So sánh Incoterms 2000 và Incoterms 2010


So sánh Incoterms 2000 và Incoterms 2010 ra sao? Xin chào Quý Ban biên tập. Em là sinh viên khoa Luật trường Đại học Mở TP.HCM. Học kỳ này em đang học môn Luật Thương mại quốc tế, trong đó khi tìm hiểu đến các điều khoản thương mại quốc tế (Incoterms), một vài vấn đề em chưa nắm rõ, mong được giải đáp. Cho em hỏi, giữa Incoterms 2000 và 2010 có sự giống và khác nhau như thế nào? Em có thể tham khảo thêm nội dung này ở đâu? Rất mong sớm nhận được phản hồi từ các chuyên gia. Em xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe! Thanh Hiên (hien***@gmail.com)

Đối với thắc mắc của bạn, trước hết cần xác định, Incoterms (viết tắt của International Commercial Terms – Các điều khoản thương mại quốc tế) là một bộ các quy tắc thương mại quốc tế được công nhận và sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Incoterm quy định những quy tắc có liên quan đến giá cả và trách nhiệm của các bên (bên bán và bên mua) trong một hoạt động thương mại quốc tế.

Incoterms quy định các điều khoản về giao nhận hàng hoá, trách nhiệm của các bên: Ai sẽ trả tiền vận tải, ai sẽ đảm trách các chi phí về thủ tục hải quan, bảo hiểm hàng hoá, ai chịu trách nhiệm về những tổn thất và rủi ro của hàng hoá trong quá trình vận chuyển…, thời điểm chuyển giao trách nhiệm về hàng hoá.

Sau Incoterms 2000 thì cho đến thời điểm hiện nay, Incoterms 2010 là phiên bản mới nhất của Incoterm, bao gồm 11 điều kiện, là kết quả của việc thay thế bốn điều kiện cũ trong Incoterms 2000 (DAF, DES, DEQ, DDU) bằng hai điều kiện mới là DAT và DAP, có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2011.

Căn cứ vào các điều khoản của hai phiên bản Incoterms, chúng ta có thể so sánh hai phiên bản này như sau:

– Giống nhau:

+ Đều có 07 điều kiện thương mại: EXW, FAS, FOB, CFR, CIF, CPT, CIP;

+ Khuyến cáo áp dụng phương tiện thủy đối với các điều kiện: FAS, FOB, CFR, CIF;

+ Áp dụng với các loại phương tiện vận tải và giao nhận vận tải đa phương thức đối với các điều kiện: CPT, CIP, DDP;

+ Cả Incoterms 2000 và Incoterms 2010 đều không phải là luật. Các bên có thể áp dụng hoàn toàn, hoặc có thể áp dụng một phần, nhưng khi áp dụng ghi rõ trong hợp đồng ngoại thương, những điều áp dụng khác đi nhất thiết phải mô tả kỹ trong hợp đồng ngoại thương.

– Khác nhau:

+ Về số điều kiện thương mại: Incoterms 2000 quy định 13 điều kiện, chia thành 04 nhóm, tới phiên bản Incoterms 2010 rút gọn còn 11 điều kiện và được chia thành 02 nhóm;

+ Về cách thức phân nhóm các điều kiện: Incoterms 2000 phân nhóm dựa theo chi phí giao nhận vận tải và địa điểm chuyển rủi ro còn Incoterms 2010 phân nhóm theo tiêu chí hình thức và phương tiện vận tải;

+ Về nghĩa vụ bảo đảm an ninh hoàng hóa: Incoterms 2000 không quy định còn Incoterms 2010 có quy định bao gồm: A2/B2; A10/B10;

+ Về khuyến cáo nơi áp dụng Incoterms: Incoterms 2000: áp dụng trong hoạt động thương mại quốc tế còn Incoterms 2010 khuyến cáo áp dụng trong hoạt động thương mại quốc tế và nội địa, các khu ngoại quan;

+ Về quy định đối với chi phí liên quan: Incoterms 2000 quy định không cụ thể còn Incoterms 2010 quy định khá rõ: A4/B4 & A6/B6;

+ Các điều kiện thương mại DAF, DES, DEQ, DDU: Incoterms 2000 có còn Incoterms 2010 không có;

+ Các điều kiện thương mại DAT, DAP: Incoterms 2000 không quy định còn Incoterms 2010 có quy định;

+ Nơi chuyển rủi ro của điều kiện FOB, CFR, CIF:  Incoterms 2000 quy định ở lan can tàu còn Incoterms 2010 quy định nơi chuyển rủi ro là hàng xếp xong trên tàu;

+ Quy định phân chia chi phí khi kinh doanh theo chuỗi (bán hàng trong quy trình vận chuyển): Incoterms 2000 quy định còn Incoterms 2010 quy định.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về so sánh sự giống và khác nhau giữa hai phiên bản điều khoản thương mại quốc tế Incoterms 2000 và Incoterms 2010. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo trực tiếp tại văn bản quy định các điều khoản cụ thể của hai phiên bản này.

Trân trọng!