SSI nhận định diễn biến thị trường tháng 11 và nhóm cổ phiếu tiềm năng
Theo SSI, diễn biến trong tháng 9 và tháng 10 cho thấy tâm lý nhà đầu tư xuống mức rất thấp và khả năng thị trường đã rơi vào trạng thái quá bán. Thông thường tâm lý bi quan thái quá có thể là một chỉ báo sẽ có các nhịp hồi phục tạm thời sau đó.
Diễn biến tích cực hơn trong động thái của khối ngoại
Trong báo cáo chiến lược thị trường tháng 11 phát hành ngày 4/11 với chủ đề “Thách thức và kiên nhẫn”, trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết, trong tháng 10, các yếu tố rủi ro với thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn hiện hữu như xu hướng tăng của tỷ giá và lãi suất.
Tâm lý nhà đầu tư khá yếu khiến thị trường có tháng điều chỉnh mạnh thứ 2 liên tiếp với lực bán giá thấp dàn trải trên diện rộng. Điều này còn thể hiện qua việc chứng khoán Việt Nam đi ngược diễn biến tăng chung của nhiều thị trường khác khác trên thế giới như Mỹ (DJIA +14%, S&P 500 +8%) hay MSCI EM Index tăng 5,96%.
Dòng tiền trên thị trường tiếp tục suy yếu trước xu hướng tăng liên tục của lãi suất tiền gửi, bên cạnh đó là nhà đầu tư thu hẹp giao dịch nhằm thận trọng quan sát. Trên HoSE, giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân 1 phiên chỉ đạt mức 9.200 tỷ đồng, sụt 17% so với mức 11.700 tỷ đồng ở tháng trước; thấp hơn đến 48% so với mức bình quân 18.000 tỷ đồng của 10 tháng đầu năm 2022.
Khối ngoại tiếp tục hoạt động bán ròng, tuy nhiên đã thu hẹp đáng kể khi giá trị bán ròng chỉ ghi nhận 1.500 tỷ đồng trên HoSE so với mức 3.000 tỷ đồng ở tháng 9. Nhìn chi tiết hơn vào số liệu phần nào cho thấy diễn biến tích cực hơn trong động thái của khối ngoại khi giá trị bán ròng bị chi phối mạnh ở EIB với 3.300 tỷ đồng qua kênh thỏa thuận và HPG 1.700 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, khá nhiều mã được khối ngoại tận dụng vùng giá thấp mua ròng đáng kể chủ yếu qua kênh khớp lệnh như VNM 881 tỷ đồng, MSN 694 tỷ đồng, FRT 364 tỷ đồng, DGC 354 tỷ đồng, IDC 325 tỷ đồng, DCM 255 tỷ đồng, VCB 239 tỷ đồng, DPM 214 tỷ đồng…
Thị trường có thể bước đầu vào giai đoạn dò đáy
Theo SSI Research, thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm 31,3% điểm số kể từ đầu năm và mức giảm của hệ số P/E ước tính năm 2022 của chỉ số VN-Index cũng tương đương ở mức 31,4%. Mức chiết khấu này đã phản ánh phần lớn xu hướng yếu đi của lợi nhuận trong tương lai trước tác động của lạm phát và lãi suất tăng cao.
Hệ số định giá P/E ước tính năm 2022 và năm 2023 trên VN-Index hiện đang ở mức 9,8 lần và 8,3 lần vào ngày 02/11/2022. Với riêng diễn biến của thị trường chứng khoán trong tháng 9 và tháng 10 cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã xuống mức rất thấp và khả năng thị trường đã rơi vào trạng thái quá bán.
Thông thường, tâm lý bi quan thái quá có thể là một chỉ báo gợi ý thị trường sẽ có các nhịp hồi phục tạm thời sau đó. Tuy nhiên, diễn biến hiện tại của các yếu tố như tỷ giá, xu hướng tăng của lãi suất và kể cả rủi ro thanh khoản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thể hỗ trợ thị trường cổ phiếu có nhịp phục hồi bền vững.
Theo quan điểm của SSI, thị trường có thể bước đầu vào giai đoạn dò đáy, ghi nhận sự biến động và trạng thái giằng co. Trong lịch sử, giai đoạn này thường chứng kiến việc nhà đầu tư có khả năng chịu đựng rủi ro cao và thời hạn đầu tư đủ dài tận dụng biến động để dần giải ngân do triển vọng tăng trở lại của thị trường trong dài hạn là rất lớn.
