So sánh Luật đất đai của năm 2003 và Luật đất đai năm 2013 ?

Bài viết dưới đây của chúng tôi trả lời câu hỏi khách hàng sau: “Kính chào Luật sư. Mong Luật sư giúp tôi trả lời câu hỏi sau: So sánh sự giống và khác nhau những quy định chung về quy hoạch sử dụng đất giữa luật đất đai của năm 2003 và luật đất đai 2013.”

Khách hàng: Kính chào Luật sư. Mong Luật sư giúp tôi trả lời câu hỏi sau: So sánh sự giống và khác nhau những quy định chung về quy hoạch sử dụng đất giữa luật đất đai của năm 2003 và luật đất đai 2013. 

Cảm ơn!

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật đất đai công ty luật Minh Khuê.

Luật sư tư vấn luật đất đai gọi: 1900.6162

Trả lời:

Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Căn cứ pháp luật cần được sử dụng trong bài viết: 

– Luật đất đai (năm 2013)

– Luật đất đai năm 2013

 

 

1. Nguyên tắc lập quy hoạch sử dụng đất

Giống nhau: Luật đất đai của năm 2003 và Luật đất đai năm 2013 mang quy định những nguyên tắc chung đó là: 

“1. Phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh;

2. Được lập từ tổng thể đến chi tiết; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp trên; kế hoạch sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, xét duyệt;

3. Sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả;

4. Khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường;

5. Bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh;

7. Dân chủ và công khai”

Khác nhau:

Luật đất đai năm 2013 bổ sung những quy định quan trọng:

Tại Khoản 2 Điều 35: “Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia phải bảo đảm tính đặc thù, liên kết của các vùng kinh tế – xã hội; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải thể hiện nội dung sử dụng đất của cấp xã”.

 Tại Khoản 7 Điều 35:“Bảo đảm ưu tiên quỹ đất cho mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, an ninh lương thực và bảo vệ môi trường”.

 Tại Khoản 8 Điều 35:“Quy hoạch, kế hoạch của ngành, lĩnh vực, địa phương có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt”.

 

2. Căn cứ và nội dung lập quy hoạch sử dụng đất

Giống nhau: 

Về căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất: Luật đất đai của năm 2003 và Luật đất đai năm 2013 đều quy định những căn cứ chung và tiên quyết để lập quy hoạch sử dụng đất đó là: 

1. Chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước; quy hoạch phát triển của các ngành và các địa phương;

2. Điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và nhu cầu của thị trường;

3. Hiện trạng sử dụng đất và nhu cầu sử dụng đất;

4. Kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất kỳ trước.

5. Tiến bộ khoa học và công nghệ có liên quan đến việc sử dụng đất;

Về nội dung lập quy hoạch sử dụng đất: Luật đất đai của năm 2003 và Luật đất đai năm 2013 đều quy định về một số nội dung cơ bản trong lập quy hoạch sử dụng đất như sau:

1. Định hướng, đánh giá tiềm năng đất đai

2. Xác định các chỉ tiêu, mục tiêu sử dụng đất

3. Xác định diện tích các loại đất

4. Giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất

Khác nhau:

Về căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất: Luật đất đai của năm 2003 và Luật đất đai năm 2013 đều quy định những căn cứ với ý nghĩa và tinh thần như nhau, tuy nhiên câu chữ theo từng thời kỳ là khác nhau nhưng vẫn thể hiện đúng quan điểm của các nhà làm luật. Về phần căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất hầu hết là không có những điểm khác nhau đáng kể

Về nội dung lập quy hoạch sử dụng đất: 

 1.Luật đất đai năm 2013 đã có những quy định đầy đủ, rõ ràng căn cứ và nội dung lập quy hoạch sử dụng đất của từng cấp nhằm khắc phục được những khó khăn khi lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định riêng cho từng cấp để vừa đảm bảo tính chặt chẽ, khoa học, vừa đáp ứng được yêu cầu quản lý của từng cấp; đảm bảo nguyên tắc “Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia phải bảo đảm tính đặc thù, liên kết của các vùng kinh tế – xã hội; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải thể hiện nội dung sử dụng đất của cấp xã”.

2. Điểm đổi mới đặc biệt và có tính đột phá trong nội dung lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong Luật đất đai năm 2013 là tại Điểm c Khoản 4 Điều 40 quy định cụ thể “Nội dung kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện”. Trong đó quy định: “Xác định vị trí, diện tích đất phải thu hồi để thực hiện công trình, dự án sử dụng đất vào mục đích quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật này trong năm kế hoạch đến từng đơn vị hành chính cấp xã. Đối với dự án hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn thì phải đồng thời xác định vị trí, diện tích đất thu hồi trong vùng phụ cận để đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án nhà ở, thương mại, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh”. Đồng thời Luật cũng quy định tại Điểm đ Khoản 4 Điều 40:“Lập bản đồ kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện” để thể hiện được công trình, dự án này.

