SO SÁNH RETINOL 1% NHÀ PAULA’S CHOICE VÀ OBAGI – Chang Skincare

So sánh retinol 1% giữa hai nhà Paula’s Choice và Obagi – “Phần chìm của tảng băng” là gì? Đâu mới là lựa chọn dành cho bạn?

Có những điều khoa học lý giải rất mượt mà nhanh chóng, có những điều không dễ là mấy. Bài viết này nằm ở vế thứ 2. Nhưng sự trải nghiệm khi chúng ta có khoa học, có tri thức sẽ khác với sự trải nghiệm khi chúng ta vô tri. Chang hy vọng bạn học thêm được một điều gì đó, dù là nhỏ từ bài viết này. Bạn nào thích xem Vlog thì có thể xem tại đây nha:

I/ KHÁI QUÁT CHUNG

Để phân tích, so sánh bảng thành phần cả hai sản phẩm Retinol của Paula’s Choice (PC) và Obagi (OBG) sẽ khá là “khoai”. Vậy nên bạn cần tập trung thật kỹ nhé. Trước tiên, Chang sẽ show cho bạn bảng thành phần cùng mô tả chi tiết công dụng của từng thành phần.

phân tích bảng thành phần retinol obagi

phân tích bảng thành phần retinol paula's choice

Xem xong bạn cảm thấy như thế nào? Bắt đầu hơi “nhức não” rồi đúng không? :)))

Bảng thành phần của Obagi có 38 thành phần, còn của Paula’s Choice lên tới hơn 50. Quá phức tạp để có thể phân tích từng cái một và biết được đâu mới là sản phẩm phù hợp với chúng ta.

Thật ra, giữa hai brand, bạn đương nhiên có thể chọn theo cảm tính, theo túi tiền hoặc chỉ đơn giản là thấy thích ai hơn thì chọn brand đó. Bản thân Chang phân tích xong thì thấy chúng cũng same same nhau. Từ cách bào chế, kết cấu sản phẩm cho đến những loại da có thể sử dụng được. Ngay cả với trải nghiệm cá nhân của Chang, khi Chang sử dụng đơn lẻ từng sản phẩm một, Chang cũng không thấy sự khác biệt. Có chăng sự khác biệt sẽ đến khi chúng ta kết hợp với những sản phẩm khác của hãng.

Ví dụ như khi sử dụng Retinol của PC kết hợp với BHA của hãng. Đây là một loại BHA nền glycol, không phải nền cồn. Và Chang thấy chúng khá êm trên da. PC có lẽ hướng tới nhóm khách hàng không thích sử dụng những sản phẩm có nền cồn. Hoặc khách hàng có làn da nhạy cảm.

Còn khi kết hợp Retinol của OBG với BHA của hãng hoặc BHA của Twins Skin. Tức là các loại BHA nền cồn, trên da của Chang có hiện tượng bong. Thời gian đầu sử dụng sẽ thấy hơi đỏ, rát nhẹ một chút nhưng khi quen rồi thì bình thường. Bật mí là sắp tới Twins Skin sẽ cho ra mắt BHA không cồn. Dù bạn thuộc trường phái nào cũng có thể tìm Twins Skin nhé.

Chang cũng đã có một bài phân tích chi tiết về hai sản phẩm BHA Obagi và Paula’s Choice, bạn xem lại ở đây nhé: https://changskincare.com/danh-gia-san-pham/nen-mua-bha-2-paulachoices-hay-obagi/

Và đó là tất cả những gì Chang có thể kết luận được về mặt khái quát chung. Riêng phần còn lại sẽ dành cho những bạn tò mò muốn biết dưới “tảng băng” là gì. Bắt đầu nhé!

II/ PHÂN TÍCH CHI TIẾT

Để dễ nhìn thì Chang sẽ gom thành phần thành từng nhóm bao gồm:

  • Phần nền
  • Hoạt chất
  • Chất bảo quản
  • Chất tạo mùi cho sản phẩm (có thể có hoặc không)

1/ So sánh hoạt chất Retinol của Paula’s Choice và Obagi

Trước tiên, chúng ta sẽ đến với hoạt chất chính là Retinol 1%. Để nói về tính hiệu quả thì không thể không nhắc đến mức độ tinh khiết của nguồn nguyên liệu đầu vào. Cả hai brand đều không công bố họ sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào từ nhà sản xuất nào. Đương nhiên đó là bí mật kinh doanh. Nhưng với giá thành và mức độ nổi tiếng của hai brand thì Chang nghĩ chúng ta có thể đặt niềm tin là họ sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào có mức độ tinh khiết cao và hiệu quả. Chang cũng đang nói dựa trên giả thiết Retinol của họ là dạng thường nhé. Còn nếu là dạng bọc thì sẽ có cách lý giải hoàn toàn khác.

2/ Nhóm hoạt chất bổ trợ

Tiếp đến, về nhóm hoạt chất bổ trợ, hai brand vừa có nét giống và khác nhau. Bạn nhìn vào bảng này nhé:

so sánh retinol paula's choice và obagi

OBG sử dụng vit C tan trong nước (Ascorbic Acid). Trong khi đó, PC sử dụng một dẫn xuất của vit C tan trong dầu. Về mặt lý thuyết cơ bản, dẫn xuất của vit C tan trong dầu sẽ có độ ổn định cao hơn so với vit C tan trong nước.

Cả 2 brand đều sử dụng thành phần là Sodium Hyaluronate. Đây là một loại muối của HA – thành phần cấp nước vô cùng quen thuộc. Thường chúng ta sẽ bắt gặp HA dưới dạng 3 loại hạt chính là nhỏ, vừa và to. Kích thước càng nhỏ càng dễ đi sâu vào bên trong da. Đồng thời giá thành của nguồn nguyên liệu cũng sẽ cao hơn. Trong trường hợp này, Chang dự đoán họ sẽ sử dụng từ loại hạt nhỏ đến vừa. Chang thiên về vừa hơn. Hoặc có thể mix giữa 3 loại hạt với nhau.

Khi so sánh hoạt chất chống lão hoá, có thể thấy cả hai sản phẩm Retinol Paula’s Choice và Obagi đều sử dụng vit E. Có thể với các bạn vit E là một thành phần tầm thường nhưng đối với Chang, đây là một trong những thành phần chống lão hoá cực kỳ hiệu quả. Khác biệt ở đây là ngoài vit E, nhà OBG còn sử dụng thêm một thành phần chống lão hoá khác khá tốt là Coenzyme Q10. Còn nhà PC lại sử dụng một hỗn hợp nhiều loại Peptide kích thích. Đồng thời có thêm Ceramide NG – một trong những loại Ceramide được tìm thấy trong làn da tự nhiên của chúng ta. Mà mọi người biết rồi, Ceramide đóng vai trò rất quan trọng đối với hàng rào bảo vệ da.

Do đó có thể thấy phía OBG đang tập trung toàn bộ nguồn lực vào việc chống lão hoá, cùng Retinol tạo nên hiệu quả tối ưu nhất. Trong khi đó nhà PC bên cạnh việc chống lão hoá, họ còn muốn phục hồi hàng rào bảo vệ da. Đương nhiên hai chưa chắc đã tốt hơn một. Điều này còn tuỳ thuộc vào nhu cầu và mong muốn của các bạn. Nhưng theo như Chang nhận thấy, Retinol nhà PC sẽ thiên về những người có làn da nhạy cảm hơn.

