Sách giáo khoa mới lớp 1: Nhiều vấn đề “đau đầu”!
Sách giáo khoa lớp 1 mới theo Chương trình giáo dục phổ thông áp dụng từ năm học 2020 – 2021 đã được các trường học lựa chọn, gồm 5 bộ sách: Bộ sách Cánh Diều, Bộ sách Chân trời sáng tạo, Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, Bộ sách Cùng con học để phát triển năng lực, Bộ sách Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục.
Sau hơn 1 tháng thực hiện trong năm học mới, nhiều phụ huynh, giáo viên đã “than” nội dung sách giáo khoa nặng, sách quá nhiều chữ, khó hiểu, thiết kế các bài học với tốc độ nhanh, khiến học sinh không thể tiếp thu, việc dạy và học của cô, trò rất vất vả, nhất là môn Tiếng Việt.
Cô Lê Thị Nguyệt, giáo viên Trường TH và THCS Tân Lĩnh, huyện Lục Yên (Yên Bái) cho biết, đối với môn Tiếng Việt, lượng kiến thức đối với học sinh DTTS vùng cao rất nặng so với mặt bằng chung, vì nhận thức của các em không đồng đều. Đa số học sinh học hết mầm non chưa biết hết chữ cái nên để theo kịp sẽ rất khó, bởi thời lượng học trong 2 tiết mà phải thực hiện đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết là quá ít.
Tại cuộc họp báo thông tin định kỳ của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) ngày 30/9, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho rằng, yêu cầu đọc thông viết thạo Tiếng Việt là điều kiện để học sinh tiếp cận các môn học khác. Vì thế, việc dành thời lượng nhiều hơn môn học khác để học sinh đọc thông viết thạo càng sớm càng tốt là mục tiêu của chương trình mới.
Thế nhưng, học sinh lớp 1 hiện nay thường có 5 giáo viên dạy, đó là giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục, Tiếng Anh (tự chọn). Những môn này thường được dạy theo số tiết quy định của ngành Giáo dục vì có giáo viên riêng cho từng môn.
Riêng giáo viên chủ nhiệm sẽ dạy tất cả những môn còn lại, đó là: Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm, Tự nhiên và Xã hội với định hướng chính là để học sinh biết đọc, biết viết.
Xét trên thực tế ấy thì, việc tập trung cho Tiếng Việt, Toán là hợp lý, vậy thì còn đâu thời gian cho các môn học khác? Nhất là khi những môn học ấy lại nhiều chữ, khiến học sinh sẽ phải “gánh” thêm rất nhiều áp lực. Đây cũng không phải là vấn đề mới, mà là vấn đề của Chương trình giáo dục phổ thông từ trước đến nay.
Điều đặc biệt là, những bất cập, khó khăn này đối với phụ huynh học sinh ở những nơi có điều kiện thuận lợi như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh còn kêu trời, thì học sinh vùng DTTS sẽ còn “khổ” thế nào?
Ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, yêu cầu với học sinh lớp 1 là viết ngay hàng thẳng lối, chữ viết rõ ràng. Mức độ đẹp đến đâu tùy năng khiếu của các em. Đừng ép học sinh đọc thông viết thạo sớm. Việc học không phải càng sớm càng tốt. Người lớn muốn nhanh, dạy dồn dập nên chuyện học mới thành gánh nặng.