Smart Contract là gì? Cách thức hoạt động và ứng dụng của Smart Contract
Smart Contract là chương trình máy tính hay giao thức giao dịch dựa trên Blockchain. Đây là một công cụ hữu ích giúp các bên thực thi thỏa thuận mà không có sự can thiệp của bên thứ ba. Trong bài viết này hãy cùng DNSE tìm hiểu về khái niệm và cách thức hoạt động của Smart Contract nhé!
Smart Contract là gì?
Smart Contract (Hợp đồng thông minh) là một giao thức giao dịch dựa trên công nghệ Blockchain. Mục đích của hợp đồng này là thực hiện các điều khoản của hợp đồng mà không cần thông qua bên thứ ba. Nó tự động thực hiện, ghi nhớ lại hành động pháp lý của các bên giúp việc truy dấu dễ dàng hơn.
Smart Contract được dùng để tự động hóa việc thực hiện một thỏa thuận. Đồng thời nó cũng được sử dụng để kích hoạt các hành động tiếp theo khi điều kiện được đáp ứng. Các điều khoản trên hợp đồng thông minh tương đương với một hợp đồng pháp lý sử dụng ngôn ngữ máy tính.
Đặc điểm của Smart Contract
Tương tư như một hợp đồng truyền thống, Smart Contract đưa ra các điều khoản thỏa thuận. Tuy nhiên những điều khoản này được viết bằng ngôn ngữ lập trình dựa trên công nghệ Blockchain.
Nó được hình thành dựa trên ý tưởng của Bitcoin. Theo đó việc gửi và nhận tiền không cần qua trung gian mà được tự động hóa và phân cấp một cách an toàn. Nhờ đó, Smart Contract giúp tăng tính bảo mật, độ tin cậy và khả năng truy cập không biên giới.
Một Smart Contract bao gồm 4 yếu tố:
- Chủ thể hợp đồng: Là các bên trực tiếp tham gia vào hợp đồng. Trong đó có các bên được cấp quyền truy cập kiểm soát quá trình thực thi hợp đồng.
- Điều khoản hợp đồng: Là các nội dung thỏa thuận do các bên đặt ra và chấp thuận. Chúng được quy định ở dạng chuỗi và lập trình đặc biệt.
- Chữ ký số: Các bên phải thỏa thuận về chữ ký số khi tham gia Smart Contract và thực hiện các thao tác thông qua chữ ký số đó.
- Nền tảng phân quyền: Khi đã hoàn tất thỏa thuận, Smart Contract được tải lên nền tảng Blockchain để tiếp tục phân phối và lưu trữ dữ liệu.
Smart Contract hoạt động như thế nào?
Hiểu một cách đơn giản, Smart Contract hoạt động tương tự như máy bán nước tự động. Khi bạn bỏ tiền vào và lựa chọn đồ uống, nó sẽ tự động đưa cho bạn món bạn cần. Hay nếu món đó đã hết, máy có thể báo bạn thay đổi lựa chọn hoặc nhận lại tiền. Có thể thấy việc mua hàng từ máy bán nước này hoàn toàn tự động mà không cần đến sự can thiệp của bên thứ ba.
Smart Contract cũng vậy, nó giúp việc thực thi một hợp đồng diễn ra tự động. Để viết một hợp đồng thông minh có thể sử dụng nhiều loại ngôn ngữ lập trình. Chẳng hạn như Solidity, Web Assembly hay Michelson.
Dựa trên những câu lệnh “if/ when … then …” và được mã hóa trên Blockchain, Smart Contract sẽ thực hiện các hành động khi đáp ứng đủ các điều kiện cho trước. Đó có thể là hành động gửi thông báo, đăng ký phương tiện, thanh toán tiền,… Sau cùng, nó sẽ cập nhật dữ liệu về việc giao dịch đã hoàn tất.