Tiếp đến chúng ta sẽ nói về nhóm chiết xuất bổ trợ, mọi người nhìn bảng nhé:

so sánh retinol paula's choice và obagi

Cả 2 bên đều là chiết xuất tự nhiên, tên có thể khác nhau nhưng công dụng của chúng đa phần đều dùng để làm dịu và chống oxy hoá. Nhưng Chang thích bên PC hơn một chút vì có thành phần chiết xuất cây liễu trắng, chứa Salicylic Acid tự nhiên (BHA). Trong quá trình Retinol kích thích tăng sinh tế bào mới, có thêm một chút SA sẽ hỗ trợ phần nào cho việc thanh tẩy tế bào chết của chúng ta. Mặc dù ở dạng chiết xuất cũng sẽ không quá có nhiều hiệu quả nhưng có còn hơn không :)))

3/ Phần nền

Đến phần khó nhằn rồi đây: so sánh phần nền của sản phẩm Retinol nhà Paula’s Choice và Obagi. Theo đó, phần nền sẽ bao gồm:

  • Chất nhũ hoá
  • Chất trợ nhũ
  • Chất tạo đặc
  • Chất tăng/giảm nhớt cho sản phẩm và những thành phần khác trong hệ nền.

Chất nhũ hoá bạn có thể hiểu đơn giản là chất dùng để kết nối thành phần tan dầu và tan nước lại thành một thể thống nhất. Ví dụ, trong Retinol của OBG chúng ta có:

  • Ascorbic Acid: tan nước
  • Retinol: tan dầu

Nếu như trộn hai thành phần này lại với nhau mà không có chất nhũ hoá, chúng sẽ tách lớp. Bạn để ý thử kem trộn bị tách lớp cũng là do họ không biết sử dụng đúng hoặc không dùng chất nhũ hoá đó.

Nhìn vào bảng dưới đây bạn có thể thấy, hai nhà đều sử dụng chung chất nhũ hoá chính là Glyceryl Stearate và Polysorbate 20.

so sánh retinol paula's choice và obagi

Ngoài ra, cả hai đều sử dụng những thành phần Polymer để ổn định chất nhũ hoá và trợ nhũ (như hình bên dưới).

so sánh retinol paula's choice và obagi

Bạn có thể hiểu chất trợ nhũ là thành phần hỗ trợ cho chất nhũ hoá hoạt động hiệu quả hơn. Đồng thời cả hai nhà cũng sử dụng các loại acid béo để tạo đặc cho sản phẩm. Nhưng nhà PC có sử dụng thêm hai loại gum nữa. Tuy nhiên về mặt thực tế thì Chang thấy độ đặc của hai sản phẩm khi apply lên da không có sự khác biệt quá lớn.

Một điểm nữa là cả OBG và PC đều có những thành phần chính yếu trong nền khá giống nhau. Điển hình là Silicone nền, cụ thể là Dimethicone. Họ cũng giống nhau ở một số thành phần dưỡng ẩm, cấp nước như Glycerin, Butylene Glycol. Nhưng để so sánh thì bảng thành phần PC có nhiều hơn.

4/ Nhóm chất bảo quản

Đến phần chất bảo quản thì vừa có nét giống vừa có nét khác. Như hình dưới đây:

so sánh retinol paula's choice và obagi

Cả 2 nhà đều sử dụng Phenoxyethanol để bảo quản sản phẩm. Đây là một chất bảo quản hợp với những thành phần thuộc nền nước và cũng rất tốt trong việc ngăn ngừa vi khuẩn gram âm và gram dương. Mặc dù bị báo chí Việt Nam diss khá nhiều nhưng sự thật thành phần này vẫn an toàn và hiệu quả khi được sử dụng ở nồng độ <1%. Và cũng chẳng brand nào sử dụng thành phần này trên 1% làm gì cả nên mọi người cứ yên tâm.

Mọi người có thể đọc thêm bài viết này của Chang để hiểu rõ về Phenoxyethanol nhé: https://changskincare.com/thanh-phan-my-pham/chat-doc-hai-trong-pham-phenoxyethanol-co-doc-hai-nhu-loi-don-khong/

Thêm một điểm nữa là cả 2 đều sử dụng một thành phần làm tăng tính bảo quản lên đó chính là Disodium EDTA. Đây là một thành phần quan trọng trong việc ngăn ngừa tình trạng ôi thiu sản phẩm.

Để nói về hệ bảo quản của 2 nhà thì đều có cái hay riêng. Trong hợp chất nhóm bảo quản của OBG có sử dụng thêm 3 loại Glycol (Caprylyl Glycol, Ethylhexylglycerin, Hexylene Glycol) giúp tăng hiệu quả hoạt chất của chất bảo quản là Phenoxyethanol lên. Trong khi đó nhà PC có sử dụng thêm thành phần là Benzoic Acid, hỗ trợ tốt cho các thành phần tan trong dầu và hỗ trợ ngăn ngừa tình trạng nấm mốc cho sản phẩm. Nói chung về chất bảo quản thì Chang thấy cả 2 nhà đều rất ok.

5/ Chất cân bằng độ pH và một số nhóm chất khác

Tiếp theo là về chất cân bằng độ pH của sản phẩm. Nhìn hình bên dưới bạn cũng thấy, OBG và PC đang sử dụng 2 loại chất cân bằng khác nhau và 2 cách cân bằng độ pH khác nhau. Tuy nhiên mục đích thì vẫn để trung hoà sản phẩm lại ở ngưỡng pH phù hợp nhất.

so sánh retinol paula's choice và obagi

Về chất chống kích ứng, hai brand đều sử dụng thành phần chiết xuất từ rễ cây cam thảo. Thành phần này nếu sử dụng nguồn nguyên liệu tốt thì khá là đắt. Ngày xưa lúc tìm hiểu Chang nhớ là giá 1kg nguyên liệu đầu vào lên đến 600 triệu lận. Điểm khác ở đây là OBG có sử dụng thêm Cúc La Mã và Bisabolol để chống kích ứng. Còn nhà PC thì sử dụng Allantoin và một loại Dipeptide .

so sánh retinol paula's choice và obagi

Chang còn phát hiện một điểm khác nữa là nhà PC có sử dụng chất giảm nhờn cho sản phẩm còn nhà OBG thì không.

so sánh retinol paula's choice và obagi

III/ VAI TRÒ CỦA HỆ NHŨ HOÁ VÀ VIỆC CÂN BẰNG ĐỘ pH

Nãy giờ nhắc đến hệ nhũ hoá và việc cân bằng độ pH, vậy chúng sẽ đóng vai trò như thế nào trong việc bào chế Retinol?

1/ Hệ nhũ hoá

Chang sẽ bắt đầu bằng khái niệm HLB ((Hydrophilic-lipophilic balance). Đây là chỉ số cân bằng ưa dầu – ưa nước với:

  • Chất nhũ hoá có chỉ số HLB 3-6 sẽ ưa dầu và phù hợp với hệ nhũ hoá nước trong dầu W/O (hệ chống trôi)
  • Chất nhũ hoá có chỉ số HLB 10-18 sẽ ưa nước và phù hợp hệ nhũ hoá dầu trong nước O/W (hệ rửa trôi)

Bạn nhìn hình để hiểu rõ hơn nhé:

Dầu trong nước (O/W): Cục dầu được bao bọc bởi nước

Nước trong dầu (W/O): Cục nước được bao bọc bởi dầu

Áp dụng vào thực tế trong hệ nhũ hoá sau của 2 brand:

so sánh retinol paula's choice và obagi

Nhìn vào HLB, chúng ta có thể dự đoán hai sản phẩm Retinol của OBG và PC đều thuộc hệ rửa trôi. Từ đây, lời khuyên đầu tiên dành cho bạn là nên sử dụng hai sản phẩm này vào ban đêm. Nếu dùng vào ban ngày thì mồ hôi có thể rửa trôi đi sản phẩm và làm giảm hiệu quả.

Ngoài ra thì hệ rửa trôi này cũng sẽ đặt ra một thử thách lớn trong việc bảo quản Retinol. Bạn có thể tưởng tượng Retinol tan trong dầu và nằm trong phần dầu, sẽ có một màng nước bao bọc ở bên ngoài. Khi có hiện tượng oxy hoá, oxy sẽ tiếp xúc với màng nước trước, retinol coi như cũng có một lớp áo choàng bên ngoài để bảo vệ. Tuy nhiên, nước cũng khuyếch tán oxy rất tốt. Do đó, oxy hoàn toàn có thể nhanh chóng đi qua màng nước và tiếp xúc oxy hoá với phần dầu có retinol. Đúng là thử thách nhưng dù sao vẫn ngon nghẻ hơn việc chỉ sử dụng lớp dầu bên ngoài. Vì lúc này oxy sẽ tiếp xúc trực tiếp với Retinol mà không có bất cứ lớp màng bọc nào cả.

2/ Cân bằng độ pH

Về chuyện cân bằng độ pH, đa số các sản phẩm đều sử dụng nhiều thành phần mang tính acid. Trong khi Retinol lại hoạt động tốt trong độ pH từ 4-7. Nếu như sản phẩm không được cân bằng pH tốt mà thiên về tính acid nhiều quá (pH<3), Retinol không thể nào phát huy được công dụng tối ưu. Do đó việc sử dụng những thành phần cân bằng pH là để giảm tính acid đi, đảm bảo Retinol hoạt động với độ pH ổn định nhất. Trong câu chuyện cân bằng pH này, khi so sánh sản phẩm Retinol Paula’s Choice và Obagi, Chang nhận thấy:

  • Paula’s Choice sử dụng Sodium Hydroxide để cân bằng pH sản phẩm.
  • Obagi sử dụng Triethanolamine (1 chất đang gây tranh cãi trong giới khoa học về khả năng tiềm ẩn gây ra ung thư khi sử dụng lâu dài). Tuy nhiên Chang nghĩ không dễ dẫn đến vấn đề này đâu. Điều cần lưu ý ở đây là Triethanolamine không nên sử dụng trong sản phẩm có chứa N-Nitrosating. Bởi việc mix 2 “thằng” này lại sẽ tạo ra Carcinogenic Nitrosamine, chất này tiềm ẩn gây ung thư.

IV/ THỬ THÁCH TRONG VIỆC BẢO QUẢN RETINOL CỦA OBAGI VÀ PAULA’S CHOICE

1/ Bản chất của Retinol

Như lúc nãy Chang có đề cập thì việc bảo vệ được Retinol đang là một thử thách cho các nhà bào chế. Tại sao lại như vậy? Chang sẽ giải thích từ chính cấu tạo hoá học của chúng với những yếu tố sau:

  • Thứ nhất, các nối đôi liên hợp của Retinol dễ bị oxi hoá thành epoxy (hiểu đơn giản là biến thành một chất khác), khiến Retinol trở nên mất tác dụng.
  • Thứ hai, nhóm OH dễ bị oxi hoá thành acid COOH. Nghe đến đây nhiều bạn còn mừng thế là Retinol sẽ chuyển hoá thành dạng acid tức là Tretinoin, thế thì lại càng hiệu quả chứ sao. Nhưng thực chất phản ứng trong hoá hữu cơ phức tạp hơn như vậy nhiều lắm. Còn nhiều chất khác mà chúng ta không thể kiểm soát được đâu. Và đương nhiên điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của Retinol.
  • Thứ ba, dưới tác động ánh sáng, Retinol dễ xảy ra hiện tượng đồng phân hoá, bạn cứ hiểu đơn giản là nó đã biến đổi rồi, không còn là Retinol nữa.
  • Thứ tư, những liên kết đôi của Retinol (tức là nối đôi cách nhau bởi 1 nối đơn) dưới tác động của nhiệt cao sẽ dễ bị biến đổi, tạo thành các gốc tự do. Bạn có thể hiểu gốc tự do là một trong những tác nhân gây hại cho tế bào. Ngay cả việc ung thư cũng là do cơ thể xuất hiện quá nhiều gốc tự do dẫn đến hiện tượng Domino – những tế bào trong cơ thể liên tục bị phá huỷ một cách hàng loạt.

gốc tự do

2/ Một số giải pháp đến từ nhà Obagi và Paula’s Choice

2.1. Sử dụng thành phần chống oxy hoá

Để khắc phục tình trạng này, nhà OBG và PC đều sử dụng nhiều thành phần chống oxy hoá (như hình dưới). Không chỉ để ngăn ngừa những dấu hiệu lão hoá trên da của chúng ta mà còn để bảo vệ Retinol. Lúc này, các chất chống oxy hoá sẽ bắt giữ oxy, ngăn chúng không gặp Retinol từ đó giúp làm giảm tình trạng phân huỷ Retinol.

so sánh retinol paula's choice và obagi

2.2 Tác nhân Chelat

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cũng đã cho thấy Retinol khá nhạy cảm, dễ bị phân hủy nhanh chóng khi tiếp xúc với các ion kim loại. Bạn cứ hiểu đơn giản ion kim loại là nguyên tử bị mất electron ở ngoài cùng và thuộc nhóm kim loại. Mà trong 2 sản phẩm Retinol nhà OBG và PC đều chứa nhiều ion kim loại. Cụ thể:

  • Trong nền Obagi: Sodium Hyaluronate, Dipotassium Glycyrrhizate
  • Trong nền Paula’s Choice: Dipotassium Glycyrrhizate, Sodium Hyaluronate, sodium hydroxide

(Thường các thành phần có chữ Potassium sẽ có ion K+, còn Sodium thường có ion Na+)

Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Đây đều là những thành phần cần phải có trong sản phẩm. Vậy làm sao để vẫn giữ được sự ổn định của Retinol?

Lúc này cả 2 brand đã áp dụng phương pháp dùng tác nhân Chelat để bắt giữ ion, ngăn chúng tiếp xúc với Retinol. Cụ thể là với thành phần Disodium EDTA.

Ngoài việc bảo toàn hiệu quả của Retinol. Chang còn có một giả thuyết khác là ion kim loại còn có thể nằm lẫn trong một số nguyên liệu đầu vào. Vì không phải nguyên liệu nào cũng đạt độ tinh khiết 100%. Nên dùng Disodium EDTA còn giúp ngăn ngừa tình trạng này.

2.3. Bổ sung các nhân tố giữ ẩm

Việc sử dụng Retinol có thể gặp phải tác dụng phụ tiêu cực lên hàng rào bảo vệ da trong giai đoạn đầu. Do Retinol giúp tăng sinh tế bào mới thì tế bào cũ cũng nhanh chóng được bong ra. Liên tục như vậy sẽ khiến các tác nhân giữ ẩm trong da bị giảm sút tạm thời. Điển hình như Ceramide, acid béo, Cholesterol. Ngoài các nhân tố giữ ẩm tự nhiên NMF thì Retinol còn kiểm soát sự tăng sinh lipid có thể khiến lipid giảm đi. Và khá khen cho nhà PC khi đã sử dụng thêm Ceramide để bổ trợ một phần nào sự thiếu hụt này. Twins Skin cũng nhận ra điều này, nhưng không dùng Ceramide mà dùng Niacinamide để vừa giúp tăng sinh Ceramide vừa phát huy một số công dụng khác trong BioGenic Retinol.

nhân tố giữ ẩm

Mặc dù sau khoảng 3-4 chu trình thay da, mọi thứ sẽ trở lại bình thường, lớp tế bào mới sẽ khoẻ khoắn trở lại. Nhưng trong giai đoạn đầu dùng Retinol, Chang khuyên bạn vẫn nên kết hợp thêm những thành phần cấp ẩm. Trong các sản phẩm Retinol, việc có thêm thành phần giữ ẩm là yếu tố tốt. Có thể thấy cả Obagi và Paula’s Choice đều nắm được điều này.

