Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình: Nhiều kết quả nổi bật sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU
(CLO) Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XXI về công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đến nay công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực.
(CLO) Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XXI về công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đến nay công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Trong những năm qua, công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đã được các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, sâu rộng, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, quan điểm phát triển văn hóa, con người Ninh Bình ngày càng sâu sắc; đã tăng cường trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa bằng các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch cụ thể, huy động các nguồn lực về vật chất, con người, cơ chế, chính sách để thực hiện cơ bản đạt và vượt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết đã đề ra đến năm 2020.
Trụ sở làm việc của Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình
Theo đó, trong thời gian qua, môi trường văn hóa cũng được địa phương chú trọng xây dựng; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng phát triển thực chất hơn, hình thành môi trường văn hóa lành mạnh ở cả trong gia đình, nhà trường và xã hội, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống.
Chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, văn nghệ được nâng cao; các giá trị di sản và di tích lịch sử văn hóa, truyền thống văn hóa tốt đẹp được bảo tồn, tôn tạo, phát huy; đời sống tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.
Văn hóa trong chính trị và kinh tế được chăm lo; vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, việc chấn chỉnh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng văn hóa công sở, cải cách hành chính,… được tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến tích cực.
Doanh nghiệp, doanh nhân, các đơn vị, cá nhân sản xuất, kinh doanh có ý thức tôn trọng, thực thi pháp luật, bảo vệ môi trường, tích cực thực hiện trách nhiệm với xã hội. Công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể dục, thể thao có bước phát triển; công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng; thể trạng, tầm vóc con người Ninh Bình có bước cải thiện.
Những kết quả trên từng bước đưa văn hóa, con người Ninh Bình thực sự trở thành mục tiêu, động lực phát triển kinh tế – xã hội; phát huy các đặc trưng của con người Ninh Bình: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, thân thiện, hiền hòa, thanh lịch, mến khách; hướng tới chuẩn mực con người văn minh, hiện đại, trí tuệ, bản lĩnh, tự tin, đột phá, dám nghĩ, dám làm, có ý chí vươn lên mạnh mẽ để đáp ứng thời kỳ hội nhập và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU còn những khuyết điểm, hạn chế như: Tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống, các tệ nạn xã hội, các biểu hiện thiếu văn minh trong kinh doanh, giao tiếp ứng xử có chiều hướng gia tăng. Nhiều giá trị chuẩn mực truyền thống chưa được coi trọng; phong trào xây dựng gia đình, khu dân cư, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp văn hóa còn mang tính hình thức, chạy theo số lượng, chưa chú trọng nhiều đến chất lượng.
Bên cạnh đó, chất lượng các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa tuy đã được nâng lên nhưng chưa theo kịp thời kỳ bùng nổ thông tin và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ. Một số thiết chế văn hóa chưa phát huy hiệu quả hoạt động. Các loại hình nghệ thuật mang bản sắc văn hóa truyền thống địa phương chưa được phát huy giá trị, nhất là trong việc phục vụ du lịch…
Để việc thực hiện Nghị quyết đạt được nhiều kết quả tích cực hơn nữa, trong thời gian tới, Tỉnh ủy Ninh Bình đã đặt ra một số những nhiệm vụ, giải pháp như: Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của cả hệ thống chính trị thực hiện quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, con người; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, có sự gắn bó mật thiết giữa gia đình, nhà trường và xã hội; Xây dựng con người Ninh Bình phát triển toàn diện; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật, hoàn thành đầu tư xây dựng các công trình văn hóa công cộng đang triển khai, đầu tư xây dựng các công trình, thiết chế văn hóa mới đảm bảo thiết thực, tránh lãng phí; Tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa hình thức, nội dung, tăng cường thời gian, thời lượng, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình; Tiếp tục củng cố, kiện toàn, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa từ tỉnh đến cơ sở…
PV