Sản phẩm du lịch vùng đồng bằng sông Hồng
LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG: TÀI NGUYÊN SINH THÁI – NHÂN VĂN LÀ CHỦ LƯU
Đồng bằng châu thổ sông Hồng là nơi có mật độ di tích lịch sử – văn hoá quốc gia, danh lam thắng cảnh, lễ hội dân gian dày đặc và sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái – nhân văn hết sức phong phú, đa dạng. Theo đó, muốn kết nối và biến những tiềm năng, lợi thế của vịnh Hạ Long – kỳ quan thiên nhiên thế giới, khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà (Hải Phòng), “miền bồng lai tiên cảnh” Tràng An – Hoa Lư (Ninh Bình), khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Thuỷ (Nam Định) và các không gian bảo tồn nghệ thuật ca trù, quan họ, hát xoan – di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại…thành những sản phẩm du lịch đặc thù có khả năng quảng bá điểm đến cho du lịch quốc gia với mục đích thu hút du khách quốc tế và thúc đẩy du lịch nội địa.
HỘI TỤ TINH HOA VĂN HÓA VIỆT
“Năm du lịch quốc gia vùng đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013” là một chuỗi các hoạt động được tổ chức xuyên suốt cả năm, nhằm khẳng định thế mạnh của du lịch Việt Nam và thúc đẩy tăng trưởng nguồn khách quốc tế. Yêu cầu đặt ra là, Hải Phòng với tư cách là địa phương đăng cai – nơi tổ chức các sự kiện quan trọng phải trở thành đại diện tinh hoa của cả vùng châu thổ sông Hồng rộng lớn. Nhiều chuyên gia du lịch cho rằng việc các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng tập trung ưu tiên khai mở loại hình du lịch đường sông gắn với phát triển các sản phẩm có khả năng kết nối các trung tâm chính trị – kinh tế (kinh đô, đô thị, giang cảng, thành quách cổ…), vùng văn hoá đặc sắc, di sản văn hoá tiêu biểu, làng nghề thủ công truyền thống và hệ thống các làng xã cổ truyền…có niên đại trải dài từ thời đại Hùng Vương đến quốc gia Đại Việt, để xây dựng thương hiệu cho vùng, không hề viển vông chút nào. Vùng đồng bằng Bắc Bộ là cái nôi của người Kinh/Việt, thì Hà Nội xét về mặt địa lý, là thủ đô thiên nhiên của miền Bắc Việt Nam: trăm núi chầu về, trăm sông tụ hội, rồi lại lan toả đi các nơi, cho tới biển Đông…Và như một định mệnh, rất tự nhiên vùng đất Hải Phòng ngày nay trở thành cửa ngõ vào, ra của cả vùng châu thổ rộng lớn, trù phú. Theo cố GS sử học tài danh Trần Quốc Vượng, khi người Việt dần dà sinh thành và kết tụ ở đồng bằng Bắc bộ châu thổ sông Hồng và đặc biệt khi Thăng Long – Đông Đô – Đông Kinh trở thành miền Kẻ Chợ – Kinh kỳ của một vương quốc hay rồi một đế chế Đại Việt (thế kỷ XI – XV) thì cái không