Sản phẩm du lịch phù hợp với bối cảnh mới
VHO- Nhằm hồi phục những dấu mốc cao trong phát triển du lịch thời gian qua và hướng tới sự tăng trưởng trong tương lai, sản phẩm du lịch phù hợp với bối cảnh mới là yếu tố đặc biệt quan trọng trong hoạt động của du lịch nói chung và của từng doanh nghiệp du lịch, lữ hành nói riêng.
Du lịch an toàn, gần gũi thiên nhiên là sản phẩm được khách du lịch ưu tiên lựa chọn. Ảnh HỒNG LIÊN
Tiêu chí “xanh” trong sản phẩm du lịch được đề cao
Quá trình này sẽ được diễn ra ở nhiều khâu và ở hoạt động khác nhau như sản phẩm phải đáp ứng nhu cầu du lịch đã thay đổi, chiến lược sản phẩm du lịch được cân nhắc, nguồn lực để tạo ra sản phẩm thích hợp được đề cao. Trong đó, vai trò quan trọng là nguồn nhân lực, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã buộc hoạt động xây dựng sản phẩm thay đổi không như cách truyền thống từng làm, liên kết doanh nghiệp trong xây dựng sản phẩm cũng là một trong những giải pháp để vượt qua khó khăn và thích ứng với bối cảnh mới do ảnh hưởng của đại dịch tạo ra.
Có thể thấy, đại dịch đã khiến thói quen tiêu dùng và nhu cầu đi du lịch của du khách đã thay đổi. Khách du lịch quan tâm nhiều hơn đến an toàn và vệ sinh; sức khỏe và thực phẩm hữu cơ; sinh thái; nghỉ dưỡng; du lịch gần nhà; du lịch theo nhóm nhỏ; du lịch trải nghiệm; trải nghiệm theo nhu cầu; du lịch không chạm; đặt dịch vụ trực tuyến…
Giai đoạn khôi phục hoạt động du lịch trong bối cảnh sống chung với Covid-19, hướng tới sự hồi phục du lịch trở lại như năm 2019 và bứt phá phát triển trong giai đoạn hậu Covid-19 đặt ra đòi hỏi cần có những sản phẩm du lịch thích ứng và phù hợp. Ngoài những yếu tố quan trọng như đáp ứng nhu cầu thị trường, những trải nghiệm du lịch, tính đa dạng và sáng tạo, tính giáo dục; sản phẩm du lịch còn cần đáp ứng những yêu cầu trong bối cảnh mới.
Trong đó, sản phẩm du lịch an toàn là một trong những vũ khí hữu hiệu để tổ chức hoạt động thích ứng an toàn và linh hoạt trong trạng thái bình thường mới. Trong giai đoạn vẫn còn áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch, các tiêu chí cần đáp ứng như giữ khoảng cách, tránh đám đông, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, khai báo y tế luôn được áp dụng trong quá trình xây dựng sản phẩm du lịch cũng như tổ chức hoạt động du lịch nói chung.
Du lịch bền vững trở thành tiêu chí cho mọi hoạt động du lịch, đặc biệt từ khâu xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đòi hỏi của du khách trong nước và quốc tế, đó là du lịch gần gũi với thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ di sản văn hóa, bảo vệ lợi ích cho các cộng đồng cư dân địa phương trong đó có lợi ích về kinh tế.
Trong thời đại mới, cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) không thể thiếu được sự xuất hiện của công nghệ ở một hay nhiều khâu xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch hay sử dụng dịch vụ của du khách. Mức độ hay hàm lượng công nghệ đến đâu phụ thuộc vào loại hình sản phẩm hay một sản phẩm du lịch cụ thể.
Tìm thị trường ngách để phát triển sản phẩm. Ảnh HỒNG LIÊN
Tối ưu việc sử dụng tài nguyên du lịch
Định hướng phát triển chiến lược sản phẩm du lịch mang tính đại trà hay chuyên biệt cần cân nhắc kỹ lưỡng trong mỗi giai đoạn phát triển du lịch nhằm tối ưu việc sử dụng tài nguyên du lịch.
Với sản phẩm du lịch cho du lịch đại trà, thu hút số lượng lớn khách du lịch quốc tế và đặc biệt dễ dàng hơn đối với thị trường du lịch nội địa. Du lịch đại trà phát triển trên nền tảng giá trị và điều kiện tự nhiên cùng với sự đầu tư hạ tầng du lịch lớn, thường tập trung vào du lịch nghỉ dưỡng, giải trí ở các bãi biển, ở khu vực vùng núi có điều kiện tự nhiên tốt; hoặc các sự kiện lớn được tổ chức tại địa phương thu hút lượng lớn du khách tại chỗ hoặc các địa phương khác.
