Sau sự sụp đổ của sàn giao dịch FTX, tiền điện tử đang tìm kiếm “niềm tin”

BNEWS

Những cuộc khủng hoảng xảy ra vào năm 2022 dường như đã làm mất niềm tin đối với những hứa hẹn ban đầu về tiền điện tử và thế giới tài chính kỹ thuật số.

Nhận định về xu hướng phát triển của thị trường tiền điện tử sau khi sàn giao dịch tiền điện tử FTX tuyên bố phá sản, nhật báo Le Monde cho rằng, với sự sụp đổ về giá các đồng tiền điện tử, sự phá sản hàng loạt của các sàn giao dịch, cùng những vụ gian lận khác… năm 2022 là một năm đầy thách thức đối với hệ sinh thái chuỗi khối (blockchain). Khủng hoảng “trưởng thành” đối với một số nền tảng, khủng hoảng “hiện sinh” đối với một số khác, các sự kiện mới đây đang đặt ra câu hỏi về sự tồn tại của lĩnh vực tiền điện tử này.

Sự sụp đổ niềm tin?
Được tuyên bố là đã “chết” 469 lần, theo số liệu thống kê từ trang Cáo phó bitcoin (Bitcoin Obituaries), đồng bitcoin đã có mức tăng 36% về giá trị kể từ đầu năm 2023. Sự bùng nổ tuy vậy vẫn còn rất xa mới có thể bù đắp được mức giảm chóng mặt 70% mà bitcoin phải hứng chịu vào năm 2022, hay các vụ phá sản liên tiếp và các vụ bê bối chưa từng thấy đã tàn phá lĩnh vực tiền điện tử trong 12 tháng qua.
Vào tháng 2/2022, tập đoàn công nghệ Meta (trước đây là Facebook) đã chôn vùi vĩnh viễn dự án tiền điện tử toàn cầu của riêng mình mang tên Libra. Đến tháng 5/2022, một trong những loại tiền tệ quan trọng nhất trong thế giới tiền điện tử, terra-luna, đã sụp đổ, kéo theo sự tan vỡ của một số nền tảng tài chính phi tập trung như Celsius. 
Thậm chí tháng 11/2022, thị trường tiền điện tử đã phải hứng chịu một đòn chí tử khi nền tảng giao dịch FTX phá sản, khiến hơn 1 triệu khách hàng không thể lấy lại tiền của họ. Các vụ phá sản dự kiến còn tiếp tục xảy ra, bao gồm cả vụ sập sàn Genesis vào ngày 19/1 vừa qua. Tất cả đang dẫn đến một cuộc khủng hoảng niềm tin chưa từng có.
Những cuộc khủng hoảng xảy ra vào năm 2022 dường như đã làm mất niềm tin đối với những hứa hẹn ban đầu về tiền điện tử và thế giới tài chính mới mà những người ủng hộ nó đã tâng bốc. Trên lý thuyết, bitcoin là một mạng thanh toán chỉ do cá nhân người dùng quản lý mà không có sự can thiệp của bất kỳ cơ quan quản lý nào. Không cần đến ngân hàng để gửi tiền sang bên kia Trái Đất hoặc mua hàng trên Internet. Chính mã máy tính quy định luật chơi và chính công nghệ blockchain đảm bảo rằng không có bên liên quan nào có thể can thiệp.
Tuy nhiên, triển vọng phi tập trung hóa có vẻ chỉ là tương đối, nếu đánh giá về sức nặng rất đáng kể mà nền tảng FTX đã phải gánh chịu trước khi sụp đổ. Chuyên gia tư vấn tài chính Christian Pfister cho biết: “Trong tình hình thực tế hiện nay, phi tập trung hóa là một chuyện hoang đường. Việc xác thực các giao dịch bitcoin (hay việc khai thác tiền điện tử) ngày càng tập trung vào một số ít người chơi và ngay cả các thuật toán phi tập trung nhất, trên thực tế, cũng được điều hành bởi một số ít người trong cuộc, những người làm giàu cho chính họ trên đường đi. Đằng sau cỗ máy, lòng tham của con người vẫn không hề biến mất mà nó chỉ thay đổi bộ mặt.
