Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế

Tự làm thiết bị dạy học

TS. LÊ KHÁNH TUẤN
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế

1. Tự làm thiết bị dạy học – một hoạt động sư phạm

Thiết bị dạy học với tư cách là một loại phương tiện, giữ vai trò không thể thay thế trong mối quan hệ giữa 3 phạm trù nội dung, phương pháp, phương tiện; quyết định chất lượng của hoạt động dạy học. Thiết bị dạy học tự làm, ngoài các chức năng của một loại thiết bị dạy học thông thường, còn bao chứa những ý nghĩa kinh tế và ý nghĩa sư phạm sâu sắc khác. Chúng tôi cho rằng, những ý nghĩa đó nằm trong bản thân hoạt động tự làm thiết bị dạy học.

Theo quan điểm lý luận dạy học của I.Ia.Lecne, chúng ta thử tiếp cận hoạt động tự làm thiết bị dạy học từ cấu trúc văn hoá của nó. Có 4 yếu tố cơ bản trong cấu trúc văn hoá được hình thành, đó là:

– Tự làm thiết bị dạy học mang đến cho thầy giáo và học sinh một lượng tri thức nhất định. Muốn làm ra một thiết bị, không những thầy và trò phải nghiên cứu kỹ nội dung bài giảng liên quan, mà còn phải hiểu biết về quy trình chế tạo ra nó, hiểu biết về các công năng phải tạo ra, hiểu biết về vật liệu… Nhờ vậy mà một lượng tri thức mới được bổ sung.

– Hệ thống kỹ năng, kỹ xảo cũng được phát triển nhờ việc tự tìm tòi, chế tạo, tạo ra các thao tác và sử dụng chúng.

– Phương pháp hoạt động sáng tạo được phát huy thông qua việc tìm tòi về cấu trúc, mẫu mã, tính thích ứng của các thiết bị…

– Cuối cùng là thông qua tự làm thiết bị dạy học, thái độ của thầy, trò đối với con người, thế giới, đối với lao động cũng được thay đổi, hướng đến những chuẩn mực tiến bộ. Tinh thần hợp tác, sự tận tụy với công việc, lòng yêu nghề, mến trẻ… qua đó cũng được củng cố.

Ngoài các yếu tố sư phạm kể trên, tự làm thiết bị dạy học còn có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế, giúp bổ sung một lượng lớn thiết bị hàng năm mà ngân sách Nhà nước chưa đủ điều kiện để đáp ứng; tận dụng được một khối lượng lớn vật liệu đáng ra đã bị thải loại.

Như vậy, trong quản lý giáo dục, cần phải xem tự làm thiết bị dạy học là một hoạt động sư phạm quan trọng để đặt đúng vị trí của nó trong kế hoạch công tác của ngành, của nhà trường. Đồng thời để chỉ đạo khai thác hết các ý nghĩa cả về mặt sư phạm học, lẫn kinh tế học mà hoạt động này đem lại. Hay nói cách khác, tự làm thiết bị dạy học cũng là một hoạt động nằm trong các hoạt động giảng dạy và giáo dục của nhà trường, không thể xem nhẹ.

2. Biện pháp tổ chức thực hiện

Để hiện thực hoá các ý tưởng đó, trong tổ chức thực hiện cần có một hệ thống các biện pháp đồng bộ, có kế hoạch cụ thể để chỉ đạo toàn diện như là một hoạt động chuyên môn thường xuyên của nhà trường. Ngoài khai thác yếu tố kinh tế, cần tập trung để đạt được hiệu quả sư phạm theo 4 yếu tố của cấu trúc văn hoá mà hoạt động này mang lại. Các biện pháp chủ yếu là:

– Nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý các cấp, của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và các lực lượng trong nhà trường về tầm quan trọng, cũng như hiệu quả của hoạt động tự làm thiết bị dạy học đem lại. Hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho họ để khai thác triệt để các lợi ích.

– Đưa vào kế hoạch chỉ đạo chung của ngành, yêu cầu các đơn vị trường học triển khai thực hiện thường xuyên trong suốt năm học.

– Các phòng ban chuyên môn hướng dẫn phương thức triển khai thực hiện từ đầu mỗi năm học, xem đây là một hoạt động sư phạm được tổ chức dưới sự phối hợp của cả 3 môi trường giáo dục: nhà trường, gia đình, xã hội. Những nội dung cơ bản cần quán triệt đến các cơ sở giáo dục là:

+ Thực hiện phải có sự tham gia của giáo viên và học sinh.