Xây dựng sản phẩm du lịch cho loại hình du lịch đại trà thường do những doanh nghiệp lớn chủ động tổ chức triển khai hơn là có tính liên kết triển khai; phụ thuộc vào chủ tương và chiến lược phát triển điểm đến du lịch. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường sẽ hưởng ứng theo xu hướng phát triển du lịch của địa phương để tham gia vào thị trường du lịch, song song với đó là tìm ra những thị trường ngách để phát triển sản phẩm.
Khách có nhu cầu lớn ở những sản phẩm chuyên biệt
Sản phẩm du lịch chuyên biệt xuất hiện ngày càng nhiều
Dựa vào tài nguyên du lịch của một địa phương, doanh nghiệp sẽ tập trung phát triển riêng cho từng phân khúc thị trường, ở tầm vĩ mô có thể đề cập như: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch mạo hiểm; sát với doanh nghiệp du lịch nhiều hơn được đề cập ở khía cạnh du lịch chuyên đề ví dụ như: tham quan thành phố bằng xe 2 tầng mui mở, tour đi bộ, tour xe đạp, tour ẩm thực phố cổ, tour bảo tàng…
Với sự đa dạng và phong phú của các tour chuyên biệt như vậy đã tạo ra sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp du lịch khác nhau trong đó có cả doanh nghiệp lữ hành và các đơn vị cung cấp dịch vụ tại địa phương.
Phát triển sản phẩm du lịch chuyên biệt này cần có sự gắn kết, phối hợp giữa đơn vị chuyên ngành du lịch hiểu rõ nhu cầu của khách du lịch và đơn vị quản lý hay người dân địa phương là chủ sở hữu những giá trị tài nguyên du lịch vô hình hay hữu hình tại địa phương. Trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xu hướng hay nhu cầu du lịch thay đổi một cách nhanh chóng, sự thích ứng nhanh và linh hoạt của điểm du lịch sẽ được thể hiện qua việc liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch để xây dựng sản phẩm du lịch tại điểm du lịch đó.
Sự điều chỉnh cân bằng giữa du lịch đại trà và du lịch chuyên biệt sẽ giúp cho việc phát triển du lịch bền vững và nâng cao khả năng cạnh canh chung của du lịch Việt Nam.
Nguồn nhân lực du lịch có chuyên môn thiếu hụt sau đại dịch. Ảnh HỒNG LIÊN
Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới về sản phẩm du lịch
Xây dựng sản phẩm du lịch là khâu hết sức quan trọng trong hoạt động của một doanh nghiệp. Trong điều kiện bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, người lao động của nhiều doanh nghiệp du lịch đã nghỉ làm hoặc chuyển nghề làm các công việc khác. Sự gián đoạn của thị trường đã làm cho nhiều doanh nghiệp không thể cập nhật tình hình thực tế như trước đây, mặt khác xu hướng du lịch và nhu cầu của du khách đã thay đổi. Tất cả những điều vừa đề cập đòi hỏi những lao động tham gia xây dựng sản phẩm du lịch cần được bổ sung kiến thức hay rèn luyện kỹ năng nhằm đáp ứng yêu cầu mới về sản phẩm du lịch. Ngoài kiến thức và kỹ năng chuyên ngành du lịch, còn cần đào tạo kiến thức và kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng hàm lượng công nghệ trong sản phẩm du lịch.
Đối với nguồn nhân lực mới được các cơ sở đào tạo trong cả nước đào tạo trong hai năm vừa qua cũng gặp không ít khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp bởi đa số doanh nghiệp không có khách, tạm dừng hoạt động hay giải thể. Đào tạo tại chỗ cho những nhân sự mới tốt nghiệp ra trường trong thời gian qua và hiện tại cũng là thách thức cho các doanh nghiệp du lịch.
Ứng dụng công nghệ số trong phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch. Ảnh HỒNG LIÊN
Ứng dụng công nghệ số trong sản phẩm du lịch
Chuyển đổi số trong du lịch là điều kiện sống còn của doanh nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0. Hai năm qua, công nghệ số đã có những bước tiến xa, xâm nhập vào hầu hết hoạt động của các ngành nghề khác nhau, trong đó có du lịch. Chuyển đổi số trong các doanh nghiệp du lịch ở khâu xây dựng sản phẩm du lịch có thể ở nhiều mức độ khác nhau như: Phát hiện những ứng dụng mới, sẵn có và có thể ứng dụng ngay mà doanh nghiệp lữ hành không cần đầu tư xây dựng ứng dụng tương tự.
Sử dụng công nghệ số để tăng trải nghiệm du lịch trong quá trình đi du lịch. Ví dụ như: ứng dụng công nghệ AR/VR để tái hiện những công trình, hiện vật có giá trị về lịch sử, kiến trúc… không còn tồn tại.