Các cuộc khủng hoảng đã khiến niềm tin đã bị lung lay sâu sắc ở nhiều cấp độ. Đầu tiên là của những người chơi tiền điện tử và các nhà tài trợ của họ. Trong khi niềm tin của họ vào công nghệ vẫn còn nguyên vẹn thì khả năng đánh giá tính xác thực của các đối tác vẫn đang là thách thức đối với họ. Đó là lý do giải thích việc số tiền đóng góp của các nhà đầu tư mạo hiểm cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực tiền điện tử đã bốc hơi trong nửa cuối năm 2022.
Tiếp đến là những người tiết kiệm, bị ảnh hưởng gấp đôi bởi sự sụt giảm giá và bởi việc không thể lấy lại được tiền của mình khi là khách hàng của một nền tảng phá sản. Các diễn đàn trao đổi trực tuyến tràn ngập lời chứng thực từ những người môi giới chứng khoán đã bán ô tô, rút sạch từ tài khoản tiết kiệm Livret A của họ, thậm chí vay mượn người thân để đầu tư, hoặc từ những người tuyệt vọng và xấu hổ vì đã mất tất cả. Giáo sư kinh tế học Jean-François Ponsot tại Đại học Grenoble-Alpes phân tích: “Nhiều người nắm giữ tiền điện tử nhỏ lẻ, thường còn trẻ và có ít văn hóa tài chính, đã mất không chỉ tiền tiết kiệm mà còn mất niềm tin vào một xã hội gần như vô chính phủ do thế giới tiền điện tử thúc đẩy”.
Bong bóng Internet và khủng hoảng truyền thống
Lời hứa về sự minh bạch hoàn hảo dường như cũng không còn sức nặng. Trong khi người gửi tiền không bao giờ biết chính xác ngân hàng đang làm gì với tiền của họ, thì công nghệ đứng sau bitcoin được cho là có thể cung cấp khả năng hiển thị điều đó. Tất cả các giao dịch tiền điện tử đều công khai và có thể theo dõi. Nhưng điều này dường như cũng không ngăn chặn được vô số vụ lừa đảo mà FTX bị cáo buộc và người chơi tiền điện tử sử dụng dịch vụ của họ đã không thể nhìn thấy.
Claire Balva, nhà tư vấn độc lập, chỉ rõ: “FTX là một nền tảng tập trung và do đó, theo định nghĩa, không thể hiện tính minh bạch hoàn toàn. Nhưng một phần hoạt động của nó, chẳng hạn như mã thông báo riêng mà nó đã phát hành và mang lại quyền lợi nhất định, có thể nhìn thấy qua chuỗi khối. Chúng ta có thể đã thấy mức độ phụ thuộc của một số người chơi vào FTX. Tuy nhiên, trong giai đoạn hưng phấn dẫn dắt năm 2022, tính minh bạch này đã không được tính đến”.
Các chấn động mà lĩnh vực tiền điện tử đã trải qua vào năm 2022 mạnh hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng ghi dấu lịch sử của tài chính truyền thống. Didier Lallemand, Giám đốc điều hành SoGé Ventures, chi nhánh đầu tư vào các công ty khởi nghiệp của ngân hàng Societe Generale, lý giải : “Năm ngoái, chúng ta đã chứng kiến sự lặp lại của các hình thái đã tồn tại cách đây 10, 20 hoặc 30 năm trên các thị trường khác, khi mà chúng chưa được quản lý’”. Có rất nhiều điểm tương đồng.
Việc sử dụng thuật toán làm nền tảng cho tiền tệ terra, trước khi bị sụp đổ do giá của các loại tiền điện tử khác giảm, gợi nhớ lại những trải nghiệm đầu tiên của các công cụ phái sinh vào những năm 1980. Sự nhiệt huyết của nhà đầu tư với những dự án mà không phải lúc nào họ cũng hiểu tường tận lặp lại hình thái bong bóng Internet cuối những năm 1990.

