Sao phải căng thẳng với những câu hỏi kém duyên ngày Tết
‘Thay vì giận dữ, cáu gắt, hay lảng tránh những câu hỏi lương thưởng, chồng con, tôi lại thấy biết ơn người đối diện vì đã quan tâm đến mình’.
“Dạo này tăng cân à?”, “có người yêu chưa?”, bao giờ đẻ?”, “lương thưởng thế nào?”… những câu hỏi kém duyên như vậy vẫn thường xuyên xuất hiện mỗi dịp lễ Tết hằng năm. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách ứng xử, đáp trả trước những câu hỏi soi mói về đời tư cá nhân – vốn là thói quen khó bỏ của nhiều người Việt. Vậy chúng ta nên tỏ thái độ ra mặt, công khai phản ứng lại với người hỏi, hay cố gắng nhẫn nhịn, chịu đựng hết lần này đến lần khác?
Độc giả Fool cho rằng, thứ cần thay đổi trước tiên chính là thái độ tiếp nhận câu hỏi của mỗi người: “Tôi thường cố gắng đáp lại những câu hỏi vô duyên một cách chung chung nhất có thể và sau đó lờ đi những câu hỏi này nếu người ta cố gặng hỏi nữa. Tôi không ngại tỏ ra thô lỗ, kể cả với người thân nếu họ không tế nhị với mình. Chỉ cần tỏ thái độ một lần, bạn sẽ không bị quấy rầy nữa. Còn nếu bạn cứ cam chịu nghe và trả lời những câu hỏi vô duyên như thế thì họ sẽ còn hỏi mãi.
Đây là một số cách trả lời của tôi với những câu hỏi kém duyên, để các bạn tham khảo:
1. Lương của cháu được bao nhiêu?
– Cũng đủ ăn ạ.
2. Bao giờ đẻ đứa nữa?
– Trời cho lúc nào biết lúc ấy ạ.
3. Để dành được bao tiền rồi?
– Cũng tàm tạm ạ.
4. Giúp được cha mẹ cái gì chưa?
– Nhiều ạ”.
Đồng quan điểm, bạn đọc Phoenixvn chia sẻ: “Tôi cũng gặp không ít những câu hỏi kiểu như vậy. Ai hỏi chuyện sinh đẻ, tôi đáp: ‘Cháu sắp rồi, đang lên kế hoạch ạ’. Ai hỏi chuyện làm ăn, lương thưởng, tôi nói: ‘Tốt lắm ạ, cháu đang tìm mua thêm mấy cái nhà nữa’. Ai hỏi sao kiếm tiền giỏi thế, tôi tỉnh bơ: ‘Bí mật kinh doanh không nói được ạ’. Ai đề cập chuyện béo, gầy thì càng đơn giản: ‘Cháu đang cố tăng thêm mấy kg nữa chứ béo gì’ hay ‘dịch dã đói quá nên cháu gầy’….
Còn ai hỏi chuyện người yêu, lấy vợ, tôi chỉ nói thằng: ‘Cháu đang chọn ạ, chắc cuối năm’… Nói chung, đa phần người ta hỏi cho vui, cho có câu chuyện để nói thôi, chứ chẳng ai quan tâm thật đâu, nên các bạn cũng chẳng cần để tâm hay kể lể, trình bày nhiều làm gì. Tết là phải cười chứ không nên bực tức”.
>> Treo biển ‘ăn Tết văn minh không hỏi bao giờ lấy chồng?’
Cho rằng nên thông cảm thay vì khó chịu, căng thẳng với những người hay hỏi kém duyên, độc giả Vodaitungds nêu quan điểm sống: “Với những người có thói quen đặt câu hỏi soi mói, vô duyên, tôi có quan điểm là nên thông cảm với họ. Đơn giản vì họ là những người ngoài, chẳng hiểu gì về cuộc sống của tôi cả. Họ cũng có những khó khăn này kia, sống theo bản năng mà thôi. Thực ra, họ đâu chỉ hỏi mỗi tôi.
Từ xưa đến nay, với câu nào tôi cũng đối đáp được, tùy theo mức độ vô duyên của câu hỏi. Ví dụ: hỏi lương thưởng, tôi nói ‘cũng trung bình như mọi người khác, không cao cũng chẳng quá thấp’; hỏi béo thì tôi nói là ‘do người thân nuôi tốt’ hoặc ‘thấy vẫn bình thường, nhưng chắc do các bác dao này tuổi hơi cao nên mắt không còn tinh nên nhìn ra vậy”… Và tôi cũng không bao giờ chia sẻ, khoe khoang gì nhiều với những người như vậy”.
Ủng hộ quan điểm không chấp nhặt những câu hỏi vô duyên ngày Tết, độc giả Duc Phan kết lại: “Ngày trước tôi cũng suy nghĩ theo kiểu nặng nề, rất khó chịu khi bị hỏi những câu vô duyên. Nhưng giờ, đứng trước những câu hỏi kiểu ấy, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là sự cảm ơn người đối diện vì họ đã quan tâm đến mình. Sự giận dữ, cáu gắt, lảng tránh ngày nào giờ cũng dần biến mất.
Có lẽ càng sống lâu thì cái tâm càng tĩnh hơn. Dù cho họ cố tình soi mói đi nữa, thì tôi cũng vẫn cười. Động cơ của họ chẳng qua cũng chỉ là sự tò mò mà ai cũng có mà thôi, chứ đâu có ác ý gì. Hơn nữa, cũng chỉ là chuyện phiếm ngày Tết thôi mà. Đôi khi, chính cách suy diễn của chúng ta về sự việc khiến chúng ta cảm thấy mình bị áp lực”.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.