SO SÁNH QUÁ TRÌNH HIỆN ĐẠI HÓA CỦA VĂN HỌC VIỆT NAM VÀ ĐÀI LOAN GIAI ĐOẠN CUỐI TK 19 ĐẦU TK 20

Tác giả: TS. Trần Thị Thu Hương PGS.TS. Lê Hải Anh

Thời điểm cuối TK 19 đầu TK 20 đều là giai đoạn bản lề của văn học Việt Nam và Đài Loan. Tính chất bản lề thể hiện trên mọi phương diện của văn học và tinh thần chung của cuộc vận động văn học thời kì này là hiện đại hóa văn học song hành với cải cách xã hội.

SO SÁNH QUÁ TRÌNH HIỆN ĐẠI HÓA CỦA VĂN HỌC VIỆT NAM VÀ ĐÀI LOAN GIAI ĐOẠN CUỐI TK 19 ĐẦU TK 20[1]

Tác giả: TS. Trần Thị Thu Hương[2]

                PGS.TS. Lê Hải Anh [3]

Thời điểm cuối 19 đầu 20 đều là giai đoạn bản lề của văn học Việt Nam và Đài Loan. Tính chất bản lề thể hiện trên mọi phương diện của văn học và tinh thần chung của cuộc vận động văn học thời kì này là hiện đại hóa văn học song hành với cải cách xã hội.

1.                 Khái lược lịch sử văn học Việt Nam và Đài Loan giai đoạn cuối TK 19 đầu TK 20

 “Hiện đại hóa” văn học ở Việt Nam và Đài Loan giai đoạn cuối TK 19 đầu TK 20 được hiểu như là quá trình văn học thoát ra khỏi hệ thống thi pháp văn học cổ đại để xây dựng một hệ thống thi pháp mới theo mô hình của văn học phương Tây. Quá trình hiện đại hoá văn học được định hướng bởi ý thức dân chủ hóa và nhu cầu canh tân đất nước. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại nhưng văn học Việt Nam và Đài Loan cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX đã trở thành nền văn học dân tộc. Qua thử thách của thời gian, văn học thời kì này đã chứng tỏ được giá trị của nó trong việc đặt nền móng, tạo tiền đề cho việc hoàn thiện nền văn học hiện đại về sau này.

Văn học mới Đài Loan được xác định thuộc giai đoạn 1920-1945. Theo phân kì của nhà nghiên cứu Diệp Thạch Đào, nền văn học mới này chia làm ba thời kì: thời kì nằm nôi (1920-1925), thời kì chín muồi (1926-1937), thời kì chiến tranh (1938-1945). Để có được thành tựu văn học đó, văn học Đài Loan đã có bước chuẩn bị từ những năm cuối thế kỉ 19 và 20 năm đầu thế kỉ 20.

200 năm dưới sự điều hành của nhà Thanh, nền văn học cũ của Đài Loan đến cuối đời Thanh bắt đầu xuất hiện sắc thái bản địa và ý thức dân tộc ngày càng lớn mạnh. Lực lượng sáng tác lúc này chủ yếu là giai cấp tư sản thân sĩ. Họ ngày càng ý thức được vai trò xã hội của văn học. Họ nhận ra rằng văn học không phải là công cụ mua vui mà văn học phải trở thành công cụ đắc lực phản ánh nỗi khổ của nhân dân bản địa và ý thức dân tộc của người Đài Loan. Tác giả nổi bật thời kì này có Trần Duy Anh, Lý Vọng Dương, Khưu Phùng Giáp, Thi Sĩ Hạo…

Ở thời kì đầu Nhật chiếm đóng (tính từ năm 1895), tốc độ phát triển của văn học Đài Loan dường như bị chững lại. Rất nhiều trí thức cả cũ lẫn mới đã chạy về đại lục để tránh người Nhật. Những người ở lại Đài Loan chia làm hai xu hướng tích cực và thoát li tiêu cực trong tư tưởng sáng tác. Tác giả nổi bật thời kì này có Hồng Khí Sinh. Nhìn chung thành tựu văn học Đài Loan thời kì này tương đối “mỏng”.

20 năm đầu thế kỉ 20, diện mạo văn học Đài Loan tương đối đìu hiu. Lúc này, Nhật Bản tăng cường trấn áp, vì vậy xã hội Đài Loan dần ổn định. Đài Loan trong suốt những năm từ lúc Nhật chiếm đóng cho đến khoảng năm 1913 vẫn lấy văn học cũ làm chủ lưu. Mặc dù các thi xã vẫn được khuyến khích thành lập, các cuộc xướng họa thơ văn vẫn được tổ chức thường xuyên nhưng vẫn trên tình thần mở rộng thơ văn chữ Hán. Lực lượng sáng tác chủ yếu vẫn là giới thân sĩ Đài Loan với thành phần chính là tầng lớp đại địa chủ. Mặc dù họ vốn có ý thức dân tộc mạnh mẽ nhưng dưới sự áp chế cộng của Nhật cùng với lợi ích từ xã hội thuộc địa ổn định đương thời đã khiến những sáng tác của họ xa rời hiện thực chính trị xã hội mà hướng đến tính chất giải trí nhiều hơn. Tác giả tiêu biểu thời kì này có Hứa Nam Anh, Hồ Nam Minh, Liên Nhã Đường, Hồng Khí Sinh, Ngô Đức Công… Tuy vậy bên cạnh đó vẫn có những văn nghệ sĩ sáng tác những tác phẩm bộc lộ tinh thần chống Nhật quả cảm như Lâm Hiến Đường, Lâm Ấu Xuân, Thái Khải Vận… Có thể nói, sau khi Đài Loan rơi vào tay Nhật, văn học cũ Đài Loan hầu như rơi vào tình trạng trì trệ, kết thúc vai trò lịch sử của nó.

Từ những năm 1920 trở đi, xã hội Đài Loan dưới sự ảnh hưởng của biến pháp Mậu Tuất, cách mạng Tân Hợi rồi đến phong trào Ngũ Tứ đã từng bước hiện đại hóa. Theo đó, văn học Đài Loan cũng tiến hành cách tân mạnh mẽ trên mọi phương diện từ nội dung tư tưởng cho đến hình thức nghệ thuật. Từ đây, một thời kì mới của văn học Đài Loan đã mở ra cũng với khái niệm văn học mới.

Văn học mới (1920-1945) được cách mạng văn học Ngũ Tứ kích thích nên hầu hết nhà văn mới của Đài Loan dưới thời Nhật chiếm đóng dùng bạch thoại để sáng tác. Thời kì này hoạt động hiện đại hóa văn học diễn ra sôi nổi, tiêu biểu nhất là tranh luận về văn học cũ-mới, phong trào văn học hương thổ, phong trào xây dựng thoại văn Đài Loan… Điều đó cho thấy tốc độ cách tân văn học Đài Loan được đẩy nhanh nhằm thúc đẩy văn học mới tác động mạnh mẽ đến dân chúng, ảnh hưởng đến ý thức hệ của họ và góp phần đổi mới họ. Bên cạnh đó, năm 1930, giới cầm quyền Nhật Bản cấm nhà văn Đài Loan sáng tác bằng Hán văn nên một số nhà văn bất đắc dĩ phải sáng tác bằng Nhật văn nhưng phản ánh trong tác phẩm của họ vẫn là hiện thực bị áp bức của dân chúng Đài Loan. 

Cuối TK 19 đầu TK 20, bối cảnh văn học Việt Nam lại rất nhộn nhịp. Đô thị phát triển, xuất hiện lớp công chúng văn học mới (tầng lớp tư sản, tiểu tư sản, thợ thuyền và dân nghèo thành thị), sự du nhập của văn hoá phương Tây, báo chí và các nhà xuất bản phát triển mạnh…. đã thúc đẩy văn học phải đổi mới theo hướng hiện đại hoá trên mọi phương diện về quan niệm thẩm mĩ, về hệ thống thi pháp (tính quy phạm, hệ thống ước lệ tượng trưng, tính chất sùng cổ, phi ngã …. đã bị phá bỏ). Các thể loại văn học phát triển mạnh và phong phú (thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, phóng sự, phê bình văn học…). Chữ quốc ngữ được sử dụng rộng rãi và thay thế cho chữ Hán, chữ Nôm. Các nhà văn sáng tác mang tính chuyên nghiệp hơn… Vào thời kì này, do đặc thù xã hội, văn học cũng có sự phân biệt về hệ ý thức (ý thức hệ tư sản và ý thức hệ vô sản). Sự khác nhau giữa hệ ý thức đã làm nảy sinh các dòng văn học khác nhau. Tuy nhiên, các bộ phận văn học khác nhau lại có ảnh hưởng qua lại, làm cho bức tranh của nền văn học Việt Nam thêm phong phú, đa dạng.

