SỰ KHÁC BIỆT GIỮA VĂN HÓA TRUNG QUỐC VÀ VĂN HÓA PHƯƠNG TÂY
Tác giả: Kim Nguyên Phố (金元浦)
So sánh quan niệm về tự nhiên của văn hóa Trung Quốc và phương Tây So sánh quan niệm xã hội của văn hóa Trung Quốc và phương Tây So sánh thế giới quan của văn hóa Trung Quốc và phương Tây
Về cơ bản văn hóa Trung Quốc và văn hóa phương Tây là khác nhau, thể hiện chủ yếu ở một số phương diện sau. Trong vấn quan hệ giữa con người và tự nhiên, văn hóa Trung Quốc coi trọng sự thống nhất hài hòa giữa con người và tự nhiên (tức là “thiên nhân hợp nhất”), văn hóa phương Tây lại nhấn mạnh sự chinh phục và cải tạo của con người đối với tự nhiên (tức là “chinh phục tự nhiên”); trong vấn đề quan hệ gia đình, văn hóa Trung Quốc nhấn mạnh “gia tộc bản vị”, làm nổi bật lợi ích chỉnh thể của gia tộc và quốc gia, văn hóa phương Tây lại theo đuổi “cá nhân bản vị”, lấy cái tôi làm trung tâm, chú trọng nhân cách và danh dự cá nhân; trong vấn đề quan hệ dân tộc, văn hóa Trung Quốc theo đuổi nguyên tắc “thân thiện hữu hảo với nước láng giềng”, “hòa hợp với các nước”, còn văn hóa phương Tây lại theo đuổi nguyên tắc “chinh phục thiên hạ”. Sự khác biệt ở ba phương diện trên đã tập trung thể hiện sự khác biệt của hai mô hình văn hóa Trung Quốc và phương Tây, tức là sự khác biệt của mô hình văn hóa Trung Quốc với đặc điểm là “trung dung” và mô hình văn hóa phương Tây với đặc điểm là “đối lập hai cực”.
- So sánh quan niệm về tự nhiên của văn hóa Trung Quốc và phương Tây
1.1. Hàm nghĩa cơ bản của “thuận thiên ứng vật, thiên nhân hòa giai”
“Thuận thiên ứng vật, thiên nhân hòa giai” là một trong những tinh thần cơ bản của văn hóa cổ đại Trung Quốc, là truyền thống tư tưởng quan trọng thời cổ đại của Trung Quốc. Sự hình thành và phát triển của quan niệm tư tưởng này có một quá trình diễn tiến phức tạp. Triết học nguyên thủy viễn cổ của Trung Quốc có quan hệ mật thiết với tôn giáo vu thuật, tôn giáo vu thật là hình thái văn hóa thời ấu thơ của các dân tộc.
