Shopee đang bỏ xa Tiki, Lazada và Sendo
Tại Việt Nam, báo cáo e-Conomy SEA 2021 chỉ ra, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 31% lên 21 tỷ USD nhờ sự tăng trưởng lên tới 53% của lĩnh vực thương mại điện tử so với cùng kỳ năm ngoái, và tiếp tục đạt 57 tỷ USD vào năm 2025.
Đến năm 2030, nền kinh tế số của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 220 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa (GMV – Gross Merchandise Value), đứng thứ hai trong khu vực sau Indonesia. Đây cũng là một tiềm năng lớn cho các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam.
Thực tế, trong những năm qua, Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ cả về tỷ lệ người dân sử dụng internet cũng như số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm.
Doanh thu thương mại điện điện tử B2C liên tục tăng mạnh trong 5 năm qua. Nếu như năm 2016 đạt 5 tỷ USD thì đến năm 2019, mức doanh thu đã tăng gấp đôi, đạt hơn 10 tỷ USD và năm 2020 là 11,8 tỷ USD, với mức tăng trưởng 18% so với năm trước.
Từ khi bắt đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới với 55% trong số họ đến từ các khu vực không phải thành phố lớn.
Khảo sát nhanh cho thấy, 99% người tiêu dùng kỹ thuật số Việt Nam có ý định tiếp tục sử dụng các dịch vụ trực tuyến trong tương lai cho thấy mức độ gắn bó rất cao với các dịch vụ, sản phẩm kỹ thuật số của người dùng Việt Nam.
Tuy nhiên, “miếng bánh” thương mại điện tử sẽ không chia đều cho tất cả tay chơi, nhất là trong bối cảnh cuộc đua giành thị phần giữa các doanh nghiệp TMĐT tại Việt Nam đang ngày một trở nên khốc liệt.
Theo thống kê của iPrice Group trong Q4/2021, Shopee hiện là đơn vị dẫn đầu về sự phổ biến với gần 89 triệu lượt truy cập. Trên các mạng xã hội như: Instagram, Facebook, Youtube, sự hiện diện của ông lớn TMĐT này là rất vượt trội.
Đáng chú ý, lượng truy cập của Shopee nhiều hơn gấp đôi con số mà các đối thủ trực tiếp như Tiki, Lazada và Sendo cộng lại. Lazada hiện chỉ xếp thứ 4 với 20,6 triệu lượt truy cập, theo sau là vị trí thứ 5 của Tiki với 17,8 triệu lượt truy cập. Còn Sendo tụt xuống vị trí thứ 11 với gần 5 triệu lượt truy cập.
Dù cuộc đua TMĐT chưa ngã ngũ, nhưng có thể thấy rõ sự đuối sức từ các tay chơi nội. Tiki hiện được cho là đang “khát vốn” khi xuất hiện nguồn tin cho rằng, công ty đang đàm phán với Shinbank Bank cho một đợt đầu tư mới trị giá khoảng 40 triệu USD.
Cuối năm ngoái, Tiki đã huy động thành công 258 triệu USD trong vòng đầu tư do AIA Insurance Inc. dẫn dắt. Mục đích là nhằm mở rộng thị phần thương mại điện tử, cũng như phục vụ kế hoạch IPO trong tương lai.
Trước đó, để bổ sung dòng tiền, Tiki từng huy động 1.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành riêng lẻ, kỳ hạn 2 năm với lãi suất 13%/năm. Mức lãi suất chào bán trái phiếu của sàn thương mại điện tử Việt Nam thuộc nhóm cao nhất trên thị trường hiện nay.
Còn về phía Sendo, từ nửa cuối năm 2020 đến nay, công ty chưa thông báo thêm bất kì vòng gọi vốn nào thành công. Từng có thông tin công ty đang huy động vòng gọi vốn series D. Hoạt động này diễn ra ngay sau khi tin đồn Sendo sáp nhập với Tiki thất bại.
Đổi lại, các thương hiệu bán lẻ như Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh, FPT Shop hay CellphoneS đều có thứ hạng cao cho mình. Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh lần lượt chiếm vị trí thứ 2 và 3 trên bảng xếp hạng với 59 triệu và 24 triệu lượt truy cập. FPT Shop và CellphoneS lần lượt xếp thứ 6 và thứ 7 với 9,3 và 8,7 triệu lượt truy cập.
Theo TheLeader
Nguồn: https://theleader.vn/shopee-dang-bo-xa-tiki-lazada-va-sendo-1645375498196.htm