2.                 Điểm tương đồng của quá trình hiện đại hóa của văn học Việt Nam và văn học Đài Loan giai đoạn cuối TK 19 đầu TK 20

2.1.         Tương đồng về mô hình hiện đại hóa

Mô hình hiện đại hóa văn học của Việt Nam và Đài Loan là sự đan cài giữa hai mô hình đồng đại và mô hình lịch đại, sự đan cài ấy được hình dung như trục tung và trục hoành trên đồ thị hiện đại hóa.

Mô hình lịch đại được hình dung bởi trục hoành thời gian: quá trình hiện đại hóa là cuộc “song kiếm hợp bích” giữa hai yếu tố truyền thống và hiện đại.

Cuối TK 19 đầu TK 20, Đài Loan và Việt Nam đều là hai lãnh thổ thuộc địa. Chúng tôi nhận thấy quá trình hiện đại hóa nói chung và hiện đại hóa văn học nói riêng đều xuất hiện hai nhân tố đó là tính hiện đại dân tộc và tính hiện đại thuộc địa. Điều này xuất phát từ thực tiễn lịch sử của Việt Nam với khoảng 100 năm là thuộc địa của người Pháp và Đài Loan với 50 năm là thuộc địa của Nhật Bản.

Cho đến cuối TK 19 đầu TK 20 thì có thể nói, tính dân tộc của văn học Đài Loan và Việt Nam không còn là tính dân tộc thuần khiết mà chính là sự tổng hòa, tiếp biến giữa văn hóa, văn học bản địa và văn hóa, văn học Trung Hoa cổ đại. Chính đặc điểm này cũng làm nên sự tương đồng thú vị của quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam và Đài Loan giai đoạn cuối 19 đầu 20.

Khi xuất hiện nhân tố thực dân vào cuối TK 19, lực lượng sáng tác của hai nền văn học (chủ yếu là trí thức) lập tức chịu ảnh hưởng và cuộc dịch chuyển về tư tưởng tất yếu sẽ xảy ra. Với trí thức Việt Nam, văn hóa, văn học Pháp đã xâm nhập trực tiếp vào đời sống xã hội và đời sống tư tưởng của họ. Ở đảo Đài Loan, người Nhật cũng nỗ lực áp đặt tư tưởng, ngôn ngữ Nhật lên giới thân sĩ bản địa. Với thực tiễn đó, giới trí thức Việt Nam và Đài Loan đã nảy sinh hai thái độ tiếp nhận văn hóa ngoại lai đó là tự nguyện và bị ép buộc. Điều này khiến cho tính hiện đại của văn học nói riêng và văn hóa xã hội nói chung của Việt Nam và Đài Loan cuối 19 đầu 20 được gọi là tính hiện đại thực dân với hai thái độ là quy thuận  và chống đối.

Mô hình đồng đại được hình dung bởi trục tung không gian: quá trình hiện đại hóa là sự kết hợp giữa hai yếu tố yếu tố nội lực và ngoại lực.

Yếu tố nội lực của nền văn học Việt Nam và Đài Loan xét ở một góc độ nhất định cũng chính là tính dân tộc của hai nền văn học. Nội lực của hai nền văn học Việt Nam và Đài Loan có một điểm tương đồng đặc biệt đó là nó được cấu thành bởi thành tố bản địa và thành tố ngoại lai hiện diện rất sớm đó là văn học Trung Hoa. Qua quá trình tiếp nhận lâu dài mang tính chất vừa bắt buộc vừa tự nguyện, hai yếu tố bản địa và ngoại lai đã hòa quyện và đến cuối TK 19 đầu TK 20, khi có sự xuất hiện của yếu tố thứ ba (Nhật Bản, Âu Mỹ…) thì nó được coi là yếu tố dân tộc trong thế đối trọng với yếu tố ngoại lai mới.

Yếu tố ngoại lực của nền văn học Việt Nam và Đài Loan tuy khác nhau một chút về đối tượng nhưng tính chất thì lại tương đồng. Cuối TK 19, Việt Nam bị người Pháp xâm lược và đô hộ gần 100 năm. Cũng thời điểm đó, Đài Loan nằm dưới ách thực dân của người Nhật trong 50 năm. Bên cạnh văn hóa Pháp và văn hóa Nhật Bản áp đặt trực tiếp thì hiện tượng “mưa Âu gió Mỹ” trong văn hóa, tư tưởng cũng đã xâm nhập nhanh chóng vào Việt Nam và Đài Loan bằng nhiều cách khác nhau. Tất cả đã hợp thành yếu tố ngoại lực tác động trực tiếp đến quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam và Đài Loan.

Hai yếu tố nội lực tự thân và ngoại lực nguồn gốc ngoại lai đã vừa bài trừ vừa tiếp thu lẫn nhau tạo thành một cục diện hiện đại hóa sôi nổi của văn học Việt Nam và văn học Đài Loan giai đoạn cuối TK 19 đầu TK 20.

2.2.         Tương đồng về phương thức hiện đại hóa

*Lấy cải cách ngôn ngữ làm tiền đề để cải cách xã hội và cách tân văn học

Đài Loan: cuộc vận động văn bạch thoại dưới sự ảnh hưởng trực tiếp của phong trào Ngũ Tứ đã diễn ra mạnh mẽ. Năm 1921, Hiệp hội văn hóa Đài Loan tuyên bố thành lập. Nhiệm vụ lớn nhất hiệp hội đề ra là cải tạo quốc dân. Họ chủ trương dùng phương thức ôn hòa để đả phá hủ tục, bồi dưỡng tinh thần dân tộc cho dân chúng, khai sáng và biến họ thành những con người có tri thức mới. Hành động đầu tiên mà họ tiến hành chính là cải cách ngôn ngữ. Hiệp hội đề xướng toàn dân sử dụng văn bạch thoại dễ đọc, dễ viết. Họ kì vọng thông qua văn bạch thoại, dân chúng sẽ tiếp nhận các trào lưu tư tưởng mới một cách nhanh chóng, nâng cao nhận thức và giúp dân tộc thoát khỏi ách thống trị của thực dân Nhật. Hành động này mang đậm bóng dáng của phong trào văn hóa tư tưởng Ngũ Tứ ở đại lục năm 1919. Nó được coi là hình thức chống Nhật bằng văn hóa của Đài Loan vào đầu thế kỉ 20.

Phong trào sử dụng văn bạch thoại ở Đài Loan rõ ràng có thể nói là mô hình thu nhỏ của cuộc vận động văn bạch thoại ở Trung Quốc đại lục. Từ năm 1920, du học sinh Đài Loan tại Nhật Bản đã cho xuất bản tạp chí Thanh niên Đài Loan do Viêm Bồi Hỏa làm chủ biên, tạp chí sử dụng cả tiếng Trung và tiếng Nhật. Trong bài viết Bàn về việc dùng văn thường ngày để cổ súy, Trần Đoan Minh đã sử dụng văn bạch thoại để viết. Trong nội dung bài viết, ông đề xuất dùng “văn thường ngày” (văn bạch thoại) để cải cách văn học, khai mở dân trí. Dù thứ văn bạch thoại mà ông sử dụng được đánh giá là còn non nớt nhưng bài viết đã có ý nghĩa rất lớn trong việc thúc đẩy phong trào văn bạch thoại.

Đến năm 1922, tạp chí Thanh niên Đài Loan cải tổ và đổi tên thành tạp chí Đài Loan với mức độ phổ biến rộng rãi hơn. Giai đoạn này xuất hiện những bài viết cổ súy phong trào văn bạch thoại gây tiếng vang lớn. Tiêu biểu là bài viết Bàn về sứ mệnh phổ cập văn bạch thoại của Hoàng Trình Thông và Bàn về cải cách Hán văn của Hoàng Triều Cầm. Luận điểm quan trọng nhất của hai bài viết đó là phổ cập văn bạch thoại chính là nhiệm vụ cấp bách nhất lúc này để nâng cao dân trí, nhanh chóng cải cách xã hội Đài Loan. Văn bạch thoại chính là công cụ hấp thụ quan niệm cách mạng của Đại lục và mở mang hiểu biết cho dân chúng Đài Loan.

Năm 1923, tạp chí văn bạch thoại có tên Đài Loan dân báo đã được thành lập. Đây được coi là dấu mốc vô cùng đáng chú ý của phong trào văn bạch thoại ở đảo Đài Loan đầu thế kỉ 20.

Việc cải cách ngôn ngữ bao giờ cũng gắn liền với sự hình thành văn học. Phong trào Ngũ Tứ ở Đại lục đã làm rất tốt việc này. Các nhà văn Ngũ Tứ đã sử dụng ngôn ngữ bạch thoại để sáng tạo nên một nền văn học mới cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20. Hành động sử dụng ngôn ngữ bạch thoại để kiến tạo một nền văn học mới ở Đài Loan lại mờ nhạt hơn. Người tích cực nhất trong phong trào này chính là chàng sinh viên đang học tập ở Bắc Kinh-Trương Ngã Quân. Ông chủ trương “Xây dựng văn học bạch thoại, cải tạo ngôn ngữ Đài Loan”. Sở dĩ Trương Ngã Quân có chủ trương dứt khoát và rõ ràng đến vậy là bởi tư tưởng mà ông theo đuổi chính là thứ chủ nghĩa dân tộc hướng về dân chủ và khoa học, thứ chủ nghĩa dân tộc hiện đại hình thành dưới ảnh hưởng tích cực của cách mạng Tân Hợi và phong trào Ngũ Tứ.