Khi thực hiện Smart Contract, các bên sẽ không thể tự ý thay đổi giao dịch. Đồng thời chỉ những bên được cấp quyền mới có thể xem được kết quả. Vì vậy, những điều khoản phải được cân nhắc kỹ càng và tính đến tất cả các ngoại lệ và tranh chấp có thể xảy ra.
Ưu và nhược điểm của Hợp đồng thông minh
Ưu điểm
- Nhanh chóng, hiệu quả: Khi một điều kiện được đáp ứng, Smart Contract được thực hiện ngay lập tức. Bởi vì nó được tự động hóa, không phải xử lý thủ tục giấy tờ theo cách thủ công.
- Tin cậy và minh bạch: Hợp đồng thông minh được thực hiện mà không có bên thứ ba tham gia. Đồng thời các bản ghi giao dịch được mã hóa và chia sẻ công khai giữa những người tham gia. Vì thế, hợp đồng hạn chế được ảnh hưởng của lợi ích cá nhân.
- Bảo mật: Hồ sơ giao dịch được mã hóa trên Blockchain nên được đảm bảo gần như tuyệt đối. Việc thay đổi thông tin rất phức tạp và khó khăn vì các bản ghi được kết nối với nhau trên chuỗi.
- Tiết kiệm: Smart Contract loại bỏ sự tham gia của các bên trung gian trong việc xử lý các giao dịch. Nhờ thế có thể giảm được chi phí phát sinh so với hợp đồng truyền thống.
Nhược điểm
Khi Smart Contract được thực hiện, những dữ liệu trong hợp đồng hầu như không thể thay đổi. Đây có thể là trở ngại khi các bên đồng thuận muốn thay đổi một số nội dung. Việc sửa chữa cũng gặp nhiều khó khăn do tính bảo mật cao và việc hạn chế tác động của bên thứ ba.
Một số ứng dụng của Smart Contract
Trong cuộc sống ngày nay, Smart Contract đang được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực. Nhiều doanh nghiệp lớn đã nghiên cứu và áp dụng hợp đồng thông minh trong hoạt động của mình.
- Ứng dụng trong thương mại quốc tế: Các doanh nghiệp trên thế giới có thể tham gia vào các hệ sinh thái tài chính để thực hiện các hợp đồng thông minh. Chẳng hạn mạng tài chính thương mại we.trade do IBM Blockchain điều hành cho phép các doanh nghiệp thực hiện các giao dịch thông minh được tiêu chuẩn và đơn giản hóa.
- Kết nối nhà bán lẻ và nhà cung cấp: Những tranh chấp giữa nhà cung cấp và nhà bán lẻ có thể được giải quyết nhanh chóng thông qua Smart Contract. Công ty Home Depot là một ví dụ. Công ty đã áp dụng hợp đồng thông minh trong giao dịch với nhà cung cấp. Nhờ đó, họ minh bạch hóa thỏa thuận, rút ngắn thời gian và xây dựng được liên hệ bền vững hơn với bên cung cấp.
- Ứng dụng trong giao dịch tiền kỹ thuật số: Smart Contract giúp việc giao dịch tiền ảo trở nên mượt mà, tránh can thiệp của bên thứ ba. Nhờ đó, việc trao đổi tránh được vấn đề gian lận, bảo mật kém. Đồng thời nó giúp hạn chế những rắc rối về pháp lý. Sự ra đời của hợp đồng thông minh đã giúp quá trình mua bán tiền kỹ thuật số diễn ra nhanh chóng và tốn ít nhân lực hơn.
Kết
Smart Contract ra đời đã khắc phục nhiều hạn chế của hợp đồng truyền thống. Sự phát triển nhanh chóng của loại hợp đồng này sẽ giúp cho hoạt động thương mại quốc tế diễn ra hiệu quả và an toàn hơn. Đừng quên theo dõi DNSE để biết thêm nhiều thông tin đầu tư bổ ích nhé!