Việc FTX bị cáo buộc sử dụng tiền của khách hàng để thực hiện các giao dịch tài chính thông qua quỹ phòng hộ quay trở lại cuộc tranh luận rất cũ về giao dịch cho tài khoản riêng của ngân hàng, nổ ra sau vụ bê bối Kerviel (đặt theo tên của giao dịch viên chịu trách nhiệm cho khoản lỗ khổng lồ tại Societe Generale) và cuộc đại khủng hoảng tài chính năm 2008.
Lịch sử lặp lại. Ngay cả những người ủng hộ tiền điện tử cũng thừa nhận điều này. Nhưng theo họ, “những khó khăn này là bình thường, khi một công nghệ tiên tiến nổi lên thì sẽ xuất hiện những người chơi tìm cách tận dụng lợi thế của nó. Tuy nhiên, trong một hệ sinh thái vẫn còn đang phát triển một cách hỗn loạn thì việc lựa chọn những người chơi mạnh nhất hoặc chuyên môn hóa tốt nhất sẽ diễn ra”, theo phân tích của Yves Choueifaty, chủ tịch của Tobam – một trong số rất ít nhà quản lý tài sản truyền thống dám động đến tiền điện tử. Do vậy, đây không phải là một sự khủng hoảng hiện sinh, mà là giai đoạn khủng hoảng của một một lĩnh vực đang tìm kiếm chính mình trong giai đoạn trưởng thành.
Đưa vào quản lý là điều bắt buộc
Tuy nhiên, năm 2022 sẽ là năm đánh dấu sự thay đổi trong thế giới tiền điện tử. Các vụ phá sản như vậy không cho phép các cơ quan quản lý tài chính đứng ngoài cuộc. Những ý kiến ủng hộ việc cấm lưu hành các công cụ này đang tăng lên, chẳng hạn như thống đốc Ngân hàng trung ương Ấn Độ đang cân nhắc việc cấm các loại tiền điện tử không gắn với một loại tiền tệ ổn định như đồng USD.  Ít nhất, chúng sẽ phải được kiểm soát chặt chẽ hơn rất nhiều. 
Tại Davos, Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp, François Villeroy de Galhau, nhấn mạnh: “Vấn đề không còn là có nên hay không nên quản lý, mà chắc chắn đó là việc cần thiết”. Chủ đề này sẽ nằm trong chương trình nghị sự của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tới đây vào tháng 9/2022, do Ấn Độ chủ trì. Liên minh châu Âu (EU) cũng đã đi trước một bước với việc xây dựng quy định về “Thị trường tài sản tiền điện tử” (Markets in Crypto-Assets), việc bỏ phiếu thông qua lần cuối được dự kiến trong nửa đầu năm nay.
Tuy nhận thức được tính tất yếu của việc quản lý, nhưng các tác nhân châu Âu cũng đặc biệt lo ngại về nguy cơ mất khả năng cạnh tranh. Vấn đề thực sự là phải đảm bảo sự hài hòa của các quy định trên phạm vi quốc tế. 
Việc cấp phép cho các tác nhân ở châu Âu không có tác dụng bảo vệ người tiêu dùng châu Âu, vì họ hoàn toàn có thể tự chuyển sang các nền tảng nước ngoài nổi tiếng nhưng không được kiểm soát, đó là cảnh báo của Nicolas Louvet, tổng giám đốc của Coinhouse – Nền tảng tiền điện tử đầu tiên của Pháp được đăng ký làm Nhà cung cấp dịch vụ tài sản kỹ thuật số (PSAN) do Cơ quan quản lý thị trường tài chính Pháp cấp phép.
Bitcoin có vẻ không thể sụp đổ, nhưng hệ sinh thái của nó sẽ phải thích nghi để tiếp tục tồn tại. Nghịch lý thay, có một nhóm các tác nhân có thể tận dụng tình hình, đó là các ngân hàng truyền thống. Chuyên gia về blockchain của công ty kiểm toán KPMG Alexandre Stachtchenko xác nhận: “Những tác nhân truyền thống trong thị trường tài chính cảm thấy rằng họ có một quân bài để chơi trong cuộc khủng hoảng niềm tin hiện nay”. 
Vốn đã quen với việc đáp ứng các yêu cầu của cơ quan quản lý trong cuộc chiến chống rửa tiền, đảm bảo tài sản hoặc thậm chí quản lý thanh khoản, một số ngân hàng đang xem xét cách họ có thể hỗ trợ lĩnh vực tài sản tiền điện tử để giúp nó phát triển trên cơ sở vững chắc hơn. Tiền điện tử chưa chết, song nó sẽ phải từ bỏ nhiều ảo tưởng của mình và có thể phải nghĩ đến một sự gắn kết vì lợi ích và sự phát triển chung./.