis dorsata, đây là loại ong rừng nhiều nhất. Ong Khoái to, thân mình dài, nhọn! Cực kì hung dữ, tổ ong khoái thường có kích thước rất lớn. Phần lớn mật ong rừng Tây Bắc được khai thác từ các tổ ong Khoái. Loại ong này không thể nuôi, không thể thuần dưỡng được. => Tôi sẽ gọi chung đây là Ong Rừng trong bài viết này.
- ONG MẬT VÀNG: Tên khoa học – Apis Cerana: Ong Mật Vàng là giống ong mật truyền thống của Châu Á, mà người Việt cũng đã thuần dưỡng và nuôi hàng nghìn năm nay, trong tự nhiên Ong Mật Vàng thường làm tổ ở các hốc, thân cây mục hoặc cành cây. Tổ nhỏ, trữ lượng mật ít! Bây giờ trong rừng rất ít khi bắt gặp loại ong này.
- ONG RUỒI, hay còn gọi là ONG MUỖI: Loại ong này đặc biệt ở điểm chúng không biết đốt, thân mình rất bé. Tổ có kích thước từ 2 bàn tay, tối đa là 3 bàn tay. Ít mật.
Đây là cận cảnh của con ong Khoái, loài ong rừng to, hung dữ bậc nhất. Loại ong này có tính kỉ luật cực kì cao, kĩ thuật “tác chiến” cũng rất ác liệt! Khi có “kẻ thù” tấn công tổ, chúng chia ra 1 nửa bay đốt, 1 nửa bò vào thân cây, chui vào trong áo quần để đốt “kẻ thù”, và 1 số khác là ong trinh sát lại bay quanh khu vực tổ rà soát tất cả những gì mà chúng khả nghi. Sợ lắm, có chuyến tôi đi bắt ong rừng cùng anh em, ban đêm tôi đứng dưới gốc cây bật đèn pin đeo đầu, ong trinh sát lao thẳng vào mặt, va 1 phát là đốt luôn chứ không lằng nhằng gì cả, thế mới khiếp 🙁
b. ONG NUÔI:
- ONG NỘI: Chính là loại ong mật Vàng (Apis Cerana), nhưng giờ ít người nuôi giữ chúng, vì sản lượng mật ít, ong yếu, vòi hút mật ngắn, sức đề kháng thấp.
- ONG NGOẠI: Hay còn gọi là ONG Ý, đây là loại ong ngoại nhập, có kích thước lớn hơn ong nội, sản lượng mật nhiều, vòi mật dài & khỏe, sức đề kháng cao.
Ảnh: Ong Khoái (Ong Rừng) và Ong Ngoại (Ong Ý – Ong Nuôi)
3: KÍCH THƯỚC TỔ & SÁP
a. ONG RỪNG: Kích thước đa dạng, to – bé, dày – mỏng khác nhau tùy thuộc vào số lượng quân (ong). Có tổ bằng cái chiếu đơn, ngược lại đối với ong Ruồi (muỗi) lại chỉ bé bằng 2 bàn tay.
b. ONG NUÔI: Ong xây sáp ong vào các khung gỗ (Được gọi là Khung Cầu Mật), có kích thước cố định 420mm x 232mm x 35mm (Giống nội); 482mm x 232mm x 35mm ( giống ngoại).
Vui vui: Dù là ong rừng, hay ong nuôi! Ong đều có quy định chung về vị trí để mật (như vị trí khoanh dấu đỏ). Ong sẽ nhả mật vào các vị trí này, gọi là Bầu Mật. Ngoài khu vực này, là chỗ đẻ nuôi ấu trùng ong non và chứa phấn hoa. Ngoại trừ trường hợp đàn ong mạnh, nguồn hoa nhiều, sau khi ong non đã trưởng thành hết, ong thợ sẽ tiếp tục làm mật tràn ra các khu vực khác.
Còn đây là 1 tổ Ong Ruồi, hay còn gọi là Ong Muỗi. Mà chúng tôi tìm được trong 1 chuyến đi rừng.
Đây là phần bọng mật, tất nhiên là chứa mật rồi. Ong Rừng chúng tôi khai thác cũng chỉ lấy phần bọng mật này (ôm sát thân cây), và ong nuôi, thợ nuôi ong cũng chỉ lấy mật ra từ phần bọng mật.
Các anh chị thấy chưa, bọng sáp của ong rừng có kích thước rất lớn, to và dày. Hình dáng đa dạng. Còn riêng đối với ong nuôi, kích thước bề ngang của bọng sáp bao giờ cũng nhỏ & đều nhau.
4: CÁCH KHAI THÁC & LẤY MẬT
Tất nhiên rồi, Ong Rừng phải tìm, trèo khai thác những tổ ong lủng lẳng thì mới gọi là Mật Ong Rừng được chứ. Còn đối với ong nuôi, nhàn hơn rất nhiều, chỉ cần mở thùng, kiểm tra trữ lượng mật đã đủ chưa là có thể lấy được.
QUAY MẬT ONG RỪNG??? Hử, mật ong rừng mà “quay” á, nhiều bạn bán hàng nói thế, tôi rất buồn cười. “Quay” là thuật ngữ dùng trong nghề nuôi ong, sau khi kiểm tra lượng mật trong cầu ong đã đủ, thợ nuôi ong cắt bỏ nắp sáp phần chứa mật, xếp các cầu ong vào máy quay li tâm, quay mạnh là chỉ có mật văng ra, không ảnh hưởng gì đế các phần còn lại của cầu ong.
Còn đối với Ong Rừng, cách duy nhất để lấy mật ra khỏi sáp là vắt, lọc thủ công bằng tay như này.
Bài viết độc quyền của HOA BAN FOOD™, mọi trích dẫn yêu cầu ghi rõ nguồn tin từ hoabanfood.com
Phạm Tân | Hà Nội 2015 | facebook.com/mobigraphy