Thời Hạ Thương chủ yếu theo đuổi quan niệm thiên mệnh tôn giáo. Thời Tây Chu, trời là đấng tối cao của tự nhiên và xã hội, là nhân cách thần có ý chí, quan hệ giữa trời và con người là quan hệ giữa thần và người. Cuối thời Tây Chu đến thời Xuân Thu, sự biến động của xã hội đã khiến con người hoài nghi đạo trời, dần dần hình thành quan niệm về đạo người, coi trọng đạo người, trời (thần) và người đã xuất hiện quan hệ tương thông dung hòa, đây là tư tưởng thiên nhân hợp nhất thời kì đầu. Thời kì Chiến Quốc, Trang Tử coi con người là một phần của tự nhiên, cho rằng con người và trời đất tự nhiên đều được tạo nên từ khí, phản đối hành vi của con người (đặc biệt là phản đối hành vi mù quáng), theo đuổi cảnh giới thiên nhân hợp nhất “trời đất với ta cùng sinh, mọi vật với ta là một” (Trang Tử – Tề vật luận). Dịch truyện – Văn ngôn đã đề xuất tư tưởng thiên nhân hợp nhất, quan tâm đến quan hệ giữa con người và tự nhiên, đây là sự phát triển quan trọng của tư tưởng “thiên nhân hợp nhất”. Đổng Trọng Thư đời Tây Hán đã làm thay đổi và thụt lùi tư tưởng thiên nhân hợp nhất, tạo nên hệ thống tư tưởng chủ nghĩa duy tâm thần học con người và trời hô ứng nhau, đồng thời thần học hóa âm dương ngũ hành, tuyệt đối hóa, cương thường hóa luân lí phong kiến, thần thánh hóa, đông cứng hóa chế độ phong kiến. Từ Đường đến Tống, thiên nhân hợp nhất trở thành tư tưởng văn hóa chiếm vị trí chủ đạo. Trương Tái lần đầu tiên đề xuất một cách minh xác mệnh đề “thiên nhân hợp nhất” trong Chính Mông – Càn xưng. Ông cho rằng khí thái hư là gốc của thế giới, con người và trời đất tự nhiên đều do khí tạo thành, khí là cơ sở hợp nhất trời và con người. Con người là một phần của thế giới tự nhiên, con người và tự nhiên thống nhất ở khí mang tính vật chất. Đây là sự kế thừa và phát triển tư tưởng thiên nhân hợp nhất của Trang Tử. Ông cho rằng con người và tự nhiên đều tuân theo quy luật đối lập mà thống nhất giữa khí âm và khí dương.
Vấn đề “thiên nhân hợp nhất” trong văn hóa truyền thống Trung Quốc là một vấn đề vô cùng phức tạp, nhưng trên tổng thể văn hóa dân tộc, hàm nghĩa cơ bản của nó chính là sự thống nhất giữa con người và tự nhiên, là sự hòa hợp giữa hành vi của con người và thế giới tự nhiên, sự thống nhất giữa tinh thần và tự nhiên.
1.2. Trời người hài hòa và chinh phục tự nhiên
Trời người hài hòa và chinh phục tự nhiên là một trong những nét khác biệt cơ bản giữa văn hóa Trung Quốc và phương Tây. Văn hóa Trung Quốc coi trọng sự thống nhất hài hòa giữa con người và tự nhiên, còn văn hóa phương Tây lại nhấn mạnh sự chinh phục, cải tạo tự nhiên để phục vụ cho sự sinh tồn và phát triển của bản thân con người.
Trong Dung hợp văn hóa Đông Tây khi bàn đến sự khác biệt văn hóa Đông Tây nói, Kitayukichi người Nhật Bản: “Văn hóa phương Tây – Chinh phục tự nhiên – không thể dung hợp với cái tôi vào trong tự nhiên để cùng tự nhiên vui chơi. Các dân tộc phương Đông đều có chung một điểm khác với dân tộc phương Tây, đó là không muốn chế ngự tự nhiên, chinh phục tự nhiên, mà muốn dung hợp với tự nhiên, cùng vui với tự nhiên.
Sự khác biệt văn hóa Đông Tây có thể nói là một thứ là tích cực, một thứ là tiêu cực.
Chinh phục tự nhiên, cải tạo môi trường là một phương hướng mà người phương Tây cố gắng thực hiện. Dung hợp với tự nhiên, hài lòng với việc chung sống với tự nhiên là cuộc sống thảnh thơi của người phương Đông. Hai thứ đó đều là tiêu chuẩn mà ý chí văn hóa dân gian hướng tới.
Trong đoạn văn trên, văn hóa phương Đông được nhắc đến, nếu vượt qua quyển văn hóa Ấn Độ thì còn văn hóa Trung Quốc hoặc quyển văn hóa Viêm Hoàng phương Đông với đại diện là Trung Quốc, quả thực đã nói được một trong những khác biệt cơ bản giữa văn hóa Trung Quốc và phương Tây.
