Sản phẩm du lịch giúp thúc đẩy phát triển du lịch Thủ đô

Sản phẩm du lịch giúp thúc đẩy phát triển du lịch Thủ đô  - Ảnh 1.

Tour du lịch đêm tại Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: VGP

Ngành du lịch Thủ đô phục hồi

Ngay trong 2 tháng đầu năm 2023, hoạt động du lịch đã sôi nổi, hứa hẹn một năm phát triển toàn diện của du lịch Thủ đô về cả chất và lượng, giữ vững vai trò là trung tâm du lịch lớn của cả nước. Trong tháng 2/2023, lượng khách quốc tế đến Hà Nội tăng cao, nhiều điểm đến cũng đã lập kỷ lục về số lượng khách đến tham quan trong những ngày đầu xuân mới.

Ghi nhận tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, lượng du khách đến tham quan tăng đột biến với trên 5.000 lượt khách. Đặc biệt, phần lớn là các bạn trẻ 9X, 10X và các bạn học sinh. Trước đây, Di tích vốn chỉ thu hút những du khách nước ngoài hoặc thế hệ người Việt lớn tuổi đến tham quan.

Sản phẩm du lịch giúp thúc đẩy phát triển du lịch Thủ đô  - Ảnh 2.

Di tích Nhà tù Hỏa Lò là một địa điểm được nhiều du khách nước ngoài lựa chọn khi đến Việt Nam. Ảnh: VGP/Minh Anh

Bà Lã Thị Thủy (Phòng Truyền thông, Di tích Nhà tù Hỏa Lò) cho biết, không phải ngẫu nhiên nhiều bạn trẻ lại tìm đến Di tích Nhà tù Hỏa Lò, đây chính là kết quả ban đầu của cuộc hành trình giúp người trẻ “kéo” lịch sử lại gần. Thời gian qua, đội ngũ truyền thông của Di tích đã xây dựng fanpage “Di tích Nhà tù Hỏa Lò – Hoa Lo Prison Relic”, nhiều câu chuyện lịch sử được các admin lựa chọn, sưu tầm, kiểm tra tính xác thực của thông tin và viết lại theo cách dễ hiểu nhất, thu hút nhất hướng chủ yếu đến người đọc trẻ. Hiện tại fanpage “Di tích Nhà tù Hỏa Lò – Hoa Lo Prison Relic” đã thu hút hơn 250.000 người theo dõi, nhận được hàng ngàn lượt yêu thích mỗi ngày.

Đặc biệt, mới đây, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tiếp tục ra mắt công chúng sản phẩm văn hóa mới mang tên “Đêm thiêng liêng 3 – Lửa thanh xuân”, tôn vinh những anh hùng trẻ tuổi với những câu chuyện lịch sử có thật tại Nhà tù Hỏa Lò.

“Các hoạt cảnh được dàn dựng chân thực, góp phần làm nổi bật hình tượng những người con kiên trung của đất nước. Đặc biệt, du khách được nhập vai tù chính trị để trải nghiệm sự tối tăm, ngột ngạt của các phòng giam, xà lim; sự gian nan, nguy hiểm khi chui cống ngầm vượt ngục…, từ đó có cảm nhận rõ rệt nhất về tinh thần vượt lên gian khổ, ngọn lửa thanh xuân nhiệt huyết, bền bỉ trong chốn lao tù”, bà Lã Thủy cho hay.

Trong năm 2023, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tiếp tục tập trung cho công tác phục vụ khách tham quan được chu đáo; duy trì các hoạt động chuyên môn, đẩy mạnh công tác truyền thông; duy trì chương trình trải nghiệm di tích Hỏa Lò về đêm “Đêm thiêng liêng 2 – Sống như những đóa hoa” và “Đêm thiêng liêng 3 – Lửa Thanh Xuân”…

Sản phẩm du lịch giúp thúc đẩy phát triển du lịch Thủ đô  - Ảnh 3.

