Séc du lịch – Một phương tiện thanh toán thuận lợi

Séc du lịch – Một phương tiện thanh toán thuận lợi

Công ty American Express đã đưa séc du lịch vào sử dụng từ năm 1891. Đó là một tờ giấy thay đô la tiền mặt. Ngày nay, 65% số người đi du lịch ở nước ngoài dùng séc du lịch. Séc du lịch tiến một bước quan trọng vào năm 1979, khi Hiệp hội Visa tham dự thị trường dịch vụ thanh toán du lịch.

Về bản chất, séc du lịch là một loại séc đích danh, cho phép du khách có thể thanh toán cho các dịch vụ và hàng hoá dịch vụ mà không cần tiền mặt khi đi du lịch. Séc du lịch chỉ được đưa vào lưu thông khi ngân hàng thanh toán đã nhận được số tiền tương ứng của séc. Do đó séc du lịch được coi như một phương tiện thanh toán thuận tiện, chắc chắn như tiền mặt; có thể dùng được ở nhiều nước và an toàn, có thể thay thế khi bị rơi hoặc mất cắp.

Để nhận biết séc du lịch cần lưu ý trên séc du lịch có những nội dung cơ bản sau:

+ Tiêu đề ‘séc du lịch’ (tiếng Anh là Traveller’s cheque, tiếng Pháp là Cheque de voyage)

+ Số séc

+ Tên và biểu tượng của tổ chức phát hành

+Tên và biểu tượng của cơ sở thành viên phát hành

+ Giá trị của séc được in sẵn (thường bằng các đồng tiền mạnh trên thế giới như EUR, USD, GBP, JPY và với mệnh giá lớn hơn mệnh giá của các đồng tiền mặt).

+ Phần dành cho khách du lịch ký khi mua

+ Phần dành cho khách du lịch ký khi thanh toán

+ Thời hạn hiệu lực của séc (có thể có, có thể không)

+ Khu vực các ngân hàng trả tiền (có thể có, có thể không)

Trong quy trình lưu thông séc du lịch thường có các đối tượng tham gia như: người mua séc du lịch (thông thường là khách du lịch), cơ sở phát hành séc du lịch (thường là đại lý của các mạng thanh toán), cơ sở nhận séc du lịch (có thể là cơ sở du lịch, có thể là ngân hàng), cơ sở thu hộ séc du lịch (thường là đại lý của các mạng thanh toán).

Để đảm bảo séc du lịch được lưu thông hợp lệ và an toàn, các đối tượng có liên quan trực tiếp đến séc du lịch cần chú ý đảm bảo một số nguyên tắc nhất định.

Đối với khách du lịch, khi sử dụng séc du lịch cần chú ý đảm bảo một số nguyên tắc sau:

Khi mua séc du lịch: có thể trả bằng tiền mặt, có thể thanh toán theo hình thức chuyển khoản với giá trị của tờ séc (X) thường theo nguyên tắc X + 1%X; phải ký tên trên mỗi tờ séc (chú ý ký bằng chữ ký đơn giản).

Khi thanh toán: séc du lịch chỉ có thể được thanh toán bởi người hưởng séc, không thể chuyển nhượng được. Chủ sở hữu séc du lịch có thể thanh toán trực tiếp cho các dịch vụ, hàng hoá tại các cơ sở du lịch có nhận thanh toán bằng séc du lịch hoặc có thể đổi ra tiền mặt tại các ngân hàng là đại lý của các cơ sở phát hành séc du lịch. Để tờ séc du lịch được chấp nhận thanh toán, chủ sở hữu séc phải ký được chữ ký thứ 2 trùng khớp với chữ ký thứ nhất (đã ký khi mua séc du lịch) trước mặt nhân viên thu ngân hoặc nhân viên ngân hàng. Về nguyên tắc, khi thanh toán không mất phí, nhưng trên thực tế các cơ sở nhận thanh toán thường vẫn thu phí (commission) từ 0,5 – 2%.

Khi mất séc du lịch: trong trường hợp mất séc du lịch, chủ sở hữu phải thông báo ngay cho cơ sở phát hành séc (cũng có thể là một cơ sở đại lý của các cơ sở phát hành) để được đền bù (thường đến một giá trị nhất định). Các giấy tờ thường được yêu cầu xuất trình khi muốn đền bù cho những séc du lịch bị mất bao gồm: giấy tờ tuỳ thân có ảnh (chứng minh thư, hộ chiếu), bản tường thuật về mất séc du lịch.

Hiện nay, do được trang bị hệ thống hoàn trả rất nhanh chóng và tinh vi, nên các tổ chức phát hành có thể cấp séc du lịch thay thế trong vòng 24 giờ.

Các cơ sở nhận thanh toán séc du lịch cần chú ý đảm bảo một số nguyên tắc sau:

+ Cần đăng ký với một cơ sở là đại lý của các tổ chức phát hành để được cung cấp: mẫu séc du lịch, những chỉ dẫn thanh toán, danh sách những séc du lịch bị đình chỉ thanh toán (Current stop list).

+ Khi nhận séc du l��ch, nhân viên thu ngân tại các cơ sở du lịch hoặc nhân viên ngân hàng phải kiểm tra cẩn thận tính hợp lệ của tờ séc: hình thức không bị nhàu nát, không bị rách, bị tẩy xoá; số séc không bị nằm trong danh mục những séc du lịch bị đình chỉ thanh toán. Sau đó yêu cầu khách du lịch ký chữ ký thứ 2 trước sự chứng kiến của mình và kiểm tra chữ ký. Việc xuất trình chứng minh thư là không cần thiết, tuy nhiên các nhân viên có quyền yêu cầu khách du lịch xuất trình như là một đảm bảo khi thanh toán.