Lý Đại Chiêu trong Điểm khác biệt căn bản giữa văn minh phương Đông và văn minh phương Tâyviết: “Văn minh Đông Tây có sự khác biệt, điểm khác biệt căn bản là văn minh phương Đông chủ tĩnh, văn minh phương tây chủ động. Một thứ là tự nhiên, một thứ là người làm; một thứ nghỉ ngơi, một thứ chiến tranh; một thứ tiêu cực, một thứ tích cực; một thứ nương tựa, một thứ độc lập; một thứ cầu an, một thứ đột tiến; một thứ bắt chước, một thứ sáng tạo; một thứ bảo thủ, một thứ tiến bộ; một thứ trực giác, một thứ lí trí; một thứ không tưởng, một thứ thể nghiệm; một thứ hướng trời, một thứ lập đất; một thứ tự nhiên chi phối nhân gian, một thứ nhân gian chinh phục tự nhiên”. Chưa cần bàn luận cụ thể về giới thuyết về sự khác biệt văn hóa Đông Tây của Lý Đại Chiêu, nhưng việc ông nhấn mạnh một là “tự nhiên”, một là “người làm” trong quan hệ giữa con người và tự nhiên, cũng đã khẳng định một là thích ứng tự nhiên, một là chinh phục tự nhiên.
Lương Thấu Minh cho rằng văn hóa phương Đông không chinh phục tự nhiên mà dung hợp cùng vui với tự nhiên. Ông giữ thái độ phủ định một cách căn bản khuynh hướng giá trị dung hợp giữa con người và tự nhiên trong văn hóa Trung Quốc, coi trọng sắc thái chinh phục tự nhiên tương đối đậm trong văn hóa phương Tây. Đồng thời ông cho rằng, “chinh phục tự nhiên là thứ mượn khoa học mới đạt được, đặc biệt là khoa học kinh nghiệm”. Ông cho rằng “yêu cầu tiến lên” trong văn hóa phương Tây cũng khiến văn hóa phương Tây chú trọng chinh phục tự nhiên, phương pháp khoa học và dân chủ.
Trong nghiên cứu văn hóa, sự khác biệt căn bản giữa văn hóa phương Đông thiên nhân hợp nhất và văn hóa phương Tây chinh phục tự nhiên trở thành một vấn đề không cần bàn cãi. Văn hóa Đông Tây đều có đặc điểm riêng, còn vấn đề bên nào tốt bên nào xấu thì không thể khái quát một cách chung chung, mà cần phải có những nắm bắt, nhận thức một cách cụ thể và có tính lịch sử.
Trong vấn đề quan hệ giữa con người và tự nhiên, “thiên nhân hợp nhất” mà văn hóa truyền thống Trung Quốc thể hiện chính là nhân cách hóa tự nhiên, tự nhiên hóa nhân cách, hòa tinh thần con người vào giới tự nhiên, con người và tự nhiên cùng tồn tại hài hòa và cùng diễn tiến. Tất nhiên trong các nhà tư tưởng khác nhau và lưu phái triết học khác nhau, lí giải và theo đuổi quan hệ giữa con người và tự nhiên cũng rất khác nhau, ví dụ Nho gia Mặc gia làm nổi bật nguyên tắc đạo của con người, Đạo gia lại tập trung quan tâm đến tự nhiên (trời). Nho gia Mặc gia coi tự nhiên (trời) là trạng thái tiền văn minh, nhấn mạnh rằng chỉ khi nhân văn hóa thì tự nhiên mới có giá trị tự thân. Tự nhiên siêu việt mà Nho gia nhấn mạnh, biến tự nhiên thành nhân văn, chủ yếu là chỉ biến thiên tính thành đức tính, mong muốn đạt đến sự hoàn mĩ về đạo đức. Do nhấn mạnh đức tính, Nho gia đã bộc lộ hạn chế là coi trọng nhân văn, coi nhẹ tự nhiên, thiếu nghiên cứu khoa học đối với tự nhiên. Đạo gia cho rằng bản thân tự nhiên là một trạng thái hoàn thiện, không cần trải qua nhân hóa, quá trình nhân hóa chính là sự phá hoại trạng thái lí tưởng tươi đẹp của tự nhiên. Trên