gian xã hội của người Việt ấy thường được nhìn như một chỉnh thể địa lý, lấy Kinh Kỳ – Kẻ Chợ làm trung tâm, với bốn xứ ở bốn phương: xứ Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang); xứ Nam hay miền Sơn Nam (Sơn Nam thượng: Hà Đông cũ, Sơn Nam hạ: Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình); xứ Đông (Hải Dương, Hải Phòng và một phần Quảng Ninh); xứ Đoài hay trấn Sơn Tây (Hà Tây cũ, Phú Thọ, Vĩnh Phúc)… Con sông mẹ đã làm nên sự giàu có cho đồng bằng Bắc bộ dài 1.150 km, trong đó chảy trên đất Việt Nam 510 km mà có biết bao tên gọi. Cái tên sông Hồng quen thuộc đối với thời cận hiện đại thực ra chỉ có từ cuối thế kỷ XIX; khi người Pháp đến nước ta, họ dựa vào màu nước mà đặt một tên thống nhất cho cả dải sông dài tít tắt ấy. Chưa rõ thời Hùng Vương, người Lạc Việt gọi sông Hồng là gì, chỉ biết từ khi nước ta có các bộ sử đầu tiên (thế kỷ thứ XIV-XV) thì sông này có nhiều tên gọi. Thực ra, người Việt Nam mình thủa trước không có lệ đặt tên chung duy nhất cho suốt một con sông từ nguồn đến biển. Mỗi khúc sông có tên gọi riêng, thường là lấy tên địa phương nói chảy qua. Sông Hồng đoạn từ Lào Cai đến Việt Trì từng có tên là sông Thao (vì quan đất Lâm Thao), từ Việt Trì đến nội thành Hà Nội có tên là sông Bạch Hạc (vì qua đất Bạch Hạc), sông Tam Đái (qua đất Tam Đái tức huyện Vĩnh Tường – Yên Lạc (Phú Thọ) ngày nay), sông Nhĩ Hà (vì uốn cong như vành tai), lại có khi cũng được sử gọi là sông Lô (trong khi sông Lô ngày nay có tên là sông Lê Hoa, Lê Xá…) và nôm na gọi là sông Cái. Từ nội thành Hà Nội về xuôi, sông Hồng lần lượt có tên là Đại Lan (vì qua bãi Đại Lan – nay thuộc Duyên Hà – Thanh Trì – Hà Nội), Xích Đằng (qua Đằng châu), rồi Thiên Mạc và Mạn Trù (vì qua bãi Thiên Mạc và bãi Mạn Trù – Khoái Châu – Hưng Yên). Khi sang đất “sông Châu – núi Đọi” Hà Nam và Nam Định thì sông Hồng được gọi là sông Nam Xang (qua huyện Nam Xang – Hà Nam), sông Hoàng Giang (khúc chảy qua thành phố Nam Định khi xưa là Hoàng Doanh) và tới nơi đổ vào biển cả thì gọi là sông Ba Lạt hoặc Ba Lạc. Ngoài ra, tra cứu nguồn sử liệu Trung Quốc, chúng ta còn được biết thêm một tên khác của sông Hồng. Đó là, theo sách “Thuỷ kinh chú” của Lịch Đạo Nguyên (?