+ Trong thời hạn quy định sau khi nhận khách du lịch (thường là 7 ngày) người nhận séc du lịch gửi séc đến ngân hàng (nơi đã đăng ký), ký hậu chuyển nhượng cho ngân hàng và ngân hàng sẽ chuyển tiếp séc du lịch, chủ yếu theo hình thức nhờ thu.

Séc du lịch lưu thông tại Việt Nam Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam thường có xu hướng yêu cầu khách du lịch thanh toán bằng tiền mặt, không muốn nhận thanh toán bằng các công cụ thanh toán khác (trong đó có séc du lịch), do đó đã không tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Theo kết quả điều tra của tác giả đối với một số khách sạn và cơ sở kinh doanh lữ hành trên địa bàn Hà Nội cho thấy: về phía các cơ sở kinh doanh du lịch, việc chấp nhận thanh toán bằng séc du lịch rất hạn chế. Có những nơi hoàn toàn không chấp nhận séc du lịch. Có những cơ sở du lịch đã từng chấp nhận thanh toán bằng séc du lịch, song do đã xảy ra một số trường hợp khách du lịch sử dụng séc du lịch giả nhân viên không phát hiện ra gây thiệt hại cho doanh nghiệp nên các cơ sở đó đã ngừng chấp nhận thanh toán séc du lịch.

Về phía khách du lịch, khi đi du lịch tại Việt Nam, họ thường đổi séc du lịch ra tiền mặt tại các ngân hàng đại lý, họ không muốn thanh toán trực tiếp séc du lịch tại các cơ sở du lịch. Thực trạng đó có thể lý giải bằng một số nguyên nhân như: nhiều cơ sở du lịch tại Việt Nam không chấp nhận thanh toán bằng séc du lịch, hoặc tính hoa hồng quá cao cho khách; có nơi tính tỷ giá chuyển đổi giữa đồng ngoại tệ ghi trên séc du lịch và VND cho khách thấp hơn tỷ giá ngoài thị trường; một số cơ sở du lịch không chịu trả lại tiền thừa cho khách mà ép khách sử dụng thêm dịch vụ cho hết giá trị của séc.

Tuy việc lưu thông séc du lịch tại Việt Nam còn nhiều tồn tại như đã nêu nhưng trong thời gian tới lượng séc du lịch lưu thông tại Việt Nam chắc chắn sẽ gia tăng. Khẳng định đó được dựa trên những cơ sở sau:

+ Séc du lịch là một công cụ thanh toán an toàn nhất đối với du khách quốc tế. Khi đi du lịch ra nước ngoài du khách có thể sử dụng séc du lịch mà không cần đem theo tiền mặt, tránh được rủi ro về mất tiền mà vẫn có thể hoặc thanh toán trực tiếp với các cơ sở du lịch, hoặc đổi ra tiền mặt tại các ngân hàng đại lý của các mạng thanh toán.

+ Thực tế hiện nay cho thấy quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Lộ trình gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam đã gần tới đích. Hoạt động kinh doanh du lịch quốc tế của Việt Nam ngày một phát triển, lượng khách du lịch quốc tế vào Việt Nam ngày một gia tăng, đòi hỏi ngành Du lịch Việt Nam phải có những bước tiến vượt bậc. Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, các doanh nghiệp du lịch nước ngoài sẽ được phép kinh doanh du lịch trên lãnh thổ Việt Nam. Lúc đó, sự cạnh tranh sẽ khốc liệt đối với các doanh nghiệp Du lịch Việt Nam buộc họ phải phát triển về nhiều mặt, không ngừng hiện đại hóa để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách về nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thanh toán.

Trong thời gian tới để các cơ sở kinh doanh du lịch của Việt Nam có thể chấp nhận thanh toán séc du lịch tốt hơn, theo tôi, cần có những giải pháp cơ bản sau:

– Các nhà quản trị doanh nghiệp du lịch cần có nhận thức đúng đắn hơn về tính tất yếu khách quan của việc phát triển lưu thông séc du lịch.

– Nhân viên thu ngân của các doanh nghiệp du lịch cần được đào tạo nâng cao nghiệp vụ nhận thanh toán các công cụ thanh toán không bằng tiền mặt, trong đó có séc du lịch.

– Cần có những quy chế xử phạt nghiêm túc đối với những nhân viên trong doanh nghiệp gây khó khăn hoặc gian lận trong thanh toán séc du lịch phục vụ khách.

– Đẩy mạnh mối quan hệ giữa doanh nghiệp với các ngân hàng phát hành và thu hộ séc du lịch để có thể rút ngắn thời gian thu hộ, giảm hoa hồng thanh toán, xử lý nhanh các trường hợp bất thường có thể xảy ra…

– Doanh nghiệp cần đầu tư các trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại phục vụ cho việc nhận séc du lịch như: hệ thống máy tính nối mạng với các ngân hàng đại lý của các mạng thanh toán séc du lịch, cài đặt các chương trình phần mềm phục vụ cho việc nhận thanh toán séc du lịch,…

                                                                     TS.TRẦN MINH HÒA