Có thể nói, giới trí thức Đài Loan đã ý thức rõ ràng rằng, cải cách ngữ văn chính là điểm mấu chốt trong phong trào chống Nhật. Trong xu thế ấy, nền văn học mới cũng nhanh chóng ra đời khi có nền quốc ngữ thống nhất.

Trước khi chữ quốc ngữ ra đời, người Việt sử dụng chữ Hán, từ đó dẫn đến việc  tiếng nói và chữ viết không thống nhất. Vào thế kỉ XVII, các giáo sĩ phương Tây đến Việt Nam  truyền giáo. Để thuận lợi cho việc truyền đạo, các giáo sĩ đã tìm cách kí âm tiếng Việt bằng kí tự La Tinh. Bộ chữ Quốc ngữ ra đời sử dụng các ký tự Latinh, dựa trên các bảng chữ cái của nhóm ngôn ngữ Rôman đặc biệt là bảng chữ cái Bồ Đào Nha, với các dấu phụ chủ yếu từ bảng chữ cái Hy Lạp.

Chữ quốc ngữ là loại chữ ghi lại tiếng nói của người Việt, làm cho chữ với tiếng là một. Gắn với lời ăn tiếng nói hàng ngày, qua quá trình cải cách liên tục, chữ quốc ngữ trở thành phương tiện diễn đạt duy nhất của người Việt Nam, là một thành tố của văn hóa Việt.

Lợi ích của chữ quốc ngữ được các học giả đương thời ý thức một cách nhanh chóng. Họ kêu gọi phổ biến chữ quốc ngữ, đi tiên phong trong việc  sử dụng chữ quốc ngữ trong báo chí, xuất bản và sáng tác văn học. Năm 1865, Gia Định báo, tờ  báo viết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam, ra đời. Sau đó một năm, tập sách sưu tầm văn học dân gian Chuyện Đời Xưa- Lựa Nhón Lấy Những Chuyện hay và có ích  của Trương Vĩnh Ký xuất hiện. Hoạt động báo chí đã mở đầu cho tiến trình hiện đại hóa văn học.

Ngôn ngữ là chất liệu để xây dựng nên văn bản văn học. Sự ra đời chữ quốc ngữ là điều kiện tiên quyết cho việc hình thành nền văn học mới. Khát vọng xây dựng một nền văn học hiện đại của các cây bút tiến bộ đầu thế kỉ XX gặp được sự tương thích về văn tự hiện đại đã làm nên hiệu ứng hai chiều: văn học được hiện đại hóa đồng thời  tiếng Việt văn học ngày càng hoàn thiện. Khi thực dân Pháp đưa tiếng Pháp vào giáo dục, chữ quốc ngữ đã đủ mạnh để tránh được mối đe dọa về một cuộc xâm lăng ngôn ngữ mới.

Năm 1887, Nguyễn Trọng Quản công bố truyện Thày Lazaro Phiền, trong phần mở đầu có viết: “Tôi một có ý dụng lấy tiếng thường mọi người hằng nói mà làm ra một truyện hầu cho kẻ sau coi mà bầy đặt cùng in ra ít nhiều truyện hay, trước là làm cho trẻ ham vui mà tập đọc, sau là làm cho các dân các xứ biết rằng người An Nam sánh trí sánh tài thì cũng chẳng kém ai”. Đây cũng là mong muốn của phần lớn người cầm bút đối với sự phát triển của văn học Việt Nam trước biến động của thời đại.

Nhờ dễ học, dễ sử dụng, người dân thuộc mọi tầng lớp đều có thể cầm bút,  sáng tác văn chương không còn là đặc quyền của tầng lớp tinh tuyển. Văn học gần với đời sống hơn, dư âm của lối văn chương cổ điển nhạt dần nhường chỗ cho vẻ sinh động, tươi tắn của lối viết mới. Số lượng tác phẩm văn chương thời kì này tăng mạnh, tuy chất lượng nghệ thuật  không cao nhưng đời sống văn học sôi động, mang tính đại chúng rõ rệt. Việc phổ biến chữ quốc ngữ còn đưa đến sự bùng nổ của dịch thuật. Các trào lưu văn học phương Tây (chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa lãng mạn, các thủ pháp tượng trưng, siêu thực…) đến với Việt Nam, tác động sâu sắc đến người cầm bút và công chúng, tạo ra những biến đổi toàn diện từ sáng tạo đến thưởng thức. Một diện mạo văn chương hoàn toàn mới mẻ được hình thành lan tỏa và tác động không nhỏ đến đời sống xã hội.

* Lấy thay đổi quan niệm văn học làm điều kiện tiên quyết để cách tân văn học

Hiện đại hóa văn học trước hết từ sự thay đổi về ý thức nghệ thuật, quan niệm thẩm mĩ, quan niệm về văn chương.

Với trường hợp Đài Loan, chúng tôi nhận thấy sự thay đổi quan niệm văn học thể hiện rõ nét ở hai khía cạnh. Thứ nhất, văn học cũ ở Đài Loan trước đó chỉ thuộc về tầng lớp thân sĩ (đại địa chủ), còn với hơn 80% dân số là tá điền đói ăn và mù chữ thì những sáng tác ấy hoàn toàn xa lạ. Vì vậy, muốn hiện đại hóa thì văn học phải đi xuống dưới, đến với tầng lớp cần lao. Động thái “Xây dựng văn học bạch thoại, cải tạo ngôn ngữ Đài Loan” của Trương Ngã Quân và các trí thức đương thời chính là hành động thiết thực nhất để đưa văn học đến với tầng lớp bình dân Đài Loan. Thứ hai, do ảnh hưởng của văn học đại lục, quan niệm chủ đạo của văn học cũ Đài Loan vẫn là công thức “Văn dĩ tải đạo”, “Thi ngôn chí”. Ngoài ra, văn chương còn có một chức năng quan trọng nữa là giải trí. Đến cuối TK 19 đầu TK 20, văn học mới Đài Loan đã nỗ lực xây dựng nền văn học dân chủ và khoa học, dùng văn học để mở mang dân trí, nâng cao ý thức dân tộc cho người Đài Loan. Đặc biệt, các nhà văn Đài Loan như Dương Quì, Lâm Thự Quang, Lại Nam Nhân còn hy vọng văn học Đài Loan bắt rễ ở tính đặc thù của địa phương, kiến lập nên văn học có tính tự chủ, tiến tới xây dựng nền văn học Đài Loan tự do hơn, khoan dung hơn, đa nguyên hóa hơn, tượng trưng cho tinh thần và số phận của người Đài Loan.

Với văn học Việt Nam, quan niệm chủ đạo của văn học trung đại là “Văn dĩ tải đạo”, “Thi ngôn chí” đặt nặng chức năng xã hội, đạo đức cao cả của văn chương. Quan niệm này bắt rễ sâu suốt gần 10 thế kỉ văn học trung đại và chỉ lung lay  do sự chuyển biến của hình thái xã hội và sự tác động, ảnh hưởng của văn hóa, tư tưởng phương Tây cùng với tinh thần dân chủ trong xã hội Việt Nam đương thời, đặc biệt là trong tầng lớp tiểu tư sản thành thị và trí thức Tây học.

Đầu thế kỉ XX đánh dấu sự thay đổi trước hết ở quan niệm về giá trị của văn học. Văn chương giờ đây không còn là phương tiện hành đạo, không mang chức năng giáo huấn đạo lí. Văn chương trở thành một lĩnh vực chuyên biệt tách khỏi đạo đức, lịch sử, triết học, đáp ứng nhu cầu sáng tạo thẩm mĩ của nhà văn và nhu cầu thưởng thức thẩm mĩ của người đọc. Văn học được giải phóng khỏi gánh nặng đạo đức, trở về với giá trị tự thân của nó là phương tiện để nhà văn nhận thức thế giới và tự nhận thức.

Giai đoạn này viết văn trở thành một nghề kiếm sống, văn chương trở thành hàng hóa.  Sự phát triển của báo chí, xuất bản và in ấn giúp cho văn học được phổ biến bằng nhiều hình thức, trở thành một giá trị văn hóa của toàn xã hội chứ không còn bó hẹp trong phạm vi cá nhân hoặc nhóm nhỏ mang tính thù tạc. Giá trị giải trí của văn chương được chú ý đồng nghĩa với việc giải thiêng văn học ở một mức độ nhất định. 