…527) thì sông Hồng lúc bấy giờ có tên là sông Diệp Du. Sách này mô tả: “Qua phía bắc huyện Mê Linh thuộc Giao Chỉ chia làm 5 sông, chằng chịt trong quận Giao Chỉ…”. Qua những dòng ghi chép sơ sài này cũng giúp chúng ta nhận biết mạng lưới sông ngòi ở vùng châu thổ Bắc bộ ít ra là tới đầu thế kỷ thứ VI đã có diện mạo tương tự như ngày nay. Tam giác châu sông Hồng được giới hạn viền bởi dải núi Tam Đảo ở rìa đông bắc và dải núi Tản Viên ở rìa tây nam. Vùng đất tổ Phong Châu – Bạch Hạc (Phú Thọ) với trung tâm Việt Trì ở ngã ba Bạch Hạc, ngoảng mặt hướng biển, hậu chẩm xa là dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, mở lòng ra là sông Cà Lồ, sông Tích – sông Đáy…Đây quả là vùng “tích thủy – tụ nhân”, bảo đảm một viễn cảnh phát triển ngàn năm. Ngay từ buổi đồng thau, nhờ con sông Hồng và mạng lưới chi lưu, miền đất này đã là nơi hội tụ, tiếp xúc và giao lưu với lục địa phía Bắc, với vùng ven biển đông bắc Việt Nam và vùng ven biển đông nam Trung Hoa, với vùng Thanh – Nghệ và vùng Trường Sơn Đông – Tây…Đến với Phú Thọ, du khách có dịp tìm ra những lời giải đáp của quá khứ về văn hoá Việt Nam đi từ cội nguồn, được tự mình xới phủ các tầng văn hoá chồng phủ lên nhau, trong đó có tầng nền móng là cơ sở để đi từ văn hoá Văn Lang tới văn hoá Đại Việt. Theo con số thống kê, tỉnh Phú Thọ có tới 61 lễ hội dân gian cổ truyền, trong đó có 41 hội lễ liên quan đến tín ngưỡng phồn thực, 36 lễ hội gắn với thời đại Hùng Vương dựng nước. Ở nước ta, hiếm có vùng nào mà văn hoá ẩm thực, trò chơi dân gian lại có duyên gắn kết lâu bền với truyền thuyết lịch sử như ở Phú Thọ. Từ sự tích bánh trưng bánh dày, tục nấu cơm thi, thi làm bánh, nấu cỗ đến trò “linh tinh tình…phộc”, lễ mật múa điệu gà phủ, rước tiếng hú và múa “tùng – dí”, rước chúa trai, chúa gái…Không chỉ có vậy, Đất Tổ còn có những món ngon đặc sản như: bưởi Đoan Hùng, hồng Hạc Trì, hồng Gia Thanh, dứa Văn Lang, xoài Vân Du, quyết Đan Hạ…thơm ngon nổi tiếng. Ngoài “Cơm đồng Á, cá đồng Nung”, “cá đồng Meo, beo Yên Dưỡng”, “dứa Tam Nông, hồng huyện Hạc”, “bưởi Chí Đám, quýt Đan Hà”…, người Phú Thọ luôn tự hào về cá mắm thính Văn Lang, thịt chua Thanh Sơn, cá anh vũ sông Lô, cá nheo, cá trình sông Hồng, lợn lửng Tân Lập, măng gây, măng sặt, các món làm từ trám, món cá đốt, gỏi cá phảo, món cá chua, cơm non, ốc đá nấu củ kiệu, món rêu đá xứ Mường…, đều là những món ăn khoái khẩu. Mùa lũ về, ngã ba Bạch Hạc trông như một “vùng biển nội địa”: mặt nước mênh mông, sóng xô cuồn cuộn, ngầu đỏ phù sa; vào mùa cạn, dòng chảy hẹp lại, những bãi bồi nổi lên như những cù lao nhỏ. Phù sa sông Hồng – sông Đà – sông Lô đem lại màu xanh ngút ngát cho những vạt ngô, bãi mía để gọi từng đàn chim trời cá nước như cò giang, cò lửa, cá anh vũ, cá nheo…về tụ hội ở miền Đất Tổ. Ai mà chẳng muốn chiêm ngưỡng cảnh sắc “thần tiên” để được thả hồn tưởng tượng về sự tích “Cây chiên đàn” giữa bầy hạc trắng ở thuở hồng hoang.
