“Sập bẫy” Bitcoin sẽ không được pháp luật bảo vệ ở Việt Nam – Hànộimới
Đồng tiền ảo Bitcoin hồi đầu tháng Chín đã tăng lên mức giá kỷ lục lần đầu tiên đạt trên 5.000 USD/Bitcoin, như vậy, đồng Bitcoin đã tăng giá đột biến so với mức giá chỉ 1.000 USD hồi đầu năm. Đồng Bitcoin cũng vốn nổi tiếng về sự thất thường khi đã từng chứng kiến tăng gấp 10 lần từ 100 USD vọt lên 1.000 USD năm 2013.
(Nguồn: coindesk.com)
Tuy nhiên, trong vài ngày gần đây, đồng Bitcoin đã giảm giá khá mạnh trên thị trường khi các nhà đầu tư bán tháo và hiện đang giao dịch ở mức giá 3.855 USD. Những tín hiệu tiêu cực từ Trung Quốc lên tiếng dẹp thị trường Bitcoin hay những chỉ trích của CEO JPMorgan về Bitcoin đã khiến cho đồng tiền ảo này rớt thảm. Mặc dù vậy, đây vẫn là đồng tiền ảo được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Là một thực thể toàn cầu và không chịu sự kiểm soát của một Chính phủ nào, đồng Bitcoin ngày càng thu hút nhiều nhà đầu cơ chấp nhận rủi ro.
Không phải là “con gà đẻ trứng vàng”
Tại Việt Nam, đồng Bitcoin được nhiều người quan tâm từ năm 2013 và rầm rộ hơn từ năm 2014 trở lại đây. Nhiều cuộc hội thảo đã được diễn ra nhằm lôi kéo mọi người bỏ tiền thật mua tiền ảo để trở thành “triệu phú, tỷ phú”.
Chính vì vậy, đã có nhiều người dân vì nhẹ dạ, cả tin vào lời hứa hẹn về giấc mơ đổi đời của những kẻ tổ chức đường dây mua bán tiền ảo Bitcoin, Onecoin mà phải tán gia bại sản.
Chị Nguyễn Thu Thủy (Hoàng Mai – Hà Nội) cho biết, chị có người họ hàng ở trong TP Hồ Chí Minh rất nhiều lần gọi điện ra rủ chị chơi Bitcoin và cũng đã vẽ ra “giấc mơ tỷ phú” cho chị. Khi không thuyết phục được chị chơi, người này quay ra nói “cứ bám vào đồng lương thì đến khi nào mới giàu được, không nhìn thấy người ta nhà lầu, xe hơi đầy đường hay sao”. Mặc dù vậy, chị Thủy vẫn kiên quyết không tham gia.
Tuy nhiên, không phải ai cũng tỉnh táo được như chị Thủy, anh Vũ Văn Long (tỉnh Gia Lai) cho biết, đầu năm 2015, anh được một số người tư vấn tham gia vào sàn giao dịch ngân hàng này kiếm tiền lãi rất nhanh mà không phải bỏ nhiều công sức nên cũng tò mò thử cho biết.
“Ban đầu, tôi chỉ tham gia với gói 10 triệu đồng, sau đó thấy nhận được tiền lãi nhanh chóng lại không mất công sức gì nên đã vay nóng hơn 200 triệu để đầu tư. Ai ngờ hơn 1 tháng sau, sàn giao dịch này bỗng dưng biến mất. Giờ tiền lãi đâu chả thấy, tiền gốc cũng mất mà chẳng biết đòi ai”, anh Long buồn bã nói.
Theo điều tra của Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao (PC50) – Công an thành phố Hà Nội, hầu hết những người tham gia dễ bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo vào đường dây này là do bị “đánh” vào lòng tham với tâm lý “không làm gì mà cũng có tiền”.
Hình thức huy động vốn đầu tư tiền ảo cũng được sử dụng như bán hàng đa cấp. Ban đầu, có thể đối tượng trả lãi cho các nhà đầu tư rất sòng phẳng, nhưng khi nhà đầu tư “dính bẫy”, đầu tư số tiền lớn vào tiền ảo thì đối tượng điều hành sẽ đánh sập hệ thống, xóa dữ liệu và chiếm đoạt tiền của khách hàng rồi biến mất.