Nếu như văn học trung đại thống nhất về quan niệm thẩm mĩ thì giai đoạn này diễn ra những mâu thuẫn, đối lập khá phức tạp trên hai luồng quan niệm chính. Luồng thứ nhất mà đại diện là các nhà phê bình Thiếu Sơn, Hoài Thanh, các nhà thơ tiêu biểu trong phong trào Thơ Mới như Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, nhóm Xuân Thu Nhã tập về sau này…cho rằng đặc trưng  của văn học nghệ thuật là bản chất thẩm mĩ và tính sáng tạo. Bản chất thẩm mĩ của văn học thể hiện trước hết ở mối quan hệ giữa nó với cái đẹp đồng thời gắn với  bản chất sáng tạo của nó. Mà cội nguồn sâu xa của sự sáng tạo nằm ở sự trưởng thành của ý thức cá nhân. Đó là cơ sở tư tưởng cho sự hình thành và phát triển cái tôi cá nhân – cá thể trong văn học, đặc biệt là trong khuynh hướng lãng mạn. Cái tôi ấy đòi hỏi phải được giải phóng triệt để về cá tính, cảm xúc nhất là trong tình yêu và hôn nhân.

Luồng thứ hai là quan niệm của các trí thức theo lập trường vô sản mà đại diện là Hải Triều thì khẳng định sự quy định của kinh tế của kinh tế đối với văn hóa và bản chất xã hội của nghệ thuật. Văn học không thể đứng ngoài cuộc đấu tranh giai cấp, đứng ngoài chính trị. Nghệ thuật “vị nhân sinh” là nghệ thuật phục tùng chính trị, phục vụ đấu tranh chính trị. Với ý nghĩa đó, “văn học của chủ nghĩa lãng mạn hoá ra là thứ văn học phản động”, chỉ có nghệ thuật “tả thực xã hội” của giai cấp vô sản là nghệ thuật “tiến bộ”.

Dù đối lập gay gắt như vậy nhưng nhìn toàn cục, những quan niệm nghệ thuật nêu trên là một bước tiến rất xa so với hệ thống quan niệm đóng khung của văn học trung đại. Quan niệm nghệ thuật thay đổi dẫn đến thay đổi tất cả các yếu tố khác của văn học: đề tài, thi pháp, thể loại… Tuy nhiên đây cũng là giai đoạn giao thời đặc biệt của văn học Việt Nam, biểu hiện ở sự tồn tại song song và ảnh hưởng lẫn nhau của hai yếu tố cũ và mới. Sự kết hợp này tạo nên những giá trị đặc biệt  trong một giai đoạn hết sức quan trọng của tiến trình văn học dân tộc.

* Lấy cách tân mô hình thể loại văn học làm rường cột của phong trào cách tân văn học

Một trong những biểu hiện quan trọng của quá trình hiện đại hóa văn học là sự vận động của thể loại bao gồm cả kế thừa, hình thành và tương tác. Nghĩa là nếu xét riêng vấn đề thể loại, hai hệ thống thi pháp không đứt lìa nhau mà luôn có mối liên hệ, chuyển hóa, xâm nhập để tạo nên mô hình thể loại mới.

Văn học cũ Đài Loan được coi là một bộ phận của văn học cổ đại Trung Quốc. Thể loại văn học vì thế về cơ bản ổn định với các thể loại thơ, phú, truyện, phương chí, văn xuôi viết về phong tục… đều có nguồn gốc từ hệ thống thể loại của văn học cổ đại lục. Qua từng thời kì của cuộc vận động đổi mới văn học, văn học mới Đài Loan đã nỗ lực cách tân hệ thống thể loại cũ.

Thời kì thứ nhất (1920-1925), hệ thống thể loại của văn học mới Đài Loan xuất hiện phê bình văn học, tiểu thuyết, thơ mới và tản văn. Cuộc vận động văn học mới tập trung vào những trận bút chiến với những vấn đề trọng đại và mang tính thời sự của văn học đương thời đó là tranh luận về việc sử dụng văn bạch thoại, tranh luận về văn học cũ-mới, tranh luận về xây dựng thoại văn Đài Loan, tranh luận về văn học hương thổ… Vì vậy, thể loại văn học nổi bật thời kì này chính là phê bình văn học. Các tác giả phê bình văn học thời kì này tiêu biểu có Trương Ngã Quân, Trần Hân, Cam Văn Phương, Trần Đoan Minh, Hoàng Trình Thông…, trong đó Trương Ngã Quân nổi bật với những bài phê bình về bản chất, nội dung, hình thức của văn học mới Đài Loan. Tác phẩm tiêu biểu của Trương Ngã Quân có Một bức thư gửi thanh niên Đài Loan, Ý nghĩa của cuộc vận động văn học mới, Những ý nghĩa về văn nghệ… Bên cạnh phê bình văn học, tiểu thuyết cũng đã xuất hiện gồm năm cuốn: Cô ấy sẽ đi đâu của Truy Phong (viết bằng tiếng Nhật), Đảo Tự Chế thần bí của Vô Tri, Mối họa khuyển dương của Liễu Thường Quân, Lịch sử bi thảm của Đài Nương của Thi Văn Kỉ, Oán hận gia đình của Lộ Giang. Tuy số lượng không nhiều nhưng các tác phẩm tiểu thuyết nói trên được đánh giá là mang tính chất khai sáng về mặt tư tưởng. Ngoài ra, thời kì thứ nhất này đã xuất hiện thơ mới. Nổi bật nhất có thơ mới của Trương Ngã Quân và Dương Vân Bình.Thể loại cuối cùng xuất hiện trong thời kì thứ nhất chính là tản văn với tác phẩm nổi tiếng Vô đề của Lại Hòa. Tác phẩm này được đánh giá là “dự báo thời kì khai hoa kết quả của văn học mới Đài Loan đang đến gần”[4].

Thời kì thứ hai (1926-1937) được coi là thời kì chín muồi của văn học mới Đài Loan. Tiểu thuyết là thể loại xuất hiện trước tiên và có thành tựu vượt trội so với các thể loại khác. Lại Hòa có Đấu náo nhiệt (1926); Trương Ngã Quân có Mua vé xổ số (1926), Câu chuyện đau buồn của bà Bạch (1927), Dụ dỗ (1929); Dương Vân Bình có Quang lâm, tiểu thuyết bạch thoại Tội và phạt, Dưới trăng, Anh em, Vườn mía trong hoàng hôn, Nửa đời của Thu Cúc…; Thái Sầu Giản có Bác Bảo chính, Đoạt cờ gấm, Nỗi đau buồn mới trỗi dậy…; Chu Điểm Nhân có Đảo đô, Cây kỉ niệm, Thư mùa thu… Ngoài những tác giả tác phẩm nói trên, thể loại tiểu thuyết còn ghi danh rất nhiều tiểu thuyết gia xuất sắc như Trương Thâm Thiết, Quách Thu Sinh, Dương Hoa, Trương Khánh Đường, Hoàng Đắc Thời. Bên cạnh tiểu thuyết viết bằng văn bạch thoại thì thời kì này ở Đài Loan còn ghi nhận những tiểu thuyết viết bằng tiếng Nhật rất thành công như Người đưa báo của Dương Lục, Xe trâu của Lã Hách Nhược, Thị trấn nhỏ trồng cây đu đủ của Long Anh Tông…

Thơ ca thời kì này có vai trò mờ nhạt hơn so với tiểu thuyết. Thành tựu nổi bật có Trương Ngã Quân có tập Mối tình nơi thành đô loạn lạc, Dương Vân Bình có tập Sơn hà, Dương Hoa với tập thơ mới Thủy triều đen, Quách Thủy Đàm có Gào khóc chiếc quan tài, Bài ca thế kỉ

Kịch: xuất hiện vở hí kịch Biên địa hồng của Trương Thâm Thiết

Thời kì thứ ba (1938-1945), mặc dù dưới sự cấm đoán gắt gao của Nhật, rất nhiều tạp chí văn nghệ bị đình bản nhưng hoạt động sáng tác vẫn diễn ra tích cực và vẫn đáp ứng được hệ thống thể loại mới lấy tiểu thuyết (cả đoản thiên và trường thiên) và thơ ca làm cơ bản. Các tác giả tiêu biểu thời kì này có Trương Văn Hoàn, Lã Hách Nhược, Long Anh Tông, Ngô Tân Vinh… Trương Văn Hoàn đạt đến đỉnh cao phong độ với một loạt tiểu thuyết như Lọ hành hăng, Dạ viên, Gà thiến, Người bò trên đất… Lã Hách Nhược sáng tác nhiều truyện ngắn (đoản thiên tiểu thuyết) tập hợp trong tập Thanh thu. Long Anh Tông giai đoạn này sáng tác 24 tiểu trong đó có những tác phẩm như Hoàng gia, Hoàng hôn nguyệt, Dãy núi màu trắng, Hạnh phúc không được biết…

Nhìn lại ba thời kì của văn học mới Đài Loan, chúng tôi nhận thấy mô hình thể loại đã được cách tân theo xu hướng của văn học thế giới, trong đó, tiểu thuyết chính là tiểu loại phát triển mạnh mẽ nhất.