MEN THEO DÒNG CHẢY SÔNG HỒNG
Có thể nói, sông Hồng là dòng sông lớn nhất, quan trọng nhất bồi đắp nên toàn bộ vùng châu thổ và chia châu thổ sông Hồng thành hai vùng Tả ngạn và Hữu ngạn. Chỉ riêng hệ thống đê chạy dọc sông Hồng cùng các chi lưu cũng đã xứng đáng lập hồ sơ trình Unesco xếp hạng là “di sản văn hoá nhân loại”. Căn cứ ghi chép của thần tích, truyền thuyết gắn với hệ thống di tích và thực tế địa thế, giới nghiên cứu đã phác thảo được đường tiến quân của Hai Bà xưa, có thể nghiêu cứu đưa vào khai thác du lịch: từ Hát Môn xuôi dòng sông Hồng, rẽ sang sông Đuống rồi vào sông Dâu mà đổ bộ vây thành Luy Lâu (còn gọi là La Lũ, Liên Thụ) – thủ phủ của bộ máy cai trị Đông Hán, khiến Tô Định phải cắt râu, cải trang, bỏ cả ấn tín mà chạy trốn. Vùng này có hai dòng sông lịch sử là sông Dâu – Thiên Đức và sông Phú Lương – Nguyệt Đức (sông Cầu), kết nối tự nhiên với sông Nghĩa Trụ. Sau khi nhận nước của sông Thiên Đức, tách khỏi sông Nhị (sông Hồng), sông Nghĩa Trụ chảy ngoằn ngoèo xuống tận vùng trũng Cẩm Giàng, Gia Lương giáp ranh xứ Bắc – xứ Đông. Vùng Hà Nội – Bắc Ninh – Bắc Giang còn có hệ sông Đuống “nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ” bao gồm sông Thiên Đức, sông Ngũ Huyện (sông Thiếp) chảy qua 5 huyện Yên Lãng, Đông Anh (Đông Ngàn), Từ Sơn, Tiên Sơn (Tiên Du). Hệ sông Cầu (Phú Lương hay Nguyệt Đức) bao gồm cả sông Thương, sông Lục Nam sau khi đón nhận nước của sông Tiêu Tương, Ngũ Huyện ở Qủa Cảm, sông Tào Khê ở Phú Lương, sông Thiên Đức, sông Đuống ở Phả Lại hội tụ với nhau ở Lục Đầu rồi qua xứ Đông (Hải Dương – Hải Phòng) mà đổ ra biển qua 5 cửa sông lớn nhỏ. Các trung tâm kinh tế – chính trị và văn hoá lớn, làng nghề đúc đồng, rèn sắt, nề, ngoã, mộc, chăn tằm dệt vải, nghề in mộc bản, nghề giày dép da; các làng văn hoá cổ kính, làng buôn bán nổi danh… được sinh ra từ nền văn minh Đại Việt cũng phần nhiều nằm ở trên bờ những dòng sông lớn nhỏ này. Cổ Loa ở bờ Hoàng Giang (Ngũ huyện khê), Luy Lâu ở bên bờ sông Dâu, Long Biên ở bên bờ sông Cầu (Tào Khê), chùa Phật Tích, hệ chùa Tứ Pháp, chùa Kiến Sơ (Phù Đổng), chùa Lục Tổ (Tiêu Sơn); hệ di tích, huyền thoại ông Đống – Đổng Thiên Vương…Cần nhấn mạnh rằng các ngã ba sông dọc, sông ngang của vùng châu thổ sông Hồng thường bao giờ cũng là những thị tứ – thị trấn, làng buôn, bến thị cổ sầm uất và những di tích văn hoá quan trọng của đất nước. Các đây 1.000 năm có lẻ, cuộc hành trình dời cố đô Hoa Lư về Thăng Long của vua tôi Lý Công Uẩn, nghe nói xuất phát từ nghềnh Tháp (Thành Ngoại của cố đô Hoa Lư) – nơi từ thời vua Đinh, thuỷ quân thường tập trận, rồi theo tuyến đường sông Hoàng Long – sông Đáy – sông Châu – sông Hồng để ra đất “Rồng bay”. Vậy nên, nếu tuyến đường thuỷ này được nghiên cứu và đưa vào khai thác chắc chắn sẽ thu hút được đông đảo du khách đến với Hoa Lư – Tràng An – Bái Đính. Lâu nay, người ta cứ đinh ninh rằng Đình