Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Đồng Tháp

Tin tức

Vai trò của di sản văn hóa Óc Eo ở Gò Tháp trong nghiên cứu lịch sử và văn hóa Nam bộ

Như một số địa phương khác ở Nam bộ, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cũng ghi nhận được nhiều di tích thuộc nền văn hóa Óc Eo, tập trung chủ yếu ở 02 huyện: Tân Hồng và Tháp Mười. Trong đó, ở di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp (huyện Tháp Mười) là nơi có di sản văn hóa Óc Eo tập trung và dày đặc nhất. Các kết quả nghiên cứu về di sản văn hóa Óc Eo ở Gò Tháp trong thời gian qua đã góp phần làm rõ một số vấn đề liên quan đến lịch sử và văn hóa ở Nam bộ vào những thế kỷ đầu Công nguyên.

Thứ nhất, Di sản văn hóa Óc Eo ở Khu di tích Gò Tháp góp phần bổ sung những tư liệu quý cho nghiên cứu lịch sử vùng đất Nam bộ vào những thế kỷ đầu Công nguyên. Cụ thể là nó cung cấp những “mảnh ghép lịch sử” về chính trị nước Phù Nam qua vị Thái tử Gunavarman (vị Thái tử được vua cha cho trị vì vùng đất sùng đạo chinh phục từ đầm lầy) được ghi lại trong minh văn của tấm bia ký K5 được tìm thấy tại Khu di tích Gò Tháp.

Bia ký K5 hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh. Nội dung bia ký K5 cho biết: Thái tử là con của vua Phù Nam Jayvarman và hoàng hậu Kulaprabhavati. Theo ghi chép trong Lương Thư thì Jayavarman làm vua Phù Nam trong khoảng thời gian từ năm 470 – 513 và được vua Lương Võ Đế (502 – 557) phong “An Nam tướng quân Phù Nam vương” vào năm 503. Như vậy, có thể xác định rằng: Thái tử Gunavarman được sinh ra và lớn lên trong nửa cuối thể kỷ thứ V đầu thế kỷ thứ VI (Paul Pelliot 1903:21). Các tài liệu sử học còn cho biết vào năm 514, khi vua Jayavarman băng hà thì một người anh cùng cha khác mẹ với thái tử Gunavarman là Rudravarman (con của vua Jayavarman và thứ phi) đã giết thái tử Gunavarman để chiếm ngôi báu. Sau cái chết của Ngài, Hoàng hậu Kulaprabhavati rất đau buồn và bà đã rời bỏ hoàng cung để đi tu tại một ngôi đền ở TaKeo (phía Tây Nam của vương quốc Campuchia ngày nay). Đến năm 550, một người thuộc phe Thái tử Gunavarman chiếm kinh đô Đặc Mục (Vyadhapura) giết Rudravarman và lên làm vua. Nhân cơ hội này, với danh nghĩa trả thù cho Rudravaman, vua Chân Lạp là Bhavavarman (cháu của Rudravaman cưới công chúa Chân Lạp và trở thành vua nước này) đã tiến đánh và chiếm kinh đô Vyadhapura. Vua Phù Nam phải chạy xuống phía Nam, lập triều đình lưu vong tại Na Phất Na (Naravaragara). Năm 627 kinh đô Na Phất Na thất thủ, vương quốc Phù Nam bị diệt vong (Trần Đức Cường (chủ biên) 2016:75). Như vậy, Thái tử Gunavarman bị người anh trai giết chết để chiếm ngai vàng chính là một trong những nguyên nhân sâu xa đẩy nước Phù Nam lâm vào tình trạng khủng hoảng chính trị, dẫn đến suy vong và diệt vong.

Bên cạnh đó, di sản văn hóa Óc Eo ở Gò Tháp cung cấp những bằng chứng cho sự tồn tại của một trung tâm tín ngưỡng, tôn giáo của nền văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, có niên đại cách ngày nay trên dưới 1.500 năm.  Từ kết quả điều tra, khảo sát, thăm dò và khai quật tại Khu di tích Gò Tháp từ sau ngày thống nhất đất nước đến nay, các nhà khảo cổ học đã phát hiện hàng chục di tích kiến trúc tôn giáo, tín  ngưỡng như: đền thần, ao thần, giếng thần, đường đi cùng nhiều di tích cư trú, xưởng chế tác,… trong đó tiêu biểu như: Di tích đền thần Vishnu di tích Gò Tháp Mười (nơi các nhà khảo cổ học đã phát hiện được hai tượng thần Vishnu (đã được Thủ tướng Chính Phủ công nhận là Bảo vật quốc gia)), di tích đền thần Mặt trời phía Nam chùa Tháp Linh, di tích đền thần Mặt trời Gò Bà Chúa Xứ, di tích đền thần Shiva Gò Minh Sư, di tích đền thần Shiva phía tây Chùa Tháp Linh, di tích đền nữ thần Uma phía Tây Gò Minh Sư, di tích Đìa Phật – Đìa Vàng,… Nhiều di tích ao thần cũng được phát hiện như: ao thần Gò Tháp, ao thần Gò Minh Sư, ao thần Gò Tháp Mười đã góp phần tư liệu cho nghiên cứu loại hình kiến trúc tôn giáo thời văn hóa Óc Eo ở Nam bộ. Bên cạnh đó, nhiều bộ sưu tập hiện vật độc đáo của cư dân văn hóa thời Óc Eo cũng được tìm thấy ở Khu di tích Gò Tháp, đã có 02 tượng thần Vishnu được công nhận là Bảo vật Quốc gia, hơn 30 pho tượng Phật gỗ và gần 400 hiện vật vàng các loại. Nổi bật nhất trong số đó là 49 hiện vật nguyên vẹn có tổng trọng lượng 16 chỉ, 8 phân, 51 ly, có niên đại từ khoảng thế kỷ thứ III đến thế kỷ thứ VII, đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Bộ sưu tập hiện vật vàng Văn hóa Óc Eo – Gò Tháp nhiều nhất Việt Nam” vào ngày 24/11/2014. Các kết quả nghiên cứu khảo cổ về di tích và di vật khảo cổ ở Khu di tích Gò Tháp trong thời gian qua đã chứng minh được Khu di tích Gò Tháp là nơi lưu giữ gần như khá nguyên vẹn và dày đặc các di sản của nền văn hóa Óc Eo, góp phần minh chứng cho tính toàn vẹn và tính xác thực của di sản văn hóa Óc Eo ở Nam bộ. Đồng thời, Khu di tích Gò Tháp cũng được đánh giá là di tích đặc biệt quan trọng trong quần thể các di tích văn hóa Óc Eo ở Nam bộ.

Thứ hai, di sản văn hóa Óc Eo ở Gò Tháp đã cung cấp thêm tư liệu để mở ra một hướng nghiên cứu mới về các di tích kiến trúc trong văn hóa Óc Eo ở Nam bộ. Trong thời gian gần đây, di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp đã được các nhà khảo cổ học Việt Nam khai quật nhiều lần, mỗi lần khai quật lại phát hiện thêm nhiều kiến trúc và di vật mà trước đây chưa tìm thấy. Song song đó, các nghiên cứu so sánh liên ngành ở trong và ngoài nước về di sản văn hóa Óc Eo được công bố ngày càng nhiều. Tất cả những điều kiện thuận lợi đó đã cung cấp nền tảng cho một hướng tiếp cận mới, một hướng nghiên cứu mới về các loại hình di tích, di vật của nền văn hóa Óc Eo trong đó có loại hình di tích “mộ hỏa táng” nhằm nhận thức chúng một các khoa học và chính xác hơn. Các di tích “mộ hỏa táng” ở Khu di tích Gò Tháp đã được các nhà khảo cổ học nhận định lại là các ngôi đền Hindu giáo (Đặng Văn Thắng và Võ Thị Huỳnh Như (2012):71). Những thành tựu này sẽ là nền tảng cho các nghiên cứu so sánh với các kiến trúc có cùng tính chất trong các quần thể di tích văn hóa Óc Eo Nam bộ nói chung nhằm làm sáng tỏ các vấn đề nhận thức còn chưa đồng nhất khi nghiên cứu về các di tích kiến trúc trong văn hóa Óc Eo ở Nam bộ. Từ đó, có cái nhìn cụ thể và chính xác hơn về đời sống tinh thần của người dân thời văn hóa Óc Eo đồng thời cũng thấy được vai trò của tôn giáo, tín ngưỡng đối với đời sống tinh thần của họ.

Khách tham quan di tích đền thần mặt trời thuộc nền văn hóa Óc Eo ở Khu di tích Gò Tháp

Thứ ba, di sản văn hóa Óc Eo ở Gò Tháp gợi mở một cách lý giải mới về tên gọi “Đồng Tháp Mười”. Như chúng ta đã biết, danh từ “Đồng Tháp Mười” dùng chỉ một địa danh vùng trũng được bao quanh bởi các giồng đất cao ven biên giới Việt Nam – Campuchia, thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích hàng ngàn hecta, trải rộng trên ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp. Đồng Tháp Mười tuy không phải là địa danh hành chính nhưng nó đã trở thành địa danh quen thuộc. Để lý giải nguồn gốc địa danh Đồng Tháp Mười, có nhiều giả thuyết chủ yếu là xoay quanh 3 thành tố cấu thành, cụ thể danh từ Đồng mang ý nghĩa là đồng ruộng, cánh đồng; Tháp là danh từ, mang ý nghĩa là ngôi tháp; Mười là số đếm: dùng để chỉ con số 10. Đến nay, các nhà khảo cổ đã  phát hiện ở Khu di tích Gò Tháp (nơi được xem là trung tâm của toàn vùng Đồng Tháp Mười) có tổng cộng 14 ngôi đền của Hindu giáo (chính là ngôi các tháp cổ theo cách gọi của người Việt), có niên đại khác nhau, được xây dựng từ thế kỷ II. Cho nên, con số mười ở đây được xác định chính là con số chỉ chung cho số nhiều đền/tháp của văn hóa Óc Eo tại Khu di tích Gò Tháp. Trong trường hợp này, con số mười không mang ý nghĩa định lượng mà mang ý nghĩa ước lượng, chỉ số nhiều ở mức hàng một chục. Bởi có thể người ta án chừng có 10 tháp nằm ở giữa cánh đồng, trên các gò đất cao mà người dân đặt tên là Gò Tháp. Hay cũng có thể lúc mới gọi, người ta chỉ dự định khoảng 10 cái tháp, chứ không như hiện nay có 14 cái tháp đã được phát hiện và có thể sẽ còn phát hiện thêm nữa. Do đó, có thể có người gọi: “Đồng Mười Tháp” nhưng cách gọi này khi phát âm bị “trắc” nên người ta gọi lại :“Đồng Tháp Mười” để chỉ cánh đồng có “Tháp” với số lượng là mười cái, nhưng cách phát âm này rất thuận miệng và dễ nhớ. Cứ như thế quen dần với mọi người, trở thành địa danh: “Đồng Tháp Mười” quen thuộc và nổi tiếng (Nguyễn Hữu Lý 2016:237). Như vậy, di sản văn hóa Óc Eo ở Khu di tích Gò Tháp đã cung cấp cơ sở thực tiễn cho cách lý giải mới về địa danh Đồng Tháp Mười.

Nói tóm lại, di sản văn hóa Óc Eo ở Khu di tích Gò Tháp chính là những minh chứng thuyết phục để làm rõ hơn, đầy đủ hơn những giá trị của nền văn hóa Óc Eo – một nền văn hóa mang bản sắc riêng và độc đáo, tồn tại rất sớm ở Nam bộ từ những thế kỷ đầu công nguyên bởi vì nó chính những bằng chứng cụ thể, sinh động nhất, là tiếng vọng trực tiếp của quá khứ đến thế hệ hôm nay và mai sau. Các di sản này đã có những đóng góp nhất định, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề trong nghiên cứu lịch sử, văn hóa vùng đất Nam bộ từ những thế kỷ đầu Công nguyên đến nay./.

Tài liệu tham khảo

1. Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp 2016. Gò Tháp – Di tích quốc gia đặc biêt, tái bản lần 2, có sửa chữa, bổ sung. Nxb. Văn hóa – Văn nghệ.

2. Đặng Văn Thắng và Võ Thị Huỳnh Như 2012. Trung tâm tôn giáo Gò Tháp (Đồng Tháp). Khảo cổ học, số 6/2012. Nxb. Công ty in Thủy Lợi, tr.71-90.

3. Nguyễn Hữu Lý 2016. Vì sao có địa danh Đồng Tháp Mười và Gò Tháp? Gò Tháp Di tích quốc gia đặc biêt, tái bản lần 2, có sửa chữa, bổ sung. Nxb. Văn hóa – Văn nghệ, tr.231-238.

4. Trần Đức Cường (chủ biên) 2016. Lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Nam bộ (từ khởi thủy đến năm 1945). Nxb. Khoa học Xã hội.

6. Phùng Quốc Danh 2019. Thái tử Gunavarman qua tư liệu khảo cổ học. Đồng Tháp Đất và Người, tập 5. Nxb. Đồng Nai, tr.264-270.

7. Paul Pelliot 1903. Le Fou – nan (nước Phù Nam). Bản dịch của Lê Thước năm 1963, thư viện Bảo tàng Lịch sử Tp. Hồ Chí Minh.

Phùng Quốc Danh