phương diện triết học nhân sinh, Đạo gia chủ trương thuận theo tự nhiên, vượt lên trên mọi ràng buộc; trong vấn đề tu thân, dưỡng sinh, bắt chước tự nhiên, chủ trương “bò và ngựa có bốn chân, đó là tự nhiên sinh ra, cột đầu ngựa, xỏ mũi bò, đó là do người làm, đừng dùng cái người làm ra để tiêu diệt tự nhiên)”(Trang Tử – Thu Thủy). Khác với quan điểm coi trọng nhân tính, coi nhẹ tự nhiên của Nho gia, Đạo gia lại sùng bái tự nhiên và lí tưởng hóa trạng thái tự nhiên, thiếu tác dụng năng động, cải tạo tích cực đối với giới tự nhiên, do đó Đạo gia tất yếu sẽ thiếu sức khống chế đối với khuynh hướng coi nhẹ tự nhiên của Nho gia. Tư tưởng về quan hệ giữa trời và người của Nho, Đạo đều có mặt tiêu cực đối với sáng tạo văn hóa vật chất. Nhìn từ một góc độ khác, “không lấy người diệt trời”, “thuận theo tự nhiên” của Đạo gia lại bao hàm lời kêu gọi tôn trọng tự nhiên, nhấn mạnh rằng quá trình con người hành động không thể xa rời hoặc đi ngược lại quy luật của tự nhiên, cần phải thuận theo tự nhiên, con người hành động phải tuân theo thiên lí, hợp với đạo trời. Với tư cách là nền móng cùng xây dựng văn hóa truyền thống Trung Quốc, Nho gia Đạo gia tuy khác trong thái độ đối với quan hệ giữa trời và người, nhưng lại thống nhất với nhau ở khuynh hướng chủ đạo – tư tưởng thiên nhân hợp nhất – biểu hiện trong quá trình phát triển, dung hợp, bổ sung cho nhau giữa hai học phái; quan hệ giữa trời và người quyết không ở trong trạng thái đối lập. Trang Tử cho rằng thời loạn là do con người buồn phiền vì không tự do. Ông chủ trương thoát khỏi các hoạn nạn, thoát khỏi mọi ràng buộc, thoát khỏi tất cả gò bó, muốn có được sự cân bằng mới. Đây chính là căn nguyên hình thành quan niệm về tự nhiên của Trang Tử. Có thể thấy, quan niệm về tự nhiên của Trang Tử không xa rời xã hội mà là có tác dụng tốt hơn đối với xã hội. Trên thực tế, quan tâm lớn nhất của Nho và Đạo đều là sự hài hòa giữa con người, tự nhiên và xã hội.
Đặc trưng văn hóa thiên nhân hợp nhất ảnh hưởng đến các phương diện của văn hóa Trung Quốc. Trung Quốc luôn có truyền thống coi trọng nông nghiệp, từ xưa đến nay, nông dân có thói quen tế trời đất, một mặt chúc mừng mùa màng bội thu, cảm ơn trời đất, một mặt cầu xin trời đất ban phúc để năm sau mùa màng lại bội thu. Trong xã hội nông nghiệp của Trung Quốc, quan hệ giữa con người và tự nhiên vô cùng mật thiết. Người Trung Quốc tổ chức đám cưới, cô dâu chú rể cúi đầu lạy “trời đất” trước tiên. Trong các hoạt động tế lễ khác cùng thường xuất hiện tế trời. Trong văn hóa Thái Sơn có ghi lại sự sùng bái của con người đối với trời, với thần mặt trời, trên núi đốt lửa, lửa cháy tế mặt trời. Lễ nhạc cổ đại cũng đã chú ý đến quan hệ giữa chủ quan và khách quan, giữa con người và tự nhiên. Trong Tranh săn bắn hái lượm vẽ trên gạch đời Hán đã đưa con người, chim ưng, cá, cây, trang trại, ao hồ… vào tranh, thể hiện cảnh thu hoạch và săn bắn động vật, trong tranh phản ánh quan hệ dựa vào nhau giữa con người và tự nhiên. Trong kiến trúc lâm viên của Trung Quốc cũng thể hiện rất rõ cảnh giới thiên nhân hợp nhất.