Ứng dụng công nghệ số để du khách có thể thử trải nghiệm sản phẩm du lịch trước chuyến đi hoặc chưa có điều kiện đến trải nghiệm thực tế tại các điểm du lịch.
Phối hợp với đơn vị công nghệ để tạo ra những sản phẩm du lịch có hàm lượng công nghệ cao nhằm tăng hiệu quả kinh tế, tăng mức độ hấp dẫn của sản phẩm, thuận tiện sử dụng dịch vụ… Trong đó có việc liên kết các doanh nghiệp lữ hành với cùng đối tác công nghệ nhằm dễ dàng hơn ứng dụng chuyển đổi số vào doanh nghiệp.
Liên kết doanh nghiệp lữ hành trong xây dựng sản phẩm du lịch, chia sẻ nghiên cứu thị trường và các thông tin về nhu cầu du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch tại địa phương… cũng là những nội dung cần đặc biệt chú ý.
Trong bối cảnh mới, tính liên kết doanh nghiệp lữ hành trong việc xây dựng sản phẩm du lịch không chỉ tập hợp những thế mạnh của từng doanh nghiệp để vượt qua những khó khăn do đại dịch gây ra, mà còn tạo thúc đẩy những mô hình hợp tác khác nhau tại mỗi địa phương hay liên kết vùng miền.
Thực tế cho thấy, thị trường du lịch không bền vững do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 dẫn đến sự thay đổi và linh hoạt của doanh nghiệp nhằm thích ứng với bối cảnh mới. Từ đó đặt đòi hỏi sự nhanh, nhạy, chính xác trong mọi quyết định liên quan đến kinh doanh của doanh nghiệp. Thị trường du lịch quốc tế bị giãn đoạn trong suốt thời gian gần hai năm qua đã làm cho các doanh nghiệp có phần lúng túng trong việc đánh giá tình hình du lịch quốc tế để có những hoạt động chuẩn bị, khôi phục phù hợp.
Liên kết doanh nghiệp du lịch và điểm đến để tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù. Ảnh HỒNG LIÊN
Hiểu về thị trường và nhu cầu của khách du lịch để có những hoạt động xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch phù hợp.
Xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với thị trường trong từng giai đoạn nhất định được coi là hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp du lịch và phản ánh phần nào mức độ phát triển du lịch của mỗi địa phương và vùng miền. Mặc dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, những doanh nghiệp có kế hoạch xây dựng sản phẩm du lịch khác biệt hoặc ở những điểm đến du lịch tiềm năng mà hạ tầng du lịch còn chưa đáp ứng vẫn có cơ hội đầu tư trong giai đoạn chờ đại dịch đi qua như: khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu lưu trú sinh thái, gần gũi với thiên nhiên, du lịch cộng đồng…
Đóng gói dịch vụ là cách mà các doanh nghiệp liên kết hợp tác để đưa ra thị trường những sản phẩm du lịch linh hoạt, dễ điều chỉnh bổ sung, phù hợp với nhiều đối tượng, khả năng chi trả, linh hoạt xử lý tình huống ứng phó với dịch bệnh.
Việc liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp và điểm du lịch để xây dựng các sản phẩm đặc thù cũng cần đẩy mạnh. Vừa qua, Công ty Lữ hành Hanoitourist hợp tác với Ban quản lý Di tích nhà tù Hỏa Lò xây dựng sản phẩm với chủ đề: Đêm thiên liêng – Sáng ngời tinh thần Việt; Đêm thiêng liêng – Sống như những đóa hoa; Hợp tác với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội cho ra mắt thị trường Tour đêm: Giải mã Hoàng Thành Thăng Long; Hợp tác với Bảo tàng Lịch sử quốc gia ra mắt chương trình du lịch “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”.
Hợp tác giữa Hội nghề du lịch với điểm du lịch trong xây dựng và thực hiện các chương trình du lịch lịch sử, văn hóa nhằm tăng cường tính liên kết vùng trong du lịch. Ví dụ như: Hợp tác giữa Hội Lữ hành Hà Nội, Câu lạc bộ Du lịch Bền vững VGREEN và Bảo tàng Lịch sử quốc gia để xây dựng các sản phẩm du lịch có hành trình bắt đầu từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia như: “Caravan Tây Bắc – mùa Ban nở” kết nối Hà Nội với các tỉnh khu vực Tây Bắc; Tour đêm tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng với chủ đề “Trở về cội nguồn – Linh thiêng đất Tổ”.
Liên kết doanh nghiệp lữ hành còn có thể diễn ra và mang lại hiệu quả nhằm phát triển một số loại hình du lịch như: Du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm…
PHÙNG QUANG THẮNG
(Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam)