So sánh “Điều ước quốc tế” và “Tập quán quốc tế” – Luật sư Online

So sánh điều ước quốc tế và tập quán quốc tế: Điều ước quốc tế và tập quán quốc tế mặc dù là hai nguồn của Luật quốc tế nhưng chúng có một số điểm giống và khác nhau. Mặc dù có sự khác biệt nhưng điều ước quốc tế và tập quán quốc tế có mối liên hệ với nhau và tác động qua lại mang tính biện chứng…

1. Những điểm giống nhau giữa Điều ước quốc tế và Tập quán quốc tế

Điều ước quốc tế và tập quán quốc tế giống nhau ở 04 điểm chính:

1.1. Về chủ thể

Chủ thể của điều ước quốc tế và tập quán quốc tế đều là chủ thể của luật quốc tế. Chủ thể ký kết và thực hiện điều ước quốc tế về phương diện pháp luật quốc tế là các quốc gia độc lập có chủ quyền, các tổ chức quốc tế liên chính phủ, các dân tộc đang đấu tranh giành quyền tự quyết và các vùng lãnh thổ có quy chế pháp lý đặc biệt.

1.2. Về nội dung

Cả điều ước quốc tế và tập quán quốc tế đều chứa đựng các quy tắc xử sự có chức năng điều chỉnh các quan hệ phát sinh giữa các chủ thể của luật quốc tế.

1.3. Về cơ sở hình thành

Điều ước quốc tế và tập quán quốc tế đều hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa các chủ thể của Luật quốc tế. Thỏa thuận chính là bản chất của luật quốc tế, trên cơ sở cân nhắc về lợi ích của chính mình mà các chủ thể của Luật quốc tế ký kết, tham gia các điều ước quốc tế, cũng như áp dụng một tập quán quốc tế nào đó. Tuy nhiên, nếu có sự thỏa thuận để ký kết các điều ước quốc tế luôn là sự thỏa thuận trực tiếp, thông qua quá trình đàm phán, ký kết giữa các chủ thể luật quốc tế thì thỏa thuận thừa nhận các quy tắc tập quán quốc tế là sự thỏa thuận “ngầm” và được mặc nhiên thừa nhận trong thực tiễn quan hệ quốc tế.

1.4. Về hiệu lực pháp lý

Khi đã được các chủ thể của luật quốc tế ký kết hoặc thừa nhận áp dụng để điều chỉnh các quan hệ quốc tế thì điều ước quốc tế và tập quán quốc tế đều có hiệu lực pháp lý bắt buộc đối với các chủ thể của luật quốc tế..

So sánh "Điều ước quốc tế" và "Tập quán quốc tế"So sánh "Điều ước quốc tế" và "Tập quán quốc tế"

2. Những điểm khác nhau giữa Điều ước quốc tế và Tập quán quốc tế

Điều ước quốc tế và tập quán quốc tế khác biệt ở 03 điểm chính:

2.1. Về phương thức hình thành

Nếu điều ước quốc tế được hình thành dựa trên sự thỏa thuận, bình đẳng của hai hay nhiều chủ thể của Luật quốc tế thông qua quá trình đàm phán, ký kết rất chặt chẽ gồm đàm phán, soạn thảo và thông qua văn bản điều ước, ký, phê chuẩn hoặc phê duyệt thì tập quán quốc tế ra đời thông qua quá trình hình thành áp dụng lâu dài, ổn định và thống nhất.

Tập quán quốc tế có nguồn gốc đa dạng. Nó có thể được hình thành từ nghị quyết của tổ chức quốc tế, từ tiền lệ, từ các hành vi pháp lý đơn phương của quốc gia, từ thực tiễn thực hiện điều ước quốc tế phổ cập chứa đựng các quy phạm luật quốc tế chung, có sự tham gia của đại đa số các quốc gia trên thế giới.

2.2. Về hình thức

Nếu hình thức của Điều ước quốc tế là văn bản – nguồn thành văn, các công ước, hiệp ước, hiệp định, hòa ước, thỏa tước, nghị định thư, hiến chương, quy chế,…

Thì Tập quán quốc tế chủ yếu lại là những quy tắc xử sự “bất thành văn” . Mặt khác, tập quán quốc tế cũng có thể là những quy tắc xử sự được ghi nhận trong một số văn kiện, được các quốc gia không phải là thành viên thừa nhận hiệu lực pháp lý bắt buộc đối với mình với tư cách là tập quán pháp lý quốc tế.

2.3. Về giá trị áp dụng

Về phương diện lý luận, điều ước quốc tế và tạp quán quốc tế đều có giá trị pháp lý như nhau. Tuy nhiên, áp dụng loại quy phạm nào của luật quốc tế là tùy thuộc vào từng lĩnh vực và từng mối quan hệ cụ thể, từng sự ràng buộc cụ thể có tính chất pháp lý của mỗi quốc gia với loại quy phạm đó.

Trong thực tiễn quan hệ giữa các quốc gia, đôi khi xuất hiện trường hợp một quan hệ xã hội cụ thể lại được điều chỉnh bởi cả quy phạm điều ước và quy phạm tập quán. Trong trường hợp này, các chủ thể của luật quốc tế sẽ áp dụng quy phạm điều ước hay quy phạm tập quán? Về vấn đề này từ trước đến nay chưa có quan điểm thống nhất.

Trong thực tiễn các quốc gia thường ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế. Bởi lẽ, mặc dù điều ước quốc tế và tập quán quốc tế đều là nguồn cơ bản của luật quốc tế song ý chí của các chủ thể luật quốc tế thể hiện trong điều ước quốc tế thể hiện rõ ràng hơn, minh bạch hơn và ở mức độ ràng buộc trách nhiệm pháp lý cao hơn so với ý chí thể hiện trong tập quán quốc tế.

Mặt khác, điều ước quốc tế là những quy phạm thành văn do các bên trực tiếp thỏa thuận xây dựng nên bằng một trình tự pháp lý rất chặt chẽ nên các quyền và nghĩa vụ của các bên được quy định một cách cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện so với các quy phạm tập quán. Hơn nữa, trong quá trình thực hiện các điều ước quốc tế, các quốc gia có thể thỏa thuận sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ điều ước quốc tế đã ký kết trên cơ sở phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của các bên. Cuối cùng, trong quá trình thực hiện điều ước quốc tế nếu phát sinh tranh chấp thì chính văn bản điều ước quốc tế là chứng cứ pháp ly có giá trị thuyết phục để giải quyết tranh chấp trước các cơ quan tài phán quốc tế (trong trường hợp các quốc gia lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng Tòa án Công lý quốc tế hoặc trọng tài quốc tế). Từ những phân tích ở trên, có thể kết luận rằng, điều ước quốc tế có giá trị áp dụng để điều chỉnh quan hệ quốc tế ưu thế hơn so với tập quán quốc tế.

Mặc dù có những khác biệt nêu trên nhưng điều ước quốc tế và tập quán quốc tế có mối liên hệ, tác động qua lại mang tính biện chứng. Điều này thể hiện qua sự phát triển của luật quốc tế, với nhiều quy phạm tập quán được thay thể hoặc phát triển thành quy phạm điều ước. Cụ thể, trong quá trình xây dựng các điều ước quốc tế có rất nhiều các quy phạm tập quán được các nhà làm luật tập hợp và pháp điển hóa thành các quy phạm điều ước.

Ví dụ: Các qui định về chế độ “đi qua không gây hại” của tàu thuyền nước ngoài trong vùng nội thủy theo Công ước về Luật Biển của LHQ năm 1982; Các quy định về ngoại giao và lãnh sự tại các điều ước quốc tế đều có nguồn gốc hình thành từ các tập quán quốc tế.

Ngược lại, điều ước quốc tế cũng tác động và ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của tập quán quốc tế. Sự tác động này thường xuất phát từ các điều ước quốc tế phổ cập.

Ví dụ: Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982, Công ước Vienna năm 1961 về quan hệ ngoại giao, Công ước Vienna năm 1963 về quan hệ lãnh sự,… được đại đa số các quốc gia tham gia nhưng cũng còn một số quốc gia không tham gia hoặc chưa tham gia (quốc gia thứ ba). Thực tế cho thấy, các quốc gia thứ ba này thường sẽ vận dụng các quy phạm điều ước quốc tế và coi đó là những quy phạm pháp lý ràng buộc với mình như là những tập quán quốc tế./.

Nguồn: Fanpage Luật sư Online – iluatsu.com

Chia sẻ bài viết:

Xổ số miền Bắc