Trong vấn đề quan hệ giữa con người và tự nhiên, văn hóa phương Tây đặt con người vào trạng thái đối lập, nhấn mạnh con người phải chinh phục tự nhiên, khống chế tự nhiên, con người và tự nhiên đối lập nhau, không dung hòa lẫn nhau. Khoa học cổ đại phương Tây tìm tòi nghiên cứu tự nhiên, vì thế thời cổ đại Hy Lạp phương Tây đã sản sinh ra những nhà toán học vĩ đại như Pythagoras, Euclidean; nhà lí số và kiến trúc nổi tiếng như Archimedes. Cho dù là thời kì đen tối nhất – thời kì trung cổ, châu Âu bị tôn giáo và thần quyền thống trị thì khống chế được các nhà khoa học như Galilei, Bruno tìm kiếm bí mật của đại tự nhiên. Trải qua thời kì văn nghệ Phục hưng, trong nội dung nghiên cứu khoa học, châu Âu thế kỉ 16 bắt đầu chuyển từ thành quả cảm tính và kinh nghiệm chuyển sang nghiên cứu tìm hiểu đạo lí và quy luật. Về phương pháp, dần dần hình thành phương pháp nghiên cứu khoa học tự nhiên cận đại trên cơ sở thực nghiệm khoa học. Họ lợi dụng tài liệu và thành quả khoa học tự nhiên cổ đại, làm khoa học tự nhiên xa rời tôn giáo thần học, phát triển nhanh chóng. Dựa vào khoa học kĩ thuật mới, Columbus phát hiện ra đại lục mới, những người như Magellan thành công trong việc chứng minh trái đất quay, chứng minh trái đất hình cầu. Điều này không chỉ gia tăng tốc độ diệt vong của nền thống trị giáo hội phong kiến, gia thăng sự tăng trưởng kinh tế tư bản chủ nghĩa, mà còn gia tăng sự tự tin và dũng khí của con người trong việc truy tìm chân lí, tìm hiểu bí mật của đại tự nhiên, chinh phục và cải tạo tự nhiên. Thế kỉ 18 tích lũy tư bản châu Âu cơ bản đã hoàn thành, hứng thú nghiên cứu khoa học tự nhiên của con người và thành tựi của nó ngày càng lớn. Học thuyết vạn vật hấp dẫn và lí thuyết quang học của Newton, James Watt phát hiện ra máy hơi nước, toàn bộ lĩnh vực khoa học tự nhiên như toán học, vật lí, hóa học, thiên văn học, sinh vật học đều có thành quả nghiên cứu mới, người phương Tây đã bước một bước dài trên con đường chinh phục tự nhiên, cải tạo tự nhiên.
Tinh thần mạo hiểm và khát vọng chinh phục tự nhiên của người phương Tây vô cùng mãnh liệt, trong tác phẩm văn học cũng có rất nhiều những điển hình về vấn đề này, từ sử thi Odysseycủa Home đến tiểu thuyết hiện đại Ông già và biển cả của nhà văn người Mỹ Hemingway….