Xét về vấn đề thể loại của văn học Việt Nam, có thể nhận định rằng, văn học thời kì trung đại đã có một hệ thống thể loại ổn định với hai bộ phận chính : các thể loại văn học chức năng (chiếu, biểu, cáo, hịch, luận, kệ, sử kí…) và các thể loại văn chương nghệ thuật (thơ, phú, truyện, kí). Do đặc điểm văn sử triết bất phân nên không có thể loại nào mang tính chất thuần túy văn học. Không chỉ các thể loại chức năng như  cáo, biểu, chiếu, hịch, kệ, … mà ngay cả thơ, phú cũng vậy. Nhưng mặt khác,tất cả các  thể loại đều có khả năng đạt tới nghệ thuật, do tài năng của tác giả. Hệ thống thể loại văn học trung đại hoàn chỉnh nhưng chậm biến đổi. Từ thế kỉ XVIII đến cuối thế kỉ XIX, hệ thống thể loại văn học có nhiều biến động. Mô hình văn sử triết bất phân tan rã, các thể loại có tính công cụ hành chính hầu như không còn được sử dụng hoặc thay đổi chức năng. Các thể loại có tính văn học kết tinh mạnh hơn.Nhiều thể loại hiện đại hình thành và phát triển tương đối hoàn thiện. Đến đầu thế kỉ XX, mô hình thể loại đã được cách tân mạnh mẽ,  tập trung ở các thể loại cơ bản sau:

Thơ ca: Hiện đại hóa thơ ca Việt Nam tức là từ bỏ lối thơ cũ (thơ cách luật) để đến với thơ tự do. Thơ Việt Nam thời trung đại chịu  ảnh hưởng sâu sắc của thơ ca Trung Hoa. Dù các nhà thơ nỗ lực Việt hóa thơ ca nhưng không thể thoát ly khỏi hệ thống quy phạm của thơ Trung Hoa đã bám rễ vào tư duy thơ Việt. Đầu thế kỉ XX, thơ Việt Nam được cải cách khá quyết liệt về thể loại.  Năm 1928, trên Trung Bắc Tân Văn Nguyễn Văn Vĩnh giới thiệu bài thơ dịch “Con ve và con kiến” (La Cigale et la Fourmi. Bài thơ không niêm, không luật, không hạn định số chữ, số câu báo hiệu sự rạn nứt khuôn khổ “thơ cũ”. Ngày 10/3/1932 Báo Phụ Nữ Tân Văn số 22 đăng bài thơ Tình già của Phan Khôi, một bài thơ làm dậy sóng văn đàn bởi sự khác biệt quá lớn với thơ truyền thống.

Đỉnh cao của sự cách tân thể loại thơ đầu thế kỉ XX là sự xuất hiện của phong trào Thơ Mới. Xét về hình thức thể loại, Thơ Mới đã thoát ly hoàn toàn khỏi các quy phạm cổ điển, đã sáng tạo một hình thức thơ mới, một lối tư duy mới, một cấu trúc thơ mới. Thơ là chân lý cá nhân nên Thơ mới đã  xây dựng một thi pháp mới, hoàn toàn tự do, phá bỏ mọi giới hạn, cho phép mọi cách thức, khuynh hướng biểu hiện. Thơ Mới vẫn có câu thơ 7 chữ, 5 chữ, lục bát nhưng bài thơ không còn hạn định số câu, số chữ, hài thanh và hiệp vận. Thi pháp Thơ Mới định hình giá trị thể loại cho thơ Việt Nam đầu thế kỉ XX, là nền tảng cho hành trình hiện đại hóa thơ Việt cho đến nay.

Đáng chú ý là Thơ Đường luật dù mất vị thế độc tôn nhưng không bị xóa bỏ. Thể loại này vẫn được nhiều người ưa chuộng do những giá trị không thể phủ nhận của nó. Hai thể loại thơ với đặc điểm thi pháp khác biệt tồn tại song song và tương tác với nhau khiến cho thơ Việt Nam được hiện đại hóa nhưng vẫn kết nối chặt chẽ với truyền thống. Bên cạnh đó, dòng ảnh hưởng thơ Pháp hình thành và phát triển mạnh. Các dòng này không loại trừ nhau mà “chung sống để trở thành những yếu tố hữu cơ của một nền thơ Việt Nam hiện đại”.

Thơ cách mạng thời kì này tuy không đóng góp nhiều về chất lượng nghệ thuật nhưng cũng đem lại một màu sắc độc đáo cho bức tranh chung của thơ Việt Nam giai đoạn này.

Văn xuôi quốc ngữ: Thành tựu nổi bật của cách tân thể loại văn học đầu thế kỉ XX là ở văn xuôi. Cuối thế kỉ XIX, những tác phẩm văn xuôi quốc ngữ đầu tiên xuất hiện, sau đó là cả một phong trào sáng tác văn xuôi nổi lên ở Nam Kỳ. Văn xuôi quốc ngữ lúc này vẫn chịu ảnh hưởng của văn xuôi trung đại  nhưng đã có nhiều yếu tố mới. Các thể văn xuôi đã có (tiểu thuyết, truyện ngắn) đổi mới sâu sắc, nhiều thể văn xuôi mới hình thành (phóng sự, …). Các đặc điểm thể loại được hiện đại hóa, vận động mau lẹ cùng với văn học phương tây.

Tiểu thuyết quốc ngữ phát triển mạnh ở Nam Kỳ trong khoảng ba mươi năm đầu thế kỉ XX. Hồ Biểu Chánh là tác giả có số lượng tiểu thuyết lớn nhất thời kì này. Điểm nổi bật ở tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh là dựng lên một hiện thực xã hội Nam bộ sống động. Tuy nhiên tác phẩm của ông còn nặng mô phỏng cốt truyện phương tây, dấu ấn của văn chương trung đại vẫn còn ở kiểu kết cấu chương hồi, kết thúc có hậu, lối văn biền ngẫu, kiểu nhân vật minh họa cho quan điểm đạo đức. Mở đầu cho khuynh hướng tiểu thuyết lãng mạn là Tố Tâm (1925) của Hoàng Ngọc Phách. Đầu những năm ba mươi, nhóm Tự Lực văn đoàn nổi lên với những tên tuổi lớn như Nhất Linh, Khái Hưng. Tiểu thuyết quốc ngữ đến lúc này đã đạt đến một tầm cao mới. Tính luận đề, nghệ thuật miêu tả tâm lý, nghệ thuật trần thuật, ngôn từ nghệ thuật, nhân vật… đều cách tân triệt để.

Từ những năm 1936, tiểu thuyết hiện thực phát triển mạnh hướng vào khai thác các mâu thuẫn, xung đột trong đời sống xã hội, xây dựng tính cách điển hình, hoàn cảnh điển hình, ngôn ngữ văn chương mang đậm hơi thở đời sống. Những tác giả tiêu biểu của khung hướng tiểu thuyết hiện thực là Ngô tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng.

Truyện ngắn thời kì này cũng phát triển nhanh, mạnh với nhiều thành tựu. Truyện ngắn lãng mạn của Thạch Lam, Thanh Tịnh giàu chất trữ tình, thiên về biểu hiện những trạng huống tâm lý tinh tế trong đời sống thường nhật. Truyện ngắn hiện thực của Nam Cao là bước phát triển cao của nghệ thuật truyện ngắn hiện đại với khả năng dồn nén xung đột, xây dựng chi tiết nghệ thuật sắc sảo, miêu tả chân thực tâm lý con người, ngôn ngữ đối thoại mang tính đa thanh.

Phóng sự là một thể loại văn xuôi mới du nhập vào Việt Nam đầu thế kỉ và nhanh chóng đạt được thành tựu đáng kể với những tên tuổi như Ngô Tất Tố, Tam Lang, Vũ Trọng Phụng.

Tùy bút vốn đã có mặt trong dòng văn học trung đại tiếp tục phát triển và đổi mới với những tác giả tiêu biểu như Thạch Lam, Nguyễn Tuân. Các tùy bút mang đậm dấu ấn “cái tôi” tác giả đánh dấu một bước chuyển cho thể loại này trên con đường hiện đại hóa.

Kịch nói xuất hiện đầu thế kỉ XX là một hiện tượng khá mới mẻ song chưa có nhiều thành tựu. Một số tác giả kịch nói đáng chú ý là Đoàn Phú Tứ, Vi Huyền Đắc, Nguyễn Huy Tưởng.

