Sáng rõ giá trị lịch sử, văn hóa Óc Eo

leftcenterrightdel

Lễ công bố kết quả thực hiện đề án Khảo cổ học văn hóa Óc Eo có sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học.

Thông tin trên được Viện nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam báo cáo trong Lễ công bố kết quả thực hiện đề án Khảo cổ học văn hóa Óc Eo và ra mắt cuốn sách “Văn hóa Óc Eo – những phát hiện mới khảo cổ học tại di tích Óc Eo – Ba Thê và Nền Chùa 2017-2020”, diễn ra sáng 25-3 tại Hà Nội.

Những phát hiện mới về văn hóa Óc Eo

Văn hóa Óc Eo là một trong 3 nền văn hóa cổ đại trên đất nước Việt Nam, bao gồm: Đông Sơn ở miền Bắc, Sa Huỳnh ở miền Trung và Óc Eo ở Nam bộ. Di tích văn hóa Óc Eo được khai quật lần đầu tiên vào năm 1944, bởi nhà khảo cổ học Pháp Louis Malleret tại một gò đất cao trên cánh đồng phía đông nam núi Ba Thê (hiện thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang).

Cho tới nay, những kết quả nghiên cứu của giới chuyên gia khảo cổ học trong nước và quốc tế đã hé mở nhiều cánh cửa khoa học về nguồn gốc, nội dung, tính chất của nền văn hóa cổ Óc Eo. Nhờ vậy, những hiểu biết về quá khứ của vùng đất Chín Rồng dần dần được sáng tỏ; thông qua các nghiên cứu, khảo cổ học, các nhà khoa học đang làm sống dậy những giá trị của tinh hoa văn hóa nhân loại và gắn cho nền văn hóa này hơi thở của cuộc sống thời đại.

leftcenterrightdel

 Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc bằng đá granite có niên đại thế kỷ III-IV được công nhận Bảo vật Quốc gia.

Kết quả khai quật đã phát hiện được nhiều vấn đề khoa học mới, minh chứng rõ ràng và thuyết phục hơn về đặc điểm, tính chất của “đô thị cổ” trên cánh đồng Óc Eo vốn là nơi tụ cư ven kênh rạch với sinh kế nông nghiệp và thương nghiệp nổi trội, có mối giao lưu văn hóa, thương mại hàng hải rất phát triển, liên kết nhiều khu vực trên thế giới thời bấy giờ. Bên cạnh đó, kết quả khai quật tại núi Ba Thê cũng đã phát hiện một quần thể di tích kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng có quy mô lớn đưa lại một bức tranh khá sinh động về trung tâm tôn giáo lớn của vương quốc Phù Nam và đời sống sinh hoạt văn hóa rất đặc sắc của đô thị cổ Óc Eo trong lịch sử.

Từ những phát hiện và nghiên cứu mới này, Óc Eo – Ba Thê và Nền Chùa được xem như là một phức hợp đô thị cổ và có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành vương quốc Phù Nam – quốc gia cổ đại này đã từng phát triển một cách rực rỡ, trở thành đầu mối thương mại và giao lưu quốc tế quan trọng trên biển, ảnh hưởng trực tiếp, mạnh mãnh mẽ đến tất cả các quốc gia Đông Nam Á, tồn tại từ đầu Công nguyên cho đến thế kỷ VII.

Phát biểu tại lễ công bố, PGS, TS Bùi Nhật Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho viện tổ chức thực hiện Đề án “Nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo – Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam Bộ)”. Tham gia thực hiện đề án là 3 đơn vị hàng đầu về khảo cổ học: Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Khảo cổ học và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ. Kết quả nghiên cứu này cho thấy, đề án nghiên cứu văn hóa Óc Eo của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thiết thực trong việc nghiên cứu xây dựng hồ sơ khoa học đề cử UNESCO xem xét công nhận Khu di tích khảo cổ học Óc Eo – Ba Thê là di sản văn hóa thế giới trong tương lai.

Hướng tới di sản thế giới

Ngày 23-1-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 115/QĐ-TTg về việc Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê. Theo đó, tổng diện tích quy hoạch là 433,2 ha bao gồm: Khu A – “Trung tâm Tôn giáo Óc Eo” tại sườn và chân núi Ba Thê; Khu B – “Trung tâm đô thị cổ Óc Eo” tại cánh đồng Óc Eo. Quy hoạch cũng đề cập cụ thể đến các phân khu chức năng; không gian bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch; hạ tầng kỹ thuật.

leftcenterrightdel

Nhẫn Nandin Giồng Cát bằng vàng có niên đại thế kỷ V được công nhận Bảo vật Quốc gia.

PGS, TS Tống Trung Tín nêu rõ, kết quả khai quật cho phép hình dung đời sống xưa của cư dân Óc Eo cùng môi trường sống của họ. Đây là minh chứng sống động cho tiêu chí 5 – tiêu chí giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản trong quá trình hoàn thiện hồ sơ di sản trình UNESCO. Đặc biệt, quá trình khai quật đã đem lại cho đất nước thêm hai Bảo vật Quốc gia, được Chính phủ công nhận năm 2021, gồm: Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc bằng đá granite có niên đại thế kỷ III-IV, được phát hiện trong cuộc khai quật khảo cổ ở di tích Linh Sơn Bắc năm 2019, thuộc Quần thể di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê và nhẫn Nandin Giồng Cát bằng vàng có niên đại thế kỷ V, được phát hiện trong cuộc khai quật tại di tích Gò Giồng Cát năm 2018.

Trong năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam gửi Báo cáo tóm tắt Hồ sơ Khu Di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê, tỉnh An Giang tới Trung tâm Di sản thế giới UNESCO để đề nghị đưa vào Danh sách dự kiến lập hồ sơ di sản thế giới.

Ngày 4-1-2022, UNESCO chính thức đưa hồ sơ Khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê vào danh sách dự kiến lập hồ sơ Di sản văn hóa Thế giới. Hồ sơ di sản khẳng định những giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học tiêu biểu cho một trong những nền văn minh cổ đại đã biến mất.

leftcenterrightdel

 Cuốn sách giới thiệu toàn bộ quá trình nghiên cứu, khảo cổ và khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa Óc Eo.

Tại lễ công bố, ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang khẳng định, kết quả thực hiện Đề án có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc nghiên cứu làm sáng rõ vị trí, vai trò và các giá trị cơ bản của khu di tích Óc Eo – Ba Thê và Nền Chùa trong lịch sử văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam.

Đối với tỉnh An Giang, với vai trò là địa phương trung tâm của nền văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ. Thời gian qua đã được lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo bằng nhiều chủ trương và được các sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện đã hỗ trợ trong quản lý, hoạt động và đầu tư phát triển. Từ khi được xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt (2013) cho đến nay, tỉnh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho phát triển cơ sở hạ tầng tại khu di tích Óc Eo – Ba Thê. Thời gian tới tiếp tục sẽ có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chuyên môn và các cấp chính quyền trong tỉnh cùng thực hiện quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị các di sản văn hóa, trong đó có các di tích văn hóa Óc Eo.

Đến nay, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) đã hướng dẫn cho tỉnh An Giang xây dựng “Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư”, trong kế hoạch trung hạn 2021-2025 và đã gửi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, với khái toán nguồn vốn trị giá hàng trăm tỷ đồng, đang được lấy ý kiến của các cơ quan Trung ương để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

VƯƠNG HÀ

Xổ số miền Bắc