1.3. Ý nghĩa hiện thực của trời người hài hòa và chinh phục tự nhiên
Văn hóa phương Tây nghiên cứu khoa học tự nhiên, chinh phục, lợi dụng và khai phá tự nhiên, đặc biệt là sau thời văn nghệ phục hưng, cùng với sự xuất hiện của thời đại khoa học kĩ thuật và cách mạng công nghiệp, trình độ văn minh vật chất đã nâng cao rất nhiều, xã hội loài người phát triển rất nhanh, đây là điều không cần phải nghi ngờ. Trong xã hội hiện đại, trình độ phát triển của sức sản xuất xã hội lấy năng lực chinh phục tự nhiên, cải tạo tự nhiên làm tiêu chí chính, sự nâng cao đời sống vật chất của con người còn dựa vào sự nâng cao của trình độ lực lượng sản xuất, mà sự nâng cao trình độ lực lượng sản xuất phải lấy sự nâng cao trình độ khoa học kĩ thuật và nâng cao năng lực chinh phục tự nhiên làm điều kiện tiên quyết. Ngoài ra, sự nâng cao đời sống tinh thần của con người cần sự nâng cao đời sống vật chất làm cơ sở. Vì thế, chinh phục tự nhiên – tinh thần cơ bản trong văn hóa phương Tây vẫn là thứ không thể thiếu trong sáng tạo văn minh hiện đại, cho dù là phương Đông hay là phương Tây. Ví dụ như sự phát triển của sự nghiệp hàng không vũ trụ được vận dụng vào vận tải, du lịch, thông tin, dẫn đường, điều khiển, dự báo thời tiết, điều tra… Nghiên cứu năng lượng hạt nhân phục vụ hòa bình, di truyền và kĩ thuật sinh vật, sự ứng dụng rộng rãi của máy tính… đều nâng cao trình độ và chất lượng đời sống vật chất và đời sống văn hóa của con người.
Tất nhiên, theo quan điểm lịch sử, sự phát triển của văn minh luôn được triển khai trong sự chuyển hóa giữa các mặt đối lập. Nếu quá nhấn mạnh sự chinh phục tự nhiên, khai phá tự nhiên bừa bãi, hoặc lợi dụng khoa học kĩ thuật đi ngược lại với sự nghiệp văn minh nhân loại thì sẽ ảnh hưởng xấu thậm chí con người, tự nhiên và xã hội sẽ đi đến diệt vong. Ví dụ như sự nghiên cứu chế tạo và mở rộng của bom nguyên tử, chạy đua vũ khí hạt nhân, khai thác và sử dụng quá mức tài nguyên tự nhiên, chỉ chú trọng lợi ích kinh tế mà coi nhẹ lợi ích sinh thái và lợi ích xã hội, sự khuếch trương nhu cầu vật chất và sự trống rỗng trong đời sống tinh thần… sẽ phá vỡ cơ chế cân bằng giữa con người, tự nhiên, xã hội và trong nội bộ của chúng ở mức độ khác nhau.
Tư tưởng thiên nhân hợp nhất của Trung Quốc cổ đại lại khẳng định mạnh mẽ sự thống nhất giữa thế giới tự nhiên và tinh thần, nhấn mạnh sự hài hòa giữa hoạt động của con người và giới tự nhiên, sự thống nhất giữa con người và tự nhiên, sự thống nhất giữa lí tính đạo đức và lí tính tự nhiên, thể hiện một cách sâu sắc tư duy biện chứng về quan hệ giữa chủ quan và khách quan, giữa tính năng động chủ quan và tính quy luật khách quan. Giá trị tư tưởng và ý nghĩa hiện thực của nó là rất lớn.