Cụ thể như, để tham gia vào hệ thống, thành viên đóng tiền bước đầu tối thiểu 1 Bitcoin (giá trị xấp xỷ khoảng 10 triệu đồng) và sẽ nhận được lợi nhuận ngày 1%/tháng, lợi nhuận tháng 30%/tháng, lợi nhuận sau 3,5 năm là hơn 1 triệu USD.
Ngoài ra, các đối tượng còn “khuyến khích” các thành viên tham gia gói giá trị cao để nhanh chóng thu được lợi nhuận. Nếu tham gia gói 200 triệu đồng thì sau 3,5 tháng thành viên đã được gấp đôi là 400 triệu đồng và rút hoàn vốn 200 triệu đồng ngay, nếu tiếp tục đầu tư sau 3,5 năm thành viên sẽ có gần 100 triệu USD lợi nhuận.
Đầu năm 2017, PC50 đã tiếp nhận hàng chục đơn tố cáo của các cá nhân về việc họ bị chiếm đoạt khoảng 30 tỷ đồng vì tham gia đầu tư tiền ảo Bitcoin. Cơ quan công an đã bắt một số đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan tới tiền ảo.
Công an tỉnh Gia Lai cũng đã tiếp nhận hàng trăm người đến trình báo về việc bị dụ dỗ tham gia vào mô hình giao dịch tiền ảo đa cấp với tên gọi là “ngân hàng cộng đồng Bitcoin” với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Hay như C50-Bộ Công an phối hợp Công an tỉnh Đồng Nai đã triệt phá đường dây huy động vốn công nghệ cao với số tiền chiếm đoạt lên đến 140 tỷ đồng, đồng thời bắt giữ đối tượng cầm đầu Nguyễn Minh Phương (39 tuổi, trú tại thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai), cùng hai đồng phạm.
Được biết, không chỉ tại địa bàn tỉnh Gia Lai, mà nhiều người dân tại địa bàn các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự.
Sẽ xiết chặt quản lý Bitcoin
Cuối tháng 8, tiền ảo tại Việt Nam được dư luận đặc biệt quan tâm hơn khi Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.
Đề án nêu rõ báo cáo đánh giá thực trạng để sửa đổi khung pháp lý cần hoàn thành trước tháng 8-2018 và đến cuối năm 2018 phải xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo. Đồng thời, đến tháng 6-2019 cần xong hồ sơ đề nghị xây dựng khung pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo. Ngoài ra, những đề xuất để phòng, chống xử lý các vi phạm liên quan đến loại hình tiền tệ này cũng được Chính phủ giao hoàn thành trước tháng 9-2019.
Ngay lập tức, giới đầu tư tiền ảo rộ lên ý kiến, hình thức tiền ảo như Bitcoin sẽ được Việt Nam thừa nhận và sớm chỉnh sửa khung pháp lý để có hình thức quản lý phù hợp.
Tuy nhiên, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước – cơ quan quản lý về tiền tệ lại khác.
Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, không chỉ bây giờ mà cách đây 3 năm, Ngân hàng Nhà nước đã có thông cáo báo chí về Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác, trong đó khẳng định: Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
“Việc sở hữu, mua bán, sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ”, ông Sơn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Sơn, để hoàn thiện Đề án Chính phủ giao, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành theo dõi, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn của Việt Nam đề xuất các biện pháp và chính sách hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và quản lý đối với tiền điện tử cũng như phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành để đề xuất biện pháp quản lý phù hợp đối với tài sản ảo, tiền ảo trong thời gian tới theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Thanh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, điều này là cần thiết và kịp thời. Bởi xét ở góc độ nào đó một khi các loại tiền ảo tăng trưởng nhanh thì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tổng phương tiện thanh toán quốc gia, qua đó cũng có tác động đến lãi suất thị trường, tăng trưởng kinh tế và lạm pháp. Đấy là chưa nói đến các loại tội phạm như rửa tiền, buôn bán ma túy, trốn thuế, thực hiện các giao dịch phi pháp khác… qua các hình thức tiền ảo này.
Công an cũng khuyến cáo người dân không nên tham gia giao dịch, thanh toán tiền ảo trên mạng không thông qua hệ thống tổ chức tín dụng, tránh trở thành nạn nhân của tội phạm. Người tham gia giao dịch, thanh toán tiền điện tử nếu gặp rủi ro hoặc xảy ra tranh chấp sẽ không được pháp luật bảo vệ, thậm chí còn liên đới chịu trách khi giao dịch với tội phạm.