Phê bình văn học là một trong những thể loại có vị trí quan trọng trong quá trình hiện đại hóa văn học. Cùng với sự phát triển của báo chí, nhu cầu phê bình văn học lúc này mạnh hơn, đồng hành với sáng tác và mang ý nghĩa định hướng, thúc đẩy văn học phát triển. Từ những năm ba mươi trở đi, khi văn học đã bước những bước vững chắc trên hành trình hiện đại hóa, phê bình văn học đã tạo nên một không khí học thuật sôi nổi, tác động mạnh đến sự vận động của văn học. Cuốn phê bình văn học xuất hiện sớm nhất là Phê bình và cảo luận (1933) của Thiếu Sơn. Cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh- Hoài Chân là một công trình có giá trị quan trọng. Một số cây bút khác có đóng góp nổi bật cho phê bình văn học là Hải Triều, Đặng Thai Mai, Trần Thanh Mại, Vũ Ngọc Phan. Đáng chú ý ở thời kì này là các cuộc tranh luận văn học: tranh luận về duy vật và duy tâm; tranh luận thơ cũ và thơ mới, tranh luận về nghệ thuật giữa Hoài Thanh và Hải Triều, Vũ Trọng Phụng và báo Ngày nay, tranh luận về quốc học… Riêng cuộc tranh luận về Thơ Mới là một diễn đàn lôi cuốn nhiều người, hiệu quả của nó là khai phá cho một hoạt động mới mẻ trong đời sống văn học. Nửa đầu thế kỉ XX đã xuất hiện một số công trình nghiên cứu lịch sử văn học đầu tiên. Từ lúc này, phê bình văn học thực sự giữ vai trò là yếu tố góp phần tổ chức quá trình văn học.

Tóm lại, việc cách tân sâu sắc, toàn diện mô hình thể loại văn học là một thành tựu quan trọng quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam giai đoạn đầu thế kỉ XX. Thành tựu đó không chỉ hoàn tất nhu cầu đổi mới văn học đương thời và còn tạo điều kiện thúc đẩy những chặng đường văn học tiếp theo tiếp tục vận động và phát triển.

2.3.      Tương đồng ở lực lượng tiến hành quá trình hiện đại hóa

* Lực lượng trí thức với hai phẩm chất truyền thống và hiện đại song trùng:

Đặc thù của xã hội Đài Loan vốn từng là xã hội di dân được gọi là  “Hán, Phiên tạp cư”, sau đó lại chịu sự thống trị của các nước Tây Ban Nha, Hà Lan, Nhật Bản. Vì vậy, thành phần dân cư Đài Loan phức tạp và văn hóa cũng phong phú. Đơn cử như trường hợp ngôn ngữ ở Đài Loan, ngoài tiếng Hán phổ thông thì còn có tiếng Mân Nam (Phúc Kiến), Khách Gia (Quảng Đông), thêm mấy loại ngôn ngữ của khoảng 20 vạn thổ dân trên đảo. Đến khi Nhật chiếm đóng lại bắt buộc học để nói và viết bằng tiếng Nhật. Đầu thế kỉ 20 lại xuất hiện thêm cả chữ Latin do Cơ đốc giáo du nhập vào và bộ phận giáo dân Cơ đốc giáo đã dùng kí tự Latin phiên âm khẩu ngữ Đài Loan (năm 1927) để lưu hành trong nội bộ các giáo xứ… Chính bởi sự phong phú ấy tạo cho giới trí thức Đài Loan sự khoan dung trong tiếp nhận cái mới, cái dị kỉ.

Mặt khác, cuối TK 19 đầu TK 20 là giai đoạn nhiều biến động và đổ vỡ của Đài Loan cùng với chuỗi biến động của các nước trên toàn thế giới. Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Á lần lượt chuyển mình mong muốn hiện đại hóa để thoát khỏi chủ nghĩa thực dân trong đó có Trung Quốc, Việt Nam và cả Đài Loan. Những yếu tố tư tưởng mới liên tục du nhập vào Đài Loan từ nhiều con đường khác nhau. Nhu cầu của thực tiễn dân tộc và thời đại đã khiến giới trí thức Đài Loan cũng dịch chuyển theo. Về cơ bản, họ không quay lưng lại với yếu tố truyền thống nhưng họ đã phải tăng tốc tiếp nhận yếu tố hiện đại. Họ một mặt vẫn là những con người mang sẵn trong mình những yếu tố truyền thống, một mặt họ không ngừng tiếp thu các yếu tố hiện đại, tiến bộ để canh tân đất nước, hiện đại hóa nền văn học. Với đặc thù đó, lực lượng trí thức Đài Loan giai đoạn cuối TK 19 đầu TK 20 cũng song trùng hai phẩm chất truyền thống và hiện đại.

Ở Việt Nam, lực lượng sáng tác của văn học viết thời trung đại chủ yếu là các trí thức Hán học. Đây là một tầng lớp có vị thế đặc biệt trong xã hội phong kiến. Họ được đào tạo một cách nghiêm cẩn theo lề lối cửa Khổng sân Trình, thấm nhuần tư tưởng Nho giáo. Cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỷ XX, xã hội biến động, hệ tư tưởng Nho giáo lung lay tận gốc, các giá trị cũ suy tàn, giá trị mới chưa định hình, một số lớn nhà nho chọn con đường ở ẩn, viết để bày tỏ những day dứt trăn trở và sự bất lực trước thời cuộc. Văn chương của họ cơ bản vẫn tuân thủ quy phạm của văn học trung đại.

Có những nhà nho sớm có tư tưởng canh tân, dân chủ, không chấp nhận chế độ thuộc địa thì tìm kiếm con đường giải phóng dân tộc (Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Huỳnh Thúc Kháng. Ngô Ðức Kế..). Sáng tác văn chương của  những nhà trí thức Hán học tiến bộ này đổi mới về tư tưởng nhưng không mới về thi pháp.

Ðến đầu thế kỉ XX, lực lượng sáng tác chính đã thay đổi. Ðó là các trí thức Tây học thời kì đầu. Họ là những người được đào tạo từ các trường Pháp – Việt, tiếp thu văn hóa phương Tây, làm việc trong môi trường Âu hóa. Sáng tác của họ cơ bản đã thoát ly khỏi quỹ đạo của thi pháp văn học trung đại, tiệm cận với văn học phương Tây. Tinh thần chung trong các sáng tác của lớp người viết này là tìm cách dung hợp hai nền văn hóa-văn học truyền thống và phương Tây nhưng xu thế đổi mới là chủ đạo. Lực lượng sáng tác mới này thay thế dần lớp người viết cũ, tạo ra sự biến đổi toàn diện cho văn học Việt Nam thời kì này.

Tìm hiểu đội ngũ sáng tác giai đoạn này trước hết phải nói đến động cơ viết của họ. Phần lớn họ viết vì sinh kế, vì sự thúc bách của cuộc sống. Nhưng sâu xa vẫn là đam mê và khát vọng lập thân, lập danh tức là khẳng định giá trị cá nhân. Nếu như trước đây, lập thân bằng con đường văn chương bị xem là “tối hạ” thì nay là sự nghiệp chính đáng.

Lớp nhà văn này là những người vừa am hiểu sâu sắc văn hoá Việt Nam vừa có tri thức mới về văn hoá phương Tây. Càng về sau, đặc điểm này ở lực lượng sáng tác càng rõ. Một trong những lý do để văn học Việt Nam giai đoạn này tiếp thu ảnh hưởng của văn học phương Tây một cách nhiệt tình nhưng sản phẩm sáng tạo của các nhà văn thì đậm chất Việt là bởi sự kết hợp hài hòa hai yếu tố truyền thống và hiện đại trong sáng tác.Những người viết ấy cảm nhận được cái mới mẻ của đời sống và văn chương hiện đại nhưng vẫn thiết tha với vẻ đẹp bền vững của văn học truyền thống. Họ chỉ phản ứng lại một hệ thống quy phạm đã lỗi thời chứ không quay lưng với tinh hoa văn học cổ điển. Hơn nữa, dù được học hành và trang bị tri thức văn hóa phương Tây thì gốc gác Á Đông trong mỗi nhà văn vẫn còn đó, chi phối một cách âm thầm đến tư duy nghệ thuật và phương pháp sáng tác. Nhu cầu biểu đạt cái mới và ý thức nghệ thuật nguyên thủy luôn có khả năng cùng tồn tại, xuyên thấm và chuyển hóa lẫn nhau

*Hành vi hiện đại hóa văn học chính là hành vi cách mạng, các tác giả đại bộ phận song trùng hai tư cách là nhà văn và nhà cách mạng, nhà tư tưởng, nhà khải mông.

 “Cách mạng là xóa bỏ cái cũ để thay thế bằng cái mới tiến bộ hơn, là một sự thay đổi sâu sắc, thường xảy ra trong một thời gian tương đối ngắn. Các cuộc cách mạng có thể dẫn đến thay đổi trong các thể chế chính trị – xã hội, hoặc thay đổi lớn trong một nền kinh tế hay văn hóa.”(Wikipedia)

Với ý nghĩa đó, công cuộc hiện đại hóa văn học Việt Nam và Đài Loan cuối TK 19 đầu thế kỉ XX là một cuộc cách mạng tầm cỡ. Toàn bộ văn học Việt Nam từ đó đến nay là đặt trên thành quả của cuộc cách mạng ấy. Tính chất cách mạng của hai nền văn học thể hiện ở chỗ quá trình hiện đại hóa đã tạo ra một nền văn học khác hẳn. Cần nhìn nhận rõ sự cách tân văn học thời kì này không phải gia giảm, cải biến cái cũ cho hợp thời mà là tạo ra cái mới hoàn toàn. Mĩ học mới, thi pháp mới, thể loại mới, mối quan hệ nhà văn-công chúng cũng mới. Từ cuộc cách mạng này, văn học Việt Nam và văn học Đài Loan đi trên một con đường khác.

Ở Việt Nam giai đoạn giao thời, đối diện với những biến động dữ dội của thời cuộc và ách đô hộ của thực dân Pháp, các trí thức đương thời quyết định sử dụng văn nghệ làm công cụ canh tân đất nước. Trước hết, đây là cuộc cách mạng về tư duy nghệ thuật. Văn học giai đoạn này hướng về thực tại sống động và suồng sã, hướng tới mỹ học phong phú, từ bỏ vai trò chở đạo, nói chí, khước từ khuôn mẫu mĩ học cổ điển. Sự biến đổi về tư duy nghệ thuật tất yếu đưa đến cách mạng về thể loại. Thơ không còn là thể loại trung tâm, thay vào đó là văn xuôi. Trong nội bộ thể loại cũng diễn ra những biến đổi căn bản. Nhiều thể loại mới hình thành. Kết quả của cuộc cách mạng này đã định hình giá trị của văn học trong văn hóa dân tộc. Thậm chí, cách mạng văn học là yếu tố quan trọng trong cuộc cách mạng về tư tưởng, văn hóa thời kì đó.

Ở Đài Loan, như trên đã đề cập, cuối thế kỉ 19 đầu TK 20, văn học đã được sử dụng như một công cụ canh tân dân tộc, một thứ vũ khí để đấu tranh với chế độ thực dân Nhật, một con đường để thức tỉnh nhân dân. Tuy tiến trình hiện đại hóa diễn ra dài hơi hơn, tốc độ chậm hơn so với văn học Việt Nam nhưng kết quả mà văn học mới Đài Loan đạt được vô cùng rực rỡ. Cao trào của công cuộc hiện đại hóa ấy xuất hiện muộn hơn vào giữa thế kỉ 20 với tinh thần “làm thế nào nhào nhuần nhuyễn kỹ xảo văn học tiền vệ phương Tây với văn học mang phong cách dân tộc truyền thống, xây dựng một nền văn học bao gồm tính chất đặc biệt của Đài Loan và tầm nhìn có tính thế giới”[5].

3.     Điểm khác biệt của quá trình hiện đại hóa của văn học Việt Nam và văn học Đài Loan giai đoạn cuối TK 19 đầu TK 20

3.1.      Khác biệt ở khởi nguyên của quá trình hiện đại hóa

*Trí thức Đài Loan với thể nghiệm Nhật Bản và trí thức Việt Nam với sự ảnh hưởng của văn hóa Pháp

Trí thức Đài Loan với thể nghiệm Nhật Bản: Năm 1895, chiến tranh Giáp Ngọ kết thúc, triều đình nhà Thanh buộc phải cắt nhượng Đài Loan và Bành Hồ cho Nhật Bản. Từ đó, lãnh thổ Đài Loan trở thành thuộc địa của Nhật Bản. Lực lượng trí thức Đài Loan lúc này là một tập hợp có xuất thân đa dạng: quan lại triều đình nhà Thanh được cử đến nắm quyền, thân sĩ phong kiến bản địa, giai tầng tư sản bản địa…

Trong bối cảnh đó, trí thức quan lại nhà Thanh và thân sĩ phong kiến bản địa (trí thức kiểu cũ/ trí thức truyền thống) tuyên bố xây dựng “nước dân chủ Đài Loan”, lấy danh nghĩa nhà Thanh chống lại quân xâm lược Nhật Bản. Trước thế mạnh của quân đội Nhật, trí thức quan lại nhà Thanh dần rời bỏ Đài Loan chạy về đại lục. Một số người vẫn ở lại với những thái độ sống khác nhau. Có người chọn thái độ lánh đời chìm đắm trong tửu sắc, có người lại tích cực đối diện với hiện thực khốc liệt và giữ vững tinh thần phản kháng bằng sáng tác văn chương, tiêu biểu nhất phải kể đến Hồng Khí Sinh.

Lực lượng tư sản bản địa (trí thức kiểu mới) cũng chung tay với nhà cầm quyền chống Nhật nhưng sau buộc phải rút lui. Những nhà cách mạng tiêu biểu như Khưu Phùng Giáp, Thi Sĩ Hạo, Uông Xuân Nguyên, Hứa Nam Anh… dù rút lui nhưng ý chí cách mạng không tiêu trầm mà vẫn gửi gắm nồng đượm trong thơ văn.

Bên cạnh luồng tư tưởng mang chủ nghĩa dân tộc đậm nét thì cũng có những luồng tư tưởng phụ thuộc vào nhà cầm quyền Nhật Bản. Năm Quang Tự thứ 2 (1895) nhà Thanh cắt nhượng Đài Loan và quần đảo Bành Hồ cho Nhật. Từ thời điểm đó đến năm 1920 đã có nhiều phong trào chống Nhật nổ ra trong đó tiêu biểu nhất là sự kiện vũ trang Tây Lai Am (1915). Tuy nhiên càng về sau, ách thống trị của thực dân Nhật ngày càng kiên cố, tiếng Nhật ngày càng được phổ biến và có xu thế lớn mạnh trong các trường học. Các gia đình đại địa chủ Đài Loan thời đó hầu hết đều đưa con em vào trường công của người Nhật hoặc đi du học ở Nhật Bản. Loại thể nghiệm Nhật Bản với tư tưởng thực dân này cũng có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hiện đại hóa văn học, giới nghiên cứu gọi đó là tính hiện đại thực dân. Tuy cùng một bối cảnh giáo dục nhưng tầng lớp trí thức mới tiếp thu ảnh hưởng Nhật Bản đó cũng xuất hiện hai thái độ là quy thuận và chống đối. Tất cả những hiện tượng đó đã đem đến một nền tảng tư tưởng phong phú và phức tạp cho quá trình hiện đại hóa văn học Đài Loan.

Trí thức Việt Nam với sự ảnh hưởng của văn hóa Pháp: Năm 1858, thực dân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Ảnh hưởng của người Pháp tới xã hội Việt Nam nói chung và trí thức Việt Nam nói riêng là một thực tế lịch sử sống động. Về ý thức hệ, xã hội Việt Nam cuối thế kỉ XIX trở về trước là một xã hội phong kiến tập quyền chuyên chế. Tư tưởng thống trị xã hội là Nho giáo. Sau khi trở thành nước thuộc địa, người Pháp vẫn duy trì tư tưởng phong kiến lạc hậu để kìm hãm sự phát triển của nước ta, nhằm tạo thuận lợi cho việc cai trị.  Đến đầu thế kỉ XX, giai cấp tư sản ra đời. Ý thức tư sản buổi đầu còn yếu ớt va chạm với  ý thức phong kiến vẫn tồn tại bền bỉ, nhưng các nhà nho yêu nước tiến bộ đã nhanh chóng tiếp thu tư tưởng dân chủ và khoa học của các nhà khai sáng Pháp, cổ súy đổi mới với đỉnh cao là phong trào Duy Tân đầu thế kỉ XX.

 

Về văn hóa, từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, văn hóa Việt đã tiếp xúc với văn hóa Pháp và biến đổi mạnh mẽ, sâu sắc  theo chiều hướng Âu hóa. Thực dân Pháp bãi bỏ nền khoa cử Hán học, thiết lập các trường Pháp – Việt, áp dụng nguyên lý giáo dục phương Tây. Mặc dù mục đích của Pháp là đào tạo lớp người thừa hành trong  bộ máy chính quyền thực dân mà không đặt ra mục tiêu phát triển trình độ dân trí  nhưng đã hình thành một tầng lớp trí thức Tây học buổi đầu. Phần lớn họ có tinh thần dân tộc và có ý thức tự học rất cao để trở thành trí thức hiện đại. Đa phần họ đều chọn những nghề tự do như làm thầy giáo, làm báo, hoạt động khoa học, kỹ thuật hoặc nghiên cứu học thuật, viết văn. Xu thế chọn loại nghề tự do này một mặt tránh được thân phận tay sai, mặt khác đáp ứng khát vọng canh tân, đổi mới nền văn hóa dân tộc.

Vai trò chủ chốt trong đời sống văn hóa tinh thần chuyển dần từ các nhà nho sang các trí thức Tây học. Đó là quá trình không dễ dàng, người Việt ban đầu nỗ lực chống Âu hóa và gây khó khăn không ít cho người Pháp trong công cuộc đồng hóa ở thuộc địa. Nhưng đến đầu thế kỷ XX, văn hóa Việt Nam đã chủ động hội nhập với văn hóa phương Tây để  thoát ly khỏi  ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Góp phần tích cực vào sự thay đổi văn hóa Việt Nam thời kì này là sự ra đời của chữ quốc ngữ, báo chí, hoạt động xuất bản, in ấn. Sự tiếp thu văn hóa phương Tây ở Việt Nam vừa mang tính cưỡng ép, vừa mang tính tự giác, kết quả tạo ra một nền văn hóa với tinh thần dung hợp và Việt hóa một cách khéo léo.