Bảng – xứ Bắc là quê hương gốc của vương triều nhà Lý, nhưng ít ai có thể ngờ Kinh Bắc cũng là nơi có lịch sử hơn nghìn năm của thuỷ tổ các vua Trần. Nói quê của Trần Cảnh, vị vua sáng nghiệp triều Trần ở đất Thái Đường (xã Tiến Đức – huyện Hưng Hà), tỉnh Thái Bình không sai, nếu tính từ đời con cháu cụ Trần Tự Kinh (Trần Kinh) có một nhánh (bố con Trần Hấp và Trần Lý) di dời từ hương Tức Mặc – phủ Thiên Trường (vùng Mỹ Lộc, Nam Định) sang. Căn cứ vào gia phả họ Trần ở Lạc Dương do thống tôn đời 27 – hậu duệ của Trần Ích Tắc là Trần Định Nhân, chủ một quán cà phê ở thị trấn Lạc Dương, bên hồ Động Đình (Hồ Nam – Trung Quốc) còn lưu giữ được thì gốc tích xa xưa của họ Trần thuộc nhóm tộc người Bách Việt (khoảng 500 tộc người) đất Mân (Phúc Kiến – Trung Quốc). Điều này khá phù hợp với tài liệu dân tộc học đã chứng minh rằng: vào những năm trước công nguyên các cư dân sống ven biển từ Phúc Kiến – Quảng Đông – Hải Nam – Vịnh Bắc Bộ – ven biển miền Trung Việt Nam, phần lớn thuộc tộc Malayo Polésien (Mã Lai Đa đảo). Năm 227 trước Công nguyên, Phương Chính hầu Trần Tự Minh đang làm quan cho Triệu Đà (vua nước Nam Việt), vì mâu thuẫn với người Hán đã đem theo dòng người Bách Việt xuống phương Nam. Trần Tự Minh được An Dương Vương thu nạp, trở thành vị tướng tài ba, cùng Cao Lỗ giúp chống lại Triệu Đà. Khi thành Cổ Loa thất thủ, đất nước rơi vào tay cha con Triệu Đà, Trần Tự Minh lui về sống ẩn dật ở đất Kinh Bắc, hậu duệ phân ra nhiều nhánh, nhưng dòng thống tôn đến đời Trần Tự Viễn (582-637) nổi lên như một nhân tài kiệt xuất đất Giao Châu. Hồi ấy ở Từ Sơn có sư Pháp Hiền, đệ tử của Đại sư Tì-ni-đa-lưu-chi (Ấn Độ) đang dụng công truyền bá Thiền tông, thu nạp rất đông môn đệ. Lúc bấy giờ, Trần Tự Minh là một chú bé mồ côi chuyên kiếm củi gần chùa được Pháp Hiền thu nạp, cho học tam giáo (Nho, Phật, Lão) và truyền dậy võ nghệ. Sau nhiều năm tu luyện, Trần Tự Viễn trở thành môn đệ xuất sắc nhất của Thiền phái Vinitanuci và cũng rất nổi tiếng về võ công cao cường. Trần Tự Minh cùng anh em dòng tộc trong môn phái đem võ công của mình truyền dậy cho Phật tử và giúp dân chống lại ách cai trị hà khắc của nhà Tuỳ, nhà Đường. Dân khắp vùng đều sùng kính tôn ông là Phật sống. Phái võ này truyền đến đời Trần Tự An (1010-1077) được đặt tên là phái võ Đông – A (triết tự từ chữ “Trần” mà thành). Thuở ấy, Đại Việt có 3 phái võ nổi danh trên giang hồ: phái võ Lĩnh Nam xuất phát từ Mê Linh, sau lưu truyền quanh vùng Tam Đảo – Ba Vì; phái võ Hoa Sơn có nguồn gốc từ Kinh Bắc, rồi lan truyền ra Thăng Long và vùng phụ cận; phái võ Đông A của những người dân chài họ Trần của Tự Mai. Ba phái võ trên đều đầy lòng tự tôn dân tộc, nhưng có sự khác biệt về chủ trương nhập thế và đều muốn thống trị võ lâm nên thương hay xảy ra mâu thuẫn. Phái Lĩnh Nam sùng bái đạo Lão, hai phái Hoa Sơn và Đông A cùng ở địa bàn Kinh Bắc và cùng tín Thiền, song khác