+ Tuyên truyền để gia đình học sinh biết được mục đích, ý nghĩa của tự làm TBDH và động viên họ đóng góp về công sức, vật liệu, ý tưởng; vận động những phụ huynh tài năng cùng tham gia.

+ Tổ chức các buổi sinh hoạt, các diễn đàn cho giáo viên, học sinh tham gia vào việc đề xuất các ý tưởng thiết kế, đề đạt yêu cầu, nguyện vọng về các nội dung liên quan, khích lệ tinh thần sáng tạo và thói quen tìm cách giải quyết thấu đáo các vấn đề gặp phải. Đó chính là cách giáo dục tính sáng tạo.

+ Giao cho tổ chức Đoàn, Đội phát động các phong trào để hưởng ứng, ví dụ: thu nhặt các vật liệu, bao bì đã qua sử dụng để làm TBDH; tổ chức diễn đàn đóng góp ý tưởng về các mẫu thiết bị dạy học…

– Định kỳ hàng năm hoặc 2 năm một lần tổ chức các hội thi và triển lãm các TBDH tự làm để nhìn nhận, tổng kết các hoạt động. Việc tổ chức các hội thi TBDH tự làm cần phải được tính toán toàn diện để đạt hiệu quả cao; ít nhất phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:

+ Hội thi phải được tổ chức tốt ở cấp cơ sở (cấp trường), sau đó chuyển tiếp lên cấp huyện, cấp tỉnh và cấp quốc gia. Tại mỗi hội thi có đánh giá, tổng kết và trao thưởng cho cả giáo viên và học sinh.

+ Tiêu chí chấm điểm thiết bị cần nhất quán ở các cấp độ thi, ít nhất cũng phải đánh giá được các nội dung: tính sư phạm (khả năng truyền tải nội dung, khả năng trực quan hoá, đổi mới phương pháp khai thác, dễ sử dụng và có thể sử dụng được nhiều bài…); tính sáng tạo (có nhiều yếu tố sáng tạo trong thiết kế, chế tạo…); tính mỹ thuật (đẹp, phù hợp với tâm lý lứa tuổi…); tính kinh tế (vật liệu dễ kiếm, giá thành rẻ hơn thiết bị cùng loại có trên thị trường…).

+ Chú ý đa dạng loại hình thiết bị, trong đó chú trọng ứng dụng CNTT và sử dụng các phương tiện nghe nhìn hiện đại một cách hợp lý.

– Cuối cùng là thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiệu quả sử dụng; quá trình duy tu, bảo dưỡng, bảo quản thiết bị để phát huy tác dụng.

3. Một số kết quả đạt được

Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế đã xem tự làm TBDH là một hoạt động thường xuyên và kiên trì chỉ đạo thực hiện. Giai đoạn từ năm 2000 đến nay đã định kỳ tổ chức hội thi thiết bị dạy học tự làm cấp tỉnh 2 năm 1 lần. Qua 4 kỳ hội thi đã có trên 6.000 thiết bị dự thi ở cấp cơ sở. Ở cấp tỉnh, có 1.040 thiết bị dự thi, trong đó có 310 thiết bị đoạt giải. Riêng về giáo án điện tử, qua 4 lần thi có 2.980 giáo án dự thi, 770 giáo án được chọn đưa lên mạng để dùng chung, 300 giáo án xuất sắc đã được trao giải.

Năm học 2007 – 2008 hội thi TBDH tự làm đã được tổ chức ở tất cả các cấp bậc học từ mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, đến giáo dục KTTHHN-DN; tổ chức rộng khắp ở các môn học và từ cơ sở, cấp huyện với gần 2000 sản phẩm dự thi. Vòng chung kết cấp tỉnh đã được tổ chức vào tháng 3/2008. Cụ thể đã có các hội thi như sau:

– Hội thi đồ dùng, đồ chơi và các ứng dụng CNTT từ chương trình Kidsmart của bậc mầm non. Tại Hội thi cấp tỉnh, có 178 bộ sản phẩm dự thi, kết quả có 38 bộ sản phẩm đạt giải.

– Thi TBDH tự làm của tất cả các môn học ở ngành học phổ thông (tiểu học, THCS, THPT). Tại Hội thi cấp tỉnh có 328 thiết bị dự thi, 138 đạt giải. Có 4 phòng GD&ĐT được khen thưởng về phong trào tự làm đồ dùng dạy học; 2 phòng GD&ĐT miền núi được khen thưởng vì có nhiều thành tích vượt khó để tổ chức các hội thi và tham gia tại hội thi cấp tỉnh; 7 đơn vị được khen thưởng về gian trưng bày đẹp tại hội thi cấp tỉnh.

