So sánh Tết xưa và nay – Hệ thống Trường Tây Úc
Tết như bước ngoặt, khép lại một năm này và mở ra một năm khác. Tết trong trong tâm niệm của mỗi người là dịp để gia đình sum vầy. Tuy nhiên ngày nay quan niệm đó không còn sâu sắc như trước nữa.Có những phong tục tập quán đang nhạt dần và nhiều người không còn háo hức chờ đón cái Tết như xưa nữa. So sánh Tết xưa và nay chúng ta có một sự tiếc nuối cho những truyền thống đậm chất Việt Nam, tuy nhiên nhiều người trẻ lại thấy thích thú. Vì vậy, sự khác biệt này đáng vui hay đáng buồn là do cảm nhận của mỗi người.
1. Sự chuẩn bị
Tết xưa là những nỗi lo toan kéo dài suốt cả năm trời. Đầu giêng, những bà mẹ nông thôn ra vườn dặm những bụi dong để Tết còn có lá mà gói bánh chưng. Rồi đến tháng ba lo ấp mấy đàn gà con để Tết giết thịt hay bán đi mua quần áo mới cho lũ trẻ. Đến tháng 10, tháng 11 mùa gặt dành ra một ít gạo, đậu để Tết gói bánh. Đầu tháng chạp tất bật với vại dưa hành và từ sau lễ tiễn ông Công ông Táo thì tít mù với chợ búa sắm sang, dọn dẹp nhà cửa, tất bật với bánh trái, lợn gà.
Những bà mẹ ở thành phố cũng không kém phần bận rộn, cũng chờ những con gà, con vịt được người thân ở quê biếu tặng. Những phiếu thịt phiếu đường cũng được tính toán thật kĩ để Tết lũ trẻ được ăn uống ngon lành, tươm tất. Những ngày Tết cũng đi mua sắm nhộn nhịp hay chung nhau nấu nồi bánh chưng ngay trong sân chung cư.
Khác hẳn với hình ảnh đó, ngày nay những nỗi lo toan được giảm đi rất nhiều.Có lẽ những gì người ta nghĩ đến là kiếm tiền tiêu Tết. Chẳng còn những cảnh nuôi lợn, nuôi gà cũng chẳng rỗi rãi chuyện gia đình tấp nập ngồi lại gói bánh, gói chả giò. Gần Tết, họ lên danh sách những thứ cần mua và đi siêu thị, đi chợ sắm Tết, thậm chí nếu không muốn xếp hàng chờ đợi tính tiền ở siêu thị nhiều người online trên mạng, alo một cú điện thoại đã có ngay một cái Tết tươm tất. Những nàng dâu thời nay cũng không lo lắng cảnh mẹ chồng thử tay nghề làm gà, soạn cỗ cúng giao thừa bởi mọi thứ đều có thể đặt sẵn.
2. Những nét đẹp truyền thống
Ngày xưa cuộc sống còn nghèo khó nhưng những bà mẹ luôn cố gắng để mang lại một cái Tết ấm áp, đầy đủ cho chồng con. Các em còn nhỏ háo hức vì được mặc quần áo đẹp, được ăn những món ngon thường ngày không có, được nhận những đồng lì xì mới cứng. Tết xưa, sân nhà đầy những xác pháo hồng, bóng bay, vỏ kẹo nhưng mẹ không cho quét vì kiêng. Tết là dịp gia đình sum vầy, người người nhà nhà đều mong muốn Tết để về bên gia đình, với những người kém may mắn mới phải tha hương vào ngày 30 và mồng một tết.
Tết nay dường như lũ trẻ mất hẳn niềm vui hóng Tết bởi đã được ăn ngon mặc đẹp quanh năm, nếu có cũng chỉ là mong Tết để được nghỉ học đi du lịch. Những bao lì xì khiến chúng háo hức, tuy nhiên mức độ cũng giảm bởi các em không còn thiếu thốn như xưa.Tết nay việc đốt pháo bị cấm kị mà thay vào đó là tối giao thừa mỗi tỉnh đều tổ chức bắn pháo bông. Tại các thành phố lớn người dân đổ xô ra đường chung vui đón giao thừa. Nhiều gia đình ở nhà xem ti vi, đón giao thừa với mâm cỗ, bánh trái, đồ ăn…. Ngày nay việc ăn uống ngày Tết dường như ai cũng sợ, cũng ngán vì bình thường họ vẫn có đủ những món ăn ngon. Tết nay không chỉ ngược xuôi những chuyến đi về của công nhân, sinh viên về quê ăn Tết mà còn là những chuyến đi xa của những người dư giả muốn khám phá vùng đất mới. Khái niệm “tha hương” không còn mang những nỗi ngậm ngùi mà có thêm những sắc thái trải nghiệm thú vị. Nhiều gia đình còn lựa chọn những chuyến du lịch dài ngày thay vì sum họp gia đình như xưa.
Tết xưa và nay vui vẻ hay buồn tẻ là trong cách cảm nhận của mỗi người. Với những người già đó có thể là một sự nuối tiếc vì những truyền thống văn hóa đậm chất Việt Nam đang bị mai một còn với những người trẻ có thể là sự vui vẻ thích thú vì được dành thời gian Tết cho những chuyến du xuân… Tết đến, mỗi người một cảm xúc, nhưng hòa trong không khí đó là niềm hân hoan, hạnh phúc trong vòng tay của gia đình, bè bạn.
My Lăng