Khách xem triển lãm “Văn Miếu trong sự hồi sinh di sản của Hà Nội giai đoạn 1898-1954”. Ảnh: VGP/Minh Anh

Còn theo thống kê của Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám, dịp nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu Quốc Tử Giám đón 80.000 lượt khách, cao nhất trong số các di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội và hiện vẫn đang thu hút một lượng khách về nguồn đáng kể, đặc biệt vào những ngày cuối tuần.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho hay, sau hai năm tạm dừng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm nay, Trung tâm đã khởi động lại các hoạt động văn hóa dịp xuân mới, mà điểm nhấn là Hội chữ Xuân 2023 với chủ đề “Sư đạo tôn nghiêm”, đề cao truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, trọng chữ, trọng thầy của người Việt. Ngày 14/2 vừa qua, Trung tâm cũng đã phối hợp với Viện Viễn Đông bác cổ Pháp đã khai mạc triển lãm “Văn Miếu trong sự hồi sinh di sản của Hà Nội giai đoạn 1898-1954”. Thông qua bộ sưu tập ảnh Việt Nam của Viện Viễn Đông bác cổ Pháp, triển lãm kể lại hành trình của những người tham gia bảo tồn khu di tích Văn Miếu, góp phần đưa di sản này hồi sinh mạnh mẽ, uy nghi hơn.

“Triển lãm là một trong nhiều hoạt động văn hóa nhằm phát huy giá trị di tích, tăng sức hấp dẫn cho điểm đến di sản, đáp ứng tốt nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập của du khách trong và ngoài nước”, ông Lê Xuân Kiêu nhấn mạnh.

Cùng với Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, nhiều bảo tàng, di tích trên địa bàn Hà Nội đã và đang đẩy mạnh xây dựng, sáng tạo những sản phẩm du lịch mới, nhằm tăng sức hút cho điểm đến. Tiêu biểu như Khu di sản Hoàng thành Thăng Long với tour trải nghiệm “Đêm Hoàng cung”, nối tiếp chương trình tham quan “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” khởi động từ năm 2021; Ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm xây dựng chuỗi trải nghiệm di sản “Thành cổ – Văn Miếu – đền Và – Đường Lâm” gắn với những câu chuyện đặc sắc về lịch sử, văn hóa xứ Đoài…

Bảo tàng Hà Nội kể từ tháng 7/2022 mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19 đến nay cũng đã tổ chức và phối hợp tổ chức hàng chục sự kiện, hoạt động văn hóa tiêu biểu như các trưng bày: “Hà Nội – đất trăm nghề”, “Nếp xưa”, “Hà Nội 1972 – Khát vọng hòa bình”, tranh nghệ thuật “Con đường”, không gian nghệ thuật sáng tạo “Ego” …, thu hút gần 70.000 lượt khách tham quan.

Tiếp tục xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn

Sản phẩm du lịch giúp thúc đẩy phát triển du lịch Thủ đô  - Ảnh 4.

Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: VGP

Theo số liệu của Sở Du lịch Hà Nội, Thành phố hiện có 28 khu, điểm du lịch được công nhận đạt chuẩn cấp Thành phố. Nhiều điểm đã xây dựng những sản phẩm riêng, mới mẻ, có sức hút với du khách, như: Sản phẩm tour đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, di sản Hoàng thành Thăng Long; sản phẩm du lịch nông nghiệp tại làng sinh vật cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín), khu sinh thái Đan Phượng (huyện Đan Phượng); du lịch nghỉ dưỡng tại khu du lịch Ao Vua (huyện Ba Vì), điểm du lịch sinh thái Hoàng Long (huyện Thạch Thất); du lịch làng nghề tại điểm du lịch làng nghề khảm trai-sơn mài Chuyên Mỹ, làng nghề may Vân Từ (huyện Phú Xuyên); làng nghề sơn mài Hạ Thái, làng nghề lược sừng Thụy Ứng (huyện Thường Tín)…

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, trong năm 2023, ngành Du lịch Thủ đô đặt mục tiêu đón 22 triệu lượt khách, tăng 17,6% so với năm 2022, trong đó có 3 triệu lượt khách quốc tế. Đây là mục tiêu lớn cũng là thách thức mới của ngành Du lịch Hà Nội, đòi hỏi phải nỗ lực, quyết tâm, đổi mới và sáng tạo hơn trong cách quản lý, qua đó tạo ra các sản phẩm thân thiện, hấp dẫn hơn.