nhau về thân phận và võ thuật. Phái Hoa Sơn thuộc hoàng tộc nên lấn át phía Đông A và Lĩnh Nam về nhiều phương diện. Hồi ấy, phái Đông A có “Côi Sơn Tam Anh” – ba võ sư thượng thừa là Thanh Mai, Tự Mai, Thông Mai. Trước khi qua đời, Trần Tự An khuyên con trai là Trần Tự Mai nên tìm cách chuyển võ đường Đông A đi nơi khác để tránh xung đột với phái Hoa Sơn, có hại chung cho sự nghiệp võ lâm Đại Việt. Lúc đầu, Trần Tự Mai chuyển đến ở vùng Chí Linh – Đông Triều. Về sau phái võ Đông A theo các làng thuỷ cơ chuyên nghề đánh cá của dòng tộc xâm nhập sâu vào miền châu thổ sông Hồng khai khẩn đất hoang để định cư. Do đó miền Non Côi – sông Vị (sông Vị Hoàng) và miền Núi Đọi – Sông Châu (tức Hà Nam – Nam Định ngày nay) được coi là đất dấy nghiệp nhà Trần và là quê hương của họ Trần – một dòng họ dân chài cứ đâu có nước, có cá tôm thì đến. Còn đất Thái Bình là đất phát tích của triều Trần. Vậy nên, cứ theo đường chuyển cư của dòng họ Trần ta cũng xây dựng được những tour du lịch hấp dẫn. Trước hết, vùng Non Côi – sông Vị và miền Núi Đọi – sông Châu là dải đất được bao bọc bởi lưu vực của các dòng sông lớn: sông Hồng, sông Đáy, sông Châu, sông Vị Hoàng…những con sông đã đi vào lịch sử, thi ca. Non nước vùng này là nơi tập trung mật độ dày đặc những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử – văn hoá và lễ hội dân gian được liệt vào hàng “Vua biết mặt, nước nhớ tên” như: sóng nước rì rào đôi bờ sông Đáy lan tới tận chân các núi Bài Thơ, Cổ Động, vào tận hang Kẽm Trống, Địch Lộng; đền Bảo Lộc nằm bên bờ sông Châu; cách đê Nhị Hà chỉ chưa đầy 2 cây số đường chim bay là linh từ, cổ tự linh thiêng như: đền Trần Thương (xã Hưng Đạo, huyện Lý Nhân, Hà Nam), khu đền Trần – Chùa Tháp (Mỹ Lộc – Nam Định), chùa Keo làng Hành Thiện (Nam Định), chùa Keo làng Dũng Nhuệ (Thái Bình); rồi chùa Bi, chùa Cổ Lễ, hội Chợ Viềng…Ngày xưa, cứ vào dịp 20 tháng 8 âm lịch hàng năm, chỉ với thuyền đinh hay thuyền gỗ, thuyền nan tự chế mà hàng vạn khách hành hương ở khắp miền châu thổ Bắc Bộ có thể men theo các dòng sông về với cõi linh để chiêm viếng Đức Thánh Trần đủ một chu trình tròn tâm linh: “Sinh Kiếp Bạc, thác Trần Thương, quê hương Bảo Lộc” (đền Kiếp Bạc ở Chí Linh – Hải Dương, đền Trần Thương ở Lý Nhân – Hà Nam và đền Bảo Lộc ở ngoại thành Nam Định). Đồng bằng sông Hồng ở rìa đông bán đảo Đông Dương, nằm ở vị trí trung tâm khu vực Đông Nam Á (gồm cả lục địa và hải đảo) và trên điểm giao thoa Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Với vị thế ấy, từ xa xưa vùng ven biển đã là nơi hội tụ, giao lưu của các luồng văn hoá, thương mại giữa phương Đông – Phương Tây, giữa Trung Quốc – Ấn Độ, giữa Đông Nam Á lục địa – Đông Nam Á hải đảo. Các cửa sông thuộc hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình tiếp nhận nước từ miền rừng núi Tây Bắc, Việt Bắc đổ ra Biển Đông và cũng là những con sông từ biển có thể thâm