Nhìn vào xu hướng của dòng vốn vào cổ phiếu trên quy mô toàn cầu và cả ở Việt Nam, SSI cũng nhìn thấy điểm tích cực ủng hộ cho quan điểm này.
Cụ thể, dòng vốn ETF phục hồi tích cực trong tháng 10. Nhiều quỹ ETF lớn đã ghi nhận sự đảo chiều của dòng tiền sau nhiều tháng bị rút ròng và đón nhận lượng vốn vào khá tốt như VNDiamond (+835 tỷ đồng), VFM VN30 (+566 tỷ đồng), VanEck (+516 tỷ đồng). Bên cạnh đó, quỹ Fubon vẫn duy trì tốc độ giải ngân liên tục kể từ đầu năm 2022 và ghi nhận giá trị vào ròng 1.314 tỷ đồng trong tháng 10.
Ngược lại, giá trị rút ròng ghi nhận không đáng kể ở một số quỹ như VNFIN Lead (-92 tỷ đồng), FTSE Vietnam (-20 tỷ đồng), Global X (-31 tỷ đồng). Nhờ vậy, tháng 10 được đánh giá một trong những tháng thành công của các quỹ ETF với tổng giá trị dòng vốn vào ròng lên đến 3.134 tỷ đồng, cao thứ hai kể từ đầu năm 2022 (chỉ sau tháng 5). Lũy kế từ đầu năm, các quỹ ETF đã thu hút thêm 11.412 tỷ đồng.
Tương tự, dòng tiền từ các quỹ chủ động tích cực trong tháng 10. Mặc dù các quỹ chủ động giải ngân thận trọng hơn so với các quỹ ETF, xu hướng tích cực là chủ đạo trong tháng 10, đặc biệt tập trung vào giai đoạn cuối tháng.
Tổng giá trị vào ròng ghi nhận gần 700 tỷ đồng – mức cao nhất kể từ tháng 7/2021. Điều này đã giúp các quỹ chủ động thu hẹp mức rút ròng trong 10 tháng đầu năm, chỉ còn hơn 1.300 tỷ đồng.
Diễn biến dòng tiền của các quỹ đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 10 tích cực hơn nhiều so với SSI kỳ vọng sau mức sụt giảm mạnh của thị trường xuất phát từ các yếu tố bất ngờ nội tại.
Nhìn chung, tại thời điểm hiện tại, SSI đánh giá kỳ vọng tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn vẫn tương đối lớn và do vậy sẽ là yếu tố hỗ trợ xu hướng dòng tiền vào thị trường, ít nhất trong tháng 11. Tuy nhiên, trong trường hợp rủi ro vĩ mô tăng dần, dòng tiền đầu tư sẽ nhanh chóng đảo chiều rút vốn khỏi Việt Nam.
Kỳ vọng nhóm cổ phiếu tăng trưởng lợi nhuận quý cuối năm
Với diễn biến ngắn hạn của thị trường sắp tới, cụ thể trong giai đoạn tháng 11, SSI đánh giá vùng hỗ trợ 1.000 điểm sẽ tiếp tục quyết định xu hướng vận động của chỉ số. Nếu giữ vững vùng hỗ trợ này, đà hồi phục trên VN-Index sẽ được mở rộng với vùng mục tiêu đầu tiên là 1.040 điểm. Trong kịch bản ngược lại, chỉ số có thể sẽ kiểm định các vùng hỗ trợ gần là 968 – 950 điểm.
Với các giao dịch ngắn hạn, SSI cho rằng việc tăng tỷ trọng cổ phiếu và mở vị thế mới nên chờ đợi thị trường xác nhận xu hướng rõ ràng, hoặc là quay lại xu hướng tăng ngắn hạn hoặc xu hướng đi ngang.
Nhóm phân tích đặt kỳ vọng vào các cổ phiếu IDC, FPT, PHR và VNM trong tháng 11, bởi đây là nhóm cổ phiếu có triển vọng tăng giá nhờ yếu tố tăng trưởng lợi nhuận trong quý cuối năm, định giá hấp dẫn cũng như có thể hưởng lợi trong môi trường lãi suất tăng. Do tính biến động của thị trường đang ở mức cao, SSI cho rằng việc tích lũy nên diễn ra khi giá có các nhịp điều chỉnh về quanh vùng hỗ trợ kỹ thuật ở từng cổ phiếu.