Sở Du lịch Hà Nội dự kiến tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động như: Lễ hội quà tặng; Lễ hội du lịch áo dài… Đặc biệt, ngày 24 đến ngày 26/3 tới đây, tại khu vực đền Bà Kiệu, đường Đinh Tiên Hoàng, Nhà Bát Giác, phố Lê Thạch – quận Hoàn Kiếm, Sở Du lịch sẽ tổ chức Lễ hội Du lịch Hà Nội 2023 với chủ đề “Kết nối di sản phát triển du lịch” nhằm đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa và tôn vinh các di sản văn hóa, xúc tiến, quảng bá du lịch giữa các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế, từ đó thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Thủ đô Hà Nội – điểm đến du lịch hấp dẫn và an toàn.

“Đặc biệt, Lễ hội hướng tới loại hình du lịch có trách nhiệm, hưởng ứng chương trình Năm Du lịch Quốc gia 2023 với mục tiêu du lịch Việt Nam hướng đến sản phẩm xanh, năng lượng sạch, tạo ra môi trường thân thiện, an toàn cho sức khỏe, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa và giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hướng đến một nền tăng trưởng xanh, phát triển du lịch gắn với các ngành kinh tế khác”, bà Giang cho hay.

Sản phẩm du lịch giúp thúc đẩy phát triển du lịch Thủ đô  - Ảnh 5.

Du khách quốc tế hòa mình trải nghiệm trong không khí đón Tết Quý Mão 2023 tại Làng cổ Đường Lâm, Thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội. Ảnh: VGP/Minh Anh

Cũng theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, để các mục tiêu đề ra được phát triển toàn diện, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch, như tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh CNN quốc tế, các kênh truyền thông quốc tế, trang website, các nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook…) và các hình thức tuyên truyền quảng bá phù hợp để tạo sức lan tỏa lớn và thu hút khách đến Hà Nội với thông điệp xuyên suốt “Hà Nội – Đến để yêu” và “Hà Nội – Điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn”.

Đồng thời, phối hợp với các đại sứ quán, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tham gia, tổ chức các chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm tại các thị trường trọng điểm; thực hiện tích cực các chương trình quảng bá du lịch đối ứng.

Thành phố cũng đặt trọng tâm phát triển du lịch bền vững, cơ cấu lại ngành du lịch cả về hạ tầng du lịch, môi trường du lịch, doanh nghiệp du lịch và sản phẩm du lịch mới để khai thác có hiệu quả các giá trị vật thể và phi vật thể nhằm phát triển du lịch Thủ đô thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Vừa qua, Sở Du lịch Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 29/KH-SDL về việc triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố năm 2023 nhằm cụ thể hóa nội dung, hợp tác phát triển trong lĩnh vực du lịch giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Sở Du lịch sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức các đoàn famtrip, presstrip, đoàn làm phim, nhiếp ảnh, youtuber đến tham quan, khảo sát các điểm đến du lịch tại các tỉnh, thành phố nhằm quảng bá hình ảnh điểm đến và xây dựng các tour du lịch hấp dẫn, độc đáo, có tính kết nối cao…

Tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội năm 2022 đạt khoảng 18,7 triệu lượt khách, tăng gấp 1,87 lần so với kế hoạch và 4,7 lần so với năm 2021, bằng 64,7% lượng khách năm 2019 là năm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 60 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 1,68 lần so với kế hoạch và 5,3 lần so với năm 2021 và bằng 57,8% tổng thu từ khách du lịch năm 2019.

Minh Anh