Sinh hoạt cộng đồng của cư dân còn nặng hình thức, ít hấp dẫn

(HNM) – Việc tham gia sinh hoạt cộng đồng của người dân được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau như tham gia quản lý cộng đồng, vui chơi giải trí… Kết quả nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho thấy, các hoạt động trên của cư dân Hà Nội chưa thu hút được người dân và còn mang nặng tính hình thức.

Nhà văn hóa, CLB chưa hấp dẫn

Theo nghiên cứu nói trên, trong tổng số 1.211 người trả lời bảng hỏi, có tới 936 người (77,3%) nói rằng họ không tham gia sinh hoạt ở nhà văn hóa lần nào trong năm. 13,1% tham gia sinh hoạt vài lần/năm, chỉ có 8% tham gia ở “mức độ hằng tháng” và 1% tham gia hằng tuần.

 

Một buổi trình diễn của CLB ca trù Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Quang Hùng

Nhiều người viện dẫn lý do không tham gia là không biết nơi sinh hoạt, địa điểm sinh hoạt không thuận lợi, không có thời gian, các loại hình sinh hoạt cộng đồng không hấp dẫn. Một lý do quan trọng khác được đưa ra, khiến nhiều người bất ngờ, là… “không có nhà văn hóa”. Chuyện tưởng như đùa ấy thực ra có thể cắt nghĩa được, lý do là bởi nhiều địa điểm, dù được định danh “nhà văn hóa” nhưng chỉ có ý nghĩa tạo không gian sinh hoạt chung, “nơi chứa” được nhiều người cùng lúc. Trong thực tế, nhiều phường, xã và khu dân cư mới chỉ được đầu tư hội trường, phòng họp dân, rất thiếu thiết bị, phương tiện cần thiết để tổ chức sinh hoạt cộng đồng đúng nghĩa. Đã thế, nhiều khi, nhà văn hóa được cho thuê tổ chức hội nghị, đám cưới… để lấy tiền trang trải cho hoạt động chung nên không còn địa điểm để sinh hoạt.

Nhà văn hóa ít người đến là vậy, với mô hình sinh hoạt mang tính nghệ thuật như CLB thơ văn, đội văn nghệ, CLB hội họa, điêu khắc… lại càng ít người tham gia. Chẳng hạn, với mô hình CLB thơ văn, chỉ có 21/1.211 người được hỏi nói rằng có tham gia, chủ yếu là nhóm người cao tuổi. Thực tế này cho thấy, hiện nay, ở cả nội, ngoại thành Hà Nội còn thiếu mô hình CLB văn học nghệ thuật hoạt động hiệu quả, rất khó thu hút người dân tham gia, vừa giao lưu thân tình vừa là để giải trí, học hỏi, qua đó có thể phát hiện và nuôi dưỡng tài năng, thúc đẩy sáng tạo văn hóa tinh thần.

Cần phải nói rằng số CLB dành cho lứa tuổi học đường hiện nay ở các địa phương còn ít. Không nhiều trường chăm chút đầy đủ cho các CLB, đội văn nghệ, CLB tiếng Anh hoặc các môn năng khiếu khác và bởi vậy, tỷ lệ học sinh tham gia còn hạn chế. Theo số liệu khảo sát, chỉ có 1,7% số em được hỏi cho biết có tham gia CLB thơ ca; 24,9% tham gia các đội văn nghệ ở địa phương hoặc nhà trường. Điều này cho thấy người lớn chưa tạo đủ điều kiện để thu hút các em vào các hoạt động xã hội, vui chơi, giúp các em cân bằng giữa việc học với các hoạt động giải trí khác nhằm phát triển con người toàn diện.

Gia đình văn hóa – còn nặng tính hình thức

Trong các hoạt động cộng đồng liên quan đến lĩnh vực văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa đã được thực hiện nhiều năm. Hoạt động này có tác dụng nhất định trong việc củng cố quan hệ gia đình, lành mạnh hóa các quan hệ xã hội trong cộng đồng và khu dân cư. Tuy nhiên, do cách tổ chức và việc sử dụng các hình thức thi đua, bình xét chậm đổi mới, chưa theo kịp với thực tiễn nên tới nay, về hiệu quả còn nhiều ý kiến đánh giá khác nhau. Chưa đến 1/3 số người được hỏi biết rõ về các tiêu chuẩn gia đình văn hóa (29,5%), 55,2% “có nghe nói” nhưng không biết rõ về các tiêu chuẩn, 15,2% không biết đến hệ tiêu chuẩn trong bản đăng ký hằng năm. Một người dân ở một xã xa nội thành cho biết: “Tôi có nghe nói, nhưng không biết thế nào là được, thế nào là không. Bằng văn hóa thì cứ nhận, các ông cứ đưa, còn tiêu chuẩn thế nào thì không biết. Trên đưa về nhà mình thì biết thế, chẳng biết bình bầu thế nào”.

Việc bình bầu danh hiệu Gia đình văn hóa ở nhiều nơi còn nặng tính hình thức. Tiêu chuẩn để bình bầu gia đình văn hóa cũng còn nhiều bất cập. Nói về tiêu chuẩn gia đình văn hóa và cách bình xét, một người dân chia sẻ: “Có gia đình chẳng may có con nghiện ma túy, năm nay gạt, sang năm gạt nữa… Nhà có con nghiện, nhưng họ chấp hành tốt thì phải xét, chứ đi cai rồi không xét gia đình văn hóa thì họ cũng dao động”.

Về trình tự thực hiện phong trào cũng có nhiều khúc mắc. Có địa phương phát động đăng ký đầu năm, bình xét cuối năm, nhưng cũng có địa phương, trưởng thôn, tổ trưởng thay mặt dân làm hết, cuối năm phát cho các gia đình giấy chứng nhận “Gia đình văn hóa”. Chính vì vậy, có không ít ý kiến cho rằng nếu làm đúng, xét chặt chẽ thì tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” không thể cao chót vót.

PGS.TS Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Gia đình và Giới cho rằng, để người dân tham gia các hoạt động sinh hoạt cộng đồng nhiều hơn nữa, các ngành liên quan cần đầu tư kinh phí, xây dựng những nhà văn hóa đa năng ở cấp phường, xã, cung cấp các trang thiết bị có thể đáp ứng yêu cầu tổ chức một số hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cơ bản. Một yếu tố khác không thể bỏ qua là đầu tư về nội dung sinh hoạt, tư vấn và hướng dẫn chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên văn hóa. Có như vậy thì hoạt động cộng đồng mới được tổ chức tốt, có tác dụng khơi dậy sức sống, đáp ứng nhu cầu người dân.