Chính việc đổi mới này của Luật đất đai năm 2013 trong việc quy định nội dung lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện làm cơ sở thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất gắn với nhu cầu sử dụng đất trong năm của các ngành, lĩnh vực, của các cấp, phù hợp với khả năng đầu tư và huy động nguồn lực, khắc phục lãng phí trong việc giao đất cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư.

3. Để tránh chồng chéo trong quy hoạch, Luật Đất đai năm 2013 đã quy định mối liên kết giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch đô thị trên địa bàn quận tại Khoản 5 Điều 40, cụ thể là: “Đối với quận đã có quy hoạch đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì không lập quy hoạch sử dụng đất nhưng phải lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm; trường hợp quy hoạch đô thị của quận không phù hợp với diện tích đã được phân bổ trong quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thì phải điều chỉnh quy hoạch đô thị cho phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh”

 

3. Lấy ý kiến về quy hoạch sử dụng đất

Đây là nội dung được bổ sung mới trong Luật Đất đai năm 2013 và được quy định tại Điều 43, trong đó quy định: “Cơ quan có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là cơ quan tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng; hình thức, nội dung và thời gian lấy ý kiến nhân dân đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của từng cấp; việc xây dựng báo cáo tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân và hoàn thiện phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trước khi trình Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cơ quan tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng thực hiện. Ngoài ra, nhằm đảm bảo tính khả thi của của việc lấy ý kiến, nâng cao vai trò, ý nghĩa của việc lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Luật còn giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này”

 

4. Thẩm quyền phê duyệt quy hoạch sử dụng đất

Giống nhau: 

1. Quốc hội có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia

2. Chính phủ xét duyệt quy hoạch sử dụng đất của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xét duyệt quy hoạch sử dụng đất của đơn vị hành chính cấp dưới trực tiếp.

Khác nhau:

1. Luật đất đai của năm 2003 có quy định khác biệt về thẩm quyền của UBND cấp huyện được xét duyệt quy hoạch sử dụng đất của xã quy định tại khoản 4 Điều 25 của Luật này ( khoản 4 Điều 26)

Luật đất đai năm 2013 lại quy định: Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện ( khoản 3 Điều 46)

2. Nhằm nâng cao trách nhiệm trong việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đảm bảo quản lý chặt chẽ và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai Luật Đất đai năm 2013 bổ sung quy định tại Khoản 3 Điều 45: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất quy định tại khoản 3 Điều 62 của Luật này trước khi phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện”. Với quy định như vậy sẽ tránh được tình trạng tùy tiện trong việc điều chỉnh các dự án.

 

5. Tư vấn lập quy hoạch sử dụng đất

Luật Đất đai năm 2013 bổ sung thêm một điều về “Tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất” (Điều 47) nhằm chấn chỉnh và chuyên môn hóa các tổ chức, cá nhân hoạt động tư vấn quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, góp phần nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

 

6. Thực hiện quy hoạch sử dụng đất

Giống nhau:

Trong vấn đề này, Luật đất đai năm 2013 đã kế thừa gần như toàn bộ các quy định của Luật đất đai của năm 2003 mà không làm mất đi bản chất của các điều luật

Khác nhau:

1. Luật đất đai năm 2013 bổ sung điểm mới quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất; tại Khoản 2 Điều 49 đã quy định cụ thể:“Trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật”.

2. Để khắc phục những khó khăn, bất cập trong việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất tại thời điểm kết thúc kỳ quy hoạch sử dụng đất mà quy hoạch sử dụng đất kỳ mới chưa được phê duyệt, cụ thể Khoản 4 Điều 49 quy định: “Khi kết thúc kỳ quy hoạch sử dụng đất mà các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất chưa thực hiện hết thì vẫn được tiếp tục thực hiện đến khi quy hoạch sử dụng đất kỳ tiếp theo được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt”. Nội dung đổi mới này nhằm tạo điều kiện cho việc thực hiện các dự án đầu tư không bị đình trệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

=> Kết luận: Trên đây là toàn bộ những điểm giống và kháu nhau cơ bản về những quy định chung của vấn đề quy hạch sử dụng đất được quy định trong Luật đất đai (năm 2003) và Luật đất đai năm 2013. 

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

Mọi vướng mắc bác vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật đất đai qua Emailđể nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận Luật sư tư vấn luật đất đai.

Xổ số miền Bắc