Sản xuất – kinh doanh dịp Tết: Nơi chủ động, chỗ cầm chừng

Dịp tết Nguyên đán luôn là thời điểm kinh doanh sôi động nhất trong năm. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất – kinh doanh (SX-KD) tăng doanh thu, bù lại những tháng thấp điểm. Do đó, hiện nay các đơn vị đều đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng kịp thời các đơn đặt hàng, đảm bảo nguồn cung phục vụ người tiêu dùng dịp Tết.

CHỦ ĐỘNG TĂNG NGUỒN HÀNG

Nắm bắt nhu cầu tiêu thụ bia tăng trong những ngày Tết nên ngay từ tháng 11/2022, Nhà máy bia Sài Gòn – Bạc Liêu liên tục chạy hết công suất để đảm bảo tiêu thụ trong dịp này. Ông Huỳnh Vạn Đồng – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần bia Sài Gòn – Bạc Liêu, cho biết: “Vượt qua nhiều khó khăn, năm 2022, nhà máy sản xuất được 28 triệu lít bia (tăng 400.000 lít so với năm 2021) và hoàn thành 80% kế hoạch. Nhằm kích cầu tiêu dùng dịp Tết, công ty đã đưa ra nhiều chương trình kích cầu, khuyến mại hấp dẫn cho các nhà phân phối”.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần thương nghiệp Cà Mau – Chi nhánh Bạc Liêu đã tăng nguồn dự trữ hàng hóa cung ứng thị trường Tết với kinh phí gần 95 tỷ đồng. Theo ghi nhận, tại kho hàng của Chi nhánh đặt ở phường Hộ Phòng (TX. Giá Rai), không khí lao động của nhân công khá khẩn trương, lượng hàng hóa nhập, xuất những ngày qua khá nhiều để cung ứng cho địa bàn TX. Giá Rai và huyện Đông Hải. Anh Bùi Văn Chắc – Cửa hàng trưởng Cửa hàng công nghệ thực phẩm Công ty Cổ phần thương nghiệp Cà Mau – Chi nhánh Bạc Liêu tại Hộ Phòng, cho biết cửa hàng đang kinh doanh hơn 10 ngành hàng, sức mua tăng chủ yếu ở các mặt hàng phục vụ Tết như: dầu ăn, bánh, mứt, đường, mì gói… Mấy ngày qua, nhân công phải làm việc liên tục để kịp cung ứng hàng hóa cho các nhà phân phối, các mối sỉ và lẻ.

Nắm bắt nhu cầu sử dụng các sản phẩm muối làm quà tặng sẽ tăng trong những ngày Tết, Công ty Cổ phần Muối Bạc Liêu chủ động SX-KD các sản phẩm muối theo combo dùng làm quà tặng, vừa giúp công ty tăng doanh thu, vừa muốn đem đến nguồn thực phẩm chất lượng, an toàn với từng gia đình trong những ngày Tết.

Nhân viên Công ty Cổ phần thương nghiệp Cà Mau – Chi nhánh Bạc Liêu vận chuyển hàng hóa cho các nhà phân phối. Ảnh: T.Q

SỨC MUA CÒN YẾU

Bên cạnh không khí nhộn nhịp tăng ca sản xuất hàng Tết, nhiều DN, cơ sở SX-KD vẫn còn  tâm lý e dè, chưa dám bung hết công suất, mà chỉ sản xuất theo đặt hàng và dự trữ sẵn nguyên liệu để sẵn sàng tăng tốc nếu thị trường cuối năm có dấu hiệu khởi sắc.

“Việc lên kế hoạch sản xuất cho mùa Tết năm nay khá khó khăn, nhiều người làm ăn chật vật nên có tâm lý “thắt lưng buộc bụng”. Đến thời điểm này mà thị trường khá vắng, nên tôi chỉ sản xuất cầm chừng, vừa làm vừa theo dõi tình hình, tùy cơ ứng biến”, anh Vưu Vĩnh Phương Khoa – chủ Cơ sở sản xuất bánh đậu xanh Hương Sen, chia sẻ.

Cùng tâm lý trên, anh Tuấn Khanh – chủ Cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh Tuấn Khanh (TX. Giá Rai), cho biết: “Trung bình mỗi ngày cơ sở tôi xuất gần 1 tấn thịt trâu, bò, gà, các loại chả, nem. Tuy Tết đã cận kề nhưng đến nay, số lượng người đặt hàng vẫn không tăng, do đó tôi chỉ dự trữ thêm khoảng 5%, nghe ngóng sức mua rồi mới dám nhập hàng thêm”.

Ghi nhận tại các chợ truyền thống trong tỉnh, hiện lượng người đi mua sắm rất thưa thớt, không tăng so với ngày thường. Lo ngại sức mua yếu nên các tiểu thương chỉ nhập lượng hàng vừa phải để tránh tình trạng… ôm hàng. Theo các tiểu thương, đối với chợ truyền thống, thông thường phải đến 27 Tết sức mua mới tăng nhiều, vì vậy họ hy vọng lượng người đến chợ tăng giúp họ có mùa kinh doanh “bội thu”.

Chủ động đẩy mạnh sản xuất, cung ứng hàng hóa của các đơn vị kinh doanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá cả hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình hình mua sắm của người tiêu dùng trong thời điểm hiện nay vẫn chưa tăng cao, sức mua thị trường Tết năm nay vẫn còn là một “ẩn số”, do đó các DN, cơ sở SX-KD đang đánh giá lại chi phí đầu vào, nguồn nguyên liệu, dự đoán sức mua rồi mới lên kế hoạch cụ thể về sản lượng, giá cả hàng tết, tránh bị tồn kho, chôn vốn. 

MINH LUÂN