nhập sâu vào nội địa của châu thổ sông Hồng, vùng trung du và miền núi phía Bắc. Từ xa xưa các tàu thuyền có trọng tải lớn muốn đi sâu vào trung tâm châu thổ sông Hồng vẫn thường chọn cửa sông Đáy (hay còn gọi là cửa Độc Bộ, mà người phương Tây phiên gọi là cửa sông Rockbok). Tuy nhiên đến khoảng thế kỷ XVI, XVII cửa Đáy cũng đã bị bồi lấp nhiều, các tàu thuyền lớn của phương Tây hầu như không qua lại nữa, mà dường như chỉ còn một ít thuyền nhỏ của Trung Quốc và Xiêm đôi khi qua lại cửa sông này mà thôi. Dựa vào tấm bản đồ nổi tiếng “Sông Đàng Ngoài từ Kẻ Chợ ra biển” (do một thương nhân người Anh vẽ), các nhà nghiên cứu địa lý – lịch sử cho rằng sông Đàng Ngoài thể hiện trong tấm bản đồ được coi là động mạch chủ của toàn bộ qua hệ giao thương giữa người Đàng Ngoài với người phương Tây nói riêng và người nước ngoài nói chung vào hồi thế kỷ XVII chắc chắn không đổ ra khu vực biển thuộc các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình hiện nay. Và giới nghiên cứu đã khẳng định sông Đàng Ngoài là đoạn sông Hồng chạy từ Hà Nội cho đến ngã ba Hải Triều, toàn bộ dòng sông Luộc đến ngã ba Quý Cao và đoạn tiếp theo là hạ lưu và cửa sông Thái Bình. Theo đó, khoảng thế kỷ XVII – XVIII, thuyền buôn phương Tây thương men đường biển phía Đồ Sơn đến bên ngoài cửa Văn Úc rồi mới vào cửa sông Thái Bình để ngược lên Phố Hiến và Kẻ Chợ. Nếu không thì phải vào cửa sông Cấm, sông Bạch Đằng hoặc sông Hoá để thâm nhập vào hệ thống sông Hồng… Về sản phẩm của các tour, tuyến du lịch đường sông vùng đồng bằng sông Hồng, các chuyên gia du lịch cho rằng: đôi bờ sông Cái (sông Hồng), có thành Đại La – Kinh kỳ Thăng Long – Hà Nội; xuôi xuống trấn Sơn Nam (Phố Hiến – Hưng Yên), từ thế kỷ XVI – XVIII có “thượng chí Tam Đằng (Xích Đằng, Man Đằng, Châu Đằng), hạ chí Tam Hoa (Hoa Dương, Hoa Cái, Hoa Điền)”, cũng tức là Vạn Lai Triều – Phố Hiến với “bên kia (hữu ngạn) là Bến Lảnh (Yên Lệnh), bên này (tả ngạn) Đền Mây (Xích Đằng, chợ Vạn)”. Vùng phủ Khoái Châu xưa, rất đậm đặc những “làng buôn”, “bến chợ” ở đôi bờ, suốt từ Mễ Sở, Phú Thị…xuôi xuống tận Hưng Yên – Phố Hiến; rồi bãi Tự Nhiên, đền Nhất Dạ – Dạ Trạch gắn với huyền tích Chử Đồng Tử – Tiên Dung, một trong “Tứ bất tử” của thần điện Việt Nam… Có lẽ hấp dẫn nhất đối với khách du lịch nước ngoài khi tham gia tour du lịch đường sông này là được tận mắt chứng kiến phong cảnh làng quê thuần Việt đẹp đẽ và thanh bình, được trải nghiệm cuộc sống bộn bề của cư dân bản địa, hay tắm mình trong không khí hội hè, khám phá về phong tục, tập quán, thói quen, hoặc thức thú ẩm thực dân dã…Và chắc chắn họ sẽ rất thích thú khi được sống với những người thợ thủ công tài hoa ở các làng nghề làm gốm: Bát Tràng, Chu Đậu, Hợp Lễ, Luy Lâu…Rồi lại được nghe hát chèo, ca trù, quan họ…do các nghệ nhân làng nghề biểu diễn, tuy còn thô mộc, nhưng đó là thứ nghệ thuật nguyên gốc, thứ thiệt…
Trần Phương