Về mặt khách quan, tư tưởng thiên nhân hợp nhất cảnh báo con người không được đi ngược lại quy luật tự nhiên, vượt qua quy luật tự nhiên, cải tạo một cách vô độ tự nhiên, chinh phục tự nhiên, mà chỉ có thể lợi dụng tự nhiên trên tiền đề thuận ứng và tôn trọng quy luật tự nhiên, làm cho con người cùng tồn tại cùng phát triển với các sinh vật khác trong giới tự nhiên. Đồng thời cùng với sự sâu sắc hóa của thực tiễn và nhận thức, trong truyền thống tư tưởng thiên nhân hợp nhất, giới tự nhiên tuyệt đối không phải là bản thể đối lập siêu vượt con người, nó không phải là thứ thần bí khó lường, mà là thứ có thể nhận thức và lợi dụng. Vì thế, vấn đề thống nhất giữa giới tự nhiên và con người, giữa tinh thần, hành vi con người và tự nhiên bên ngoài, cân bằng thân tâm cá nhân và sự cân bằng của tự nhiên bên ngoài, sự cân bằng giữa đạo trời và đạo người…là có thể xảy ra và là tất yếu. Nó có ý nghĩa lí luận và ý nghĩa thực tiễn to lớn đối với việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, sự uy hiếp của vũ khí hạt nhân… do xã hội hiện đại chinh phục tự nhiên một cách vô độ tạo thành.
Engels trong Phép biện chứng tự nhiên đã nói: “Chúng ta từng ngày từng ngày học được cách lí giải quy luật tự nhiên chính xác hơn, nhận thức được những ảnh hưởng tương đối gần hoặc tương đối xa do sự can thiệp của chúng ta vào sự vận hành thông thường của tự nhiên… Chúng ta sẽ càng không chỉ cảm thấy mà còn nhận thức được sự thống nhất giữa bản thân và giới tự nhiên, mà quan điểm phản tự nhiên, hoang đường đối lập giữa tinh thần và vật chất, con người và tự nhiên, linh hồn và thể xác cũng càng không thể tồn tại”, “sự thống nhất giữa giới tự nhiên và tinh thần. Giới tự nhiên không thể là thứ vô lí tính, đây là điều đã rất rõ ràng đối với người Hy Lạp, nhưng thậm chí đến nay những người kinh nghiệm chủ nghĩa ngu xuẩn nhất vẫn dùng sự suy đoán của họ (cho dù sai lầm như thế nào) để chứng minh: ngay từ đầu họ đã tin tưởng một cách sâu sắc, giới tự nhiên không thể là thứ vô lí tính, mà lí tính là thứ không thể mâu thuẫn với tự nhiên”, “quy luật tư duy và quy luật tự nhiên, chỉ cần chúng được nhận thức một cách chính xác, tất yếu sẽ là thống nhất với nhau”. “Quá trình tư duy và quá trình tự nhiên, quá trình lịch sử là giống nhau, và ngược lại”*.
Lí luận về sự thống nhất giữa tự nhiên và tinh thần của Engels là sự tổng kết quy luật của sự phát triển lịch sử của giới tự nhiên, xã hội loài người và tư duy nhân loại và quan hệ tương hỗ giữa chúng, mà tính hợp lí bên trong và tính hợp quy luật của thiên nhân hợp nhất – tinh thần chủ đạo của văn hóa cổ đại Trung Quốc cũng hết sức rõ ràng. Đối diện với hàng loạt vấn đề do xã hội công nghiệp hiện đại mang lại, tư tưởng “thiên nhân hợp nhất” có vị trí và tác dụng riêng trong lĩnh vực văn hóa thế giới. Vì thế, trong xã hội hiện nay, văn hóa truyền thống Trung Quốc thu hút được sự chú ý và hứng thú của đông đảo học giả phương Tây, thậm chí được coi là cứu tinh sinh tồn của thế kỉ 21 cũng không phải là điều lạ.
(Trích trong: Giá trị hiện đại của văn hóa truyền thống. Nxb Hội nhà văn (khoảng 6-2018 xuất bản), Đỗ Văn Hiểu dịch)
* Marx Engels toàn tập, quyển thứ 20, bản tiếng Trung, xuất bản lần 1, Nhà xuất bản Nhân dân, Bắc Kinh, 1971, tr519,520,564,568,610