Tuy nhiên, xét về khởi nguyên của quá trình hiện đại hóa thì văn học Đài Loan đa nguyên hơn do đặc thù lịch sử. Giai đoạn cuối 19 đầu 20, Đài Loan trải qua cuộc xâm lược và thống trị của các quốc gia Hà Lan, Tây Ban Nha, Nhật Bản, từng là xã hội di dân được gọi là  “Hán, Phiên tạp cư”, vì thế đời sống sinh hoạt và mô thức phát triển khác với xã hội đại lục. Nhất là sau khi Nhật Bản thống trị 50 năm và sau 50 năm quang phục, trong tình trạng hoàn toàn cách ly với đại lục, Đài Loan đã tiếp thu tinh hoa văn học của Âu Mỹ và Nhật Bản, dần dần có được phẩm chất tự chủ tương đối rõ rệt.

*Văn học Đài Loan và sự ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa tư tưởng và văn học đại lục cận hiện đại và văn học Việt Nam dưới ảnh hưởng của hiện tượng “mưa Âu gió Mỹ” và sự “gợi ý” từ phong trào Khải mông Trung Hoa.

Yếu tố ảnh hưởng trực tiếp từ đại lục đến văn học Đài Loan mà chúng tôi muốn đề cập ở đây chính là phong trào hiện đại hóa của văn học, văn hóa tư tưởng Trung Quốc đầu thế kỉ 20. Từ biến pháp Mậu Tuất, cách mạng Tân Hợi cho đến phong trào Ngũ Tứ đều trực tiếp ảnh hưởng đến cương lĩnh, khẩu hiệu, tình thần chủ đạo của công cuộc hiện đại hóa văn học Đài Loan. Tiêu biểu nhất phải kể đến phong trào xây dựng văn học bạch thoại Đài Loan. Mặc dù cuối TK 19 đại lục cắt nhượng Đài Loan cho Nhật Bản nhưng quá trình li khai văn học đại lục của Đài Loan diễn ra rất chậm chạp. Thậm chí nhu cầu hiện đại hóa nền văn học với mục tiêu chống Nhật đặt ra cấp thiết cũng được hiện thực hóa vơi sự “đỡ đầu” của văn học Trung Quốc giai đoạn cận hiện đại.

Văn học Việt Nam cũng nhận được “cú huých” hiện đại hóa từ phong trào “mưa Âu gió Mỹ” du nhập vào Việt Nam thông qua nhiều con đường. Những luồng tư tưởng hiện đại, những hình thức văn học mới mẻ, những trào lưu, khuynh hướng, chủ nghĩa không ngừng du nhập cộng với nhu cầu tựu thân muốn canh tân đất nước thông qua hiện đại hóa văn học đã thúc đẩy quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam cuối 19 đầu 20 diễn ra nhanh chóng, mạnh mẽ. Thực tế lịch sử giai đoạn này ghi nhận, nhiều trí thức Việt Nam cuối TK 19 đã tham khảo mô hình canh tân của các nước cùng “máu đỏ da vàng” như phong trào duy tân của Nhật, phong trào Khải mông của Trung Quốc… Tuy nhiên, phong trào “mưa Âu gió Mỹ” vẫn có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam giai đoạn giao thời.

3.2.      Khác biệt ở tốc độ hiện đại hóa

Tốc độ hiện đại hóa của văn học Việt Nam được các nhà nghiên cứu thống nhất đánh giá là “đặc biệt mau lẹ”. Với tốc độ hiện đại hóa đặc biệt mau lẹ, trong khoảng 30 năm đầu thế kỉ XX, văn học Việt Nam đã đi một chặng đường dài qua các giai đoạn mà văn học phương Tây đi cả trăm năm. Nhiều xu hướng nghệ thuật mới từ chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tượng trưng, siêu thực đã vào Việt Nam, ảnh hưởng ở những mức độ khác nhau nhưng giúp cho diện mạo văn học thay đổi toàn diện, sâu sắc. Từ một nền văn học chịu ảnh hưởng nặng nề của văn học Trung Hoa, gần 10 thế kỉ đóng khuôn trong một hệ thống quy phạm cố định, ít biến đổi trở thành một nền văn học tự do, đề cao ý thức cá nhân, chấp nhận mọi cá tính sáng tạo, song hành với văn học thế giới, văn học Việt đã được biến đổi về chất.

Đài Loan cũng bắt đầu hiện đại hóa văn học hầu như cùng thời điểm với Việt Nam nhưng với tốc độ chậm rãi hơn. 50 năm dưới ách đô hộ của thực dân Nhật, văn học Đài Loan liên tục cách tân từ ngôn ngữ, thể loại cho đến tư duy nghệ thuật. Đó là lí do Đài Loan xây dựng được một nền văn học mới 1920-1945. Sau năm 1945, giai đoạn quang phục, văn học Đài Loan tiếp tục một hành trình cách tân mới với mục đích xây dựng một nền văn học Đài Loan hoàn toàn dân tộc và tự chủ, “tiến tới quan niệm văn học Đài Loan phải do toàn thể nhà văn cùng chung nhận thức và hợp tác để tìm ra con đường sáng tác tự do hơn, khoan dung hơn, đa nguyên hóa hơn, tượng trưng cho tinh thần và số phận của người Đài Loan” (Phạm Tú Châu). Đó là một hành trình chậm rãi nhưng tương đối phù hợp với bối cảnh đặc thù của đảo Đài Loan lúc bấy giờ.

4.     Nguyên nhân của những tương đồng

Chúng tôi nhận thấy, sự tương đồng của quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam và Đài Loan có được bởi những nguyên nhân sau:

Thứ nhất, văn học Việt Nam và Đài Loan vận động theo xu hướng vận hành của lịch sử châu Á nói chung và văn học châu Á nói riêng giai đoạn cuối 19 đầu 20 đó là Âu hóa. Đó chính là xu thế hướng tâm tất yếu bởi lực hút từ những nền văn hóa chiếm ưu thế.

Thứ hai, một trong những điểm giao thoa của văn học Việt Nam và Đài Loan chính là nền văn hóa Trung Hoa với ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài. Nỗ lực “chia tay” với văn học đại lục khiến cho văn học Việt Nam và văn học Đài Loan giai đoạn này bất ngờ, vô hình trung có những nét tương đồng rõ rệt. Tôi cho rằng, đây là nỗ lực tất yếu của những cộng đồng văn hóa mang sức mạnh nội tại đang ý thức sâu sắc về sức mạnh bản thể đó. Giai đoạn cuối 19 đầu 20 là giai đoạn ý thức đó trỗi dậy bởi những tác động từ nhiều phía.

        Tóm lại, nghiên cứu so sánh quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam và Đài Loan giai đoạn cuối TK 19 đầu TK 20 chúng ta thấy rằng, sự tương đồng sẽ giúp chúng ta nhìn ra quy luật vận động của hai nền văn học nói riêng và văn học phương Đông nói chung. Còn lại, sự khác biệt sẽ giúp đánh giá được nét đặc sắc của hai nền văn học đó. Đó thực sự là một trài nghiệm thú vị.

Tư liệu tham khảo:

1.                 Phạm Tú Châu, Đôi nét về 50 năm văn học hiện đại Đài Loan

Nguồn:http://vanvn.net/chan-dung-van/van-nuoc-ngoaidoi-net-ve-50-nam-van-hoc-hien-dai-dai-loantrung-quoc-/910

2.                 Diệp Thạch Đào, Lược sử văn học Đài Loan, Phạm Tú Châu, Trần Hải Yến, Bùi Thiên Thai, Lê Xuân Khai dịch, Nxb ĐHSPHN, 2018

3.                 Nhiều tác giả, Văn học Việt Nam thế kỉ 20, Nxb ĐHSPHN, 2018

 

[1] Bài viết đã từng được trình bày tại Hội thảo quốc tế về Việt Nam học và Đài Loan học lần thứ 4

[2] Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

[3] Trường Đại học Quốc gia Hà Nội

[4] Diệp Thạch Đào, Lược sử văn học Đài Loan, Phạm Tú Châu, Trần Hải Yến, Bùi Thiên Thai, Lê Xuân Khai dịch, Nxb ĐHSPHN, H.2018, tr.48

[5] Phạm Tú Châu, Đôi nét về 50 năm văn học hiện đại Đài Loan

Nguồn:http://vanvn.net/chan-dung-van/van-nuoc-ngoaidoi-net-ve-50-nam-van-hoc-hien-dai-dai-loantrung-quoc-/910