Bạn có thể đọc thêm cách sử dụng và kết hợp Retinol khoa học tại đây: https://twinsskin.com/khoa-hoc-lan-da/cach-dung-retinol-khoa-hoc-theo-tung-van-de-da/

Ngoài ra, việc có những thành phần dưỡng ẩm gốc Glycol còn giúp bảo vệ sản phẩm tốt hơn. Chang muốn chia sẻ đến bạn một khái niệm gọi là Free-water. Theo đó, những vi sinh vật gram âm, gram dương muốn phát triển trong sản phẩm sẽ cần một hàm lượng free-water khoảng 75-85%.

Và việc sử dụng những gốc glycol (Glycerin, Butylene Glycol) sẽ giúp giảm được lượng free-water này, ngăn vi sinh vật tác động đến sản phẩm. Retinol cũng được bảo vệ ngon nghẻ hơn. Cả 2 nhà đều làm được điều này. Cái này chỉ liên quan đến vi sinh vật thôi nha mọi người, còn nấm thì thua, không làm gì khác được. Nhưng nếu sản xuất sản phẩm trong môi trường đủ sạch sẽ thì cũng chỉ cần quan tâm đến vi khuẩn và vi sinh vật là đủ. Nấm thì sẽ khó phát triển nếu chúng ta ngăn chặn ngay từ khâu sản xuất.

V/ LỜI KẾT

Chắc hẳn nhiều bạn sẽ cảm thấy hụt hẫng vì sao trong bài viết này Chang không phân tích sâu vào hệ nền như khi so sánh BHA Paula’s Choice và Obagi. Chang cũng muốn chia sẻ một chút, với sản phẩm BHA, chúng ta sẽ dễ nhìn thấy thành phần chính của nền để hoà tan hoạt chất. Ví dụ như BHA OBG thì có nền cồn còn PC nền glycol. Tuy nhiên với những sản phẩm khó bào chế và bảo quản như Retinol, chuyện này không dễ dàng như vậy. Ngay từ nguồn nguyên liệu đầu vào, không phải chỉ có một thành phần đơn lẻ là Retinol, mà còn có một số thành phần khác nằm trong hỗn hợp.

Về giá thành sản phẩm, tại sao Chang so sánh bảng thành phần có vẻ same same nhau, nhưng giá Retinol Paula’s Choice và Obagi lại chênh lệch? Thật ra điều này còn tuỳ thuộc vào cách mà họ định giá thương hiệu, chiến lược Marketing, nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như mức độ tinh khiết của những thành phần được sử dụng. Rất khó để biết được chính xác. Còn về bao bì thì bạn có thể yên tâm 2 nhà đều sử dụng dạng hút chân không nên sẽ bảo quản được Retinol tốt nè.

Chang cũng có đặt ra một giả thuyết là Retinol mà 2 nhà sử dụng liệu có phải Retinol bọc hay không tuy nhiên quá mất thời gian để phân tích sâu về cái này. Bạn nào có ý tưởng có thể góp ý cho Chang nhé. Trong thời gian tới nếu rảnh có thể Chang sẽ lại phân tích đơn lẻ từng sản phẩm một cho mọi người có cái nhìn chi tiết hơn.

Nói tóm lại, cách phân tích đơn lẻ chưa hẳn là trọn vẹn nhưng đây là tất cả những gì Chang có thể làm. Dựa trên kiến thức lý thuyết và những kinh nghiệm thực tế mà team Chang có được trong quá trình bào chế, thử nghiệm trong lab. Nhưng kiến thức thì mênh mông, Chang mong bạn sẽ đọc bài viết này với tâm thế tham khảo chứ không phải một lời khẳng định chắc nịch nào hết. Muốn chắc nhất thì các bạn cứ mua về dùng. Vạn sự tuỳ da, trải nghiệm thực tế của bạn mới là quan trọng. Dù là với Retinol PC, OBG hay Twins Skin.

Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn nhiều kiến thức mới, chúc bạn có thể tìm được một sản phẩm Retinol phù hợp cho làn da mình.

Chúc bạn luôn xinh đẹp và yêu đời!

5

7

votes

Đánh giá bài viết