– Thi TBDH tự làm của các trung tâm GDTX: ở cấp tỉnh có 14 bộ thiết bị dự thi, trong đó 6 bộ đạt giải.

– Hội thi sáng chế đồ dùng dạy học của các trung tâm KTTHHN-DN. Tại hội thi cấp tỉnh có 178 bộ sản phẩm dự thi, 38 bộ đạt giải.

– Hội thi giáo án điện tử của ngành học phổ thông. Tại hội thi cấp tỉnh có 950 giáo án dự thi, được chọn để phổ biến 300 và trao thưởng 200.

4. Năm bài học kinh nghiệm

– Để hoạt động tự làm TBDH đạt hiệu quả cao, thu được đầy đủ các lợi ích vốn có của nó, các cấp quản lý cần chỉ đạo thống nhất để khai thác không chỉ hiệu quả kinh tế, mà quan trọng là phải khai thác triệt để hiệu quả sư phạm theo cách tiếp cận 4 yếu tố của cấu trúc văn hoá đã nêu ở trên.

– Thực sự xem tự làm thiết bị dạy học là một hoạt động sư phạm quan trọng của nhà trường và khai thác triệt để sự tham gia của các lực lượng ở cả ba môi trường giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội; trong đó coi trọng sự tham gia trực tiếp của cả giáo viên và học sinh.

– Tài năng, sức sáng tạo, sự tận tâm của đội ngũ nhà giáo và CBQLGD là rất lớn, rất đáng trân trọng; nếu biết khai thác tốt, đó là một sức mạnh. Thực tế cho thấy một số TBDH tự làm có hàm lượng chất xám rất cao, có thể sản xuất hàng loạt để sử dụng rộng rãi; một số sáng kiến cải tiến tính năng của thiết bị hiện rất có giá trị trong thực tiễn…

– Cần phải biết động viên sự tận tâm để phát huy tài năng của đội ngũ, vì một thực tế cho thấy: ở ngành học mầm non đời sống cán bộ khó khăn hơn, nhưng sự tâm huyết, tận tâm và sáng tạo trong tự làm TBDH lại có sự khác biệt so với các cấp học cao hơn. Phải tìm được điểm “gút” ở chỗ này !

– Tự làm TBDH là một hoạt động. Do đó, khi triển khai nó, các cấp quản lý cần phải thực hiện đầy đủ, có kế hoạch các chức năng quản lý từ khâu lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, đến kiểm tra, giám sát, đánh giá.

5. Một số kiến nghị

– Kiến nghị Bộ GD&ĐT đưa nội dung “tự làm TBDH” thành một hoạt động sư phạm chính thức của nhà trường và từ nay không dùng từ “phong trào” khi nói đến hoạt động này nữa.

– Để động viên, khuyến khích và hỗ trợ việc tự làm thiết bị dạy học của CBGV, kiến nghị Nhà nước ban hành một số chính sách sau:

+ Những thiết bị dạy học tự làm được đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả cao, cho phép tổ chức thẩm định lại chi phí để nhà trường mua lại theo một mức giá tượng trưng, mang tính hỗ trợ chi phí tự làm. Việc làm này đạt 2 mục đích: 1). Động viên, hỗ trợ một phần chi phí, giảm bớt khó khăn cho người làm; 2). Chuyển thiết bị sang trạng thái sở hữu nhà nước để quản lý.

+ Các thiết bị tự làm xuất sắc, có khả năng ứng dụng đại trà được hỗ trợ cấp bằng sáng chế, bằng sở hữu trí tuệ, kiểu dáng và đưa vào danh mục thiết bị chính thức để sản xuất hàng loạt.

– Tổ chức nghiên cứu, ban hành các chuẩn, các quy định về ứng dụng CNTT trong chức năng thay thế thiết bị dạy học để áp dụng chung cả nước. Ví dụ: mức độ, phạm vi ứng dụng CNTT như thế nào là vừa, là hợp lý; nên chăng ngừng việc sản xuất một số thiết bị cồng kềnh, chóng hỏng, giá thành cao (tranh ảnh, bản đồ các loại…) để thay thế vào đó là các bộ đĩa CD, DVD gọn nhẹ, sử dụng lâu, dễ lưu trữ; mà khi dùng lại có thể sử dụng các tính năng của CNTT để khai thác được dễ hơn, sâu hơn, trực quan hơn ?…

L.K.T